Bà ngoại

Tác giả:

Canh rau muống với cà dầm tương
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống với cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”



Câu ca dao thuở ấy vẫn còn khắc khoải con bé cho tới bây giờ. Cái món ăn dân dã ấy hối thúc nó về quê ngay sau bao ngày trường ăn cơm bụi trong ktx. Nó nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cái món cà dầm mặn trong bát mắm có ướp đầy ớt… cay xè! Thế mà nó cứ ăn ngon lành, húp bát canh rau muống sùm sụp. Mới về đến chợ làng nó đã gặp ngay bà ngoại nó đi chợ. Bà hiền từ cười với nó và dặn nó tối nhớ lên chơi. Chẳng đợi đến giờ cơm nó đã có mặt nhà cậu Thịnh. Ôi cảm giác vui vẻ, yên bình ở nhà bà ngoại lúc nào cũng khiến nó yên tâm. Nhà bà đang chuẩn bị cơm nước. Một cách rất tự nhiên nó ngồi xuống mâm cơm sau lời mời của bà. Các món sơn hào hải vị gì thì nó cũng mặc. Nó và gì Thi của nó đã xí nguyên cái bát cà dầm của bà cậu rồi. Hai dì cháu cả bữa chỉ lấy món đó làm chủ đạo. Mặn mặn, cay cay… phồng hết cả lưỡi mà vẫn không chán được. Món cà của bà thật tuyệt vời. Nhìn bà, nó nhòe miệng cười. Trong tâm trí nó bà là một người phụ nữ đôn hậu. Ở bà nó học được nhiều đức tính của người phụ nữ Việt Nam xưa. Chẳng phải mất công tìm trong những trang thơ văn cổ làm gì, cứ nhìn bà là cả trang cổ tích đã hiện ra rồi.
Sinh ra trong gia đình có 3 chị em, bà ngoại là con cả. Tuổi thơ của bà sớm đã chịu mất mát, vất vả. Bố mất sớm khi đi bộ đội bên Bắc Giang. Không ngờ cái ngày xuất quân lại là ngày cụ ra đi vĩnh viễn. Lúc đó, sang bên Bắc Giang phải đi qua đò. Đò lật, cụ vốn biết bơi nên đã vớt những người gặp nạn trên con đò ấy. Nhưng đến lượt cụ thì quá sức nên đã bị ૮ɦếƭ đuối… Cụ bà khóc chồng nhiều nên bị mờ một bên mắt. 8 tuổi bà đã phải đi làm em nuôi, bế con cho những gia đình khá giả. Đến khi lớn lên khi đến tuổi xuất giá, số phận bà cũng chỉ là người vợ lẽ, chăm sóc chồng, chăm sóc con chồng, và chịu nhiều áp lực khi ông ngoại là trưởng nam mà mãi bà cũng chỉ sinh cho ông được những cô con gái. Đến bận sinh thứ 5 mới có một cậu. Thế nhưng lúc nào bà cũng nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó vun vén cho gia đình của mình.
Khi nó còn là một con nhóc, nó đã quen được chăm sóc dưới bàn tay của bà rồi. Lúc ấy nhà nó còn khó khăn, bố mẹ còn bận với cuộc sống mưu sinh thì toàn gửi anh em nó xuống nhà bà ngoại. Tuổi thơ của nó là khung cảnh nhà bà ngoại với dậu mồng tơi( dậu mùng tơi với những quả chín đỏ mọng mà lũ trẻ con trẩy để nghịch), bụi tre trong khu vườn ngập cây, có hàng cây hút mật ngọt ứ (có cái bài đồng dao “ông Dần ơi có đứa hái trộm hoa hút mật”. Nó đã cười vào mũi lũ trẻ con hái trộm hoa hút mật nhà ông ngoại nó, nó hãnh diện vì nó sở hữu cả dậu hoa hút mật đó), với cái giếng có giàn gấc( nơi mà nó biết nguồn nước mát lạnh từ đâu, dạy nó biết cọ hai chân vào nhau cho sạch trước khi vào bữa ăn, trước khi đi ngủ, nơi nó chậm chạp nhặt rau hay khêu gạch cua giúp bà, nơi nó ngồi xem bà băm bèo cho lợn), có hàng cau cao ngút trời mà nó đã hiểu được sự tích trầu cau thắm đượm tình nghĩa, với cái bếp trát bùn cạnh đó( nơi bếp lửa bập bùng mà nó đã gặp lại trong bài thơ “Bếp lửa”, nơi khói lan tỏa như mở đầu mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử “ trong làn nắng ửng khói mơ tan/ đôi mái nhà gianh lấm tấm vàng” , nơi nó học được câu ca dao “ cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào”),… Nó cùng những anh chị em họ lớn lên bên nhau dưới bàn tay trông nom của ông bà và các cậu, các dì của nó. Những bữa cơm giữa trưa toàn những đứa cháu ngoại với món cà dầm tương thật cay của bà đã in đậm trong tâm trí nó từ tuổi thơ đó. Nó nhớ những buổi sáng khi các mẹ gửi con lên nhà ông bà ngoại để đi chợ thì cả lũ trẻ con nhông nhốc như nó cứ khóc đòi mẹ khiến ông ngoại phải cầm cái gậy tre để dọa đánh. Đứa nào đứa nấy đều sợ, im bặt, nước mắt ngắn dài ngậm ngùi xa mẹ. Rồi lúc đó bà đi chợ về, chia quà cho các cháu. Không biết vì món quà của bà hay bởi nhìn bà hiền hậu, thái độ yêu thương mà lũ trẻ con chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời bà. Bà chẳng kể cho chúng tôi nghe những chuyện cổ tích. Bà làm gì có thời gian mà kể chuyện cổ tích cho chúng tôi. Nhưng những việc làm hàng ngày của bà cũng là những chuyện cổ tích rồi. Chẳng hiểu sao bà không nói nhiều, mắng nhiều mà lũ trẻ chúng tôi lại ngoan như thế, cứ răm rắp nghe lời bà. Có lẽ vì thế mà tuổi thơ của chúng tôi qua đi thật êm ả, nhẹ nhàng. Khi bà lấy bèo cho lợn, đám trẻ đi theo bà ra ao. Bà bảo, ao nhiều nước, không được nghịch gần. Thế là lũ trẻ chúng tôi chỉ đứng trên bà giúp bà xếp bèo vào rổ. Khi bà nấu cơm, cả lũ lại kéo theo bà vào tận bếp, tranh nhau đút rơm vào bếp. Bà bảo lửa rất nguy hiểm, cẩm thận kẻo cháy nhà. Cả lũ lại nghe lời bà, cẩn thận đun đun nấu nấu. Vậy mà, cơm chín, nước sôi, lũ trẻ chúng tôi học những bài học đó thật nhẹ nhàng. Bàn tay bà làm những công việc thoăn thoát như cô Tấm bước ra chuyện cổ tích. Chúng tôi học được cách cầm đũa, cách cầm con dao, cách nhóm lò thổi lửa, cách ăn, cách ở… từ những lời chỉ bảo rất đỗi bình dị của bà. Bữa cơm đạm bạc của nhà ông bà ngoại đã nuôi dưỡng tuổi thơ của chúng tôi như thế đó. Có biết đâu đó là những ngày tháng thiếu ăn.
Tuổi thơ của tôi cũng có những cánh chim câu của ông. Hồi xưa, khi còn khó khăn, ông ngoại đã có thú nuôi chim bồ câu. Nhưng, thời buổi đói kém, lấy đâu ra gạo để mà ăn, huống hồ là cơm thóc nuôi chim chứ? Ấy vậy mà, bà vẫn chịu đói, đi vay thóc gạo để cho chim ăn. Bà có thể đói ăn nhưng đàn chim bồ câu của ông thì chưa bao giờ chịu đói cả. Khoảng nhà rộng với bầu trời Ⱡồ₦g lộng, đám trẻ ngửa mỏi cổ để ngắm cánh chim bay không biết mệt mỏi. Có khi nào trong cái tâm trí non nớt của đám trẻ con đã mơ được bay cao, bay xa như những con chim kia. Muốn bay lên trên trời cao, bồng bềnh cùng những đám mây, cùng với ông mặt trời chói chang cho thỏa cái trí tưởng tượng… Những buổi trưa hè, chúng tôi không quậy như những đứa trẻ khác mà ngoan ngoãn nằm xếp hàng dưới chiếu giữa nhà. Những đứa lớn sẽ được ông ngoại quạt cho ngủ. Những đứa bé hơn thì sẽ được bà dỗ dành, hát ru… Trưa hè nóng với tiếng hát ru của bà đã chắp cánh cho tâm hồn thơ ca trong tôi. Tôi yêu những buổi trưa hè! Có cái quạt giấy phe phẩy cùng mùi mồ hôi của bà. Trong lời ru ấy có cánh cò trắng muốt:
“Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”
Và cánh đồng bát ngát ấy cũng có những con cua đồng ( nó lại nghĩ đến cái món canh cua chua chua cay cay cùng đậu rán của bà)
À ơi… cái mày mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con cá con cua…,
Đem về cho cái ngủ mày ăn
Có biết đâu trong lời ca ấy là những giọt mồ hôi của bố mẹ trên đồng và có cả lời nhắc nhở của bà: bố mẹ các con đang vất vả ngoài đồng đó, các con phải ngoan, phải vâng lời bố mẹ đấy nhá… Nào ngủ đi chiều dậy còn quét sân và cho chim ăn giúp bà, giúp ông nữa chứ…
“Cày đồng giữa buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”
Lời căn dặn nhẹ nhàng của bà đã đi vào lòng chúng tôi lòng yêu quí và biết ơn bố mẹ, những bậc sinh thành ra chúng tôi… Đứa nào cũng ngủ ngon lành trong vòng tay của bà…
Giờ đây, khi đã lớn nhưng lúc nào tôi cũng thích lên nhà bà ngoại. Ở đó tôi tìm được sự yên bình. Không có bon chen của cuộc sống ồn ào như ở thành phố. Không có những lo toan như cuộc sống hàng ngày. Cái duy nhất mà tôi cảm nhận được là cảm giác tìm lại được chính mình. Tôi không cần tinh khôn, tôi không cần bon chen, tôi không cần phải đố kị, tôi không cần tỏ ra bản lĩnh… tôi chỉ cần nhìn mọi thứ thật nhẹ nhàng, tình cảm qua lăng kính là bà mà thôi. Không cần thù ghét ai vì bà bảo cái gì cũng có nhân quả… Không cần cạnh tranh với ai vì cái gì là của mình thì chẳng ai tranh nổi. Chỉ cần sống sao là chính mình thôi. Bà không nhiều chữ nghĩa để tổng quát mọi điều thành triết lí nhưng những lời của bà giản dị sao dễ đi vào lòng tôi đến vậy? Cuộc sống còn nhiều khó khăn và lo nghĩ nhưng bà vẫn thật bình tĩnh và vui vẻ làm sao…nhiếu lúc tôi ghen tị với những đứa em là cháu nội của bà vì được ở gần bà hơn ai hết. Tôi tin rằng chúng nó sẽ ngoan ngoãn, sẽ biết vâng lời như chúng tôi ngày xưa.
Tôi thầm cảm ơn bà vì bà gieo vào tâm hồn tôi những hạt mầm thật xinh để bây giờ nó sinh sôi và nảy nở trong lòng tôi, giúp tôi nhận ra những điều đáng quí trong cuộc sống. Sẽ có một ngày nào đó có thời gian tôi sẽ lại viết về bà nhiều hơn nữa. Giờ thì tôi có thể vững dạ lên trường, trở lại thành phố đầy sôi động và… bụi đường kia để dấn thân vào con đường phía trước. Canh rau muống với cà dầm tương… dù thế nào tôi cũng có chỗ để quay về… vậy tại sao phải sợ hãi, đúng không nào?