gia-trai-1-thichtruyenvn.jpg

Giả Trai

Tác giả: Tam Thiên Phong Tuyết

Chuyên mục: Truyện Ngôn Tình

Chương: 113 | Full

Nguồn: Sưu tầm

Đọc Truyện

gia-trai

Nguồn ảnh: Pinterest

Mẹ Lý Minh Châu chẳng hiểu sao mình lại trở thành kẻ thứ ba.

Bà có thai Lý Minh Châu, bị vợ cả tìm đến cho hai bạt tai mới biết mình là kẻ thứ ba.

Cha của Lý Minh Châu giỏi văn chương, hễ mở miệng là tuôn ra lời vàng ý ngọc, lúc học Đại học là tuyển thủ hàng đầu của đội thi hùng biện.

Mẹ của Lý Minh Châu vì thế mới bị ông ta lừa gạt.

Bà ăn hai bạt tai, chịu một trận đòn rồi bị đuổi khỏi nhà.

Đến lúc đó mà mẹ Lý Minh Châu vẫn chưa hiểu đầu cua tai nheo gì: Tại sao mình yêu đương đàng hoàng, đã bàn đến cả chuyện cưới xin mà lại thành kẻ thứ ba.

Hai bạt tai này, không những khiến mặt mẹ Lý Minh Châu sưng vù mấy ngày mà nhân tiện còn hủy hoại luôn tuổi thơ của Lý Minh Châu.

Ai mà biết bản lĩnh mẹ cô lại kém cỏi đến thế.

Bà là một cô gái quê mùa, tuy trông xinh xắn nhưng lại ngốc nghếch, chẳng biết nổi mấy chữ, bị cha Lý Minh Châu lừa lên giường.

Người đàn bà đầu óc thiển cận ấy vốn mong Lý Minh Châu sinh ra là một cậu con trai thì bà ta sẽ một bước lên trời nhờ con.

Đáng tiếc Lý Minh Châu lại không biết phấn đấu, thiếu mất một miếng thịt, là con gái.

Mẹ Lý Minh Châu vì thế mà hóa điên.

Lúc chưa điên hẳn, bà ta bán trôn nuôi miệng, hoàn toàn sa ngã.

Lý Minh Châu phải sống trong hoàn cảnh như vậy, khó khăn lắm mới lớn được một mẩu, sau đó hai mẩu, tới tuổi biết đi thì lẫm chẫm tự đi.

Đến tận năm sáu bảy tuổi mà còn chưa chết, quả là kì tích.

Tất cả mọi người đều cảm thấy cô là kỳ tích, chẳng những không chết mà còn sống rất quật cường, giống như cọng cỏ đuôi chó giẫm mãi không chết.

Mẹ cô không nấu cơm cho cô, cô liền ra chợ nhặt rau hư thịt thối về tự nấu lấy, vừa ăn vừa trừng mắt với mẹ cô.

Khi mẹ Lý Minh Châu đã điên hẳn, có một lần cô không trói bà ta lại, bà ta phát điên chạy ra đường cái bị xe tông mất luôn hai chân, tài xế bồi thường cho mẹ Lý Minh Châu ba ngàn rưỡi tệ.

Đôi chân bà mẹ điên của Lý Minh Châu chỉ đổi được ba ngàn rưỡi tệ.

Cô sống trong con ngõ nhỏ, hàng xóm láng giềng thấy cô cũng xót xa, nhưng câu cửa miệng của họ là: Ôi thằng bé Lý Minh ấy…… Bà mẹ nó tạo nghiệt nặng quá….

Lý Minh Châu vẫn lạnh mặt đi nhặt rau hư như thường, cắn răng chịu đựng, nghe lâu quá cô cũng chẳng biết người ta đang chửi rủa bà mẹ một chân đã bước vào quan tài của cô hay là chửi rủa cô nữa.

Lý Minh Châu cất ba ngàn rưỡi tệ đi.

Bảy tám tuổi đầu, cô học được một ít đạo lý từ ti vi nhà hàng xóm.

Có vài đạo lý hữu ích, cũng có mấy cái tầm phào.

Nhưng Lý Minh Châu nhỏ như vậy lại nhớ kỹ không quên câu chủ nhà hay khoe khoang về con trai mình: Con trai tôi thi đậu Đại học này kia, một năm kiếm được chừng này, ở căn nhà lớn chừng kia.

Lý Minh Châu không hiểu lắm tại sao con trai của chủ nhà được sống trong một căn nhà lớn mà chủ nhà lại phải ở một nơi xập xệ thế này.

Cô quay đầu lại nhìn mẹ mình đang nằm liệt trên giường mắng cô là đồ con hoang thì bỗng hiểu sao con trai chủ nhà lại làm vậy.

Lý Minh Châu lúc này đã biết: Học hành tốt có thể kiếm được nhiều tiền.

Có thể kiếm được nhiều tiền, ở nhà cao cửa rộng, có thể ăn ngon mặc đẹp, có thể thuê người giúp việc chăm sóc bà mẹ sống dở chết dở của cô.

Lý Minh Châu rất mong chờ chuyện đó, khi cô bảy tuổi liền cầm ba ngàn rưỡi tệ đến một trường Tiểu học dân lập ghi danh.

Thầy giáo hỏi người nhà cô đâu, cô liền nói người nhà đang đi vệ sinh, bảo mình tự đi ghi danh.

Trường Tiểu học dân lập ở thành phố H mọc lên như nấm sau mưa theo phong trào, là chỗ để con em công nông ngoại tỉnh học hành, giáo viên hạng nhất: Hạng nhất dốt nát.

Có lẽ Lý Minh Châu được di truyền từ cha mình, trời sinh giỏi ăn nói, chém gió mà mặt không đổi sắc, vững vàng bình tĩnh, cứ thế lừa gạt đám thầy giáo dốt nát kia.

Cô cầm giấy khai sinh giới tính nam của mình và sổ hộ khẩu đi ghi danh.

Mẹ Lý Minh Châu chửi mắng cô là đồ bất hiếu, con hoang, chó chết, có tiền không mua thịt cho mẹ ăn, không chịu làm gái như mẹ mình.

Lý Minh Châu nhặt được một cây gậy bên ngoài, điên cuồng đập vào đầu giường, mẹ cô mở miệng chửi cô thì cô liền lấy gậy nện một phát. Lý Minh Châu cẩn thận tránh đánh trúng người mẹ cô, đánh thật mạnh lên nệm để thị uy.

Mặt mày Lý Minh Châu âm u, thật không giống vẻ mặt mà con nít nên có, cô nói, “Bà thử nói thêm một câu nữa xem.”

Mẹ Lý Minh Châu không dám nói gì, im bặt.

Cô liền lấy gậy gỗ uy hiếp mẹ mình từ đó.

Thực ra Lý Minh Châu cho rằng mẹ cô nói không sai, cô đúng là con của gái bán hoa, có đi làm gái như mẹ cô thì cũng chẳng có gì sai.

Cô lấy gậy đe dọa mẹ mình, buổi tối nấu cơm cho bà ta ăn, hầu hạ bà ta đi vệ sinh, giặt quần áo cơm nước.

Một ngày mười hai tiếng đồng hồ mặt mày Lý Minh Châu đều âm u, trông rất tàn bạo, không giống một cô bé.

Lâu lâu máu dịu dàng nổi lên thì cô thì sẽ ngồi ở đầu giường mẹ cô, nói vài chuyện với bà mẹ điên của cô.

Cô nói đến ba chuyện:

Một, con muốn đi học.

Hai, học tốt mới có thể kiếm tiền.

Ba, trước khi con kiếm ra tiền mẹ không được chết.

Mẹ Lý Minh Châu không biết có hiểu cô nói gì không, bà ta đã điên nhiều năm như vậy, vẫn luôn chống đỡ không chết đi.

Thời thơ ấu của Lý Minh Châu là lấy gậy uy hiếp mẹ mình, là sáng sớm đi rửa chén ở sau quán tối tăm, là nhặt nhạnh rau thừa ở chợ kiếm tiền sống sót.

Chiếc khăn quàng đỏ của cô dùng suốt sáu năm. Khi màu nó từ đỏ biến thành trắng, tẩy sạch màu máu tươi của các liệt sĩ cách mạng, cuối cùng cô cũng lên cấp Hai.

Sáu năm đó Lý Minh Châu đều mặc đồ con trai, chưa bao giờ đi vệ sinh ở trường, luôn để quả đầu húi cua, ngay ngắn ngồi trong lớp: Giả trai.

Nửa đời trước của cô, ngoại trừ việc không để mình bị chết đói thì chuyện hệ trọng thứ hai trong đời chính là giả trai.

Dù cho Lý Minh Châu có bản lĩnh lớn thế nào, tài ăn nói giỏi ra sao thì làm sao qua mắt được cảnh sát chứ.

Giấy khai sinh của cô bị bà mẹ điên của cô đổi thành nam, cô không biết năm đó sao mẹ cô làm được, nhưng bây giờ cô chắc chắn không làm được.

Lý Minh Châu không thể thay đổi cuộc đời, chỉ có thể thay đổi chính mình. May mà giả trai cũng chẳng phải chuyện phức tạp gì, cô chỉ cần chú tâm học tập, đừng nói năng gì, mỗi ngày làm mặt lạnh thì chẳng ai muốn làm bạn với cô cả.

Cô không cần bạn bè, cô chỉ cần một bữa no giữa lúc ai ai cũng ăn ngon mặc đẹp mà thôi.

Nguyện vọng này đến khi cô học hết cấp Hai cuối cùng cũng được toại nguyện.

Sau khi Lý Minh Châu tốt nghiệp cấp Hai, thành tích đứng đầu trường, được tuyển thẳng vào trường cấp Ba trọng điểm, được miễn toàn bộ học phí.

Ngay lúc đó cô cũng mở rộng nghiệp vụ, tìm thấy con đường làm giàu mới: Giả mạo sinh viên đi dạy kèm cho người ta.

Ở phương diện nói dối, Lý Minh Châu rất có thiên phú.

Ở trường học cô luôn làm mặt lạnh, nhưng thực ra lại cung cấp rất nhiều dịch vụ, ví dụ như làm bài tập hộ, thi hộ, người tình tôi nguyện, tiền trao cháo múc.

Thầy cô rất tin tưởng một học sinh giỏi như Lý Minh Châu, tuyệt đối không ngờ cô sẽ gian lận. Lý Minh Châu liền lợi dụng chuyện này để giúp người khác gian lận.

Thật phụ lòng tin của thầy cô.

Vì liên tục phụ lòng, Lý Minh Châu thỉnh thoảng cũng thấy hơi áy náy, nhưng công việc ngày càng thuần thục.

Người khác nghỉ hè sẽ làm một phần bài tập, cô nghỉ hè sẽ làm hai mươi phần, chia làm ba loại chất lượng cao, trung bình và thấp mà báo giá tương ứng.

Giờ Lý Minh Châu đã luyện được bản lĩnh của người máy, đó là cột ba cây bút vào nhau mà viết một lúc.

Trong lúc cô làm chuyện mờ ám như thế, bà mẹ điên của cô vẫn ồn ào suốt khiến cô không cách nào tập trung làm việc được.

Lý Minh Châu vừa nhã nhặn như thư sinh viết xuống vở bài tập: Hiếu có ba điều, thứ nhất là tôn kính, thứ hai là không vũ nhục, cuối cùng là nuôi dưỡng….. Ý là hành động hiếu thuận có thể chia làm ba cấp bậc: Cao nhất là lời nói, hành động và tấm lòng đều tôn kính cha mẹ, tiếp theo là không đánh chửi nhục mạ, đối xử tốt với họ….

Vừa lấy gậy dọa mẹ cô, nện vào nệm như cũ, ngoài miệng quát, “Im miệng ngay cho bà!”

Mẹ cô liền im miệng.

Cho nên một Lý Minh Châu dám dùng gậy dọa nạt mẹ ruột của mình thì cũng có gan giả mạo sinh viên.

Nhờ vậy cô mới quen biết Nhị Pháo.

Nhị Pháo là tên miệng rộng, nhưng lại là tên ngốc miệng rộng, ngày nào cũng cầm gạch tìm người khác đòi ăn thua đủ. Một hôm cậu ta đến nhà Lý Minh Châu gây chuyện bị Lý Minh Châu cầm cây gậy vẫn dọa mẹ cô đập cho một trận nên thân, kêu rên ba ngày chưa dứt, từ đó Nhị Pháo trở thành đàn em của cô.

Anh trai Nhị Pháo chuyên làm giấy tờ, mở một tiệm làm giấy tờ ở đầu ngõ, giấy tờ gì cũng nhận làm, am hiểu nhất là làm giấy tờ giả. Chuyện này là bí mật đâu dễ truyền cho người ngoài biết, nhưng do nể tình huynh đệ chí cốt mà Nhị Pháo đã nói cho người anh em tốt của mình là Lý Minh Châu biết.

Lý Minh Châu là một người rất giữ chữ tín, miệng lại kín, đây cũng là một điểm khiến Nhị Pháo rất nể cô.

Thẻ sinh viên của cô là do anh trai của Nhị Pháo làm giúp: Đại khái là thế.

Nói đại khái là thế là có lý do, anh trai Nhị Pháo làm thẻ sinh viên giả nhưng đâu có làm cho Lý Minh Châu, anh trai cậu ta đâu có bị điên, làm sao dám làm thẻ sinh viên cho Lý Minh Châu lúc này vừa mới tốt nghiệp cấp Hai được.

Cho nên thẻ sinh viên này là Nhị Pháo thừa cơ anh trai cậu ta đi đánh mạt chược mà ăn cắp.

Vì thế mà cậu ta phải trả giá đắt, Lý Minh Châu và cậu ta khi ấy siết chặt tay nhau, trở thành anh em tốt.

Nhị Pháo bị đánh bầm dập mặt mũi, lo lắng nói, “Lý Minh, đây là thẻ sinh viên đại học Thanh Hoa, cậu xài nó tôi thấy không yên tâm.”

Trên giấy khai sinh, Lý Minh Châu tên là Lý Minh.

Cô cầm thẻ sinh viên giả, nhíu mày, “Không phải Đại học hàng đầu thì ai mướn cậu chứ.”

Nhị Pháo thật sự lo lắng cho cô, một học sinh tốt nghiệp cấp Hai lại đi giả làm sinh viên đại học Thanh Hoa có vẻ rất nguy hiểm chông gai.

Nhưng Lý Minh Châu gan to bằng trời, tài cao lớn mật, hành tẩu giang hồ gặp chút chuyện này thì nhằm nhò gì.

Bây giờ Lý Minh Châu nhớ lại cũng không thể hiểu nổi trong đầu bọn học sinh cấp Hai chứa cái gì, chẳng lẽ chỉ toàn sắt với bùn, khi ấy trong đầu cô chắc chỉ toàn sắt với bùn thật.

Cô liền cầm thẻ sinh viên đại học Thanh Hoa đi nộp đơn đăng ký.

Người ta hỏi sao cô trông như con nít vậy, Lý Minh Châu lắng nghe rồi từ tốn nói từ thiên văn địa lý đến tự nhiên nhân sinh, khiến người ta chẳng biết đường nào là lần.

“Ôi, chẳng qua mặt cháu trông trẻ con quá, đừng nói là cháu, ngay cả mẹ cháu chừng đó tuổi mà hôm trước đi đường mà người ta còn nghĩ là sinh viên đó bác!”

Cô nói dối chẳng cần soạn trước, dù là máy phát hiện nói dối cũng không phát hiện được.

Lý Minh Châu dẻo miệng vô cùng, có thể nói người chết thành sống, lại biết cách nịnh nọt nên không phải không có người tin mấy chuyện hoang đường cô dựng nên.

Cô cứ thế mà lừa được công việc đầu tiên của mình. Lý Minh Châu rất biết người biết ta, dạy kèm học sinh cấp Ba chắc chắn không được, nhưng nếu dạy bọn cấp Một, cấp Hai thì không thành vấn đề.

Dù sao cô cũng là Trạng nguyên được tuyển thẳng của tỉnh Z.

Đầu óc Lý Minh Châu tốt như thế đó.

Một người, đầu óc quá thông minh, nhận được công việc quá thuận lợi, một khi tiền tới tay chắc chắn phải trả giá gì đó.

Hồi nhỏ Lý Minh Châu có học qua một câu chuyện ngụ ngôn có tên Tái ông mất ngựa không biết là họa hay là phúc.

Cô không biết tương lai của mình sẽ có phúc nhiều hơn hay gặp họa nhiều hơn.

Nhưng mùa hè năm đó, sau khi Lý Minh Châu lừa được một bà cụ thì bắt đầu đến dạy kèm cho đứa cháu trai củi mục không thể đẽo sắp thi lên cấp Ba của bà ấy.

Đứa cháu trai này chính là Lục Dao.

Đời này cô quen Lục Dao, không biết là có phúc nhiều hơn hay gặp nhiều họa hơn.

Chỉ có thể xác định là, nửa đời không lo không nghĩ của Lý Minh Châu, khi ấy, vẫn chưa hiểu cảm giác dùng cả sinh mệnh mà yêu một người là như thế nào.

Đọc Truyện

Thử đọc