Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống - Chương 06

Tác giả: Huge Macleod

14. Đừng bao giờ so sánh bên trong mình với bề ngoài người khác.
Càng chăm luyện nghề, bạn càng đỡ lúng túng khi phân biệt phần thưởng vật chất với phần thưởng tinh thần và ngược lại. Ngay cả khi con đường của bạn không mang lại tiền bạc hay thăng tiến nghề nghiệp, điều này vẫn cực kì đáng giá.
Khi mới mười sáu mười bảy tuổi, tôi loáng thoáng biết một gã làm chủ tiệm Cinders trên đường St. Stephen ở Edinburgh. Tiệm này chuyên phục chế lò sưởi cổ. Cách làm của Cinders rất đơn giản: mua bệ lò sưởi nguyên bản kiểu George và Victoria từ những ngôi nhà cũ kĩ, đổ nát với giá rẻ mạt, đưa vào xưởng xử lý chúng qua loa cho thích hợp, sau đó bán lại cho đám trẻ tuổi nhiều tiền với giá cắt cổ.
Khi đấy, tôi tò mò phát điên lên không biết mọi người kiếm sống bằng cách nào (bây giờ vẫn thế). Vì thế một hôm, khi đang ngồi trên bậc thềm nhà Ông Lò Sưởi, tôi nói với ông về chuyện này.
Ông kể cho tôi nghe về những điểm lắt léo trong nghề - săn lùng khắp những ngôi nhà cổ, tay nghề chuyên môn, quan hệ với khách hàng, và tất nhiên là cả lợi nhuận nữa.
Có vẻ như ông rất tự hào về công việc của mình. Qua cách kể chuyện, ông tỏ ra rất thích công việc và sống khá tươm tất. Thời đó Scotland đang trong giai đoạn suy thoái; người thất nghiệp nhiều, tiền nong khó khăn; tôi nghĩ đối với một lão già hippic thì mọi thứ lại càng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Rất ít trẻ em nói rằng “Ồ, lớn lên mình sẽ làm một Ông Lò Sưởi!” Đấy không phải là nghề sáng sủa nhất trên thế giới. Tôi hỏi ông bước chân vào nghề này thế nào.
“Trước đây ta chuyên buôn đồ cổ”, ông nói. “Dường như người nào chi nhiều tiền mua đồ cổ cũng chi rất nhiều tiền để phục chế nhà cửa. Chỉ cần trò chuyện với những người trong tiệm đồ cổ, ta đã thoáng ngửi thấy mùi cơ hội rồi. Hơn nữa, ở Edinburgh có nhiều người buôn đồ cổ bon chen quá rồi, vì vậy ta cũng phải tìm cách nào khác dễ thở hơn một chút để kiếm ăn.”
Cũng giống như những nghề béo bở nhất trên thế giới, câu chuyện diễn ra đại loại như thế.
“Ôi, có mấy cái lò sưởi đẹp quá đi mất,” tôi nói. “Chắc là khó mà xa rời chúng được nhỉ?”
“Không, có gì khó đâu,” ông nói (và đây là phần tôi nhớ rõ nhất). “Ta muốn nói rằng ta thích chúng, nhưng chúng chiếm nhiều không gian quá-vừa to lớn vừa cồng kềnh- ta thấy nhẹ cả người khi bán được chúng. Ta chỉ muốn tống chúng ra khỏi tiệm càng sớm càng tốt để thu tiền về thôi. Ta bán chúng đi nhẹ nhàng lắm. Không giống như đồ cổ. Ta luôn thấy yêu đồ cổ, vì vậy ta cũng đem lòng yêu luôn cái kho hàng, lúc nào ta cũng muốn ôm khư khư lấy những món đồ tốt nhất của mình. Lúc nào ta cũng cố tình phát giá thật cao để giữ chúng lại với tiệm.”
Còn trẻ và say lý tưởng, tôi nói với ông rằng như thế thật là đáng buồn. Tại sao lại quyết định chỉ bán một “sản phẩm đơn thuần” (chẳng hạn như cái bệ sưởi), trong khi ông có thể kiếm tiền bằng cách bán những thứ mà ông thực sự quan tâm (chẳng hạn như đồ cổ)? Chắc chắn là cách sau thích hợp hơn chứ?
“Nguyên tắc đầu tiên của kinh doanh,” ông nói, bật cười trước sự thơ ngây của tôi, “là không bao giờ bán đi những thứ mình yêu thích. Nếu không, sẽ có lúc anh bán cả con mình.”
Mười lăm năm sau, tôi ngồi tại một quán bar ở New York. Một người bạn-của-bạn tôi nhìn những bức biếm họa và hỏi tôi có định công bố chúng hay không. Tôi trả lời không. Bảo rằng đây chỉ là một thú vui thôi. Rồi kể cho anh ta nghe về công việc quảng cáo.
“Ồ, thế quái nào mà anh lại làm quảng cáo nhỉ?” Anh ta nói, chỉ tay vào cái cặp giấy của tôi. “Lẽ ra anh nên làm cái này. Triển lãm tranh ảnh gì đấy chứ. Hay là áo phông!”
“Quảng cáo chỉ là bệ sưởi thôi,” tôi nói vào cốc của mình.
“Cái gì cơ?”
“Không có gì.”
15. Nên ૮ɦếƭ trẻ
Bao nhiêu năm nay, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều bạn trẻ đi theo con đường “xài MT và uống R*ợ*u để thành nghệ sĩ “nhớn”. Một lựa chọn không hề thông minh, độc đáo, hiệu quả, lành mạnh, hay dẫn đến một kết thúc có hậu.
Có câu chuyện tương tự: Một cậu bé đọc được thông tin về Charlie Parker[2] hoặc Jimi Hendrix[3], hoặc Charles Bukowski[4] và quyết định rằng tấm gương thi vị nhưng không hoàn thiện của họ sẽ giúp cậu ta được phép và/hoặc được tha thứ khi dành một hoặc hai thập kỷ tới chìm đắm trong đống nôn mửa của chính mình.
[2] Charles Parker, Jr. (1920-1955), nghệ sĩ saxophone và nhạc sĩ nhạc jazz nổi tiếng người Mỹ.
[3] James Marshall “Jimi” Hendrix (1942- 1970), tay guitar huyền thoại người Mỹ gốc Phi, một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhạc Rock&Roll.

[4] Henry Charles Bukowski (1920-1994), nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, tác giả truyện ngắn nổi tiếng người Mỹ.
Tất nhiên, càng ngày bạn càng chứng kiến nhiều nạn nhân của sự ngớ ngẩn này. Càng nhiều lần họ phải tàn phá cuộc đời mình. Càng tỏ ra thảm hại. Và càng ít công trình đáng chú ý để trưng ra sau tất cả những “trải nghiệm tuyệt vời” và “nhận thức đặc biệt” đó.
Người nghệ sĩ càng thông minh và tài năng thì càng ít khả năng chọn con đường này. Chắc chắn rồi, có thể lúc còn ngựa non háu đá anh ta sẽ loạng quạng đôi chút, nhưng rồi sẽ tiếp bước nhanh hơn đa số mọi người.
Nhưng cậu bé kia nghĩ tất cả nằm ở tài năng; còn anh ta thì nghĩ tất cả nằm ở “tiềm năng”. Anh ta đánh giá thấp vai trò của thời gian, kỷ luật, và sự bền bỉ. Chắc chắn rồi, giống như Bukowski và những người khác, cái gì cũng có ngoại lệ cả. Nhưng đấy là lý do tại sao khi còn trẻ chúng ta lại thích nghe chuyện về họ. Bởi vì đấy là những câu chuyện ngoại lệ. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng đều muốn trở thành ngoại lệ khi trong tay chúng có một cây đàn guitar, cây Pu't viết, cọ vẽ hay ý tưởng kinh doanh mới. Đứa trẻ nào cũng đánh giá thấp khả năng cạnh tranh của mình, và đánh giá quá cao cơ hội của bản thân. Đứa trẻ nào cũng bám chặt lấy ý nghĩ rằng còn có một cách khác để biến ước mơ thành hiện thực mà không cần phải lao động vất vả.
Vậy là các quán bar ở phía tây Hollywood, London, New York tràn ngập những người phó mặc đời mình cho cái hi vọng rồ dại tìm ra một con đường tắt, đường tắt nào cũng được. Thậm chí trong số đó, rất nhiều người không còn trẻ nữa, và kế hoạch B của họ đã bị bia cùng vodka cuốn trôi từ nhiều năm trước. Trong khi đó, sức cạnh tranh của họ nằm lại ở nhà, dần dần tan biến.
16. Điều quan trọng nhất một người sáng tạo có thể nắm bắt được thành thạo là xác định được nơi vạch ra đường chỉ đỏ phân chia giữa những gì anh sẵn sàng thực hiện và những gì không.
Khi người khác bắt đầu bỏ tiền ra mua tác phẩm thì nghệ thuật đã phải hứng chịu tổn thương rồi. Bạn càng cần tiền thì càng có nhiều người bảo bạn phải làm cái này, làm cái kia. Quyền kiểm soát trong tay bạn càng ít. Cứt đái bạn phải nuốt càng nhiều. Niềm vui mà nghệ thuật mang lại cho bạn ít đi. Hãy biết điều này để lên kế hoạch cho phù hợp.
Cách đây không lâu, tôi nghe nói Chris Ware, hiện là một trong hai, ba họa sĩ biếm họa hàng đầu được tôn vinh nhiều nhất trên thế giới, đã mô tả nghề nghiệp của mình là “vô bổ”.
Khi kẻ đứng chót vót trên ngọn thang mà bạn đang trèo lên mô tả quang cảnh nhìn trên đó là “vô bổ” thì bạn nên lo dần đi là vừa. He he.
Tôi biết Chris hồi còn ở Đại học Texas. Sau đó, đầu những năm 1990, tôi biết anh lúc còn lang thang ở Công viên Wicker ở Chicago, khu vực nổi tiếng của dân mỹ thuật, khi anh đang lấy bằng thạc sĩ của Viện Mỹ thuật Chicago, còn tôi là tay viết quảng cáo quèn cho một công ty quảng cáo trong thành phố. Chúng tôi không thân nhưng có nhiều bạn bè chung. Anh rất tử tế. Thông minh kinh khủng.
Vậy là tôi đã có nhiều năm quan sát anh từ một sinh viên tài năng đến một ngôi sao vẽ biếm họa nổi tiếng. Thật tuyệt khi được chứng kiến điều này, hẳn rồi – bạn sẽ thấy được khích lệ khi người quen trở nên nổi tiếng một cách xứng đáng. Nhưng cũng nhờ quan sát anh, ngay từ đầu tôi đã nhận ra một thực tế là làm họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Thật bổ ích khi nhìn lướt qua được thực tế.
Tấm gương của anh đã thực sự khai sáng cho tôi rất nhiều từ mười đến mười lăm năm trước, khi biếm họa của tôi đủ tốt để nghĩ đến việc vẽ tranh chuyên nghiệp. Tôi quan sát thị trường, nhìn thấy cuộc sống của Chris và những người như anh, nhìn thấy dân trong nghề đang hét ra lửa, nhìn thấy cái thế giới giả dối mà hầu hết các nhà xuất bản biếm họa đang sống, và hét lên “Khôôôông”.
Suy nghĩ thêm một chút, tôi nghĩ một trong những lý do chính là để tôi ở trong ngành quảng cáo bao nhiêu năm như vậy chỉ là vì đối với tôi, nghe câu “Thay đổi mẫu quảng cáo này” còn đỡ nhức óc hơn câu “Thay đổi bức biếm họa kia.” Mặc dù khi viết quảng cáo, thường người ta có thể phải thỏa hiệp rất nhiều, nhưng cũng có vô số việc chỉ một mình bạn mới giải quyết được. Đấy là sản phẩm của họ, tiền bạc của họ, vì vậy, việc duy trì các giới hạn lành mạnh sẽ dễ dàng hơn. Trong lĩnh vực vẽ biếm họa đơn thuần, tôi nhất định không chấp nhận điều này.
Điều quan trọng nhất một người sáng tạo có thể nắm bắt thành thạo là xác định được nơi vạch ra đường chỉ đỏ phân chia giữa những gì bạn sẵn sàng thực hiện và những gì không. Chính đường chỉ đỏ này sẽ phân định ranh giới cho sự tự chủ của bạn; xác định lãnh địa sáng tạo của riêng bạn. Loại rác rưởi nào bạn sẵn sàng chấp nhận, loại nào không. Điều gì bạn sẵn sàng giao quyền kiểm soát, điều gì không. Cái giá nào mà bạn sẵn sàng trả, cái giá nào không. Mỗi người một khác; mỗi người đều có đường chỉ đỏ của riêng mình. Mỗi người đều có riêng một Lý thuyết Tình & Tiền.
Khi tôi thấy ai đó “chịu đau khổ vì nghệ thuật,” thường là họ không biết đường chỉ đỏ đấy nằm ở đâu, không biết tự chủ ở chỗ nào.
Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà sản xuất dù xấu xa đến mấy cũng không thể khiến anh phá hỏng bộ phim bằng những kịch bản viết lại vô nghĩa được, nhưng hỡi ôi! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng chủ phòng tranh có thể biến thành một doanh nhân giỏi giang, nhưng hỡi ôi! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà xuất bản sẽ quảng bá cuốn tiểu thuyết mới của anh đến nơi đến chốn, nhưng hỡi ôi! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng nhà đầu tư mạo hiểm sẽ bớt khốn nạn đối với nguồn tiền đầu tư ban đầu, nhưng hỡi ôi! Không hiểu sao anh lại nghĩ rằng giám đốc sẽ ủng hộ sáng kiến tiếp thị của anh, nhưng hỡi ôi!
Biết được nơi để vạch ra đường chỉ đỏ cũng giống như hiểu được bản thân hay biết được ai là bạn bè chân chính của mình. Có người thấy dễ, có người thấy khó. Đời thật chả công bằng gì cả.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc