Hành Trình Xương Thủy Tinh - Chương 08

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

Hội ạ, ngày mai mẹ con chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình con nhé! Chúng ta chỉ còn ở trong ngôi nhà này một đêm nay nữa thôi. Ngày mai chúng ta sẽ xa phố phường để đến một nơi xa, hẻo lánh, quê mùa, tối tăm...
Đừng buồn, phải thế thôi còn ạ. Sự sống của con là trên hết. Để duy trì sự sống ấy, chúng ta phải có tiền, mà tiền thì con biết rồi, mẹ chỉ có một cách: bán nhà và đưa cả nhà đi dần về một hướng xa hơn...
Đêm cuối cùng thăm thẳm, lòng mẹ sao thấy bần thần. Mẹ cứ lãng đãng nhớ về một điều gì. Mẹ cứ hồi tưởng những chuyện đã qua trong đời mẹ, như có ai đó quay lại những đoạn phim... À, mẹ chưa nói với con: vừa rồi mẹ nhận được tin bà ngoại ốm nhưng nay bà đã bớt rồi. Bác cả đưa bà từ bệnh viện trở về, tuy lẫn lộn nhưng bà vẫn nhớ dặn một điều: Đừng báo cho cái Hương nó biết kẻo nó bỏ con bỏ cái cuống lên chạy ra ngoài này là thêm khổ...
Để mẹ dành chút thời gian chuyện trò với ông bà ngoại nhé, con nhé:
“... Bố mẹ ơi, vậy mà thấm thoát đã 19 năm rồi kể từ ngày con xa bố mẹ! (Sau này lấy chồng xa xứ, dù cứ ba năm con lại thu xếp ra thăm bố mẹ một lần. Nhưng con chưa bao giờ coi những chuyến về ấy là đoàn tụ, vì nó quá chóng vánh và con thì chẳng làm được gì cho bố mẹ).
Nếu người ta có nói với bố mẹ rằng: “Con gái ông bà giờ này nó cứ phải trôi dạt từ hẻm hóc này đến khu xóm kia, phải đối phó với trăm điều đắng cay, khốn khổ, nó phải gục xuống vì tật bệnh của con... thì bố mẹ đừng có tin và đừng có buồn. Vì con vẫn là con, vẫn rất ngoan và khát khao sống thật. Bây giờ, con mới nghiệm ra, sau gần 20 năm sống đời tự lập: rằng không gì sung sướng hơn khi mình là chính bản thân mình với những đớn đau, sướng khổ, vui buồn, với cả những khiếm khuyết của bản thân mà mình dám thừa nhận.
Con còn nhớ 19 năm về trước, nhà mình cũng khá... vẻ vang: Bố là ông quan to đứng đầu một huyện. Con cái đều học hành giỏi giang: Hai đứa lớn đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Một đứa đang học đại học (là con). Đứa út vào cấp 3 và đứa kế út đang luyện thi vào đại học. Ở quê mình ngày đó ước mơ lớn nhất của những ông bố bà mẹ là con cái được vào đại học. Với những nhà nông dân nghèo khó thì đó là mơ ước đổi đời. Còn với con cái nhà quan thì cái đích đại học không thể nào khác được, bởi nó là tương lai, là danh dự..., là nhiều thứ lắm. Bởi vậy mới ra nông nổi: đã có đứa thi trượt đại học thì đòi... tự tử. Lại có đứa bỏ cả tuổi trẻ ôn thi đi ôn thi lại tới ba bốn lần, đến khi nào đậu bằng được mới thôi! (Dù đến khi tốt nghiệp xong rồi thì... thất nghiệp, nằm nhà cả đống!)
Bố là một ông quan tốt, chẳng tham ô, hách dịch bao giờ. Bởi vậy nhà mình nghèo xác nghèo xơ, chỉ giàu về tiếng tăm và danh dự. Bố đi làm có ôtô đưa đón. Một ngày nọ, bố đi họp ở Hà Nội về, chú lái xe dở chứng ra bờ hồ uống mấy vại bia. Vậy là có chuyện: khi xe về đến thị xã Phủ Lý, chú ấy tông vào cột đèn: xe đổ, người đau và nhà mình mắc nạn...
Người ta đưa bố vào bệnh viện tỉnh. Bố bị bỏ nằm chèo queo ở đó một đêm như những người dân thường. Chỉ sau cái đêm nằm ở bệnh viện ấy, bố đã hiểu thêm nhiều điều, bảo: “Làm người dân đúng là khổ vô cùng vô tận!”. Lúc ấy là 28 Tết, con đã nghỉ học về nhà, nghe tin vội đón xe vào bệnh viện. Bố nằm đó, phờ phạc, xác xơ. Tay nẹp tạm bằng mấy cái que. Họ vô tâm đến nỗi không rót cho bố được một miếng nước. Thông tin bay đến văn phòng tỉnh ủy. Bác Nguyễn Văn An (lúc đó làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh) vào tận bệnh viện “chỉ đạo” người ta cứu chữa cho bố. Thế là người ta cuống lên! Người ta nâng niu quý trọng. Người ta đưa bố vào phòng cao cấp. Người ta bó bột và đóng đinh nội tủy... Người ta đã biết bố là quan chứ không phải là dân thường. Cái xót xa cho thân phận thường dân bắt đầu len lỏi vào người con từ độ ấy...
Con quay lại trường đại học, lòng chẳng bình yên. Những lời nhắn nhe của mẹ gửi lên làm con tê tái: Học làm gì nữa! Phải về thôi. Học vậy là đủ rồi... Con quyết định sẽ về phụ cho mẹ đỡ khổ. Mẹ ở nhà chăm bố, nghỉ không ăn lương. Bố thì đang rất buồn. Nằm một chỗ như bị án treo. Ứng cử HĐND khóa này bố phải tạm thời... rút.
Con về với bộ mặt tỉnh queo tỉnh rụi. Con dọn một quán nước trước nhà mình. Bố có vẻ buồn: nhà mình bây giờ cũng phải buôn gánh bán bưng sao?!... Ôi, có sao đâu bố! Con ngồi chơi riết cũng sinh hư. Mình bán buôn kiếm tiền lời cũng đỡ... Bố im lặng. Bố thở dài.
Khổ thân bố, bố ơi. Chính trường chiếm hết thời gian và cuộc đời của bố. Bây giờ đùng một cái lâm nạn, bị trói một chỗ, bố bức bối vô cùng. Không khí trong nhà mình căng như sợi dây đàn sắp đứt.
Con phải đi. Con đi đây bố ạ. Con vào Sài Gòn. Chú mình ở trong ấy làm đến giám đốc oai quyền lắm, thiếu gì việc để con làm cơ chứ.
Xếp vài bộ quần áo vào cái vali cũ với một chút tiền nhỏ phòng thân, con ra đi với một bộ dạng tươi hơn hớn. Con muốn bố mẹ yên lòng. Con không thể chịu đựng thêm nỗi xót xa đau đớn bởi những tiếng thở dài sườn sượt của bố hằng đêm, bởi những lời phiền muộn, khắc khoải của bố hằng ngày: “Cũng vì tôi mà con bé khổ... Nó không học đại học rồi đời sẽ ra sao...”.
Ôi, có gì đâu, việc gì mà bố phải dày vò bản thân mình đến vậy?
Con đi vào đó không đầy một năm và báo tin về con sẽ lấy chồng, để cả nhà mừng. Con lấy một anh bộ đội không chức không quyền, rất nghèo và tốt bụng... Bố đã ra làm quan trở lại. Các em cũng học rất ngoan. Anh chị lớn cũng đã được phân việc làm ở những thành phố lớn. Nhà mình lại trở về trạng thái... an toàn, vẻ vang. Còn gì mừng hơn thế. Chỉ riêng con, từ đấy, con rẽ qua một cuộc đời mới, cuộc đời của một lê thứ thường dân, với lầm than, khổ ải, đắng cay, vui buồn của chính con...”.
Ôi, mẹ xin lỗi, từ nãy đến giờ mãi nhớ chuyện xửa chuyện xưa mà bỏ quên bé Hội của mẹ! Xếp đồ vào giỏ rồi đi ngủ đi con, ngày mai mình lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình...
Đêm cuối cùng ngồi trong ngôi nhà này mẹ ngồi nhìn ra ngoài trời tối mênh ௱ôЛƓ. Bầu trời đen sẫm một màu. Các con đã ngủ cả rồi. Mẹ nhìn các con, bỗng nhớ về bao chuyện cũ. Ta đi đã nhiều và gặp gỡ đã nhiều. Mẹ tự hỏi lòng: đã có bao nhiêu người làm cho ta đớn đau và bao nhiêu người làm trái tim ta run lên vì được an ủi, đồng cảm?
Trong cái đêm êm vắng, tĩnh mịch này, mẹ bỗng nhớ lại nhiều điều lắm...
Mẹ nhớ về những tháng ngày mẹ làm trong cái nhà hàng, lúc ấy con còn rất bé, bị bệnh luôn và mẹ vẫn phải đi làm hoài. Một ngày kia trong nhà hàng xuất hiện một người chủ tiệm giày. Giày của ông ấy khâu bằng tay, rất đẹp. Ông ấy mở cửa hàng ở đường P., một con đường trung tâm thành phố với rất nhiều thương hiệu giày nổi tiếng.
Ông ta có vẻ ghét mẹ, thì đã làm sao? Mẹ là một cô Bắc kỳ còn ông ta tỏ mẽ là một anh công tử Nam bộ rặt. Mỗi người ngồi ở một bàn khác nhau. Ông ta cứ nói oang oang làm như mình là “trung tâm thế giới” vậy! Ở bàn bên này mẹ chẳng quan tâm. Ngồi đâu mẹ cũng chỉ mong nhanh hết giờ để về bệnh viện với con. Con ốm nặng đã phải nhập viện Nhi Đồng 2 mấy ngày rồi. Vậy mà vẫn không được yên, ông ta cho “đệ tử” nói thế nào mà con gái bà chủ lại... điều mẹ sang đấy.
Mẹ sang và im bặt. Mẹ ngồi im như tượng, chẳng nói năng... Ông ta gắp vào chén mẹ đủ thứ thức ăn mà mẹ thì chẳng thèm ***ng đũa. Nhạt toẹt, mất hứng hay là bận việc mà ông ta bỏ cả bàn về trước, sau khi đã thanh toán mọi chi phí cho những người ở lại. Kệ ông ta chứ, có hề gì! Hôm ấy là ngày cuối tuần, mẹ về rất khuya và mẹ đi thẳng vào bệnh viện. Đã bốn ngày qua con cứ ho sù sụ và rũ ra như tàu lá khoai, về chiều lại còn sốt hâm hấp. Viêm phổi cấp đấy. Mẹ đăng ký cho con nằm phòng dịch vụ - phòng 2 giường và có nhà vệ sinh riêng. Mẹ đã chẳng từng cam kết rằng mẹ sẽ không bao giờ để con thua kém bất cứ đứa trẻ nào mà. Đã 1 giờ rưỡi khuya rồi. Mẹ vào đến nơi thì cửa sắt của khoa dịch vụ đã khóa im ỉm. Bố ở bên trong cứ loay hoay. Bố bảo: “Bác sĩ họ ngủ hết rồi mà anh thì không dám gọi”. “Không sao - mẹ bảo bố - Vứt ra cho em cái áo khoác đi”. Bố hỏi: “Về à?”. “Về làm chi? Để em kiếm chỗ nào ngủ đỡ, trời sắp sáng rồi”. Mẹ đi một vòng trong vườn bệnh viện. Cây cổ thụ rất nhiều, không khí mát lạnh và âm u. Và mèo, rất nhiều mèo hoang. Trong đêm, mắt chúng xanh lè. Chúng đuổi nhau rầm rập, phát k***!
Tới một mái hiên chìa ra giáp vườn, mẹ ngồi xuống băng ghế đá, trùm chiếc áo của bố, mẹ ngủ...
Giật mình mở mắt, trời đã lờ mờ sáng. Bỗng mẹ nghe lạnh toát người vì sợ hãi: trước mặt, cách không đầy ba sải tay, mẹ thấy ngạo nghễ một cái... bia mộ bằng đá đen to tướng! Định tâm mẹ mới biết đó là bia mộ của một ông bác sĩ nước ngoài. Mẹ đã nghe kể rằng ông ấy đã sang đây làm việc và là một trong những người đầu sáng lập ra cái bệnh viện Nhi đồng 2 này. Hóa ra người ૮ɦếƭ hiền thật! Chứ nếu không hôm qua ông ấy thò tay lên... tóm mẹ thì mẹ đã đi đời! Bây giờ thì nói cứng vậy thôi, chứ lúc đó mồ hôi mẹ vã ra như tắm. Mẹ phóng thẳng một mạch ra ngoài cổng, không dám ngoái lại...
Trời sáng bảnh, cửa mở, mẹ mua cháo thịt bằm mang vào cho con. Vừa vào tới cửa phòng mẹ vô cùng ngạc nhiên: ông chủ tiệm giày hôm qua trong quán đang ngồi chễm chệ trò chuyện với... phu nhân (của ổng) ở ngay giường bên cạnh! Dưới nền nhà, con và con trai ông ấy đang hí hửng chơi cái ôtô điều khiển từ xa... Cái ôtô mấy hôm trước mẹ đã mua bằng những đồng tiền vất vả và cực nhọc. Hơi giật mình thảng thốt nhưng mẹ trấn tĩnh lại và cố nói với con thật to: “Mẹ đã về này! Mẹ mua cháo cho con đây! Anh Tân ơi, dậy đi. Dậy pha sữa cho bé Hội đi!” - Mẹ nghe rõ giọng mẹ cao và có vẻ tự hào lắm. Miệng nói tay làm, mẹ lôi trong túi du lịch ở đầu giường ra hộp sữa Meiji đỏ. Mặt mẹ lúc ấy đầy... ngạo nghễ. (Còn mặt ông ta có lẽ trông rất... đáng thương). Múc từng thìa sữa Meiji, mẹ có vẻ đắc thắng, hỉ hả trong lòng lắm với ý nghĩ: “Tôi phải cực nhục từng đêm để kiếm được đồng tiền, còn ông dư tiền dư bạc đi ăn chơi, nhưng con tôi không hề thua kém con ông bất cứ điều gì...”.
Ông ta ở đó thêm một lát rồi lật đật ra về. Tối hôm ấy, ông ta lại đến nhà hàng và lò dò theo mẹ về tận tới nhà ta...
Chuyện này hãy còn dài, mai ta lại viết tiếp...
Ông ấy đã đến nhà mình. Ông nói chuyện với mẹ và làm quen với con. Ông ấy cho biết đã đi hỏi những người quen biết nhưng chẳng thể giúp được gì cho căn bệnh của con... Ông tỏ ra ái ngại cho những lo toan của mẹ! Mẹ nói với ông ấy:
- Không sao đâu ạ, tôi chịu cũng quen rồi... Anh, cả chị nữa, cùng cháu có thể đến nhà tôi chơi, nhưng tôi mong anh đừng đến nơi ấy nữa...
- Sao lại thế, nhà hàng mà không có khách đến thì họ đóng cửa mất thôi... - Ông ta nói có vẻ nửa đùa nửa thật. Biết vậy nhưng mẹ vẫn cắt ngay:
- Tôi biết anh là người chân chất làm ăn. Anh có gia đình và con nhỏ. Bây giờ khỏe thì thế đấy. Lỡ chẳng may đau ốm, vận hạn, sẽ thấy mọi sự suy sụp vô cùng... Tôi nói rất thật lòng, mong anh suy nghĩ...
Ông ta vẫn kiên trì theo mẹ tới chỗ làm, còn mẹ thì cố gắng tránh không gặp ông ta. Ông ta vẫn hay chạy xe theo mẹ về đến gần nhà và một hôm ông ta van vỉ rằng xin gặp mẹ một lần sau cùng để nói chuyện. Ông ta nói ý thế này: sau một thời gian dài biết mẹ, ông mới ngộ ra: gia đình thật là quý và ông cũng bắt đầu biết quý trọng phụ nữ, chứ từ trước tới giờ, ông gia trưởng và coi thường phụ nữ lắm. Ông lúng túng rút trong giỏ xách ra tặng mẹ một đôi giày. Một đôi giày màu mận chín rất xinh, cao 7 phân. Ông nói là tự tay làm từ đầu tới cuối.
Ông hứa với mẹ sẽ không phung phí tiền vào những cuộc chơi vô bổ, tu chí làm ăn và chăm sóc gia đình. Và ông ấy đã làm được như đã hứa. Sở dĩ mẹ biết vì sau rất nhiều năm không gặp, hôm nọ mẹ cùng cô bạn vào thành phố, đi qua con đường năm nào, mẹ thấy tiệm giày của ông ngày xưa đã trở thành một cửa hàng lớn khang trang, đẹp lắm...
... Trở lại những dòng nhật ký, nếu con hỏi tại sao đêm nay mẹ nhớ đến những chuyện này. Tại sao à? Là vì ngày mai chúng ta lại lên đường. Con ơi, lần này chúng ta sẽ đi thật xa, sẽ về tận bãi rác Đông Thạnh, xa lắm con trai ạ. Sẽ tắt hẳn mọi phồn hoa, rực rỡ chốn thị thành. Sẽ về cùng sống với những người nông dân, nơi có những vườn cỏ voi mênh mang, có những đàn bò sữa mập mạp...
Ta sẽ rời thành phố, xa những con hẻm nhỏ, xa những người xóm giềng đã trở nên rất thân quen. Mẹ phải xa những giáo đường, xa tiếng chuông ngân nga mỗi buổi chiều và sáng.
Con hãy cứ yên lòng. Cuộc sống của chúng ta vẫn còn ở phía trước...
Con trai ơi, đưa tay đây, mẹ đỡ. Ta dọn nhà về Đông Thạnh, gần bãi rác Hóc Môn, một bãi rác mênh ௱ôЛƓ của thành phố. Mẹ mướn một xe “bắt heo” (xe lam nhỏ) chất hết đồ đạc và chất hết chúng ta... Chúng ta lên đường.
Xe qua cầu Cụt, cầu Trường Đai, qua vùng Tân Thới Hiệp... rồi đến cầu Dừa. Đó là ranh giới giữa nông thôn và thành thị. Qua cây cầu nhỏ đó là thành phố đã ở lại thật xa. Xa, xa mấy thì mẹ con mình vẫn cứ phải đi con ạ. Thấy không con, những vạt rau xanh um, những mái nhà lô xô không thứ tự và hàng lối. Có sao nào, ngay cả đời mình mẹ thấy nó cũng trôi đi chẳng theo một trật tự gì con ạ. Cứ như là những ngọn sóng nhấp nhô, dập dụi. Ngồi với con trên xe lòng mẹ rối lắm nhưng mẹ vẫn cố vui vẻ trò chuyện để con an lòng.
Nhà ta núp trong một vùng bung xung cây cối. Con đường đất đi vào nhỏ xíu vòng vo, xe bắt heo không vô lọt. Ở đầu đường là chùa Bà Tư, cuối đường đổ ra một nghĩa địa mênh ௱ôЛƓ, giáp một ngã ba, đó là nơi trú ngụ của những người... cõi khác. Mẹ đành chống chế: một bên Phật ngự, một bên là các linh hồn, ta ở giữa tha hồ bình an vì đã được bảo vệ chu đáo lắm.
Bà con lối xóm xúm tới dọn đồ giúp nhà ta: có gì đâu, toàn những ghế là ghế. Ghế cao, ghế thấp, ghế vuông, ghế tròn, cái ngắn, cái dài, thôi thì đủ cả. Ghế để con bám, ghế để con ngồi, ghế để con tập di chuyển...
Con cứ ở yên trong nhà con nhé, mẹ còn nhiều việc phải làm. Mẹ đi lo thủ tục, chuyển học cho em, xin tạm trú, rồi xin đồng hồ điện...
Mẹ biết là con buồn. Ta về ở xứ heo hút, xa xôi này, con thua thiệt lắm. Sẽ chẳng còn những buổi chiều mẹ cõng con đi chơi phố, sẽ chẳng còn những buổi tối mẹ cõng con vào nhà sách rực rỡ... Nhưng con hãy bình tâm: ở đâu cũng có những điều buồn và những điều vui, vấn đề là ở trong lòng chúng ta, con à.
Kìa, có mấy đứa trẻ thập thò, cười đùa, chỉ trỏ: “Cái thằng què kìa, nó ở đâu về vậy?”; “Nó lết bằng tay bây ơi, mắc cười quá!”... Nghe, mẹ cũng nẫu cả lòng, con trai ạ. Còn con thì buồn bã âm thầm, có lúc lại quạu quọ thế kia... Không sao con, ai chẳng là người, ai chẳng có lúc buồn đau, bức bách.
Con trốn vào một xó, ngồi buồn so, thu lu như ông cụ. Thôi đành vậy, để mẹ lo ổn định gia đình rồi sẽ lo ổn định tinh thần cho con. Hãy đợi mẹ...
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc