Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế - Chương 04

Tác giả: Adam Khoo

TÔI TỰ TIN, TÔI CÓ THỂ BAY CAO VÀ TÔI LÀM ĐƯỢC
HỌ THÀNH CÔNG VÌ TIN VÀO KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
Nhiều người thắc mắc tôi đã học gì mà sao kết quả học tập và cuộc sống của tôi lại thay đổi bất ngờ đến vậy. Thật ra, những phương pháp, kỹ năng mà tôi được học chỉ giúp tôi đạt những điểm 10, chính sự thay đổi niềm tin trong tôi mới là yếu tố ảnh hưởng tôi mạnh mẽ nhất. Trong quá khứ, tôi từng tin rằng mình là một học sinh đần độn, tôi từng tin rằng việc học hết sức nhàm chán khó khăn, rằng cho dù tôi cố gắng học chăm chỉ đến mức nào, tôi cũng không bao giờ trở thành một học sinh khá, còn xuất sắc là điều không tưởng. Vậy mà, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn từ khi tôi có niềm tin mới rằng "tôi là một thiên tài", cũng như "việc học rất thú vị nhẹ nhàng". Bạn cũng sẽ thay đổi được như vậy! Trước khi bạn đạt toàn điểm 10, bạn phải tin bạn làm được việc ấy, cũng như tin nó rất thú vị nhẹ nhàng. Tất cả đều xuất phát từ niềm tin của chính bạn.
Bạn có thể thấy việc này quá đơn giản, nhưng sự thật không phải vậy. Niềm tin của bạn có một sức mạnh cực kỳ to lớn, bởi vì niềm tin giống như là trung tâm chỉ huy trong não bộ của bạn vậy. Niềm tin ảnh hưởng đến mục tiêu bạn đặt ra. Niềm tin quyết định những hành động bạn muốn thực hiện. Niềm tin quyết định liệu bạn có muốn thử làm một việc gì đó hay không. Niềm tin quyết định liệu bạn có dễ dàng bỏ cuộc sau vài lần thất bại hay bạn sẽ tiếp tục kiên trì.
Tôi không hề có ý nói rằng bạn sẽ thành công chỉ đơn giản bằng cách tin vào nó. Không cách nào bạn làm được như vậy. Để biến niềm tin thành hiện thực, bạn cần có các kỹ năng và hành động cần thiết. Quan trọng là khi bạn tin vào một điều gì đó, não bộ của bạn sẽ phải cố gắng tìm kiếm giải pháp để giúp bạn biến điều đó thành sự thật. Não bộ của bạn sẽ phải tận dụng tất cả khả năng tiềm ẩn của nó, từ đó mở ra con đường đi đến thành công. Tuy nhiên, khi bạn không tin bạn có thể làm một việc gì đó, não bộ của bạn sẽ giảm thiểu hoạt động, và không thể tận dụng hết nguồn năng lực cần thiết để đưa bạn đến thành công. Việc này khiến bạn mất đi hoàn toàn khả năng để làm một việc mà lẽ ra bạn có thể làm được khi có một niềm tin đúng đắn. Đơn giản, nếu bạn không chọn thành công thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công.
VÒNG LẶP THÀNH CÔNG VÀ VÒNG XOÁY THẤT BẠI
Nói chung, niềm tin của bạn quyết định hành động của bạn. Hành động của bạn quyết định việc bạn muốn tận dụng bao nhiêu khả năng tiềm ẩn trong bạn. Việc bạn tận dụng được bao nhiêu khả năng thật sự của bạn quyết định kết quả bạn đạt được. Cuối cùng, kết quả bạn đạt được lại củng cố niềm tin của bạn trước đó.
Hãy giả sử bạn có một loạt niềm tin mạnh mẽ như: “Tôi thông minh”, “Tôi có thể đạt điểm 10” nên “Việc học rất thú vị dễ dàng”. Bây giờ, với những niềm tin tích cực như vậy, bạn sẽ hành động như thế nào? Rõ ràng, bạn sẽ xác định mục tiêu to lớn để đạt không những một mà thật nhiều điểm 10. Bạn sẽ nỗ lực hết mình để học tập vì bạn nghĩ việc học rất thú vị. Bạn sẽ học với tất cả niềm đam mê, tận dụng thời gian hiệu quả, dành nhiều thời gian để học hơn bạn bè cùng trang lứa. Khi bạn hành động như vậy, thật ra là bạn đang tận dụng rất nhiều (có thể 90%) năng lực trong người bạn. Kết quả là bạn sẽ đạt thành tích xuất sắc. Thậm chí nếu bạn không đạt được tất cả các điểm 10, bạn vẫn sẽ đạt rất nhiều điểm 10. Cứ thế, mỗi điểm 10 bạn đạt được sẽ củng cố thêm niềm tin ban đầu của bạn là “Việc học thật dễ dàng thú vị”, “Tôi thông minh”, “Tôi có thể đạt điểm 10”. Bạn tạo ra những gì bạn tin tưởng. Bạn tạo ra những gì bạn dự đoán. Đây chính là Vòng Lặp Thành Công. Bởi thế, đó là lý do tại sao các học sinh giỏi học ngày càng giỏi hơn. Những người thành công tột đỉnh khởi đầu con đường thành công của mình trước hết từ việc tin tưởng vào bản thân họ.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn có những niềm tin tiêu cực như: “Tôi đần độn”, “Cho dù tôi có học chăm chỉ đến mức nào thì tôi vẫn kém”, “Không có cách nào khiến tôi đạt điểm 10”, “Việc học thật nhàm chán”, “Mọi thứ sao mà khó khăn quá”. Với những niềm tin ấy, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ học chăm chỉ không? Không đời nào! Bạn sẽ né tránh việc học và lao vào những việc khác như lướt mạng, chơi trò chơi điện tử hoặc phung phí thời gian vào vô số những việc vô bổ khác khiến bạn cầm chắc thất bại. Bạn sẽ không nỗ lực nhiều trong học tập vì bạn không cảm thấy thích thú. Bạn run sợ trước những thử thách nhỏ nhặt nhất. Với hành động tiêu cực như thế, bạn đã tự tay chôn vùi mọi năng lực của bạn để rồi nhận toàn kết quả tệ hại. Một lần nữa, mỗi kết quả tệ hại lại củng cố thêm niềm tin tồi tệ ban đầu của bạn.
Nhiều học sinh bị vướng vào cái bẫy vòng xoáy thất bại này. Họ cứ liên tục thất bại bởi vì họ nghĩ họ sẽ thất bại, và khi họ thất bại càng nhiều, họ càng nghĩ họ sẽ tiếp tục thất bại. Kết quả là, thất bại đeo đuổi họ suốt cuộc đời.
Nếu bạn đang vướng vào vòng xoáy thất bại, hãy phá vỡ nó và tự giải thoát bạn. Để thoát khỏi nó, thay đổi niềm tin là việc đầu tiên bạn phải làm (tôi sẽ chia sẻ thêm với bạn về điều này trong các phần sắp tới). Thay đổi niềm tin cũng khiến mọi thứ khác thay đổi. Vậy thì, hãy bắt đầu tin rằng bạn là một học sinh xuất sắc, hãy tin rằng việc học rất dễ dàng thú vị, hãy tin rằng bạn có thể đạt điểm 10 một cách nhẹ nhàng. Một khi bạn tin như vậy, bạn sẽ tự động thay đổi hành động của bạn. Bạn sẽ hành động như những học sinh xuất sắc. Nếu bạn không biết phải bắt đầu hành động từ đâu, hãy đọc thật kỹ và làm theo những phương pháp được hướng dẫn trong quyển sách này.
NIỀM TIN CỦA BẠN CHỈ ĐÚNG VỚI MÌNH BẠN
Khi tôi khuyên mọi người nên thay đổi niềm tin của họ, họ thường trả lời tôi rằng "Anh có điên không? Anh nói tôi thay đổi niềm tin của tôi là ý gì? Làm sao tôi thay đổi được niềm tin của tôi? Niềm tin của tôi hoàn toàn đúng, đúng là tôi thật sự đần độn và hay quên cơ mà, việc học thật sự nhàm chán cơ mà, tôi không thể thay đổi điều đó".
Bạn phải nhớ rằng niềm tin của bạn không bao giờ là tuyệt đối cả. Niềm tin của một người chỉ đúng với chủ nhân của nó. Rõ ràng niềm tin không là gì khác hơn một ý kiến chủ quan. Cho dù bạn hết mực tin vào điều gì đi chăng nữa, sẽ luôn có người khác tin vào điều hoàn toàn trái ngược với niềm tin của bạn. Xin thưa với bạn, nếu có những người luôn tin rằng toán học hết sức khô khan, tẻ nhạt, thì cũng có rất nhiều người khác cho rằng toán học rất thú vị đầy màu sắc. Tóm lại, niềm tin không bao giờ là sự thật tuyệt đối vì nó chỉ đơn giản là sản phẩm của chính bạn.
Sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại nằm ở "sản phẩm niềm tin" của họ. Bởi thế, thay vì nghi ngờ một niềm tin nào đó có thật sự đúng hay không, bạn phải tự hỏi liệu niềm tin đó có truyền thêm năng lực cho bạn để đi đến thành công hay không. Nếu nó làm bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn để vươn tới thành công, hãy chấp nhận niềm tin đó, ngược lại, nếu nó hạn chế năng lực bạn, bạn cần phải từ bỏ nó.
NIỀM TIN CỦA BẠN XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU?
Vấn đề phức tạp ở chỗ là đa số mọi người không biết chủ động lựa chọn niềm tin của mình. Nếu bạn làm được điều đó, bạn có thể trang bị cho bản thân những niềm tin tích cực. Thay vào đó, chúng ta thừa hưởng một cách thụ động tất cả các loại niềm tin (trong số đó có rất nhiều niềm tin tồi tệ) từ cha mẹ, bạn bè, thầy cô và kinh nghiệm trong quá khứ. Đôi khi, những người thân quen của chúng ta, dù không cố ý, truyền đạt cho chúng ta những niềm tin hết sức tiêu cực, vô tình hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Tiến sĩ Georigi Lozanov, người khám phá ra phương pháp học tăng tốc, đã khẳng định rằng: chúng ta khi sinh ra đều là những thiên tài, nhưng trong quá trình lớn lên, chúng ta làm mất khả năng thiên phú của mình từ việc lắng nghe ý kiến tiêu cực của người khác. Ví dụ như cha mẹ, bạn bè hoặc thầy cô nói rằng chúng ta "lười biếng", "vô dụng", "ngu ngốc", "kém cỏi",... Sau một thời gian phải liên tục nghe những điều này, chúng ta dần dần bắt đầu tin vào chúng, dẫn đến việc sống một cuộc sống với vô số niềm tin tiều cực.
Qua năm tháng, những niềm tin tiêu cực ấy biến thành "sự thật" và chúng ta không bao giờ nghi ngờ những "sự thật" đó.
CHUYỆN NÀY ĐÃ XẢY RA VỚI BẠN CHƯA?
Niềm tin cũng có thể hình thành từ việc chúng ta tự tạo ra quan niệm sai lầm sau khi trải qua những kình nghiệm trong quá khứ.
Bạn có thể bị điểm kém trong lần đầu tiên thi toán. Chẳng may, khi bạn tiếp tục bị điểm kém một toán thêm vài lần nữa, bạn sẽ bắt đầu hình thành niềm tin là "tôi học kém môn toán". Sau đó, nếu bạn cứ tiếp tục khư khư ôm lấy niềm tin tiêu cực này vào bản thân, bạn sẽ lặp lại thất bại này, rồi thất bại lại củng cố niềm tin của bạn từ lần này sang lần khác cho đến khi niềm tin của bạn trở thành "sự thật" đối với bạn.
Vấn đề nằm ở chỗ là bạn có thể không hề dốt toán một chút nào, nguyên nhân có thể là do những khái niệm, định nghĩa toán học đã không được giải thích cho bạn một cách thích hợp hoặc có thể bạn đã áp dụng sai cách giải hoặc hiểu sai câu hỏi trong bài thi.Tất cả chúng ta, ai cũng có thể phạm sai lầm trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc áp dụng sai phương pháp giải toán một vài lần và việc tin rằng bạn vốn rất kém môn toán lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Khi bạn tự nói với bản thân rằng bạn đã dùng sai phương pháp, bạn sẽ không cảm thấy tệ hại và bất lực. Lý do là vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể đạt kết quả tốt hơn ở lần sau khi bạn học toán với phương pháp phù hợp hơn. Ngược lại, nếu bạn tự nhủ rằng "mình tệ hại trong môn toán", bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn bất lực. Kết quả là bạn sẽ không bao giờ biết rằng thật sự tồn tại những phương pháp phù hợp hơn để "chinh phục" môn toán.
BẠN KHÔNG CHỈ LÀ NHỮNG "NHÃN DÁN"
Trong suốt cuộc đời, chúng ta không ngừng đồng hóa tất cả mọi việc mà chỉ dựa trên một vài kinh nghiệm bản thân. Đặc biệt hơn, chúng ta luôn tự kết luận về chính con người mình một cách thiếu căn cứ rồi tin tưởng tuyệt đối vào điều đó. Kết cục, chúng ta tự ném mình rơi vào vòng xoáy thất bại.
Qua thời gian, chúng ta thu thập và dán rất nhiều loại nhãn lên bản thân mình đại loại như "tôi rất lười biếng", "tôi vô trách nhiệm", "tôi hay quên" hay "tôi vẽ rất tệ". Bên cạnh những loại nhãn chúng ta tự dán lên mình, còn có các loại nhãn khác do những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè,... dán lên chúng ta.
Dần dần, chúng ta quên rằng những loại nhãn này chỉ là sự đồng hóa thiếu căn cứ, là những niềm tin không đúng sự thật. Chúng ta đã quá quen với các nhãn dán này đến mức độ coi chúng là một thực tế, một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Chất lượng cuộc sống hiện tại của bạn chính là kết quả trực tiếp của những loại nhãn bạn tự dán hoặc do người khác dán lên cho bạn.
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
TÔI BỊ DÁN NHÃN “DỐT TOÁN” NHƯ THẾ NÀO
Ở Singapore, nhiều bậc cha mẹ tập cho con làm quen với bảng cửu chương trước khi chúng vô tiểu học, việc này sẽ giúp bọn trẻ tiến bộ nhanh hơn các bạn cùng lớp. Bởi thế, cha mẹ tôi cũng cố gắng dạy tôi học thuộc lòng bảng cửu chương lúc tôi sáu tuổi. Nhưng tôi không thể nào hiểu được định nghĩa phép tính nhân vì cha mẹ tôi đã không dạy đúng cách. Kết quả là tôi không thể làm phép tính nhân. Cha mẹ tôi cực kỳ nản chí và dán cho tôi cái nhãn "đần độn". Họ hỏi tôi: "Tại sao con không thể học thuộc lòng như mấy anh họ con?".
Mẹ tôi càng làm tôi mất tự tin hơn khi bà dán cho tôi cái nhãn "Thừa hưởng gen di truyền dốt toán" từ bà. (Mẹ tôi cũng thi trượt môn toán nhiều lần khi còn đi học). Cuối cùng, tôi cũng được học phép tính nhân ở trường tiểu học nhờ thầy tôi đã ví dụ mình họa phép tính "2x3" bằng hai hộp giấy và mỗi hộp chứa 3 bông hoa. Thật đáng tiếc là lúc đó, sự tự tin và niềm tin vào khả năng toán học của tôi đã bị phá hủy hoàn toàn. Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu cho rằng môn toán đi kèm với sự nản chí, thất bại. Tôi căm ghét môn toán. Vì thế, tôi luôn ngồi mơ màng không thèm tập trung trong lớp học, thậm chí không thèm làm bài tập về nhà. Không cần nói gì thì ai cũng có thể đoán được, tôi liên tục thi trượt môn toán. Đúng thế, tôi thất bại thảm hại trong môn toán chỉ vì tôi bị dán cái nhãn "dốt toán" to đùng và phải mang cái nhãn ấy trên người nhiều năm trời cho đến năm lớp sáu.
Thế rồi, một việc xảy ra làm thay đổi niềm tin và cuộc sống của tôi mãi mãi. Mọi người việc khởi nguồn khi tôi bắt đầu vào cấp hai và học môn toán trung cấp. Mọi người đều nói học môn này rất khó, khó hơn nhiều so với môn toán sơ cấp. Tình cờ sao mà vào buổi tối trước bài học đầu tiên về phương trình toán học, tôi dành thời gian đọc hết chương sách về đề tài ấy trong quyển sách giáo khoa vừa mới mua. Không một người bạn nào trong lớp tôi bận tâm đến việc đọc sách trước khi đến lớp như vậy.
Ngày hôm sau, khi thầy toán dạy cả lớp về chủ đề mới này, ai cũng cảm thấy khó hiểu. Vì tôi tình cờ đọc trước đúng chương sách này, tôi cảm thấy hiểu bài nhiều hơn mặc dù vẫn chưa hiểu hết hoàn toàn. Khi thầy ra một đề toán khó, không ai trong lớp tôi giải được. Chỉ có tôi là người duy nhất đưa ra lời giải chính xác với lập luận rõ ràng. Ở trường cấp hai mới này, bạn bè xung quanh không ai biết tôi có cái nhãn "dốt toán". Tất cả mọi người nhìn tôi sững sờ sau khi tôi giải xong bài toán đó. Lập tức những lời bàn tán xôn xao trầm trồ rộ lên "bạn ấy thật thông minh", "bạn ấy đúng là có năng khiếu toán", thậm chí "bạn ấy là một thiên tài toán học". Lý do của việc tôi bất ngờ tỏa sáng như một tài năng toán học chỉ đơn giản là vì tôi chịu khó đọc sách trước đó.
Cảm giác thật dễ chịu làm sao khiến cho tôi có thêm động lực đọc sách trước khi nghe giảng, và bước vào lớp trong tư thế của một "thiên tài". Bạn bè chủ động nhờ tôi hướng dẫn bài tập về nhà, tôi liên tục được thầy cô khen ngợi. Mọi người bắt đầu dán nhãn mới cho tôi là "thiên tài toán học". Thế rồi dần dần, tôi bắt đầu tự mình gỡ bỏ cái nhãn "dốt toán" và dán cho tôi cái nhãn "thiên tài toán học". Chính vì lẽ đó, tôi đòi hỏi bản thân phải là một "thiên tài toán học" thật thụ. Toàn bộ niềm tin của tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu học toán siêng năng để duy trì hình tượng mới này và đạt điểm 10 liên tiếp. Từ một kẻ thù "không đội trời chung", toán học bỗng trở thành người bạn thân với tôi, thay vì khô khan nhàm chán, toàn học mang lại cho tôi niềm vui và sự ngưỡng mộ của bạn bè. Với cái nhãn mới ấy, tôi đã thoát khỏi vòng xoáy thất bại. Trong những năm sau đó, tôi đạt điểm 10 cho tất cả các kỳ thi toán cuối năm, tiến xa vô chuyên ngành toàn khi lên trung học. Ở trung học, tôi lại tiếp tục đạt thành tích xuất sắc trong các môn toán cao cấp và toán nâng cao.
Tại sao phải đợi ai đó dán nhãn “tài năng” cho bạn?
Bạn có thể tự dán nhãn cho mình ngay bây giờ!

NIỀM TIN CÓ SỨC MẠNH PHI THƯỜNG
Bạn vừa hiểu ra rằng niềm tin của bạn có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn lao như thế nào trong cuộc sống của bạn.
Nếu bạn tin rằng trường học rất nhạt nhẽo, bạn sẽ cảm thấy nó tẻ nhạt và đạt kết quả trung bình hoặc kém, nếu bạn tin rằng việc học rất thú vị, bạn sẽ cảm thấy nó thú vị và đạt kết quả tốt hơn. Nếu bạn tin rằng tiếng anh là một ngôn ngữ khó học nhất thế giới, bạn sẽ không bao giờ thành thạo tiếng anh.
Bạn hãy nhớ rằng niềm tin của chúng ta không bao giờ chính xác tuyệt đối, niềm tin chỉ đơn thuần là các ý kiến và khái niệm đồng hóa của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin vào nó, niềm tin sẽ biến thành sự thật. Niềm tin có sức mạnh phi thường đến nỗi nó thật sự ảnh hưởng đến chúng ta không những về mặt tư duy trí tuệ, mà còn về mặt vật chất, thậm chí có thể biến đổi một số cơ chế sinh học trong người chúng ta.
Từ những năm 1940, các bác sĩ đã khám phá ra rằng khi bạn uống thuốc và khỏi bệnh, thật ra thành phần thuốc trong thuốc không phải là nguyên nhân duy nhất giúp bạn khỏi bệnh, niềm tin trong chính bản thân bạn cũng đóng góp một phần rất lớn vào việc chữa bệnh cho bạn. Đây gọi là tác dụng làm trấn an tinh thần của thuốc thông qua niềm tin. Lịch sử y học ghi lại rằng, các bác sĩ từng đưa ra cho các bệnh nhân ung thư ly nước đường và nói với họ đây là một loại thuốc mới rất hiệu quả trong việc làm tan khối u trong người họ. Khối u thật sự giảm dần và người bệnh dần dần hồi phục. Thần dược chữa bệnh cho họ chính là niềm tin của họ. Sau đây là một câu chuyện đáng kinh ngạc khác mà nhiều người trong chúng ta đã được nghe nói tới.
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
CHẠY MỘT DẶM TRONG VÒNG ÍT HƠN BỐN PHÚT.
Đã từng có một niềm tin sai lầm trong hàng ngàn năm là con người không thể nào chạy hết một dặm (xấp xỉ 1.6 km) trong vòng ít hơn bốn phút. Nhiều người đã hình thành và tin tưởng vào kết luận này chỉ vì trước đó, một số người thử sức đều thất bại.
Một số nhà khoa học củng cố thêm niềm tin này bằng việc đưa ra các bằng chứng trong nghiên cứu cơ thể học rằng, con người không có đủ thể chất để chạy hết một dặm trong vòng ít hơn bốn phút. Sau đó, vào năm 1954, một người đàn ông rất bình thường tên là Roger Bannister phủ nhận định kiến này và tin rằng việc này có thể thực hiện được. Sau khi trải nghiệm qua nhiều cuộc rèn luyện thể chất, tinh thần, ông đã chiến thắng được "cuộc chiến" tưởng chừng như cầm chắc thất bại này. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố đáng kinh ngạc tôi muốn nói tới.
Câu chuyện đáng chú ý ở chỗ là trong hàng ngàn năm trước khi Roger Bannister đạt thành công, không hề có một ai có thể làm việc ấy. Vậy mà, chỉ trong vòng một năm sau khi Bannister phá kỷ lục, có thêm ba mươi người khác cũng đạt kỷ lục tương tự. Càng ngạc nhiên hơn, trong năm tiếp theo, con số ấy tăng lên gấp mười lần, ba trăm người khác tiếp tục thành công. Phải chăng trong vòng hai năm ngắn ngủi, nhân loại đã sản sinh ra hàng trăm vận động viên tài năng hơn bất cứ vận động viên nào khác trong suốt nhiều ngàn năm trước đó? Dĩ nhiên là không!
Tại sao vậy? Bởi vì thành công của Banniser đã phá vỡ niềm tin hạn chế của con người rằng việc đó không thể thực hiện được. Với niềm tin mới rằng việc đó có thể làm được, hàng trăm hàng ngàn người đã thực hiện được điều mà không biết bao nhiêu thế hệ con người qua hàng ngàn năm trước đã thất bại.
TRANG BỊ CHO BẠN NHỮNG NIỀM TIN HỮU ÍCH.
Nếu việc tin tưởng vào một điều gì đó, dù xấu hay tốt, có thể biến nó thành sự thật, vậy thì tại sao bạn không đẩy lùi vào quá khứ tất cả những niềm tin nguy hại đã và đang giới hạn khả năng của bạn, thay vào đó là bạn tự trang bị cho mình những niềm tin mới chắp cánh đưa bạn bay cao, bay xa hơn?
Thay vì cứ giữ mãi những cái nhãn tồi tệ do người khác vô tình dán cho bạn, bạn hãy tự tạo cho mình những cái nhãn khác lạc quan hơn. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể dán cho mình những cái nhãn như “Tôi có tư chất của một nhà lãnh đạo” hay “Tôi có khả năng quản lý thời gian tuyệt vời”. Trong bài tập sau đây, chúng ta sẽ thực hành việc này.
BƯỚC 1: Bắt đầu ngay bây giờ, bạn hãy viết ra tất cả những niềm tin làm giới hạn khả năng của bạn. Viết ra những niềm tin của bạn về bản thân, học tập, trường học, thầy cô, thậm chí về cuộc sống nói chung. Ví dụ: “Tôi làm toán rất tệ”, “Tôi rất lười”, “Trường học đáng nguyền rủa”, “Việc học rất khó khăn”. Hãy điền vào phần ghi chú dưới đây ngay bây giờ.
BƯỚC 2: Sau khi hoàn tất bước 1, bạn hãy kiểm tra tất cả những niềm tin tiêu cực vừa liệt kê. Trong mỗi niềm tin, hãy tìm ra tất cả các lý do có thể khiến bạn không tin vào nó. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ, bạn sẽ luôn tìm ra một ngoại lệ cho niềm tin đó.
Sau đó, liệt kê lý do tại sao bạn có niềm tin đó lúc đầu. Lưu ý rằng lý do đó cũng có thể là một khái niệm bạn hình thành sau khi trải qua những sự việc trong quá khứ. Hãy suy nghĩ về những lý do khác nữa khiến bạn sở hữu niềm tin đó. Bạn hãy điền thông tin vào bốn cột bên dưới cho từng niềm tin tiêu cực của bạn. Một ví dụ đã được cho sẵn.
Niềm tin giới hạn khả năng của bạn: Tôi có trí nhớ kém.
Tại sao niềm tin này không phải là sự thật: Tôi có thể thuộc lòng lời bài hát dễ dàng. Tôi có thể nhớ tất cả tên của các nhà đô vật và thành tích của từng người.
Niềm tin này được tạo ra vì: Tôi không thể nhớ những gì mình đã học cho kỳ thi.
Lý do thật sự là vì: Tôi đã không áp dụng đúng phương pháp nhớ bài hiệu quả. Tôi đã không biết cách tạo hứng thú trong môn học.
BƯỚC 3: Bây giờ, bạn hãy viết ra những hậu quả bạn phải trả giá nếu bạn cứ tiếp tục tin vào những niềm tin giới hạn đó. Tin vào điều đó có khiến bạn thi trượt kỳ thi vào đại học không? Tin vào điều đó có làm phiền lòng cha mẹ bạn không? Bạn phải thật sự cảm thấy việc giải thoát bạn khỏi niềm tin giới hạn đó là một việc tuyệt đối cần thiết.
Niềm tin giới hạn khả năng của bạn.
Bạn phải trả giá như thế nào vì niềm tin này.
BƯỚC 4: Cuối cùng, bạn hãy viết ra những niềm tin mới đầy lạc quan, mạnh mẽ bạn phải có để thay thế những niềm tin giới hạn trước đây. Bạn muốn tin vào điều gì để đạt thành quả bạn khao khát? Tiếp theo, bạn hãy viết ra lý do và những thông tin hỗ trợ niềm tin mới này. Một lần nữa, nếu bạn chịu khó động não, bạn sẽ luôn tìm ra những lý do chính đáng cho một niềm tin đúng đắn.
Niềm tin tích cực mới: Tôi là một người đầy quyết tâm.
Thông tin hỗ trợ: Khi tôi chuẩn bị thi đấu bóng đá liên trường, tôi đã rèn luyện bốn giờ mỗi ngày sau khi đi học về, thậm chí cả khi tôi cảm thấy kiệt sức.
BẠN KHÔNG TÌM RA LÝ DO HỖ TRỢ NIỀM TIN CỦA BẠN Ư? HÃY TỰ TẠO RA CHÚNG.
Nếu bạn không thể tìm ra bất kỳ lý do nào để hỗ trợ niềm tin mới của bạn, hãy làm theo Roger Bannister. Bannister muốn tin rằng ông có thể chạy hết một dặm trong vòng ít hơn bốn phút nhưng ông không hề có một lý do nào để hỗ trợ niềm tin đó bởi vì, chính bản thân ông chưa từng thử làm việc đó trước đây. Bên cạnh đó, còn rất nhiều “bằng chứng khoa học” cho rằng một việc như thế là không thể làm được. Hơn nữa, rõ ràng là trong suốt hàng ngàn năm qua, chưa có ai trước Bannister làm được việc đó cả.
Thế là Bannister tự tạo ra lý do hỗ trợ niềm tin trong tâm trí mình. Ông tưởng tượng đi tưởng tượng lại giây phút thành công cho đến khi tâm trí ông phải xác định rằng thất bại không thể xảy ra. Sau cùng, Bannister đã biến những gì tưởng tượng trong tâm trí mình thành hiện thực.
NĂM NIỀM TIN MẠNH MẼ CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG.
Bạn hãy nhớ rằng để trở thành người thành công, bạn cần phải hiểu được niềm tin của người thành công. Nếu bạn cũng trang bị cho mình những niềm tin tương tự, bạn sẽ đạt được những thành quả tương tự trong cuộc sống. Sau đây là bảng tóm tắt năm niềm tin phổ biến nhất của tất cả những người thành công mà tôi từng gặp.
1. ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG, TÔI PHẢI THAY ĐỔI.
Chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của bạn là một thái độ đáng quý. Nếu bạn đạt điểm kém, nếu thầy giáo không thích bạn hoặc nếu cha mẹ đối xử với bạn như một đứa trẻ, bạn chính là người gây ra những điều đó thông qua những hành vi và ý nghĩ tiêu cực của mình. Bằng việc nhận trách nhiệm về mình, bạn đặt bản thân vào vị trí làm chủ cuộc sống của bạn. Bởi vì bạn tạo ra tình huống hiện tại, bạn hoàn toàn có thể thay đổi nó.
2. KHÔNG CÓ THẤT BẠI, CHỈ CÓ KINH NGHIỆM.
Những học sinh xuất sắc cũng trải qua thất bại nhưng khi đó, họ nghĩ về thất bại như những kinh nghiệm quý báu. Những học sinh này xem thất bại, sai lầm như nguồn thông tin hữu ích họ có thể học hỏi được nhiều điều và dùng nó để tiếp tục thay đổi phương pháp học cho đến khi họ thành công. Không như những học sinh khác, họ không cho phép thất bại làm họ nản lòng. Trong cuộc sống cũng thế, những người thành công coi thất bại là những bài học kinh nghiệm, và những bài học kinh nghiệm không phải là thất bại thật sự. Đối với họ, thất bại chỉ là khi họ bỏ cuộc.
3. NẾU MỌI NGƯỜI LÀM ĐƯỢC, TÔI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC.
Tất cả chúng ta về cơ bản đều có cùng một công suất não bộ hoặc cùng một cấu tạo hệ thần kinh. Vậy tại sao một số trong chúng ta lại đạt thành tích xuất sắc trong khi số còn lại chỉ đạt kết quả trung bình? Bởi vì những người siêu thành công biết cách tận dụng sức mạnh phi thường trong não bộ của họ. Điều này, cùng với quyết tâm cao độ, giúp họ đạt được những thành tích đỉnh cao mà bạn chưa bao giờ dám mơ tới. Nhưng bây giờ, bạn sẽ được học các phương pháp siêu hiệu quả để có thể tận dụng triệt để bộ não thiên tài của bạn và đạt được những siêu thành tích ấy.
4. HỌC CHÍNH LÀ CHƠI.
Một định nghĩa vô lý ư? Xin hãy nghĩ lại. Những học sinh xuất sắc cảm thấy thích thú với việc học cũng như lúc họ giải trí. Giải trí mang lại cho họ niềm vui nhất thời. Tuy nhiên, thành công trong việc học mang lại cho họ không những niềm vui lâu dài mà còn cả sự hạnh phúc vì được gia đình tin tưởng, bạn bè quý mến, nể trọng, thầy cô tin yêu. Rồi đến khi trưởng thành, những thành công trong học tập sẽ là tiền đề tốt cho những thành công khác, mở ra con đường tương lai thênh thang trước mắt. Họ cũng hiểu rằng trước khi muốn giỏi một việc gì đó, họ phải yêu thích công việc đó. Bạn muốn học giỏi ư? Hãy yêu thích việc học trước đã. Trong cuốn sách này, bạn sẽ học cách làm thế nào để yêu thích việc học.
5. LINH HOẠT GIÚP BẠN LÀM CHỦ CUỘC SỐNG.
Người thành công biết rõ rằng sự linh hoạt là yếu tố cần thiết của thành công. Họ có thể thay đổi cách thức hành động và phương pháp làm việc của họ để đạt đến mục tiêu. Họ hiểu rằng những người không biết cách linh hoạt hoặc không muốn điều chỉnh bản thân luôn bị bỏ lại phía sau.
Tiếp tục cuốn sách này, bạn sẽ được học cách sử dụng bộ não của bạn theo cách mà bạn chưa bao giờ biết tới. Bạn có thể cảm thấy không thoải mái lúc đầu bởi vì bạn đã quá quen với những phương pháp không có ích cho việc học hoặc thành công. Để thoát khỏi vết lún thất bại và vươn tới những tầm cao, bạn phải gạt bỏ đi những thói quen hoặc phương pháp cũ kỹ đó để tiếp thu kiến thức mới. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi từ bây giờ.
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
THAY ĐỔI ĐẾN TỪ TRONG BẠN
Chris là một thiếu niên mười sáu tuổi lúc nào cũng cáu gắt và dễ làm phiền lòng người khác. Cậu cảm thấy nói chuyện với cha mẹ thật khó khăn. Cậu cảm thấy họ không tin tưởng cậu, cách họ quản lý cậu cũng thật nực cười.
Chris phải về nhà trước bảy giờ tối vào ngày thường, còn vào cuối tuần, cậu chỉ được phép đi chơi đến mười giờ khuya. Trong khi đó, mấy đứa bạn cậu đều đi chơi rất khuya vào cuối tuần mà không hề bị la rầy. Những cố gắng năn nỉ cha đừng xem cậu như một đứa trẻ đều bị bỏ ngoài tai. Để chống đối, Chris cố ý về trễ hơn giờ quy định và lần nào cậu cũng phải lãnh nhận sự trừng phạt của người cha đang cơn thịnh nộ.
Khi Chris đến gặp tôi xin được tư vấn (sau khi lãnh đạo vài buổi cắm trại trong chương trình Thiếu Niên Siêu Đẳng, tôi trở thành nhà tư vấn nghiệp dư cho những thiếu niên gặp vấn đề trong cuộc sống), điều đầu tiên tôi nói với Chris là cậu phải chịu trách nhiệm về việc cha cậu không tin tưởng cậu. Christ rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói điều đó, nhưng cậu vẫn lắng nghe kỹ lưỡng khi tôi giải thích với cậu rằng nếu cậu muốn thay đổi tình huống hiện tại, cậu phải thay đổi hành vi của mình trước. “Làm thế nào?”, cậu muốn biết cách thay đổi và tôi đã hướng dẫn cậu một vài cách.
Để thay đổi, Chris luôn về nhà trước giờ quy định. Cậu cũng dọn dẹp phòng riêng mà không cần nhắc nhở. Mẹ cậu càng vui hơn khi thấy cậu biết phụ giúp mẹ trong nhà bếp. Vào một ngày kia, khi cậu có dự định đi xem phim, cậu thay đổi ý định và thưa với cha cậu trong sự ngạc nhiên của người cha “Con nghĩ rằng con không đi xem phim hôm nay. Con có bài kiểm tra ngày mai và con cảm thấy mình chưa chuẩn bị bài kỹ”.
Đoán xem chuyện gì xảy ra tiếp theo? Cha mẹ cậu bắt đầu thay đổi cách họ quản lý cậu. Họ bắt đầu đối xử với cậu như một người đàn ông trưởng thành và có trách nhiệm với bản thân. Chỉ sau vài tháng, họ cho phép cậu được tự do hơn. Đạt được kết quả ấy, cậu lại càng có trách nhiệm với những việc làm của bản thân hơn, cư xử như một người đàn ông trưởng thành thật thụ. Chắc hẳn tôi không cần phải kể thêm. Sau tất cả những nỗ lực thật sự, chứ không phải là một vở kịch dài, những gì Chris đạt được không chỉ là sự tín nhiệm của cha mẹ mà còn cả sự chững chạc, chín chắn của một người đàn ông thành công.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay