that-da-tuyet-thichtruyenvn.jpg

Thất Dạ Tuyết

Tác giả: Thương Nguyệt

Chuyên mục: Truyện Ngôn Tình

Chương: 17 | Full

Nguồn: Sưu tầm

Đọc Truyện

that-da-tuyet

Đã từng nghe nhiều về Thương Nguyệt – một nữ tác giả chuyên viết kiếm hiệp, nhưng lại là một thứ kiếm hiệp đậm chất “tình”, thế nên được xếp vào một trong Bát tiểu linh lung của giới tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc – nhưng tôi vẫn luôn ngại tìm đọc các tác phẩm của chị. Có lẽ vì tôi ngại kiếm hiệp, những huynh đệ tỉ muội ân ân oán oán bang phái võ lâm ấy căn bản mà nói không phải là thứ có thể gây được hứng thú cho tôi. Vả chăng bộ kiếm hiệp nào cũng được gộp lại từ mấy quyển sách in dày hàng vài vài trăm trang, trong khi tôi chỉ cần ôm một tiểu thuyết dài độ hơn 150 chương ngâm ngợi trong vòng một tuần là đã thấy hơi oải :P.

Thất dạ tuyết là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Thương Nguyệt, thuộc một hệ liệt 8 truyện tên Đỉnh Kiếm Các. Hệ liệt thì chỉ nghe qua cũng biết là dài. Mặc dù nhác thấy những câu chuyện hợp lại trong ấy xem chừng cũng chỉ tầm gần hai trăm trang mỗi truyện thôi, mà quyển thứ 6 – Thất dạ tuyết – này có thể xem như là dày nhất rồi, thì tôi vẫn không có ý định đọc hết cả hệ liệt đó. Nói ra thì, tôi hầu như không thích hệ liệt, vì hệ liệt càng dài thì càng có nhiều cái hay dở lẫn lộn khi vừa đọc vừa so sánh các quyển lại với nhau. Mà tôi là loại người ích kỷ, chỉ muốn người ta thử hết truyện hay trước rồi mới nói cho mình, để đỡ tốn thời gian. Hoặc giả vô tình vừa mới thích “cuồng nhiệt” một anh chàng nào đấy trong quyển thứ nhất, sang quyển thứ hai, chỉ cần một hành động không được đẹp mắt lắm của anh ta, hay đơn giản chỉ cần anh ta xuất hiện mờ nhạt một tí, thì hình tượng nhân vật trong tôi sẽ sụp đổ đánh bùm (T___T). Vì thế mà khi tôi muốn đọc tác phẩm đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam trong hệ liệt này của Thương Nguyệt, nguyên nhân lớn nhất cũng chỉ đơn thuần vì tò mò. Tò mò xem một tác phẩm viết như thế nào mà ngoài mấy câu chê bôi kiểu như truyện quá “tình”, quá mềm mại theo lối nhi nữ nếu đem đặt vào tương quan với cái gọi là các tác phẩm “kiếm hiệp” của mấy cây bút đại thụ bên cạnh, thì chẳng còn tiếng kêu ca gì khác, ngoài những lời khen.

Nhưng thôi đừng nói về cảm nhận của kẻ khác, vì với riêng tôi, Thất dạ tuyết đã là một thành công rất sáng của tác giả rồi. Tôi đồng quan điểm với ý kiến của nhiều người nữa, rằng truyện Thương Nguyệt chỉ lấy bối cảnh võ hiệp mà thôi, còn những vấn đề mà chị nói đến, vốn đã chẳng còn đơn thuần là ân oán thù hận giữa các môn phái.

Đúng như cái tên, xuyên suốt tác phẩm là một màu trắng của tuyết. Bảy đêm tuyết lạnh tê tái. Từ chương đầu tiên đến tận những chương sau cùng, chưa bao giờ vắng đi hình ảnh tuyết. Tuyết trắng phủ ngập núi đồi. Tuyết là một phần căn nguyên trong nỗi đau của Tiết Tử Dạ, mà tuyết cũng là hiện thân cho nỗi đau của tất thảy những nhân vật khác. Lạnh lẽo, u ám, thê lương, trong không gian tuyết mênh mông ấy, chỉ có chút tình của con người là tia sáng lóe lên rồi chợt tắt, chớp nhoáng nhưng may mắn thay còn sưởi ấm được lòng người, dù cho chỉ trong khoảnh khắc. Mãi đến khi đọc xong tôi mới giật mình nghĩ đến Clamp, nghĩ đến tác phẩm Bà chúa tuyết của nhóm mà tôi chưa một lần xem qua, nhưng vẫn ghi nhớ mãi câu nói ấy. Phải, tuyết ở đây, có lẽ cũng có thể hiểu là nước mắt…

Mỗi một cuộc đời trong bảy đêm tuyết rơi đó đều là một bi kịch bị buộc chặt bởi cái người ta gọi là chấp niệm. Chỉ có thể gọi là chấp niệm, bởi ngay cả tôi cũng không thấu suốt hết được lý do vì sao họ lại chọn cho mình những con đường như vậy. Hay khác chăng chấp niệm chính là thứ họ coi như ý nghĩa của cuộc đời mình? Ai sống trên đời chẳng có chấp niệm? Những số phận đó tất thảy đều đáng thương, không phải vì họ chịu đựng quá nhiều đau đớn nên gây cho người ta nỗi thương cảm sâu sắc, cũng không phải họ quá bất lực, quá bi lụy buông xuôi theo guồng quay của bánh xe vận mệnh; mà có lẽ bởi vì họ tồn tại chỉ dựa vào cái gọi là chấp niệm đó mà thôi…

Tiết Tử Dạ là một cô gái có tính tình tưởng như nóng nảy bộp chộp mà trong lòng lại ấm áp can trường. Tôi cứ nhớ mãi từng trường thiên trong suốt cuộc đời Tiết Tử Dạ. Đâu dễ dàng gì khi tận mắt chứng kiến gia tộc bao đời nổi danh với nghề y sụp đổ, tất cả chỉ bởi đã lỡ nhúng tay vào mối quan hệ với thiên tử, và rồi sau đó là mẹ mình phải chịu cảnh lăng nhục đến chết? Đâu dễ dàng gì khi đành bất lực nhìn cậu em trai dù không thân thích ruột thịt mà vẫn vì mình kích hoạt yêu thuật giết người, để rồi bị người ta đày đọa trong lao ngục mà không làm gì được? Và cũng chẳng dễ dàng khi phải thấy người mình yêu thương chỉ vì muốn truyền cho mình tất cả hơi ấm có thể khi cả hai bị truy sát mà rơi xuống hố băng, để phải ngủ vùi nơi sông băng vùng cực Bắc đời đời không tan chảy ấy, thế mà khuôn mặt người đó vẫn còn đọng mãi nét cười ấm áp thuở thiếu thời. Thê lương đến thế, ám ảnh đến thế, đau đớn đến thế, mà cô vẫn sống, vẫn có thể cười, vẫn nghĩ được cho người khác; hay trên hết là cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng đã hoàn thành được cái mà người ta gọi là tấm lòng của một vị lương y. Mà thực ra đâu chỉ có như vậy, Tiết Tử Dạ xứng đáng là thần y, bởi cái cô cứu không phải chỉ là sinh mạng con người, mà còn là linh hồn họ.

Chút hơi ấm cuối cùng từ vòng tay Tuyết Hoài đã cứu sống cô, nhưng kể cả hơi ấm ấy cùng với sự cứu chữa tận tình của sư phụ Liêu Thanh Nhiễm, cũng không thể ngăn nổi hàn khí xâm nhập vào tận trong huyết quản, khiến Tiết Tử Dạ mãi mãi không thể rời khỏi cốc. Mười hai năm trôi qua, những đau đớn như lùi xa vào dĩ vãng, nhưng cô không thể quên ngày thôn làng bị truy sát, mình đã lỡ tay bỏ rơi cậu em trai bị nhốt suốt bảy năm đằng đẵng; mười hai năm trôi qua, nhưng Tiết Tử Dạ cứ mãi ôm một mối chấp niệm, hy vọng rằng sẽ có ngày y thuật mình cao siêu đến độ cứu sống được Tuyết Hoài say ngủ dưới sông băng kia, cải được mệnh trời, cùng đến cực Bắc xem thứ ánh sáng huyền diệu Tuyết Hoài từng kể cho mình… Chỉ tiếc rằng, người chết không thể sống lại.

Trong quãng đường mười hai năm ấy, cô cứ đều đặn hằng năm chữa cho mười người thu được Hồi Thiên Lệnh tìm tới mình, cứ đều đặn dùng số tiền chữa bệnh đắt đỏ ấy cứu tế đám cô nhi được thu nhận trong cốc, mặc cho người ta dị nghị ra vào về cái sự “tự cao” của kẻ mang danh thần y, trong khi chẳng ai biết rằng sức khỏe cô không thể đảm đương nhiều hơn nữa. Mười hai năm thì có đến tám năm cô phải chữa cho Hoắc Triển Bạch một cách “không cam tâm tình nguyện” rồi. Thế mà, Tiết Tử Dạ, cuộc đời tăm tối ấy của cô, đến cuối cùng chắc cũng chỉ có thể coi Hoắc Triển Bạch từng là tri kỉ.

Hoắc Triển Bạch, Thất công tử đứng đầu Bát Kiếm của Đỉnh Kiếm Các thống lãnh giới võ lâm Trung Nguyên. Kẻ đã luôn từ chối lời mời lên chức Các chủ mà cũng có thể ngầm hiểu là Minh chủ võ lâm ấy, lại cứ mãi ôm một chấp niệm khác về người con gái một thời tuổi trẻ mình từng yêu say đắm. Nàng được gả cho người khác, chồng nàng – sư huynh của gã – lại phản bội tông phái trong cái lốt của một gián điệp Trung Nguyên nằm vùng nơi Tây Vực. Hắn bỏ đi, nàng vì kích động mà sinh ra đứa con thiếu tháng. Nàng hận gã, vì đã không nương tay với người chồng phản bội của mình, trong khi chính nàng từng bắt gã phải từ bỏ cái chức vị vẻ vang trên đỉnh cao quyền lực đó. Đứa trẻ đã định là mệnh yểu, Hoắc Triển Bạch lại vì nàng mà cùng vượt đường trường đưa nó đến tìm thần y Tiết Tử Dạ. Người không cãi lại được số mệnh, cô biết sức mình không cứu nổi mạng sống đứa bé, nhưng trước sự tha thiết của gã, cô lại đồng ý thử sức dù thừa hiểu là vô vọng. Suy cho cùng cô vẫn là người hành nghề y. Chỉ không ngờ được, tám năm ròng Hoắc Triển Bạch vẫn mang trong lòng ky ức về một nụ cười của người con gái thuở cũ, kiên trì lăn lộn nơi chiến trường, để mỗi một lần cướp được dược vật Tiết Tử Dạ yêu cầu là lại thừa sống thiếu chết rồi được cô cứu. Thời gian chảy trôi chẳng đợi một ai. Cô trách gã cứ mãi đâm đầu theo một hình ảnh xa xôi đến độ có thể từ bỏ cả mạng sống của mình, chí tình chí nghĩa với một người mà chỉ nhìn qua cô cũng rõ rằng hận gã thấu tới xương tủy. Nhưng thực ra đâu phải cô không biết, hay chính gã cũng từng trách, cô vẫn luôn ôm ấp giấc mộng hồi sinh cho thiếu niên dưới sông băng mà thời gian của người đó đã mãi mãi dừng lại năm 16 tuổi đó sao?

Trong cái giá lạnh của tuyết trắng mênh mông, rốt cuộc chỉ còn lại hai người đó thường đối tửu bên gốc mai trắng trải từng năm tháng. Thỉnh thoảng cũng chỉ có Hoắc Triển Bạch là người đem lại cho Tiết Tử Dạ hơi ấm giống Tuyết Hoài khi xưa, có lẽ cũng bởi vì họ đều hiểu chấp niệm của bản thân mỗi người đều hoang đường mà lại không cách nào từ bỏ. Chỉ tiếc rằng khi họ tưởng như đã học được cách buông bỏ, thỏa hiệp, thì lời hứa lại một lần nữa cùng nhau thưởng mai uống Tiếu Hồng Trần kia lại chẳng thể có ngày được trở thành hiện thực.

Diệu Phong – Nhã Di, vị vương tử còn sống sót cuối cùng của hoàng tộc Lâu Lan. Tôi thích được gọi y là Nhã Di, bởi cái tên ấy hàm chứa cái “thực” duy nhất trong con người y, và còn bởi cái tên ấy cũng có thể coi là đại diện cho cuộc đời mới mà Tiết Tử Dạ đã cứu lấy cho y. Nhã Di sống hai mươi năm dài đằng đẵng bên Giáo vương của Ma giáo, cam tâm tình nguyện làm kẻ bị lợi dụng không khác gì một con chó. Y biết, nhưng y không phản kháng. Y biết, nhưng y vẫn mỉm cười chấp thuận việc mình bị nuôi bởi độc Băng tằm và rồi cứ bình thản luyện thuật Dục Xuân Phong. Y biết, nhưng vẫn sẵn sàng cầm dao đâm chính mình chỉ để mời được Tiết Tử Dạ ra khỏi cốc, tới núi Côn Luân chữa bệnh cho Giáo vương của y. Tự hỏi một câu có đáng không? Nhưng chắc rằng câu hỏi ấy ngay chính y cũng chẳng thể trả lời. Đáng chứ, vì cuộc đời y tính đến thời điểm ấy chỉ có một mình Giáo vương là chỗ dựa. Đó là tín ngưỡng, là ân nhân, là lý do duy nhất cho một Diệu Phong trong Ngũ Minh Tử tồn tại. Nhưng không đáng, bởi hai mươi năm ấy y đã sống như một thanh đao không tồn tại bất cứ cảm xúc gì khác, mà lại là cho kẻ đã từng đầu mưu thảm sát toàn bộ gia tộc mình. Không đáng, vì y đã đánh mất nguồn sáng nhỏ bé ấm áp thực sự trong đời vào giây phút đưa Tiết Tử Dạ về Côn Luân mất rồi.

Trong 4 nhân vật chính của truyện, Đồng là một người có chấp niệm thiếu rõ ràng nhất. Ký ức một thời có Tuyết Hoài, có Tiểu Dạ, có chuỗi ngày tháng đen tối bị nhốt trong ngục kín – chỉ vì hắn đã khởi động Đồng thuật giết người để bảo vệ cho tỷ tỷ của mình – đã bị ghim kín trong 3 mũi châm phong não. Hắn trở thành thủ lĩnh của Tu La Trường, chấp nhận làm công cụ giết người của Giáo vương nhưng trong lòng vẫn luôn nuôi ý định vùng vẫy để thoát thân. Tiết Tử Dạ đã hết lần này đến lần khác cố gắng cứu lấy ánh sáng cho cuộc đời Đồng. Cho đến cao trào là lúc hắn làm phản thất bại, trúng độc rồi bị xích lại không khác gì một con chó ngao, Tiết Tử Dạ vẫn là người chấp nhận hút lấy độc Thất Tinh Hải Đường trong mắt hắn. Cô muốn cứu lấy người đệ đệ năm xưa mình đã bỏ lại, mà cũng là dùng cơ hội cuối cùng giữ lấy người thân chứ không phải chịu nỗi đau bất lực trước cái chết của mẫu thân, của thôn làng, của Tuyết Hoài năm xưa. Tiết Tử Dạ không còn, Đồng vẫn lên làm Giáo vương. Hắn nhớ người tỷ tỷ áo tím của mình chứ, hắn biết tỷ sẽ đau lòng khi chứng kiến mình và Hoắc Triển Bạch – nay đã thành Các chủ Đỉnh Kiếm Các – giao đấu một mất một còn, bởi Tử Dạ đã dùng hết khả năng và cả sinh mệnh của cô để giữ lại cuộc sống cho họ. Nhưng hắn cũng không thể từ bỏ. Tôi không thấu rõ chấp niệm của Đồng là gì. Hay chẳng qua chỉ vì thế sự vô thường, con đường trước mắt chỉ là kết quả sau những vết trượt đã quá dài?

Tất cả bọn họ đều không có lỗi, mà lướt qua nhau chỉ bởi vì đã lỡ tuột tay. Lời hẹn cùng uống rượu trong tấm khăn lụa Hoắc Triển Bạch gửi về cho Tiết Tử Dạ đã mãi mãi không thể đến được tay người cần nhận nó, bởi vì cô đã chấp nhận ra đi. Có lẽ số mệnh đã ngăn gã không đến bên Diệu Phong xem người mà y giấu trong áo choàng rồi quyết tử đấu với hy vọng giữ lại cho cô một cơ hội sống rốt cuộc là ai. Cũng chỉ là số mệnh đã ngăn Tử Dạ có thể gọi to tên Hoắc Triển Bạch hơn một chút nữa. Và số mệnh đã định rằng họ có thể làm tri kỷ tám năm nhưng rồi sẽ là chia ly mãi mãi… Hay hình ảnh Diệu Phong ôm trong lòng một tử y nữ tử chạy như bay trên cánh đồng tuyết trắng mênh mông vô định đó, cố gắng đến cạn kiệt sức lực mà cuối cùng nhận ra cô đã sớm tự kết liễu sinh mạng của mình, vì không muốn bị Thất Tinh Hải Đường hủy hoại; để rồi chỉ có thể cay đắng thốt lên câu “Tại sao?” trong những giọt nước mắt đầy bất lực.

Gặp gỡ rồi chia ly, cái còn đọng lại chỉ là những nỗi đau. Mỗi người đều có chấp niệm, chỉ là khi từ bỏ được chấp niệm cũng không thể thoát khỏi sự ám ảnh của định mệnh. Tiết Tử Dạ ra đi nhưng trong giây phút cuối cùng cô vẫn nhìn thấy được ảo ảnh cực quang phương Bắc, và rốt cuộc cô lại được trở về bên cạnh Tuyết Hoài. Sinh mệnh không còn nữa nhưng cái tình là mãi mãi, giống như niềm hy vọng của tôi rằng Tử Dạ và Tuyết Hoài đã có thể thực hiện được nguyện ước thuở thiếu thời; giống như Triển Bạch lựa chọn tiếp nhận ngôi vị Các chủ và chăm sóc cho Thu Thủy Âm, dù rằng tình cảm đã nguội lạnh từ lâu; giống như Nhã Di quyết định ở lại Dược Sư Cốc để tiếp tục thực hiện công việc mà Tử Dạ đã bỏ lỡ; giống như Minh Giới bỏ lại tất cả để hướng về chấp niệm chẳng thể từ bỏ của bản thân, nhưng trong lòng vẫn có giờ phút day dứt nhớ tới người tỷ tỷ đã cứu mình ngày trước. Rồi sẽ có một ngày Đồng và Triển Bạch đối đầu, đơn thuần là bởi đen trắng chẳng thể dung hòa, nhưng họ vẫn từng có một đêm lặng lẽ cùng uống Tiếu Hồng Trần bên cây mai cũ của người con gái đã xa, và Nhã Di sẽ thay thế cô tận lực cứu người, bất kể kẻ đó là ai, thế nào, chỉ bởi vì y là đại phu…

Bảy đêm tuyết rơi, mênh mông mà vắng lặng, đằng đẵng mà ngắn ngủi, rợn ngợp mùi tanh của máu và thê lương, nhưng rồi tất cả sẽ bị vùi chôn vào tuyết trắng và quá vãng xa xôi.

Tuyết, có thể che đi nỗi bi thương?

“Bôn ba ngàn dặm đến gặp người nói câu giã biệt

Trong đêm tuyết đầu tiên và cuối cùng

Trên đồng hoang lạnh giá âm u, chúng ta cùng sánh vai chung bước

Bao nhiêu lời nói đều ngưng đọng trên môiCùng ngẩng đầu lên, người ơi có thấy:

Bảy đêm hoa tuyết nở rộ rồi lụi tàn

Tựa như buổi tương phùng ngắn ngủi và ly biệt muôn đời

Thứ cho ta vì đã quay mình bước đi vào lúc ấy

Vì năm tháng hoang lương

Vì cuối cùng ta không thể kiên trì

Vì tình yêu sâu đậm nhất trên đời, rồi cũng không chống nổi với thời gian.”

Đọc Truyện

Thử đọc