Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương - Chương 07

Tác giả: Sara Imas

Yêu Con Trong Nguyên Tắc Có Làm Có Hưởng
“Nô lệ của con” và “thế hệ ăn bám”
Gần đây ở Trung Quốc sử dụng phổ biến cụm từ: “Nô lệ của con”
Ngày nay, các bậc cha mẹ trẻ luôn phải chịu một áp lực vô hình. Gánh nặng giáo dục khiến cho tinh thần, tâm lý của họ vận hành quá tải, dù có chịu đựng được hay không họ cũng phải gánh lấy nó. Khi con bé bỏng, cha mẹ lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của con, cùng với rất nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Đến khi con lớn lên, cha mẹ lại phải chú ý đến vấn đề học tập của chúng. Trong tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, cha mẹ cần mẫn làm việc, bắt nhịp thời đại, còn phải không ngừng trau dồi tri thức, nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao địa vị của bản thân. Ngoài tám tiếng đó ra, cha mẹ dành toàn bộ thời gian cho con, Ϧóþ hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào nhà trẻ tư thục, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con, cha mẹ giống như “máy in tiền” thực thụ. Hễ thấy con bị chèn ép, cha mẹ lập tức ra mặt làm máy bay trực thăng bay lượn trên đầu con không để cho con phải chịu một chút uất ức, thật xứng với danh hiệu “nô lệ của con.” Các bậc cha mẹ làm “nô lệ của con” xuất phát từ tình yêu thương con cái vô bờ bến, nhưng, trên thực tế, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sinh tồn của con, kết quả là làm hại con.
Mặc dù “nô lệ của con” là một danh từ mới xuất hiện trong những năm gần đây, nhưng nó đã có mầm mống từ khá lâu. Trước hết là do ảnh hưởng của quan niệm tình thân máu mủ truyền thống, các bậc cha mẹ Trung Quốc dốc hết tiền của, tinh thần và sức lực của mình vào con mà không một lời oán thán hay hối hận. Đến khi con cái trưởng thành, cha mẹ cũng không thể từ bỏ thói quen hy sinh vô điều kiện trên tất cả các phương diện. Thêm vào đó, kết cấu gia đình “421”, “621” của chính sách một con cũng vô hình chung thúc đẩy hiện tượng cha mẹ làm “nô lệ” cho con. Con càng được mọi người chú ý đến, cha mẹ càng muốn nó thành rồng, thành phượng. Vì thế, trách nhiệm của cha mẹ đối với con ngày càng chuyển biến xấu đi. Cha mẹ lao lực hy sinh vì con, cuối cùng lại trở thành nô lệ của con, sa vào trạng thái giáo dục bất thường, vốn muốn bồi dưỡng sinh mệnh nhỏ bé của mình thành cây đại thụ, rốt cuộc lại thành cây tầm gửi.
Các bậc cha mẹ càng coi mình là nô lệ của con cái, càng có khả năng tạo ra “thế hệ ăn bám” đúng nghĩa, đó là kiểu tuần hoàn ác tính. Rất nhiều bậc cha mẹ nói rằng, yêu con bao nhiêu cũng không đủ, họ cứ nghĩ cho con vào trường học tốt nhất, cung cấp những dưỡng chất tốt nhất, xây dựng lô cốt an toàn nhất, là chắc chắn sẽ tạo nên anh tài, tuấn kiệt. Đó là sai lầm của các bậc cha mẹ Trung Quốc mấy đời nay.
Tôi cũng từng mắc phải sai lầm này, hồi mới đến Israel, tôi vẫn là một bà mẹ Trung Quốc theo kiểu nô lệ của con. Ngoài việc không thể học thay các con ra, tôi toàn quyền quyết định mọi việc của chúng, tôi là “nồi cơm điện”, “máy giặt”, “máy rửa bát”, “cần cẩu”, là “trực thăng” hoạt động hai tư giờ mỗi ngày! Cứ theo cách dạy con của mình, có lẽ bây giờ tôi cũng như rất nhiều cha mẹ Trung Quốc cùng độ tuổi, mua nhà, mua xe, cưới vợ cho các con bằng số tiền của mình tích cóp cả đời. Cũng may, những lời phê bình thẳng thừng của chị hàng xóm thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh, và quan niệm giáo dục gia đình của Israel giúp tôi tỉnh ngộ. Phụ huynh Israel coi sự độc lập là món quà quý giá nhất họ tặng cho các con, nhất quyết không để cho hiện tượng “thế hệ ăn bám” tràn vào xã hội, bằng không con trẻ càng ngã đau hơn.
Trong số các trẻ em Do Thái, rất ít cháu có “điểm số cao, năng lực thấp” giống như trẻ em Trung Quốc. Người Do Thái có biểu thức số học:
Điểm số tốt = Trường học tốt
Trường học tốt = Tấm bằng đẹp
Tấm bằng đẹp = Công việc tốt
Công việc tốt ≠ Sự nghiệp thành công
Biểu thức này không nói lên rằng, người Do Thái xem thường tri thức, không có gia đình Do Thái nào không có một hoặc một vài tiến sĩ danh giá. Chỉ có điều, người Do Thái coi trọng sự vận dụng tri thức hơn, tức là hiểu biết và kỹ năng. Họ coi những người có tri thức mà chưa có hiểu biết và kỹ năng là “con lừa thồ sách.” Talmūdh từng nói: “Chưa có kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể học tập tốt, nhưng chưa biết vận dụng tri thức vào thực tiễn lao động thì cuộc đời của bạn không thể đơm hoa kết trái, ngược lại còn dẫn đến tội ác.”
Của cải của tôi là sự hiểu biết.
Chính vì vậy, người Do Thái rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn và quán triệt tư tưởng “không làm không hưởng” đối với con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Khi mới đến Israel, tôi cho rằng, chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế kém mới giương cao khẩu hiệu: Muốn tiêu tiền thì hãy tự kiếm! Sau này, khi làm thuê cho một gia đình rất giàu có, tôi mới hiểu rằng, hóa ra các vị phụ huynh Do Thái càng giàu có lại càng chú trọng giáo dục sinh tồn cho con. Gia đình mà tôi làm thuê có một cậu con trai đang học tiểu học, mặc dù trong nhà không thiếu gì siêu xe, nhưng những chiếc ô tô đó không hề được dùng để đưa đón cậu bé tới trường. Bất luận mưa gió thế nào, nó cũng tự đi xe buýt về nhà. Nếu cậu bé muốn thay đôi giày đá bóng đã cũ, cha mẹ sẽ đề nghị mỗi buổi tối cậu bé rửa bát đũa để lấy tiền mua giày. Họ nói rằng, làm vậy mới khiến con cái cảm nhận được những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống.
Các gia đình Do Thái đã thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng từ lâu. Vì sao dân số ít ỏi của người Do Thái lại sinh ra lớp lớp nhân tài? Mọi người vẫn luôn muốn biết đáp án của câu hỏi này, thật ra, nguyên tắc có làm có hưởng chính là một bí quyết nhỏ trong đó. Ví dụ về tỷ phú thế giới John D. Rockefeller, Rockefeller đã “làm thuê” cho cha ông để kiếm tiền tiêu vặt từ thuở nhỏ. Sáng sớm, ông đến nông trại, đôi khi giúp mẹ ông vắt sữa bò. Ông có một cuốn sổ tay, thống kê số lượng công việc hằng ngày, tính 0,37 đô la Mỹ mỗi giờ làm việc, ghi vào sổ, về sau kết toán với cha. Ông làm việc này rất nghiêm túc, cảm nhận lao động là thiêng liêng và vô cùng thú vị.
Ấn tượng hơn là, hậu duệ đời thứ hai, đời thứ ba, thậm chí đời thứ tư trong dòng họ Rockefeller đều nghiêm khắc làm việc như vậy. Rockefeller có tất cả năm người con, tiềm lực kinh tế của gia đình ông vượt xa so với mặt bằng chung của người dân, nhưng ông lại vô cùng “bủn xỉn” với các khoản tiêu vặt của con cái. Ông quy định cho các con của mình tiền tiêu vặt căn cứ theo độ tuổi: Từ bảy đến tám tuổi cho 3 hào một tuần, từ mười một đến mười hai tuổi cho 1 đô la một tuần và từ mười hai tuổi trở lên cho 2 đô la một tuần, mỗi tuần đưa tiền một lần. Ông còn phát cho mỗi người con một cuốn sổ nhỏ ghi rõ từng khoản chi tiêu và yêu cầu họ đưa cho ông kiểm tra khi lĩnh tiền. Người nào ghi chép rõ ràng, chi dùng thỏa đáng, cuối tuần được tặng thêm 5 xu, ngược lại thì bị cắt giảm. Đồng thời, người nào biết làm việc nhà cũng được nhận thù lao, trợ cấp tiền tiêu vặt. Ví dụ, bắt một trăm con ruồi được 1 hào, bắt một con chuột được 5 xu, nấu ăn, xếp củi, nhổ cỏ đều có phần thưởng khích lệ. Thuở nhỏ, Nelson A. Rockefeller, con trai thứ hai của ông, sau này làm Phó Tổng thống và Laurance S. Rockefeller, con trai thứ ba của ông, người sau này đã mở ra ngành công nghiệp mới, chủ động nhận công việc đánh giày cho cả nhà, giá mỗi đôi giày da là 5 xu, mỗi đôi bốt là 1 hào. Hai anh em họ còn cùng nhau nuôi thỏ bán cho trường Y làm nghiên cứu, kiếm tiền tiêu vặt khi mới mười một mười hai tuổi.
Hiện nay, Trung Quốc chưa trở thành một cường quốc kinh tế, rất nhiều gia đình vẫn luẩn quẩn bên ngoài ngưỡng cửa của tầng lớp trung lưu, nhưng họ lại có quan niệm giáo dục nuông chiều con cái, chi tiêu xa xỉ cho chúng ngay từ khi gia đình chưa lấy gì làm giàu có. Không ít nhà trẻ quý tộc ở trong nước quảng cáo: “Không sinh ra với chiếc chìa khóa bạc, thì hãy sử dụng nó để sống.” Đó là một nhận thức sai lầm về giáo dục quý tộc. Cách nuôi dạy con cái theo kiểu cha mẹ là “nô lệ” của con không thể bồi dưỡng con trẻ trở thành quý tộc thật sự, mà chỉ biến chúng thành những kẻ “ăn bám” cha mẹ suốt đời. Luận về giàu có, dân tộc Do Thái có nhiều người giàu nhất, luận về cao quý, châu Âu có nhiều quý tộc nhất. Song về giáo dục, những dòng họ giàu sang đó cũng luôn chú trọng đến vấn đề bồi dưỡng tố chất và kỹ năng sinh tồn của con cái nhất.
Ngược lại, các bậc cha mẹ Trung Quốc mấy đời nay đều xem thành tích học tập của con là minh chứng cho mức độ thành công của mình trong việc nuôi dạy con cái, hoàn toàn bỏ qua việc dạy con kỹ năng sinh tồn, hoặc giả họ cho rằng cứ để cho con đạt được trình độ học vấn cao rồi sau đó bồi dưỡng thêm cho nó cũng chưa muộn. Dù sao “nô bộc già” là mình vẫn còn sống sờ sờ cơ mà!
Kết quả, các bậc phụ huynh Trung Quốc tự biến mình thành nô lệ của con cái, sau cùng đào tạo ra “thế hệ ăn bám.” Thật ra, các bậc phụ huynh mong muốn làm nô lệ cho con không hề sống bằng lý trí, bản thân họ là người cha, người mẹ vĩ đại nhất, vô tư nhất, giàu đức hy sinh nhất, nhưng đồng thời cũng là người cha, người mẹ thất bại nhất, đáng thương nhất trong lịch sử. Một cuộc điều tra mấy năm trước cho thấy, hơn 65% gia đình Trung Quốc tồn tại hiện tượng “già nuôi trẻ”: những người trưởng thành ba mươi tuổi vẫn phải trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ. Gần đây, không ít người hô hào, phải đề phòng hiện tượng: Người Trung Quốc “nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”!
Bao nhiêu người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp, rồi bao nhiêu người đã ngoài ba mươi mà vẫn mua nhà, kết hôn bằng tiền lương tích cóp cả đời cha mẹ. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới, song cổ họng như nghẹn lại. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi chuyện con cái khó bám rễ trong xã hội cho hoàn cảnh cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay Trung Quốc không thiếu trẻ em có trình độ học vấn cao, điểm số tốt, nhưng sở dĩ chúng không tìm được vị trí lý tưởng trong xã hội là vì thất bại ở kỹ năng sinh tồn. Liệu đứa trẻ vừa mới cất tiếng khóc chào đời có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ không, liên quan mật thiết đến chính đôi tay đưa nôi của người làm cha, làm mẹ. Đừng phụ lòng tín nhiệm và ủy thác của sinh mệnh hoàn hảo ấy chỉ vì quan niệm giáo dục lạc hậu của chúng ta.
Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, các bậc cha mẹ hãy làm thử một lần, xem cách dạy con của mình có bao nhiêu nhân tố không phù hợp.
Càng chọn nhiều đáp án “đúng”, chứng tỏ cách dạy con của bạn càng có nhiều nhân tố không hợp lý, nguy cơ sau này con cái của bạn trở thành “thế hệ ăn bám” càng cao, sớm thay đổi cách dạy con của bạn là một tin tốt đối với gia đình và con cái bạn.
Đừng dạy con thành kẻ “ăn bám” cha mẹ:
Tránh nuôi con thành tiến sĩ giấy, “ăn bám” cha mẹ
Con nên làm một số việc nhà, tùy theo sức của mình.
Con chịu một chút tủi thân, không có gì là không tốt.
Cha mẹ chỉ nên đáp ứng một nửa yêu cầu của con, tiếp nhận yêu cầu hợp lý, thay đổi yêu cầu bất hợp lý, thậm chí đôi khi phải từ chối.
Khi con làm sai, cha mẹ không mắng con tức là đã tự chối bỏ cơ hội giáo dục.
Không có đứa con nào là hoàn hảo, đứa con hoàn hảo được sinh ra từ phương pháp giáo dục hoàn hảo.
Từ lần đầu tiên con dùng hành động khóc lóc ầm ĩ để uy Hi*p cha mẹ, cha mẹ không được chiều theo ý con, bằng không nó sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.
Cha mẹ nên tán thành quan điểm giáo dục cọ xát khó khăn.
Con chỉ có thành tích học tập cao chưa chắc sau này đã là người đạt được thành tựu to lớn.
Bạn phải chôn chặt ý nghĩ con mình là giỏi nhất trong lòng, đừng làm cho chúng nảy sinh bất kỳ ý nghĩ tự cao tự đại nào.
Khi con gặp khó khăn, cha mẹ đừng ngại để con tự giải quyết.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc