Đời tựa phiêu sinh

Tác giả:

1.
Đám ma Lệ Đào đông nườm nượp, đầy những hoa lan, hoa hồng và những lời thương tiếc có cánh. Túc trực hai bên quan tài là hai chàng Dũng Sĩ mặt xanh rờn đầy âm khí. Một là chồng, một là người yêu.
Khi làm lễ di quan, Bảo Ngọc, con trai nàng nhất định phải lật ngược di ảnh, ai nói thế nào cũng chẳng thể thay đổi. Vì sợ qua “giờ tốt”, thuận cả lịch Tây lẫn lịch Ta là chín giờ sáng ngày chín tháng chín năm hai nghìn linh chín, nên gia đình nàng đành phải chiều ý đứa trẻ nhỏ mà cho xoay ảnh thờ đi vậy. Chỉ khi người phó nháy chuẩn bị vào kiểu và gia đình nhà tang lễ xoay chuyển theo những “tư thế” nghiêm trang, người họ hàng của nàng mới giằng co với đứa bé để ảnh của nàng được ngay ngắn. Thành ra, trong cái nghiêm trang của lễ tiễn đưa lại có cái sự hài hước của một cuộc “đấu” nho nhỏ.
Quả thực là một cảnh trí lạ lùng.
2.
Càng lạ lùng hơn bởi ngay lễ hạ huyệt, một cao thủ Tướng số đến gặp anh trai Lệ Đào mà rằng, “Tôi vừa quan sát thấy thân mẫu của Đào đã tạ thế đúng ngày này, ba năm về trước. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là tang trùng tang, và có lẽ trong thời gian ngắn nữa chúng ta phải làm lễ cải táng hoặc một vài lễ gì đấy, kẻo ba năm sau thằng cu Bảo Ngọc….”. Người thầy tướng số tử vi bỏ lửng câu nói. Người anh duy nhất của Đào, người còn sót lại cuối cùng của chi họ Phạm Lê, vội sụp lạy mà rằng, “Vâng, cháu biết rồi. Để mọi việc qua đi cháu sẽ nghĩ cách”. Anh quay đi, nước mắt lưng tròng, không hiểu vì thương em, lo sợ cho cháu trai hoặc giòng dõi gia tộc?
Vừa hay thằng bé Bảo Ngọc như được nhắc đến, chạy loanh quanh khắp khu huyệt mộ, miệng cười tươi roi rói. Ai trông qua cũng xót xa cho Lệ Đào và cháu nhỏ, nó còn bé quá đã biết buồn là gì đâu? Trong nụ cười nhiều âm sắc của nó, trong dáng vẻ vô ưu của nó, dường như lại có điều chi bất ổn. Miệng nó cười mà mắt và nét mặt lạnh tanh, hệt như chàng Sĩ, bố nó. Trong cái buồn và sự hiu hắt của một người trẻ tuổi chịu tang vợ, đôi lúc lại ánh lên cái đắc ý ngầm, và tinh mắt lắm mới thấy được sự thỏa mãn tiềm ẩn trong tướng mạo lạ lùng của một người sát vợ, hại con.
3.
Đáng ngạc nhiên vô cùng là mẹ chồng của Lệ Đào, bà Chuẩn, là người nghiên cứu tử vi hai mươi năm có lẻ. Vì thế, khi Lệ Đào còn sống, bà một mực chối bỏ nàng dâu tươi xinh. Trong lá số tử vi của nàng, dường như bà đã đọc được điềm báo trước của ông Thiên: Đào Hoa Kình Dương thủ mệnh, Thái âm hãm địa Thái Dương mờ ám chiếu về- đây là cách cục của người đàn bà có khả năng làm nhiều gia đình tan nát. Vì thế, bà Chuẩn hết sức can gián con trai, nỗ lực ruồng bỏ cô con dâu có nguy cơ làm tán gia bại sản của mình. Trong sự hy vọng tròn vẹn đắc đạo cho gia phong oanh liệt của mình, dường như bà Chuẩn cố hành xử như thể cái tên bà được mang.
Bà chỉ không biết rằng, ngay khi bà bắt đầu lao vào cuộc chiến để rẫy bỏ Lệ Đào, chính bà đã thay nàng trả nghiệp làm người phụ nữ khiến gia đình tan nát. Chính bà, chứ không phải Lệ Đào, là người phá hoại hạnh phúc của gia đình mình, và của tiểu gia đình con trai độc đinh của bà.
Nguy hại thay sự vi diệu của tạo hóa, ai mà biết trước và tưởng rằng mình có thể hóa giải nó, người đó tất chịu tai họa đầu tiên. Và bà Chuẩn, tử vi xem số cho người, hại thay, đã quên mất phải xem lá số cho mình. Mà có khi, với sự đắc thắng của một người sống đời nhiều nghịch cảnh mà vẫn vượt lên được, bà còn tự cho mình đang làm đúng?
4.
Cho đến khi mất, trên danh nghĩa, nàng Lệ Đào vẫn chỉ có một chồng. Oái oăm là, chỉ còn đúng một tuần nữa sau cái ૮ɦếƭ của nàng, thì nàng sẽ được cấp giấy ly hôn. Vậy là, “chỉ có cái ૮ɦếƭ mới chia lìa đôi lứa”, hệt như lời nàng đã cầu xin vào cái ngày nàng nhờ thầy bói chọn giúp cho ngày tốt mà làm lễ hợp hôn. Trong sự dao động mãnh liệt của người con dâu bị từ chối, trong tình yêu say đắm của người con gái trẻ, nàng đã quyết chí lấy cho bằng được chàng Sĩ, bất kể những trở ngại về không gian, về địa lý và cả của bà mẹ chồng cao tay ấn. Quả tình, dường như mối tình của nàng đã động lòng Thiên, chàng Sĩ và nàng bao lần hợp tan, tan hợp, mà vẫn chưa đủ cấu thành một sự chia lìa. Kể cả khi ra tòa ly hôn sau nhiều lần hòa giải, số mệnh trêu ngươi vẫn cho nàng được làm gái có chồng khi đã lìa đời.
Và thế là, chàng Sĩ tội nghiệp một đời bị mẹ bức bách, một thời điêu đứng vì nhan sắc Lệ Đào, một tấm lòng đau đớn ngày ra tòa để được cấp phép lìa xa, lại phải túc trực bên linh cữu, lạy tạ biết bao người thân đến viếng Lệ Đào.
Thực là ngậm ngùi và nhiều oan trái.
5.
Chàng Sĩ nào phải người hiền lành nhu thuận, dù cái vẻ ngoài tưởng chừng nho nhã của chàng dễ dàng đánh lừa nhiều người. Giọng nói chàng êm nhẹ, nghe như tiếng đàn, tiếng nhị, từng lời nói của chàng cũng ngọt, cũng thanh. Tuy bề ngoài chàng không có gì đặc sắc, nhưng chính cái hình dong kém nổi trội lại cho người phụ nữ đa truân cảm giác an tâm vì được kề cận: chàng là một người an toàn, vô hại, một người đàn ông của gia đình. Sự thực cũng chứng tỏ điều ấy: bất kể bao lần Lệ Đào xé mấy lần rào, chàng Sĩ vẫn là một nơi rộng mở để nàng trở về.
Lạ thay, đối nghịch với ngoại hình ung dung, mảnh dẻ là nhiều chấm phá trần tục trong lối sống và sinh hoạt của chàng. Tướng ăn của chàng là một điểm đáng nói. Chàng ăn uống cũng không nhiều, song toàn tợp những miếng to, đặc biệt thích ăn thịt cả tảng lớn. Trong khi ăn, mồ hôi chàng đổ rào rào, thấm ướt cả áo trong lẫn áo ngoài. Dù trời mưa to gió lớn, dù bão hay đông lạnh, mồ hôi vẫn thi nhau đổ xuống như mách bảo về sắc dục vô độ của chàng. Chàng nhai tóp tép, hở miệng, như thể tính xấu không giấu được mãi, dù khi trò chuyện răng chàng không lộ qua môi đích thực là biểu hiện của sự khôn ngoan, giữ ý. Trên gương mặt sáng sủa vầng trán cao lồ lộ, đôi tai dài, đôi môi hồng tươi thanh tú của vị tiến sĩ trẻ là đôi mắt thỉnh thoáng lộ thần của tù hãm, u ám của lòng nghi ngờ, thủ thế, và đặc biệt là nốt ruồi “trích lệ chia phu” ở cả hai bên má như báo trước điềm tang chế ở Phu thê.
Tiếc nay Lệ Đào chỉ là một nữ nhi thường tình, làm sao thấy được những biểu hiện đó trong nội tâm và cả ở sắc tướng của chồng. Lệ Đào lại phải đối phó với sinh kế, với bà mẹ chồng, sinh con đẻ cái. Nàng cũng chẳng phải là một người logic lắm để hiểu rằng, tất thảy cái tính cách của chồng mình là do giáo dục gia đình mà nên. Đối với một người đàn bà đứng tuổi, một người mẹ, mà chỉ dùng lá số tử vi như một phương tiện để hành xử thiếu tình người, hụt lòng nh***, thì vị tất chàng Sĩ sẽ chỉ đối phó với nàng như thể một công cụ trong tay mà thôi. Với cái thiên phú thư sinh nho nhã của mình, chàng Sĩ sẽ chẳng bao giờ có thể dám phản đối mẹ như cưỡng đạo Trời. Trong cái cung kính bề trên có sự ngấm ngầm chấp nhận điều sai trái mà không dám phản đối, và bao bức bí thì dồn hết cả về tiểu gia đình. Hệt như bao tinh anh đã phát tiết ra ngoại hình nom thì đẹp đấy, nhưng sắc thái xấu xa thì đổ dồn về một cái tướng ăn ở vậy.
Và vì thế, tuy mở cửa đón Lệ Đào trở về nhiều lần, trái tim chàng Sĩ vẫn cứ lạnh băng như thể được đúc bằng thép khối, chẳng khác gì báo hiệu trước rằng Lệ Đào sẽ phải tiếp tục ra đi, dù nàng phải nuốt lệ rất nhiều lần để dựng xây từ đổ vỡ. Mới hay, cố gắng từ một phía không thôi chưa đủ, từ hai phía cũng chưa đủ thay!
6.
Cần có thêm một “chân” nữa để quan hệ của họ được bền vững như kiềng ba chân. Chàng Dũng là cái chân thứ ba đó. Đồng cảnh tương lân, họ lao vào nhau khi cả hai cùng đang ly thân với nửa kia của mình. Ngược với chàng Sĩ so đo tính toán, thêm thiệt bớt hơn là chàng Dũng xởi lởi chân tình, cho đi không cầu báo đáp. Chàng đối với Lệ Đào bao gồm cả thái độ của một người cha với con gái bé bỏng, một người anh đối với em, và một người bạn đối với bạn. Nếu chàng Sĩ là một chiếc chậu cảnh để nuôi cây Đào kiểng, thì chàng Dũng là cả một khu vườn bất tận và cả một người làm vườn kỳ công.
Ba hôm liền mưa gió, chàng túc trực bên linh cữu Lệ Đào, không từ nan những việc linh tinh mà hai gia đình tang chế không làm xuể. Ấy vậy mà, đến giờ khâm liệm, động quan, di quan, chàng Dũng tịnh không xuất hiện bên cạnh, bởi chàng tin rằng tuổi của chàng và Lệ Đào không hợp nhau, sự có mặt của chàng làm cho người quá cố thêm vương vấn. Chàng không khóc, không đon đả đón chào khách như bà Chuẩn, cũng không kể lể những câu chuyện liên quan đến Lệ Đào với khách khứa như chàng Sĩ. Người tinh ý nhìn chàng vẫn thấy bình an vô sự, không một tẹo u ám như chàng Sĩ. Chỉ có thầy Tướng pháp lâu năm mới nhận ra cái sự đại tang trình bày trên gương mặt phúc hậu.
7.
Trong những câu chuyện hai chàng ôn lại kỷ niệm với Lệ Đào với khách viếng tang lễ, chàng Sĩ tịnh nói đến việc giải thoát, tịnh độ, và nói về nỗi lòng chàng của những ngày đau khổ bên Lệ Đào; trong khi chàng Dũng thì chỉ một mực, “tôi vẫn cảm giác nàng còn đang kề bên” khi nói về những niềm vui sướng của hai người yêu được ở bên nhau.
Kể ra, câu chuyện tình yêu của Lệ Đào với người chồng đã đến hồi kết, còn với chàng hôn phu thì chỉ mới bắt đầu.
8.
Đoạn kết đám ma Lệ Đào lại là một câu chuyện bi hài khác nữa. Người cao thủ Tướng Số đến chia buồn với cao thủ Tử vi, bà Chuẩn. Trong một lời tiên tri, vị cao thủ Tướng Số đề nghị bà Chuẩn thu xếp cho Bảo Ngọc được đi nước ngoài ăn học để tránh bị vắn số. Bà Chuẩn cười khẩy, “Này bác ơi, thằng bé nhà nháu Tham Lang ngộ Tràng Sinh, nó phải sống lâu bằng ông Bành Tổ ấy chứ!”. Lão thầy Tướng số ma quái gật gù, “tôi sẽ cho chị xem bàn tay với đường Sinh Mệnh nát bét của Bảo Ngọc”. Nói rồi, lão thầy ma mị túm lấy thằng bé đang khóc thét, giật ngửa bàn tay nó ra. Thằng bé cứng đầu vù té chạy, hệt như cái thái độ can trường của nó lúc lật ngược di ảnh của mẹ nó vậy. Nó khóc lu loa, tiếng khóc lại nghe rinh rích như tiếng cười, mắt tịnh không giọt lệ.
Hai vị cao thủ nhìn nhau. Bà Chuẩn hiên ngang trong cương vị một người chủ nhà đầy quyền uy cao giọng hỏi, “Này, bác kia, thế bác bảo xem trong tướng con dâu nhà tôi có cái yểu tướng nào không?”. Lão thầy Tướng số bèn gật gù ra chiều tâm đắc, rồi mới thủng thẳng vuốt râu mà rằng, “Tịnh không một nét yểu tướng nào ở Đào nữ nhà chị, Tử vi của cháu được sao Dưỡng của vòng Tràng Sanh là tốt lắm. Tuy nhiên, nếu có nghiên cứu sâu về tử vi và tìm hiểu thêm về Địa Kiếp thủ Mệnh, thì sẽ hiểu rằng, ai có Địa Kiếp ở Mệnh thì sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của chính mình gây ra ở ngay tại kiếp này.” Dừng lại một chút để thưởng thức cái kinh ngạc của bà Chuẩn trước sự hiểu biết của người mà từ đầu đến giờ bà rất xem thường, lão thầy Tướng số tiếp tục, “Tuy nhiên, Lưu Hà đóng ở Thiên Di có phần dự báo rằng Lệ Đào phải hết sức cẩn thận về đường sông nước khi đi xa, Kình Dương Tí Ngọ Mão Dậu như thế nào thì chị đã biết rồi đấy. Xin mời chị tiếp tục thưởng thức tính toán những sao lưu và luận ra dễ dàng giờ tạ thế của Lệ Đào”.
Nói xong lão tướng số cúi chào và lững thững che ô đi ra. Bầu trời đột nhiên quang đãng, một con bướm vàng từ đâu đó trong nghĩa trang chấp chới bay đến, đậu mãi trên vai lão thầy tướng. Bà Chuẩn sắc mặt từ xanh dần chuyển sang vàng bủng rồi ửng hồng, rồi hóa xám, rồi đỏ và cuối cùng đen sì trở lại. Bà lảo đảo dựa vào một gốc cây, may mắn là thằng bé Bảo Ngọc chạy đến nói cười làm bà tĩnh trí lại. Nó xòe tay vòi bà bồng nó, và trong một khoảnh khắc thần diệu bà đột nhiên nhìn thấy đường Sinh Đạo gập ghềnh của thằng cháu đích tôn của mình.
9.
Có những tiếng thở dài nặng nề như thể rừng cây xào xạc lá. Bát hương bỗng rùng rùng cháy đỏ lần thứ hai trong ngày. Một người đàn ông trong ca đoàn vội vã dập tắt, và trong lúc hấp tấp cứu lửa, một quả lê và một quả đào từ mâm trái cây bỗng lăn ra. Chàng Dũng rùng mình nhớ lại có lần nàng Lệ Đào kể rằng, có vị tu hành từng khuyên nàng nên cải tên thành Lê Đào để được hưởng phước duyên. “Cũng chưa muộn lắm,” chàng Dũng thở dài và thầm nghĩ sẽ thêm tiền cho người khắc bia mộ để viết “sai” tên Lệ Đào một tẹo.
Rừng cây lại xào xạc lá.
[Sưu tầm]