Những Tháng Năm Hổ Phách - Chương 55

Tác giả: Tuyết Ảnh Sương Hồn

Phần bốn: Khúc hát tuổi xuân cùng ai tỏ [1] (2000 – 2004)
[1] Nguyễn Xuân Tảo dịch, nguyên văn: “Cẩm sắt niên hoa thùy dữ độ”, trích từ bài từ làm theo điệu Thanh Ngọc Án của Hạ Chú đời Tống, “cẩm sắt niên hoa” vốn lấy ý từ bài thơ Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn đời Đường.
Bốn năm đại học, Tần Chiêu Chiêu từ mười tám trở thành cô gái hai mươi hai, tựa như nụ hoa phong nhụy bung nở thành đóa hoa thắm. Thời thanh xuân tươi đẹp được Pu't pháp thần kỳ của thi nhân ví như khúc nhạc tuổi xuân.
Chương 1
Cuối hè đầu thu năm 2000, Tần Chiêu Chiêu bắt đầu bốn năm học ở Thượng Hải.
Thượng Hải là thành phố trong mơ của cô từ ngày còn rất nhỏ. Tiếng đàn organ du dương, áo quần tinh xảo đẹp đẽ, kẹo sữa Thỏ Trắng thơm ngọt… của Kiều Mục trước kia đều xuất xứ từ nơi được vinh danh như Paris phương Đông này, từ nhỏ trong tâm hồn cô đã in sâu hai chữ “Thượng Hải”. Tới nay, cuối cùng cô cũng tới được Thượng Hải bao năm mơ ước. Bước khỏi nhà ga, trước mặt cô là vô vàn cao ốc san sát nhau, thành phố này đúng là một khu rừng bê tông. Bắt xe từ nhà ga tới trường đại học, cảnh tượng hai bên đường khiến cô hoa mắt.
Sinh viên năm thứ nhất tới đăng ký học thường có các anh chị năm hai, năm ba tới giúp. Tần Chiêu Chiêu gặp được một anh khóa trên rất nhiệt tình, dắt cô đi làm các loại thủ tục, mang hành lý về ký túc xá, còn muốn dẫn cô đi tham quan trường một chuyến. Cô không vội đi tham quan vườn trường, cô còn bốn năm ở đây để từ từ làm quen. Cô chỉ hỏi thăm phải bắt xe thế nào để tới được Học viện âm nhạc. Cô muốn tới thăm trường của Kiều Mục một lần. Về Thượng Hải rồi, không biết cậu thế nào? Trong lòng cô vương vấn mãi không thôi, không biết có thể có cơ hội được gặp cậu ở trường không nhỉ? Không cần hỏi han chuyện trò, chỉ cần được đứng từ xa nhìn một chút là tốt lắm rồi.
Cứ như vậy, ngày đầu tiên tới Thượng Hải, nơi đầu tiên Tần Chiêu Chiêu đến thăm là Học viện âm nhạc. Hôm đó, cô không gặp được Kiều Mục, điều này hoàn toàn có thể dự đoán được. Giờ mới là lúc sinh viên mới tới đăng ký học, sao có thể gặp được dễ dàng thế. Tuy lần đầu công cốc nhưng cô không hề nản lòng, giờ đã biết cách tới học viện rồi, lần này không gặp thì lần sau lại tới thôi.
Sinh viên năm thứ nhất nhập học, việc đầu tiên là tham gia tập quân sự. Đây đúng là cực hình, hơn nữa việc tập quân sự ở trường này nghiêm khắc có tiếng. Sáng sớm, năm rưỡi phải dậy tập trung, chạy xong là “phơi nắng”. Mặt trời tháng Chín bừng bừng như đổ lửa, nhấm nháp tư vị quân sự dưới cái nắng nung người không phải chuyện dễ chịu. Ngày đầu tiên, không biết bao nhiêu sinh viên lảo đảo muốn ngất đến nơi.
Đây mới chỉ là chương trình đơn giản nhất trong khóa học, sau này còn đi nghiêm, đứng thẳng hàng, đứng trung bình tấn, ép chân, đánh quyền… từng loại một lần lượt triển khai, người ngoài nhìn vào còn tưởng đây là trường quân sự. Thậm chí trời mưa gió, dông bão cũng không được nghỉ, vẫn bị giáo viên kéo ra sân tiếp tục tập luyện. Sinh viên năm thứ nhất liều mạng bước đều bước trên thao trường, ai nấy mặt mày oán niệm. Một nam sinh gạt nước mưa trên mặt, khe khẽ hát: “Từng giọt mưa lạnh cứ thế táp xuống mặt tôi[1]…”
[1] Trích bài Mưa tuyết – Lưu Đức Hoa.
Lời bài hát đúng ý hợp tình, bạn bè xung quanh không nhịn được bật cười khanh khách, giáo viên mắt tinh tai thính nghe thấy, nghiêng đầu qua. “Cười cái gì, nghiêm túc nào!”
Kết thúc khóa huấn luyện quân sự, mọi người đều như đại nạn không ૮ɦếƭ dắt nhau chạy. Tạ Á cùng phòng với Tần Chiêu Chiêu còn ném thẳng bộ quân phục trên người vào sọt rác. “Muôn năm! Cuối cùng cũng được giải phóng rồi!”
Tần Chiêu Chiêu nhanh tay nhặt lại. “Sao lại ném đi thế? Phí quá!”
Tạ Á mặc kệ. “Giữ lại cũng chẳng làm gì, mình không mặc nữa đâu.”
Một phòng ký túc xá sáu người ở, bốn người Thượng Hải: Thường Khả Hân và Phương Thanh Dĩnh người thành phố, Từ Anh và Chương Hồng Mai sống ở ngoại thành, chỉ có Tần Chiêu Chiêu và Tạ Á đến từ Hồ Nam là người ngoại tỉnh. Đương nhiên sẽ chia thành hai phe, một phe người Thượng Hải, phe kia dân ngoại tỉnh; người Thượng Hải nổi tiếng khinh người ngoại tỉnh nên về cơ bản vẫn khá xa cách với sinh viên từ tỉnh khác tới.
Vì thế, trong mấy nữ sinh chung phòng, Tần Chiêu Chiêu thân với Tạ Á nhất, đi đâu cũng có nhau, như bóng với hình. Các câu lạc bộ trong trường tổ chức tuyển thành viên mới, Tạ Á hứng chí bừng bừng lôi Tần Chiêu Chiêu chạy tới xem.
Đầu năm, các câu lạc bộ trong trường tổ chức tuyển thành viên mới rầm rộ, đủ loại quảng cáo, pa nô, áp phích lòe loẹt của các câu lạc bộ nhân văn, khoa học kĩ thuật, thể dục thể thao… nhìn hoa cả mắt. Hai người đi xem hết các câu lạc bộ một lượt, nào là câu lạc bộ văn học, câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ tình nguyện, câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ guitar, câu lạc bộ tài chính, câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ du lịch… đếm không xuể. Đắn đo lựa chọn, cuối cùng Tạ Á quyết định tham gia hai câu lạc bộ, nộp hội phí đổi lấy thẻ thành viên.
Lần đầu tham dự câu lạc bộ, tâm trạng háo hức vô cùng, nhưng nghe chủ nhiệm câu lạc bộ thao thao bất tuyệt một giờ thì bao nhiêu háo hức đều bay sạch. Sau đó họ còn lục tục tới tham dự một, hai lần, nhưng mỗi lần lại càng thêm nản, cảm giác vô cùng hỗn loạn, thượng vàng hạ cám, cuối cùng cả hai người không tham gia nữa. Tạ Á than thở: “Chả có gì hay ho hết, phí thời gian quá!”
Người thất vọng về các câu lạc bộ không phải chỉ có hai người họ, rất nhiều bạn học cũng than thở như thế. Một nam sinh bỏ mười đồng tham dự câu lạc bộ võ thuật, lần đầu tiên tham gia các hoạt động giúp tăng cường sức khỏe được hội trưởng dắt tới sân vận động chạy bộ. Cậu ta chạy đến suýt tắt thở, về nhà chửi bới ầm ĩ: “Mẹ kiếp, ông đây tham gia câu lạc bộ võ thuật hay câu lạc bộ điền kinh vậy?” và từ đó về sau không đến nữa.
Lại có người tham gia câu lạc bộ thuyết trình buồn bã than: “Ban đầu có một chị gái rất xinh đẹp lôi kéo nên tôi mới bỏ mười đồng tham gia, ai ngờ chị gái xinh đẹp đó không phải người của câu lạc bộ. Mẹ kiếp, lừa ông à?”
Có người cười ha ha. “Không sao, trường học còn nhiều mỹ nhân, cứ từ từ chọn.”
Đúng là trường này rất nhiều mỹ nhân, 80% sinh viên trường là người Thượng Hải, con gái Thượng Hải da trắng, dáng đẹp, lại biết cách ăn mặc, ai nấy đều xinh xắn. Sân trường mỹ nhân như mây, nam sinh mở cờ trong bụng.
Nhưng nữ sinh lại có phần buồn bực. Trường học âm thịnh dương suy, tỷ lệ sinh viên nữ nhiều hơn nam rất nhiều. Con trai đã ít, còn không được tốt, muốn thoải mái chọn bạn trai trong trường thật không dễ. Cũng may, Thượng Hải có rất nhiều trường đại học, có thể bù đắp cho nhau, nam sinh trường ngoài thường nghe danh mà tới “quân tử hảo cầu”, nữ sinh không cần phải lo “hồng tía đua chen, giếng lấp tường nghiêng”.
Sống sót qua cuộc thi đại học khốc liệt, vào được trường đại học, rất nhiều sinh viên đại học tựa như “nông dân nổi dậy hát ca” mà hát tình ca. Chuyện yêu đương là vấn đề cơ bản nhất, khai giảng được một, hai tháng, không ít bạn bè cùng lớp Tần Chiêu Chiêu đã bàn tán về bạn trai trong, ngoài trường. Tạ Á cũng có một anh khóa trên theo đuổi, cùng quê Hồ Nam với cô, ngày nào cũng gọi đồng hương ơi, đồng hương ời nhưng cô vẫn hờ hững.
Tần Chiêu Chiêu không có ai theo đuổi, tới Thượng Hải, giống như hồi còn học ở trường trung học thực nghiệm, quanh cô có rất nhiều bạn bè gia cảnh khá giả, cô không thể so được. Giữa đô thị quốc tế hóa như Thượng Hải phồn hoa, dân bản địa đều chú ý tới nhãn hiệu đồ mặc trên người, cơ hồ mọi người đều mặc đồ có nhãn hiệu nổi tiếng. Không ít sinh viên còn có điện thoại di động khiến Tần Chiêu Chiêu kinh ngạc. Ngày cô còn ở nhà, di động là thứ vô cùng hiếm gặp, đa số mọi người dùng máy bàn. Nhưng sinh viên sành điệu Thượng Hải hầu như ai cũng có một chiếc điện thoại di động, thường là của các hãng nước ngoài như Motorola hay Nokia, các hãng di động trong nước như Bird hay Kejian… không ai thèm ngó tới.
Sống trong hoàn cảnh này, một cô gái tới từ tỉnh lẻ Giang Tây như Tần Chiêu Chiêu đúng là quê mùa. Chiếc ba lô cún con Lâm Sâm tặng cô có vẻ sành điệu ở Tiểu Thành nhưng đeo thứ này giữa Thượng Hải chỉ làm bạn bè cười thêm. Chương Hồng Mai cười không che giấu. “Cậu đeo cái gì trên lưng thế? Nhìn qua là biết dân nhà quê.”
Nói cho đúng thì Chương Hồng Mai mới là dân nhà quê, nhà cô ở đảo Sùng Minh, tuy chỉ cách Đại Thượng Hải một con sông nhưng giao thông từ Sùng Minh tới nội thành Thượng Hải không thuận tiện, bao nhiêu năm vẫn chỉ dừng ở thời đại “văn minh nông nghiệp”.
Tuy Chương Hồng Mai chỉ là con nhà nông dân ngoại thành Thượng Hải nhưng vẫn thích lên mặt ta đây người Thượng Hải trước mặt bạn bè ngoại tỉnh, nhất là với Tần Chiêu Chiêu. Tạ Á tốt xấu gì cũng đến từ Trường Sa, Hồ Nam, gia cảnh không tồi, nghe nói ba mẹ cô buôn bán, cách ăn mặc của cô không khác người Thượng Hải bao nhiêu, khác hẳn với Tần Chiêu Chiêu vừa nhìn đã biết dân tỉnh lẻ nên luôn bị bạn bè hoặc âm thầm hoặc thẳng thừng giễu cợt.
Kỳ thực, Thượng Hải không phải là lựa chọn tốt đối với con cái những gia đình không khá giả. Tuy học phí ở đây so với các nơi khác không khác bao nhiêu nhưng chi phí sinh hoạt lại khác xa. Thứ nhất, chi phí sinh hoạt ở Thượng Hải tương đối cao. Thứ hai, ở đây tỷ lệ dân bản địa rất cao, chuyện chú ý và ganh đua ăn mặc của họ cũng là áp lực đối với người ngoại tỉnh. Một sinh viên ăn mặc kém cỏi đứng giữa một lớp toàn những người mặc đồ hiệu đắt tiền sẽ như gà trong bầy hạc. Khoe vẻ nghèo túng của mình cho mọi người nhìn thấy, trong lòng nhất định sẽ nảy sinh cảm giác tự ti về cả vật chất lẫn tinh thần.
Tần Chiêu Chiêu bị Chương Hồng Mai chế giễu, hai má đỏ bừng; Tạ Á bèn rút đao tương trợ. “Ai bảo Tần Chiêu Chiêu là dân nhà quê? Cậu ấy có hộ khẩu thành phố đấy chứ! Nói ra, hình như hộ khẩu đảo Sùng Minh mới là nhà quê ấy.”
Tạ Á chế giễu lại Chương Hồng Mai, khiến cô nàng chỉ biết lẩm bẩm một câu tiếng Thượng Hải rồi xoay người bỏ đi. Hai người nghe không hiểu gì, chỉ biết đó nhất định không phải lời hay ho. Cô vừa quay đi, Tạ Á liền “dạy” Tần Chiêu Chiêu: “Cậu đừng có mềm yếu thế, để cô ta tưởng cậu dễ ăn mà cứ thế lấn tới.”
Khác với Tần Chiêu Chiêu, Tạ Á luôn đốp lại những lúc người Thượng Hải vô tình hay cố ý thể hiện sự ưu việt của gốc gác, nhất quyết không nén giận, nín nhịn chịu đựng. Cô ghét nhất mấy nữ sinh thích tỏ ra ta đây là người Thượng Hải, đặc biệt là Phương Thanh Dĩnh cùng phòng.
Phương Thanh Dĩnh gia cảnh khá nhất trong lớp. Ngày khai giảng, ba cô lái một chiếc BMW đích thân đưa con gái tới trường, có thêm bảo mẫu mang chăn đệm tới, vừa bày biện vừa luôn miệng chê ký túc xá tệ quá, chỉ sợ cô chủ ở không quen.
Ký túc xá quả thật không tốt lắm, một phòng sáu người, nằm giường tầng, hai người dùng chung một bàn học, không có nhà vệ sinh và ban công riêng, không điều hòa, thậm chí quạt máy cũng không có, sinh viên phải tự chuẩn bị, mùa hè thì nóng miễn bàn.
Ba Phương Thanh Dĩnh cau mày, bản thân cô cũng bĩu môi, đương nhiên cô không thể thích nghi với cuộc sống ở ký túc xá, chỉ miễn cưỡng ở một hôm là bỏ về nhà. Tuy nhà trường không cho phép sinh viên ngoại trú nhưng cô chỉ ở ký túc xá trên danh nghĩa, ngày ngày đều về nhà, ký túc xá chỉ để nghỉ trưa và cất sách vở.
Thật lòng, Tần Chiêu Chiêu không thấy ghét Phương Thanh Dĩnh. Tuy cô có gia cảnh khá nhất lớp nhưng chưa bao giờ khoe khoang ta đây người Thượng Hải ưu tú hơn người như Chương Hồng Mai. Cô nói năng lịch sự, cử chỉ tao nhã, xuất thân tốt, được hưởng sự giáo dục bài bản. Cô cũng từng học múa, dáng người rất đẹp, khí chất xuất chúng. Có điều thân thể cô hơi yếu ớt, lại ưa sạch sẽ nên thường ghét những thứ bẩn thỉu, mỗi lần thấy gián, thấy chuột là sợ xanh mặt. Áo quần của cô phải là tơ nguyên chất, nếu không sẽ cảm thấy không thoải mái.
Lần đầu tiên Tần Chiêu Chiêu biết tới một cô gái như vậy, không khỏi nhớ tới nàng công chúa và hạt đậu trong truyện cổ tích Andersen.
Tần Chiêu Chiêu bắt đầu sống cuộc sống đại học thường thường bậc trung giữa Thượng Hải. Cô là sinh viên nghèo nhất lớp, không có quần áo hàng hiệu, không điện thoại di động, đi ăn ở căng tin cũng chỉ mua những loại thức ăn rẻ tiền và rau dưa. Nhìn cô và những sinh viên gốc Thượng Hải sẽ thấy khác biệt rõ ràng. Cũng may, trước kia học ở trường trung học thực nghiệm cô đã quen với sự khác biệt này rồi, bây giờ tiếp tục cảnh này coi như cũng có năng lực đối mặt.
Tất nhiên, trong lòng cô không tránh được chút khó chịu. Ba mẹ gọi điện hỏi thăm chuyện học hành nơi đất khách quê người ra sao, cô không bao giờ dám đề cập tới nỗi khó chịu này, miệng chỉ kể lại những chuyện tốt đẹp, trường học ở Thượng Hải tốt, giáo viên, bạn bè cũng tốt, mọi chuyện đều rất tốt. Chỉ khi gọi cho Đàm Hiểu Yến, cô mới có thể trút phiền não: Người Thượng Hải khác hẳn với dân ngoại tỉnh; áo quần hàng hiệu, điện thoại di động của họ khiến người khác líu lưỡi không nói nên lời; bọn họ mang theo mình vẻ ưu tú của những con người ngồi trên cao nhìn xuống; rồi cả chuyện cô bị giễu cợt là “đồ nhà quê”…
Những lời này cô chỉ dám nói với Đàm Hiểu Yến, vì chỉ có Hiểu Yến mới thấu hiểu được. Hai con người xuất thân giống nhau, hoàn cảnh sống tương đồng, lại làm bạn tốt với nhau bao năm, giữa họ có một sự cảm ứng tâm linh như song thai chung trứng, tất nhiên có thể thấu hiểu cảm giác của đối phương.
“Chiêu Chiêu, dân tỉnh lẻ bọn mình bị người thành phố lớn coi thường cũng phải, mình ở Hổ Môn cũng toàn bị người ta gọi là đồ làm thuê. Ban đầu nghe được đi Quảng Đông thực tập thấy thật là thích, những tưởng chỉ cần ra ngoài là có thể vùng vẫy thỏa thích, tương lai tốt đẹp đang chờ đón. Đến giờ nghĩ lại mới thấy mình quá ngây thơ, chẳng qua cũng chỉ là một đứa làm thuê mà thôi.”
Nỗi cảm khái của Đàm Hiểu Yến tính ra còn nhiều hơn Tần Chiêu Chiêu khiến tâm tình cô càng khó chịu, không chỉ vì mình mà còn vì người bạn thân.
Chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử là vấn đề không của riêng quốc gia nào. Dân bản địa khinh thường dân ngoại tỉnh, người thành phố khinh thường người nhà quê; tầng lớp thượng đẳng khinh thường tầng lớp hạ đẳng, người da trắng coi thường người da đen… Bất kể người ta ngày ngày kêu gọi bình đẳng xã hội thế nào chăng nữa, chuyện đó cũng không thể trở thành hiện thực, vĩnh viễn không thể.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc