thuong-ly-1-thichtruyenvn.jpg

Thương Ly

Tác giả: Tuyết Linh Chi

Chuyên mục: Truyện Ngôn Tình

Chương: 45 | Full

Nguồn: Sưu tầm

Đọc Truyện

thuong-ly

THƯƠNG LY - MỘT CÂU CHUYỆN BUỒN NHƯ NHỮNG VẦN THƠ

Em có nghe Thương Ly, trong giấy ngà thổn thức

Em có nghe rạo rực, hình ảnh kẻ tình si, gây bao điều dị nghị

Em có nghe Thương Ly

Ai khiến ai lỡ dở

Gió cuối đông nức nở

Cuốn phận người bay đi


Trong vài tiếng đồng hồ cuối cùng tôi cũng đọc xong cuốn “Thương ly” của Tuyết Linh Chi.

Ngay từ đầu truyện đã có cảm xúc man mác, khẽ nhói lòng.

Câu chuyện về một cô công chúa “mồ côi”, thất thế – Mỹ Ly bị giam cầm nơi An Ninh điện đổ nát thê lương trong 2 năm. Hai năm ấy đã biến một cô bé hồn nhiên, bướng bỉnh, ngổ ngáo thành một thiếu nữ nhu mì, nết na, biết phép tắc. Và hai năm ấy cũng giết chết mối tình suốt thuở ấu thơ, mối tình hết lòng với vương gia Tĩnh Hiên – một con người lạnh lùng, kiêu ngạo.

Những năm non trẻ, ngông cuồng, nàng chẳng coi ai ra gì vì phía sau luôn có hoàng thái hậu đứng sau nâng đỡ, khi đó trong mắt, trong trái tim nàng chỉ có duy nhất Tĩnh Hiên, si mê tới nỗi không cần thể diện, sống chết bám lấy Tĩnh Hiên mọi lúc mọi nơi, khiến chàng ta phát sợ, thấy phiền hà, và ghét bỏ. Nơi nào có Mỹ Ly, Tĩnh Hiên nhất định sẽ né tránh bằng được, chàng ta sợ thứ tình cảm Mỹ Ly dành cho mình, thẳng thắn, trơ trẽn tới nỗi biến chàng ta trở thành câu chuyện trà dư tửu hậu từ trong cung đến ngoài cung, bởi ai ai cũng biết Mỹ Ly thích Tĩnh Hiên, sẽ chỉ lấy Tĩnh Hiên. Cho tới khi để thu hút sự chú ý của Tĩnh Hiên, nàng đã ăn cắp con ngựa quý của chàng ta, lao vun vút trên đường. Chính ngày hôm đó vô tình lao ngựa vào một bà lão, gây nên cái chết khiến nàng day dứt khôn nguôi. Nàng những tưởng Tĩnh Hiên sẽ đứng ra bảo vệ, xin hoàng thượng giảm tội, nào ngờ chính Tĩnh Hiên là người gián tiếp đưa nàng vào lãnh cung chỉ vì chàng ta không muốn cưới nàng.

Hai năm mòn mỏi chờ đợi. Hai năm biết tình người ấm lạnh. Sau hai năm, đã là một Mỹ Ly khác hoàn toàn.

Nàng đã không còn là cô công chúa yếu ớt, trói gà không chặt. Nhờ vào An Ninh điện “xách liền mấy thùng nước” ấy, giờ đây đến cung tên nữ nhân khác không giương nổi, còn nàng lại có thể kéo căng gãy cả cây cung. Một nàng công chúa sẵn sàng nhặt chiếc bánh rơi trên bàn ăn tiếp, thản nhiên đáp trả khi bị dè bỉu: “Đúng rồi, An Ninh điện ba ngày mới được ăn thịt một lần, ta ăn thấy rất ngon…”.

Một nàng công chúa không dám ngủ mỗi đêm vì cơn ác mộng nàng đã trải qua khi An Ninh điện bị cháy, thản nhiên đối diện để người khác nhìn thấy vết bỏng xấu xí nơi cánh tay trắng mịn.

Một nàng công chúa có thể tự mình phơi chăn màn, giặt giũ quần áo, vì sao ư?

Vì những tháng ngày dài đằng đẵng nơi lãnh cung không biết làm gì, niềm vui của nàng chính là việc cách ngày mang chăn, màn ra giặt.

Một tiểu công chúa lại chủ động xới cơm cho Thừa Nghị, công việc lẽ ra của người hậu kẻ hạ. Ngẫm thật đắng cay, một tiểu công chúa đội trời đạp đất, kiêu căng, ngạo mạn, giờ đây không còn chút vẻ cao quý, kênh kiệu.

Tôi nhớ hình ảnh: Khi mới vào An Ninh điện, lúc ấy nàng vẫn chưa biết Tĩnh Hiên chính là kẻ đổ dầu vào lửa, đẩy nàng vào lãnh cung, nàng vẫn mong chờ chàng ghé thăm. Tử Tình lén mang “kẹo tống tử”- thứ nàng thích nhất đến, nàng vẫn ôm ấp hy vọng đó là Tĩnh Hiên nhờ Tử Tình đưa cho nàng. Tới khi biết nguyên nhân phải vào lãnh cung của mình, tới khi Tử Tình òa khóc bảo nàng đừng si mê, đừng tự hành hạ bản thân nữa, lúc đó viên kẹo cho vào miệng sao mà đắng ngắt, bỏ thêm viên nữa vẫn thấy đắng. Chôn viên kẹo dưới góc tường, nàng mới tin vào hiện thực.

Tôi nhớ hình ảnh nàng viết lên hòn đá: “Tĩnh Hiên” “đến thăm” “Mỹ Ly”; “Tĩnh Hiên” “đưa đi” “Mỹ Ly”… Đó là những hy vọng, mong chờ mỏi mắt của nàng trong những ngày tháng nơi cấm cung lạnh lẽo. Nhưng đáp lại sự chờ đợi chính là nỗi thất vọng hoài mong.

Tôi nhớ cả hình ảnh cung An Ninh rực cháy, chẳng ai buồn quan tâm xem nàng công chúa ấy ở đâu, nàng thu lu trong góc, khi ấy nàng rất mong Tĩnh Hiên chạy tới, ôm lấy nàng vào lòng, chỉ cần một cái ôm thôi, song thứ nàng có được chỉ là sự thất vọng. Từ đó nàng không còn mong chờ hay hy vọng gì ở Tĩnh Hiên nữa. Nàng đã hoàn toàn buông tay với mối tình tuyệt vọng này.

Lãnh cung dạy cho nàng biết rất nhiều điều, phép tắc, lễ nghi, đối nhân xử thế… Nàng trở nên nhu mì, dịu dàng, đoan trang, đúng người con gái mà Tĩnh Hiên mong muốn lấy về làm vợ. Vậy mà lúc này chàng ta lại nhung nhớ người con gái trước kia. Người con gái dùng mọi khổ nhục kế để thu hút ánh nhìn của chàng, người con gái bất chấp phép tắc thông thường quấn lấy chàng, người con gái mặt dày không buông tha cho chàng… Thế nhưng nàng bây giờ lại chẳng còn chút hy vọng gì ở chàng ta nữa. Sau thất vọng, tuyệt vọng đối với tình người, tình yêu, thứ nàng muốn chỉ là một người chồng, một mái ấm gia đình, một cuộc sống bình yên. Nàng hiểu cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, không nơi nương tựa. Nàng ghen tị với những đứa trẻ có cha, có mẹ yêu thương.

Vô tình gặp Vĩnh Hách, chàng trai tuổi mới đôi mươi, có đôi mắt trong trẻo, ngây thơ, không nhuốm bụi trần, nhưng lại vô cùng nồng nhiệt. Sự quan tâm từng chút từng chút đã làm ấm trái tim nguội lạnh của Mỹ Ly. Cuối cùng nàng cũng có người để dựa dẫm, để chia sẻ. Người đã xót xa khi nhìn Mỹ Ly bị thương ở tay, mím môi chịu đựng khi thái y băng bó cho nàng. Người đã tặng những cuốn truyện cười để nàng bớt cô quạnh trong những đêm dài không dám ngủ. Người đã khiến Mỹ Ly tìm lại nụ cười hạnh phúc… Chàng trai ấy đã đem lại tình yêu, niềm hy vọng về một gia đình. Oan trái ở chỗ ước mơ nhỏ nhoi ấy bị Tĩnh Hiên cướp mất.

Vị vương gia ngày xưa lạnh lùng, khó chịu khi bị nàng bám riết, nay trở nên bực mình vì bị nàng phớt lờ và nhói lòng khi nhìn nàng dịu dàng tươi cười với Vĩnh Hách. Chàng ta dùng mọi cách để có được nàng, kể cả mang tính mạng của Vĩnh Hách ra uy hiếp. Cuối cùng nàng trở thành vợ lẽ của Tĩnh Hiên.

Nhận ra tình yêu của mình dành cho Mỹ Ly, Tĩnh Hiên hy vọng dùng thời gian còn lại bù đắp và tìm lại trái tim nàng. Có điều yêu càng sâu, hận càng đậm. Hai người cứ dằn vặt nhau bởi quá khứ, một người không dám yêu, một người không dám tin.

Ngay cả khi Mỹ Ly sinh con, Tĩnh Hiên cũng cho rằng đó là con của Vĩnh Hách bởi đêm đầu của nàng không có máu, nàng lại sinh non khi nghe tin Vĩnh Hách tử trận. Nàng không giải thích, nàng biết có giải thích chàng cũng chẳng tin. Cứ như vậy tình cảm của nàng dành hết cho con. Dù Tĩnh Hiên yêu nàng, đối xử tốt với nàng, vì nàng, chàng không để Tô Doanh – chính thê của mình có cơ hội gây khó dễ cho Mỹ Ly.

Phận vợ lẽ, con thứ suy cho cùng bao giờ cũng thiệt thòi, khi nàng cảm thấy thương con, bản thân bất lực, nàng đã bật khóc và lần đầu tiên cũng là lần duy nhất nàng nói với Tĩnh Hiên “Doãn Khác là con ruột của chàng…”.

Chàng đồng ý yêu cầu của nàng là để Doãn Khác làm thế tử mặc dù khi ấy Tô Doanh là vương phi, con trai Tô Doanh đã được phong thế tử. Ngay trong đêm tranh cãi với hoàng đế về việc này, hoàng đế tức giận ra lệnh cho Tĩnh Hiên đi xa, chàng bảo nàng hãy chờ, chàng sẽ thực hiện nguyện vọng ấy của nàng nhưng Mỹ Ly không đợi được, nàng lựa chọn đánh đổi mạng sống của mình để lấy địa vị thế tử cho con. Kết thúc cuối cùng Mỹ Ly tự tử, Tĩnh Hiên ra trận, chọn cái chết để đi tìm Mỹ Ly, để nàng không còn cô đơn.

Câu chuyện buồn, thấm đẫm nước mắt. Tình yêu của Vĩnh Hách và Mỹ Ly rất đẹp, trong sáng, dịu dàng. Tình yêu của Tĩnh Hiên dành cho Mỹ Ly cho dù bá đạo nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Chàng sẵn sàng vì người mình yêu, chấp nhận kể cả khi chàng cho rằng nàng đã thất thân, đứa con là con của người khác, nhưng vì nàng, chàng sẵn sàng nuôi dưỡng đứa con ấy.

Tôi thấy nhân vật nào trong truyện này cũng đều đáng thương.

- Vĩnh Hách đáng thương vì tình yêu đầu đời đã bị vị vương gia ngang ngược cướp đoạt. Chàng biết Mỹ Ly không cam lòng, phải giương mắt nhìn người mình yêu không hạnh phúc, chàng cũng đau khổ không kém. Lựa chọn ra trận thay cha, cuối cùng lại tử trận.

- Tĩnh Hiên đáng thương vì chàng ta không biết trân trọng, tới khi vuột mất mới hay hóa ra thứ mình từng có quý giá biết bao. Có điều, chàng đã biết dùng thời gian để bù đắp, để yêu thương Mỹ Ly.

- Mỹ Ly đáng thương vì tình yêu tuổi trẻ cuồng nhiệt không được trân trọng, bị người ta ghét bỏ, coi thường. Tình yêu thiếu nữ không thành bởi chính người nàng đã từng trao trọn trái tim. Nhưng chí ít bên nàng luôn có những người yêu thương, tỉ như hoàng thái hậu, tỉ như Vĩnh Hách, Tĩnh Hiên, Doãn Trác…

Tới cuối cùng nàng không thể không rung động trước những gì Tĩnh Hiên đã làm cho nàng, đã vì nàng. Trái tim chứ đâu phải cỏ cây mà không biết rung động. Tiếc rằng “Ta yêu chàng, tiếc là… lại chậm một bước”. Phải, nếu như không có Vĩnh Hách, nếu như không có Tố Doanh, nếu như Tĩnh Hiên biết quý trọng tình cảm của Mỹ Ly dù chỉ một chút thôi, nếu như Mỹ Ly dám mở rộng trái tim đón nhận Tĩnh Hiên, dám yêu thêm một lần nữa, tất cả sẽ không bi kịch đến vậy… Nhưng ở đời làm gì có “nếu như”.

- Tôi nghĩ có lẽ nhân vật đáng thương nhất là Tô Doanh – chính thê của Tĩnh Hiên. Dù bối cảnh nhà ngoại lớn mạnh thế nào nhưng được cưới hỏi cũng sau Mỹ Ly, tình yêu, sự quan tâm của Tĩnh Hiên đều dành hết cho Mỹ Ly. Khi Mỹ Ly mất, thì mọi thứ nàng ta có cũng mất hết, vị trí chính thê trao lại cho Mỹ Ly, ngôi vị thế tử của con trai nàng ta cũng dành cho con trai Mỹ Ly.

Người phụ nữ này lúc trời lạnh chuyển áo ấm, lúc vào đông gửi chăn ấm, lúc Tĩnh Hiên bị thương từ ngàn dặm gửi thuốc và đồ bổ ra sa trường… Không nhõng nhẽo, nũng nịu, không đòi hỏi, yêu cầu, cũng không có tính tiểu thư kênh kiệu… Lúc nào cũng dịu dàng đối với Tĩnh Hiên. Nàng những tưởng thời gian sẽ khiến Tĩnh Hiên từ bỏ tình cảm đối với Mỹ Ly, nàng những tưởng trái tim Mỹ Ly mãi mãi chỉ dành cho Vĩnh Hách, mãi mãi chỉ hận Tĩnh Hiên, nàng không ngờ có một ngày Mỹ Ly lại rung động bởi những gì Tĩnh Hiên đã làm cho nàng công chúa ấy, nàng cũng không ngờ tình yêu của Tĩnh Hiên dành cho Mỹ Ly không hề phai nhạt theo năm tháng.

Có điều, đau lòng hơn cả khi Mỹ Ly chết, đứng trước phần mộ lẽ ra thuộc về mình, bên cạnh mộ Tĩnh Hiên sau này, chàng ta lại nói: “Tô Doanh… Lúc còn sống, vinh quang của Khánh vương phi ta cho nàng hết, chết rồi thì để Mỹ Ly độc chiếm tất cả của ta, được không?” Chính là muốn nói sau này nếu Tô Doanh chết đi, nàng ta sẽ được chôn cất ở nơi khác, còn lăng mộ này chỉ dành riêng cho Tĩnh Hiên và Mỹ Ly. Đây chính là bi ai của một người phụ nữ.

Bạn có nuối tiếc khi Mỹ Ly dùng mạng mình để đổi lấy tước vị, vinh hoa, phú quý cho con không? Bạn có trách nàng ấy? Tôi tiếc nhưng không trách nàng, bởi đây chính là suy nghĩ của một người mẹ, chẳng gì quý giá bằng con. Nàng không muốn con sống một cuộc sống thấp hèn, phải cúi đầu quỳ lạy trước người khác. Đêm 30, hai mẹ con nàng phải quỳ trước hai mẹ con Tố Doanh, nhìn cảnh Tố Doanh, Doãn Giác và Tĩnh Hiên ngồi trên, hai mẹ con quỳ dưới, nàng thấy xót xa lắm, nàng cảm giác hai mẹ con nàng mới là người ngoài trong mái ấm ấy. Mỹ Ly cũng từng mồ côi, nhưng đau đớn hơn cả chính là sự coi thường, lạnh nhạt của giới quý tộc đối với một cô công chúa sinh ra trong một gia đình thất thế. Nàng không muốn con sẽ sống như mình. Còn tình yêu ư? Nàng yêu Tĩnh Hiên, nhưng Tĩnh Hiên không phải chỉ của riêng nàng. Tình yêu của nàng đã chuyển hết sang cho Doãn Khác. Tình yêu ấy lớn tới nỗi nàng không tiếc sinh mạng, hy sinh để đổi lấy tương lai cho con, nàng biết khi nàng mất đi, dù không có tình thương yêu của người mẹ nhưng được sự chăm sóc, yêu thương của hoàng thái hậu, Doãn Khác sẽ không thiệt thòi, quan trọng hơn cả con nàng sẽ không phải chịu bất cứ sự sỉ nhục nào. Cũng có lẽ nàng mệt mỏi rồi. Âu cũng là sự giải thoát cho bản thân, và mang lại những điều tốt đẹp đến cho con trai mình.

Em có nghe Thương Ly, trong giấy ngà thổn thức

Em có nghe rạo rực, hình ảnh kẻ tình si, gây bao điều dị nghị

Em có nghe Thương Ly

Ai khiến ai lỡ dở

Gió cuối đông nức nở

Cuốn phận người bay đi


Câu chuyện buồn như những vần thơ ...

Đọc Truyện

Thử đọc