Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 27

Tác giả: Nhiều Tác Giả

LỠ GÂY TAI HỌA LỚN, MẮT BẠN SUÝT BỊ MÙ
Năm thứ nhất bậc sơ trung vào học được chừng nửa tháng, bỗng xảy ra một chuyện mà cho đến nay tôi vẫn thấy rùng mình… Trong lúc ra chơi giữa giờ, Đình Nhi đã đánh nhau với một bạn cùng lớp, cháu đã lỡ tay đánh bị thương mắt bạn. Tối hôm đó, khi đã ngồi vào bàn viết nhật ký mà Đình Nhi vẫn chưa hẳn hoàn hồn.
… Sự việc xảy ra ngày hôm nay, đối với tôi, quả là một bài học vô cùng đau đớn, một sự kiện mà tôi phải nhớ suốt đời.
Trong giờ ra chơi sau tiết thứ nhất, không hiểu vì sao, bạn T. cứ nhảy quanh tôi, vừa nhảy vừa chửi rủa: “Lưu… Lưu…” Chửi một hồi rồi bạn ấy đứng lại nhìn tôi cười khiêu khích. Người tôi sôi lên vì tức, tôi giơ thẳng cánh tay cho bạn ấy một cái tát, nào ngờ tôi tát trượt. Tôi bị một đòn phản kích của bạn ấy, một cái tát rát tai. Tôi nghĩ bụng: “Mày vô cớ chửi tao, chưa đánh lại được mày, mà mày đã đánh tao!” Càng nghĩ càng tức, tôi bèn xông đến, giơ tay tát lần nữa, lần này bạn T. nhanh chóng né đầu để tránh đòn, nhưng cú đòn trúng giữa mặt bạn ấy. Không thấy T. kêu la, chỉ thấy hai tay bạn ấy vội ôm mặt, còn bàn tay tôi thì rát bỏng. Biết T. đã bị một đòn đau, tim đập thình thịch, nhưng tôi vẫn cứ “tỉnh bơ”, tảng lờ như không có chuyện gì. Hơn thế tôi còn bình tĩnh quay lưng đi đến chỗ mấy bạn khác tán gẫu, nhưng đôi mắt vẫn luôn liếc nhìn về phía bạn T. Thấy có vụ đánh nhau, cô Lý bèn đi đến chỗ bạn T. hỏi rõ lý do. Rồi tôi bỗng thấy cô lớn tiếng gọi tôi. Trống иgự¢ tôi càng đập mạnh dữ hơn, nhưng vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh đến chỗ cô. Vừa nhìn thấy bạn T., tôi lạnh người, đôi mắt T. đỏ ngầu, sưng vù, bên cạnh còn có hai chỗ tím bầm. Sau mấy lời quở trách tôi, cô vội đưa bạn T. đến trạm xá gần đó. Lòng tôi lo lắng rối bời…
Sau bữa cơm trưa, cô Lý gọi tôi vào phòng khuyên giải, rồi thông báo về vết thương của bạn T. Cô nói: “Tình hình xấu nhất, có thể cả hai mắt của bạn T. đều hỏng”. Nghe đến đây đầu óc tôi quay cuồng, trống иgự¢ đập liên hồi, tôi run sợ. Trời ơi, lẽ nào chỉ một phút không giữ được bình tĩnh của tôi, mà bạn T. có thể bị mất đi hai mắt? Thật là tàn khốc!
Giờ đây bệnh tình bạn T. lành dữ thế nào còn chưa biết được, phải đợi cho chỗ xung huyết ở đáy mắt tan đi thì mới chẩn đoán được. Trong khi chờ đợi này, xin mọi người hãy lắng nghe tiếng nói từ đáy lòng tôi: dù thế nào cũng không được tranh cãi nhau vì những chuyện vụn vặt hàng ngày, chỉ một phút giây nông nổi rất có thể gây nên họa lớn!
Ngoài việc rút kinh nghiệm ra, quả thực Đình Nhi không còn biết làm gì hơn nữa cho bạn. Chỉ có người lớn mới biết rằng, lúc này đâu phải là lúc ngồi mà rút kinh nghiệm.
Từ trạm xá trở về trường, cô Lý lập tức gọi điện thoại thông báo cho cha mẹ của cả hai học sinh.
Nghe được tin con gái mình đã đánh bạn chảy cả máu mắt, chúng tôi như bị sét đánh ngang tai: các bạn trong lớp của Đình Nhi đều là những đứa con độc nhất trong gia đình chỉ có một con, vạn nhất có xảy ra điều gì, người ta sẽ đau khổ suốt đời. Dù sao, sự việc cũng đã xảy ra rồi, việc đầu tiên của chúng tôi hiện là đến thăm hỏi và trả tiền viện phí, đến xin lỗi gia đình bạn T., sau đó phải bằng mọi cách để cứu đôi mắt cho cháu T.
Cha mẹ cháu T. lại là những con người rất am hiểu. Khi chúng tôi đến lựa lời xin lỗi, mẹ cháu T. cố nén dòng nước mắt, chỉ tự trách con mình là đã đầu têu “trêu chọc người khác”. Còn ông bố lại ôn tồn an ủi chúng tôi: “Không sao đâu, các bác ạ! Chỉ mấy ngày sau là khỏi ấy mà!”
Chúng tôi đề nghị, cho phép chúng tôi đưa cháu đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện thuộc Trường Đại học Y hoa tây. Ông bố nói: “Bệnh viện ấy xa lắm, vả lại cũng chưa thật cần thiết, cứ để cháu chữa ở trạm xá gần đây cũng được”. Tôi và ba Đình Nhi thiết tha xin với gia đình cháu T. đi chữa ở một bệnh viện tốt nhất Thành Đô. Nếu cha mẹ cháu T. bận công tác, vợ chồng chúng tôi xin được đưa đi… Bàn bạc hồi lâu, rồi đi đến quyết định: hai bà mẹ sẽ đưa cháu T. đi bệnh viện.
Khám lần đầu, bác sĩ nhãn khoa nói, phải chờ chỗ tụ máu trong đáy mắt tan hết đã rồi mới đi khám lại và kết luận được. Bác sĩ còn nói : “Nếu chỉ đứt các mao mạch huyết quản mà không bị tổn thương võng mạc, chỉ cần nghỉ ngơi yên tĩnh khoảng 2 tuần lễ là có thể khỏi được và không để lại di chứng nào. Vì sức phục hồi của trẻ con rất tốt. Tất nhiên, phải uống thuốc kháng sinh đề phòng viêm nhiễm. Giai đoạn này đặc biệt cần ngăn ngừa cảm cúm và không được cử động mạnh, để tránh bị xuất huyết trong đáy mắt”.
Rất may là bé T. rất biết nghe lời thầy thuốc, không bị cảm cúm, lần khám lại sau ba ngày nằm tĩnh dưỡng vẫn không phát hiện có tổn thương trong đáy mắt. Hai tuần sau, bác sĩ nhãn khoa tươi cười thông báo với chúng tôi: “Mắt của cháu T. đã hoàn toàn được hồi phục”. Đến lúc ấy, chúng tôi sung sướng như chính mắt Đình Nhi đã được sáng trở lại.
Trong thời gian bé T. còn nằm viện, cô Lý nhân dịp này đã mở một đợt tình thương yêu bạn bè trong cả lớp. Trước cả lớp cô nói: để bạn T. thấy được tình yêu thương của cả lớp, cô đề nghị mỗi học sinh hãy dành một phần quà để tặng bạn T., lớp phải cử một đoàn đại biểu đến nhà bạn T. để thăm hỏi và tặng quà. Đình Nhi là đại biểu đương nhiên trong nhóm năm bạn được cử đi thăm hỏi ấy. Khi Đình Nhi nhìn thấy bạn T. phải nằm bất động trên giường với cuộn băng trắng quấn chặt hai mắt, Đình Nhi không nén nổi những dòng nước mắt hối hận.
Hôm bé T. khỏi bệnh trở lại trường, cô Lý lại nhân dịp này mở tiếp một đợt giáo dục nữa về an toàn lao động. Cô mời tôi lên báo cáo trước cả lớp. Tôi đã viết một bài báo cáo thật công phu, hi vọng qua dịp này mỗi học sinh đều nhớ đựơc: “Mỗi phút nông nổi, tai họa cả đời!”
Tôi bắt đầu từ câu chuyện “Đôi mắt bé T. được lành lặn trở lại chẳng qua là sự may mắn”, sau đó tôi chuyển sang kể cho mọi người nghe một câu chuyện bi thảm khác: chuyện “Một quả đấm đã làm thay đổi số phận hai mạng người”. Nhân vật tôi nói đến là một con người thực. Đó là con trai của một cán bộ cao cấp mà các bạn ở đây đều biết cả. Chàng thanh niên này giữa đường gặp một người say rượu, người này đã vô ý nhổ nước bọt vào mặt anh ta. Không nén được tức giận, anh ta đã cho người say rượu kia một quả đấm trời giáng, người say rượu ngã đập đầu xuống lề đường, ૮ɦếƭ ngay tại chỗ. Cậu con trai của vị cán bộ cao cấp kia bị đi tù về tội Gi*t người…
Sau khi tôi kể xong, có mấy học sinh hăng hái giơ tay xin phát biểu cảm tưởng, trong đó có cả Đình Nhi và bé T.. Tuy những lý lẽ của các cháu chưa được sâu sắc nhưng đã khơi dậy được một sự đồng cảm mãnh liệt trong lòng các bạn cùng lứa tuổi. Cả người phát biểu và người nghe đều rơi nước mắt. Trong sự đồng cảm không nói được thành lời ấy, mỗi học sinh đều nhận thức được một điều vừa đơn giản nhưng cũng hết sức cao thượng là: sự sống thật quý báu nhưng cũng thật mỏng manh, chúng ta, mỗi con người phải biết quý sự sống của chính mình và đồng loại!
Đây là chỗ thành công của hội nghị chuyên đề này.
TRẢI QUA MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG VÒNG, XÂY DỰNG LẠI LÒNG TỰ TIN
Các bạn cùng khóa này với Đình Nhi đều là những học sinh xuất sắc, đã từng vượt qua một cuộc sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt của Trường trung học Chuyên ngữ Thành Đô với tỷ lệ đào thải tới 98%. Những “con chép” đã vượt qua được “vũ môn” này có ba loại: 1. Điểm thi nói và điểm thi viết đều khá cao; 2. Điểm thi viết rất cao; 3. Thi viết khá thấp, còn điểm thi nói lại rất cao. Đình Nhi thuộc loại thứ ba.
Dù ở loại nào, những học sinh đã thi đỗ vào được trường Chuyên ngữ này, trong những năm học tiểu học đều là những học sinh xuất sắc của lớp, có nhiều cháu là học sinh duy nhất của toàn trường đỗ vào chuyên ngữ. Ở nơi tập trung toàn học sinh xuất sắc như vậy, sự xuất sắc trong các trường tiểu học trước đây, đến giai đoạn này đã không còn là xuất sắc nữa. Do nhà trường sắp xếp thứ bậc theo điểm số thi viết, nên vị trí của Đình Nhi khi mới vào trường chỉ đứng vào loại dưới trung bình.
Chúng tôi đã từng phân tích cho Đình Nhi thấy: “Con vốn học trong trường tiểu học không phải là có chất lượng giáo dục cao của thành phố Thành Đô, thế mà con đã có thể chiến thắng nhiều đối thủ tiểu học vào loại hàng đầu trong các cuộc thi đấu toàn thành phố. Điều đó chứng tỏ con rất có tiềm lực. Bây giờ vào đây, con bắt đầu được tiếp nhận một chất lượng giáo dục cao như mọi bạn khác, lại bắt đầu một cuộc cạnh tranh mới trên cùng một vạch xuất phát, chỉ cần con tiếp tục duy trì “một sự cố gắng liên tục, hơn người”, chắc chắn con lại trở thành học sinh xuất sắc trong cuộc cạnh tranh mới ở mức độ cao này”.
Tại sao chúng tôi cố tình nhấn mạnh “lại trở thành học sinh xuất sắc” như vậy? Bởi vì, trước mắt cháu vẫn còn một cuộc đào thải nghiêm khắc nữa khi cháu học xong bậc sơ trung, thi vào bậc cao trung. Số học sinh cùng khóa với Đình Nhi, kể cả số học sinh được vào học theo kết quả thi cử, lẫn số học sinh được cha mẹ bỏ tiền cho theo học, cả thảy 200 em, chỉ có 80 học sinh được tiếp nhận vào học cao trung theo chỉ tiêu kế hoạch (có thể vào học theo các lớp cao trung thuộc Trường Chuyên ngữ). Chen chân được vào hàng ngũ 80 em may mắn đó, cũng có nghĩa là đã chắc chắn thi đỗ vào một trường đại học trọng điểm nào đó. Trên thực tế, những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cùng khóa này với Đình Nhi của Trường Chuyên ngữ, trăm phần trăm đều thi đỗ vào các trường đại học trọng điểm, ngoài ra, trong các “lớp thỏa thuận” đảm bảo đỗ đại học được mở thêm nữa cũng có nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học trọng điểm hoặc một vài chuyên khoa khác.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa: do số lượng học sinh trong một lớp học ở Trung Quốc thời đó quá đông, các thầy cô giáo không đủ điều kiện để quan tâm chăm sóc đồng đều tất cả các học sinh, đành phải dùng biện pháp “nắm chắc hai đầu, kéo theo khúc giữa”. Nếu muốn được các thầy cô giáo chú ý quan tâm chăm sóc, phải trở thành “đầu đàn”, có vậy mới được “người chăn” chăm sóc.
Ngay từ thời kỳ tiểu học, Đình Nhi đã hiểu được điều này, cộng với tâm lý thích nổi trội để được mọi người chú ý đến ở tuổi dậy thì, Đình Nhi còn khao khát hơn cả ba mẹ, càng khao khát được thầy cô giáo và các bạn để ý đến bằng thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện của mình.
Những bạn học sinh có cùng suy nghĩ đó không phải chỉ có một mình Đình Nhi. Vì vậy sự cạnh tranh giữa học sinh cùng khóa còn quyết liệt hơn nhiều so với thời tiểu học. Những ngày đầu, Đình Nhi còn nhận thức khá trừu tượng về mặt này, và cũng chưa có một sự cảm nhận thật cụ thể. Vì vậy kế hoạch học tập cuả Đình Nhi vẫn nặng về ước muốn chứ chưa phải là biện pháp.
Về học tập không được lơ là, phải có kế hoạch cụ thể, phải định mức phấn đấu cho từng giai đoạn. Ngoài ra, phải làm tốt công tác chuẩn bị bài mới, ở trên lớp phải chú ý nghe giảng, điều gì không hiểu phải hỏi ngay. Trên lớp phải ghi chép đầy đủ, học xong phải ôn tập lại, cố gắng phải hiểu bài sâu, tránh đi đường vòng. Hết một giai đoạn phải tổng kết lại, tin chắc rằng thành tích học tập của mình sẽ ngày càng đi lên.
Trường Chuyên ngữ còn có một yêu cầu đặc biệt là, phải tự lực cánh sinh trong cuộc sống, phải làm tất cả những việc cần làm theo đúng kế hoạch, không được bớt xén, không được lề mề bê trễ. Vì vậy, mình phải quyết tâm sửa chữa khuyết điểm cuả mình: không được để ý những việc vặt trong cuộc sống và tính đãng trí hay quên. Vừa rồi đây, mình vẫn để quên tất chân tại phòng tắm.
Còn một điểm nữa cũng rất quan trọng là mọi người thường xuyên phải nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau, cùng sát vai đi tới.
Một kế hoạch học tập trống rỗng như vậy đương nhiên là chẳng có tác dụng gì. Chưa đầy một tháng sau, Đình Nhi đã phải rối rít lên bởi cuộc sống khá căng thẳng.
Ôi! Đau đầu quá! Thi cử liên miên làm cho mình đau đầu muốn ૮ɦếƭ đi được. Tối nay tự học, nghe nói thứ Tư này lại thi Anh văn, đầu óc cứ bùng bùng như sắp nổ. Mình xem lại tờ kế hoạch ôn tập thi, tối nay có thể làm xong bài tập toán khoảng 20 phút, còn lại hơn một tiếng, mình sẽ cùng các bạn luyện nghe viết, ôn tập ngữ âm, và tập ghép từ cung gốc… Trưa mai… “Các em! Thi toán!” Câu nói của thầy Vương làm đảo lộn mọi kế hoạch của mình. Tôi dự định sau khi thi xong sẽ viết nhật ký, thời gian không còn nhiều. Nghe viết chẳng được mấy từ, lại phải trở về phòng ngủ rồi đây. Buổi tự học sớm mai, mình sẽ học ngữ văn, chỉ còn có trưa mai, mình sẽ ăn cơm thật nhanh, hy sinh cả giấc ngủ trưa để ôn tập. Chả kịp suy nghĩ nhiều hơn, tôi vùi đầu vào môn toán… A, B, C, D bỗng trở thành cộng trừ nhân chia. Nhưng tôi vẫn thấp thỏm lo âu… Thế là môn toán cũng qua đi. Tôi lại vùi đầu vào trang nhật ký.
Ôi! Chỉ tiếc rằng tôi không thể thắp đèn pin tự học Anh văn vào lúc đêm khuya. Thực lòng tôi vẫn chưa thích ứng được với nhịp sống căng thẳng này.
Một mặt không đủ thời gian để học tập, mặt khác Đình Nhi lại quá nhiệt tình trong việc giao du bè bạn, cứ gặp bạn mới lại huyên thuyên trò chuyện quên cả thời gian. Chính vì không biết sắp xếp hợp lý thời gian học và chơi, nên gần đây Đình Nhi kinh ngạc nhận ra rằng những kỳ vọng lớn lao về học tập của mình nay đã bắt đầu sa sút.
Chiều nay, thi địa lý, mục tiêu của tôi trong đợt thi cử này chỉ là “60 điểm muôn năm”. Bản thân tôi cũng không ngờ rằng ý chí của mình đã suy giảm đến vậy.
Về môn địa lý, trước khi thi tôi chả ôn tập được tí nào. Đây là lần đầu tôi rơi vào hoàn cảnh này. Trước đây, khi đi thi tôi chỉ thấy hơi căng thẳng, lần này lòng tôi trống rỗng. Ngày mai lại thi môn sinh vật, tôi phải trấn tĩnh lại tinh thần, đêm nay phải ôn thi thật tốt, để sẵn sàng vào thi. Quyết không để thảm cảnh “60 điểm muôn năm” tái diễn ở các môn sinh vật và lịch sử.
Nhật ký ơi, ta không còn thời gian để tiếp tục than thở, phải tạm biệt ngươi thôi, ta đi học sinh vật đây!
Những biểu hiện ấy của Đình Nhi cho thấy cháu đang trên đà trượt xuống dốc. Thế là chúng tôi chủ động liên hệ với cô giáo chủ nhiệm. Cô nói: “Lưu Diệc Đình chẳng có khuyết điểm gì lớn đâu. Chỉ mỗi tội hay la cà tán gẫu với bạn bè”.
Chúng tôi và cô chủ nhiệm đều có một nhận thức chung là: mong muốn được giao lưu với bè bạn, đó là đặc điểm của lứa tuổi dậy thì. Thế nhưng quỹ thời gian chỉ có vậy, mà Đình Nhi không phải đang học yếu chỉ vì muốn tăng cường khả năng giao tiếp với bạn bè.
Để kịp thời uốn nắn những sai sót đó của Đình Nhi, tôi và ba cháu đã phải “đi dạo” ở sân vận động nhà trường gần 2 giờ, chờ cho buổi tự học buổi tối của Đình Nhi kết thúc.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi truyền đạt lời nhận xét của cô chủ nhiệm cho Đình Nhi nghe, hi vọng Đình Nhi sớm chấm dứt tình trạng la cà tán chuyện. Tôi nói với Đình Nhi: “Chơi với bạn bè cũng có hai kiểu, một là để tự hoàn thiện mình, bằng chứng là những cái hay cái đẹp của mình thu hút được những bạn bè tốt khác. Đó là kiểu kết bạn có tính xây dựng. Một kiểu khác là, kết bạn để chơi bời cho qua ngày tháng, không chỉ lãng phí thời gian của mình mà còn làm lãng phí thời gian của người khác. Đây là kiểu kết bạn mang tính chơi bời. Kiểu này cha mẹ và thầy cô giáo không tán thành”. Ba cũng nhắc nhở Đình Nhi: “Cái thiếu hiện nay của con là thiếu thời gian học tập chứ không phải thiếu khả năng giao tiếp bạn bè. Không nên lãng phí thời gian vàng ngọc của mình vào những việc không quan trọng đó”.
Có lẽ, Đình Nhi rất muốn làm cô giáo hài lòng, buổi nói chuyện này thật là suôn sẻ và rất có hiệu quả. Chỉ ít lâu sau, thành tích học tập của Đình Nhi đã bắt đầu có chiều hướng đi lên, lại trở về với thói quen “ăn vóc học hay”.
Buổi tối hôm nay, sau khi kết thúc buổi tự học tiếng Anh, tôi nghe được hai tin đồn nhảm làm tôi rất bực. Tin thứ nhất, nói rằng sở dĩ tôi được điểm thi 10+1,5 là vì tôi đã có sự “thông đồng” với bạn Cung Vĩ Tình, chứ thực lực của tôi thì không được như thế. Tin thứ hai: sở dĩ kết quả môn thi tiếng Anh của lớp A chúng tôi được tốt như vậy, vì lớp tôi cũng đã có sự “thông đồng” với Miss Trần (cô giáo Trần), mỗi lần đọc đến trọng âm, cô lại gật đầu một cái. Đối với những lời đồn nhảm, không chỉ mình tôi mà cả lớp A ai nghe thấy cũng đều tức giận. Bạn Tăng Quyên tức quá còn chửi tục một câu: “… Cái thằng cha vô liêm sỉ đó!” Chửi tục là không được rồi, nhưng điều đó cũng nói lên rằng, cả lớp tôi ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng muốn giữ thể diện cho lớp mình.
Cô giáo ơi! Trước một hiện tượng như vậy, nên có một thái độ biết nhìn lại mình “Có thì sửa ngay, không có thì lấy đó làm bài học để mà tránh đi”, hay là phớt lờ đi hả cô?
Không sợ chê cười (Ngày 15 tháng 10 năm 1993)
Hôm nay lại có mấy tiết “Góc tiếng Anh” tôi rất thích. Tôi thường đứng cạnh Miss Trần, nghe cô và mấy bạn nữ sinh năm thứ ba bậc sơ trung đối thoại. Tuy nghe không hiểu gì, nhưng qua sự biểu cảm bằng tay và nét mặt của Miss Trần, cộng với một chút ít từ vựng mà tôi mới học được, nhờ vậy tôi cũng có thể đoán ra ý nghĩa một vài câu. Vì thế tôi rất thích những tiết học ngoại khóa này. Tự cảm thấy mình đã khá hơn so với hồi bắt đầu vào học, hồi ấy tôi giống như một anh điếc xem phim. Qua những tiết học tôi càng khát khao được hiểu biết hơn nữa, niềm khát khao đó ngày càng cháy bỏng. Càng hiểu lơ mơ, càng muốn hiểu cho tường tận.
Có bạn chế giễu tôi: “Nghe đã chẳng hiểu, lại còn cố ra sức mà nghe”. Tôi đáp lại: “Chính vì nghe không hiểu mới càng phải cố mà nghe, phải luôn lắng tai nghe thế mới dần dần sẽ hiểu, nếu không chịu lắng tai nghe thì suốt đời cũng chẳng hiểu gì”.
Tôi cho rằng, đối với ngoại ngữ, phải nghe nhiều, luyện nhiều mới có thể giỏi được.
Quyết không chịu thua (Ngày 27 tháng 11 năm 1993)
Tối hôm nay, tôi được xem cuộc thi “Độc thoại theo bài khóa tiếng Anh” do 24 tuyển thủ của các lớp trên trình diễn. Trên sân khấu, có người trình diễn tự nhiên, có người còn lúng túng, cũng có người nhầm lẫn lung tung, giọng nói còn run, phát âm không chuẩn.
Trong số 24 anh chị đó, có một chị trình bày rất tốt. Một bạn đứng bên cạnh tôi phải thốt lên: “Quả thật mình chịu thua chị ấy”. Tôi lại nghĩ khác: tôi chỉ bái phục chị ấy thôi chứ tôi không chịu thua. Tôi nghĩ rằng, mọi người đều như nhau, ai cũng có một cái miệng, một cái lưỡi. Tôi cũng chẳng kém chị ấy cái gì, chỉ cần thực sự cố gắng, thì tôi không chỉ đuổi kịp chị ấy mà còn có thể vượt chị ấy cơ. Chỉ nên coi chị ấy là một tấm gương, chứ quyết không chịu thua.
Tục ngữ có câu “Hứng thú là người thầy tốt nhất”. Kích thích hứng thú học tập của học sinh, là một biện pháp rất có hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Anh của Trường Chuyên ngữ. Chúng tôi còn nhớ, một ngày cuối tuần trong học kỳ II năm thứ nhất sơ trung, Đình Nhi đã say sưa kể lại cho tôi nghe gần như toàn bộ tiết luyện khẩu ngữ ở trên lớp của cháu. Như chơi trò “hát tiếp sức” các bạn trong lớp mỗi người một câu đã xây dựng nên một câu chuyện khá dài và cũng khá lý thú bằng tiếng Anh. Những buổi dạy học như vậy thật là sinh động là lý thú, trình độ tiếng Anh của Đình Nhi và các bạn trong cả lớp đã được nâng cao lên rất nhanh.
Ở gần nhà cầu Cẩm Giang trong thành phố Thành Đô có một nơi rất nổi tiếng, được gọi là “góc tiếng Anh”. Đây cũng là địa điểm Đình Nhi thường hay lui tới. Vào dịp nghỉ hè hay nghỉ đông, cứ vào tối các ngày thứ ba và thứ sáu, ở đây chật ních các bạn học sinh đủ các cấp từ đại học, trung học đến tiểu học và cả những vị khách nước ngoài. Họ đến đây để luyện nói tiếng Anh. Đế sớm nhất là các cháu học sinh lớp dưới Trường Chuyên ngữ, và về muộn nhất là các cháu học lớp trên. Tùy theo trình độ, họ chia thành từng nhóm hội thoại với nhau về đủ các loại chuyện xã hội. Dù ở mức độ nào, khả năng nghe nói tốt nhất đều là những học sinh trường Chuyên ngữ. Ví dụ như ở năm thứ nhất bậc sơ trung, trong khi Đình Nhi có thể nói chuyện với một giáo sư người Mỹ câu được câu chăng hàng tiếng đồng hồ. Trong khi đó, một học sinh khác, cũng học năm thứ nhất bậc sơ trung ở một trường trọng điểm lại không thể nói được một câu nào, vì bạn ấy không thể hiểu được người đối thoại nói gì… (Phương pháp dạy tiếng Anh ở Trường Chuyên ngữ có hiệu quả như vậy, tại sao không mở rộng ra cho tất cả các trường trung học trong toàn quốc?)
Sự say mê hứng thú đã thúc đẩy Đình Nhi biết chủ động đi tìm và tham khảo các phương pháp học ngoại ngữ tốt để áp dụng cho mình. Sau khi Đình Nhi được vào học tại trường Đại học Harvard, đã có nhiều bạn học sinh khắp nơi trong cả nước gửi thư đến xin cho biết kinh nghiệm học ngoại ngữ. Trường Chuyên ngữ cũng đề nghị Đình Nhi viết bài phổ biến kinh nghiệm học tiếng Anh. Đình Nhi đã viết bài: “Mấy điều tâm đắc về việc học tiếng Anh”. (Bài này sẽ giới thiệu trong chương trình “Đình Nhi học cao trung”)
Theo dõi page để cập nhật truyện hay