Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 23

Tác giả: Nhiều Tác Giả

HỌC TẬP ÔNG BA KIM - CHỮA VĂN TỈ MỈ VÀ THẬN TRỌNG
Cũng giống như toán học, văn học cũng cần có một sự tích tụ lâu dài, nhưng cũng có những kĩ năng có thể đạt được thông qua việc luyện tập chuyên biệt. Để nâng cao hiệu quả, ba yêu cầu Đình Nhi phải triệt để sử dụng biện pháp làm văn miệng. Như vậy, với thời gian làm một bài văn viết, cháu có thể làm được gần chục bài văn miệng. Những bài luyện tập: viết đề cương, tìm chủ đề, miêu tả chi tiết, miêu tả toàn cảnh… Đình Nhi chủ yếu dùng phương thức làm văn miệng, trong suốt cả ba năm bậc sơ trung.
Trước khi Đình Nhi chuyển trường, tôi đã cho cháu ghi tên tham dự các cuộc “thi tập làm văn cấp tiểu học, cúp Ba Kim”. Tôi dẫn cháu đi thăm “Viện bảo tàng Ba Kim” để cháu tham quan và tìm đề tài để viết. Tuy sau này do chuyển trường cháu đã không ghi tên đăng ký lại nữa, đã mất tư cách dự thi, nhưng những gì tôi chuẩn bị cho cháu trước đây, vẫn có tác dụng bất ngờ: những nét Pu't chữa văn tỉ mỉ và thận trọng trên những trang bản thảo của Ba Kim đã khiến Đình Nhi xua tan được ý nghĩ: rất ghét rà soát và chữa lại những bài văn đã làm. Một trong những bài văn chuẩn bị gửi đi dự thi của Đình Nhi là bài “Bức thư gửi ông Ba Kim” viết về quá trình chuyển biến tư tưởng của mình.
Ông Ba Kim vô cùng kính yêu!
Thưa ông!
Cháu tên là Lưu Diệc Đình, học lớp 4B trường tiểu học… thành phố Thành Đô. Qua bức thư ông gửi cho các bạn nhỏ ở quê, cháu được biết ông đang ốm nặng, không biết ông đã đỡ chưa? Là một đồng hương bé bỏng, một độc giả nhỏ tuổi của ông, cháu mong ông khỏe mạnh để sớm trở về nhìn quê hương ngày một đổi mới!
Hôm nay, viết gửi ông lá thư này, cháu muốn nói với ông một điều “bí mật”.
Cháu có một khuyết điểm là rất ghét chữa các bài tập làm văn. Thế mà mẹ cháu lại cứ bắt cháu phải soát lại nhiều lần và sửa chữa, thật chán ૮ɦếƭ đi được! Có một lần nháp văn, cháu dứt khoát không chịu viết cách dòng, để mẹ cháu hết chỗ mà bắt sửa. Đương nhiên, cuối cùng cháu không thể không viết lại bài văn đó theo yêu cầu của mẹ. Nhưng trong lòng vẫn ấm ức, cháu nghĩ thầm: bản nháp đó chữa hay không chữa cũng chẳng làm sao! Nhưng cháu đã thực sự nhận ra cái sai của mình từ sau khi cháu được tận mắt nhìn thấy các trang bản thảo của ông ở Tuệ Viên.
Hôm đó, tại ngôi nhà Tử Vi Đường cổ kính trong vườn Tuệ Viên, cháu đã nhìn thấy tập bản thảo của ông viết bài “Thay lời kết” trong tập ký sự “Tùy tưởng lục” của ông, bày trong tủ kính. Trên những trang bản thảo ấy có rất nhiều chỗ ông đã tự sửa lại câu văn, điều đó làm cho cháu ngạc nhiên, nghĩ bụng: “Sao một nhà văn lớn như ông viết văn cũng cần phải sửa à?” Cháu tò mò lật giở xem ông đã chữa văn như thế nào. Cháu thấy có chỗ ban đầu ông viết là: “Tôi tự nói với mình…” sau đó sửa lại là: “Tôi phải tự an ủi mình…” Lại một chỗ khác ông đã viết: “Tôi viết rồi lại dừng, cuối cùng…” được sửa lại là: “Tôi viết rồi lại dừng, dừng rồi lại viết, và cuối cùng…” Những câu văn đã sửa rồi, rõ ràng chuẩn xác hơn, sinh động hơn những câu cũ. Cháu đếm thử, trong số trang bản thảo chỉ có 15 dòng, mà ông sửa tới 10 chỗ. Con số này đã làm cháu suy nghĩ rất nhiều. Khi ấy qua những tấm ảnh giới thiệu về cuộc đời ông, cháu đã được biết, ông đã là một nhà văn nổi tiếng có một thành tựu văn chương đồ sộ. Ông đã mấy lần được nhận giải thưởng văn học quốc tế, thế mà đối với văn của mình ông vẫn còn luôn cẩn trọng tỉ mỉ như vậy, còn cháu mới chỉ là một học sinh lớp 4, đang trong thời kỳ cần phải khắc khổ luyện rèn, thế mà cháu viết tập làm văn đã lười tự sửa. Như vậy thì sao có thể thành tài được? Nghĩ đến đây, cháu tự thấy xấu hổ ông ạ.
Từ bấy đến nay, cháu không còn thấy chán công việc sửa văn nữa, những bài tập làm văn của cháu có tiến bộ rõ ràng. Các thầy cô giáo vẫn thường xuyên động viên cháu, còn giới thiệu những bài hay của cháu, gửi đi xin đăng ở chuyên mục “Vườn ươm” trên tờ “Tin buổi tối của Thành Đô”. Nếu bài của cháu được đăng, cháu nhất định sẽ biếu ông tờ báo ấy.
Thưa ông Ba Kim! Ông cố gắng giữ gìn sức khỏe, đợi tin vui mới của một đứa cháu nhỏ bé ở quê hương, ông nhé! Kính chúc ông ăn Tết vui vẻ, khỏe mạnh dài lâu!
Ngày 12 tháng giêng năm 1991
Cháu của ông Lưu Diệc Đình
Có ý muốn sửa văn, Đình Nhi bỗng cảm thấy vốn từ ngữ của mình sao mà nghèo nàn quá vậy, nhất là khi miêu tả hành động và tâm lý nhân vật. Nhiều lúc cháu đã ra sức cầu xin để được “vay” của mẹ mấy từ cốt sửa câu văn của mình được vừa ý. Tôi bảo cháu: “Con đã tự cảm thấy kho từ vựng của con thật là thiếu thốn, thế sao con không chịu khó nhập hàng?” Đình Nhi vui vẻ nói: “Hay quá, mẹ bảo ngay cho con cách nhập hàng đi!”
Tôi tìm được cuốn “Kĩ xảo viết văn” mà ông ngoại mua tặng tôi từ lâu, bảo Đình Nhi hãy đọc phần bảng từ ngữ sắp xếp theo từng loại trong sách đó. Đọc đến bảng “Thán từ”, Đình Nhi đã phải kinh ngạc trước sự phong phú, tế nhị và truyền cảm tốt của loại từ này. Tôi bảo cháu: “Chỉ cần con thường xuyên cần cù tích lũy thì chỉ mấy năm sau, vốn từ của con có khi còn nhiều hơn cả trong sách này đấy! Cái nào dùng trước, học trước, các bài tập làm văn ở trường tiểu học chủ yếu là kể chuyện và tả người, vậy thì trong đầu mình phải tích lũy chuẩn bị trước các loại từ ngữ về mặt này. Có vậy, con sẽ không thấy bí từ khi viết văn”.
Trong kỳ nghỉ đông năm 1991, Đình Nhi đã lấy thời gian viết nhật ký của mấy ngày liền để tích lũy từ ngữ miêu tả nhân vật. Trong mấy ngày đó, Đình Nhi đã chép được hơn mười trang các từ thuộc loại này.
Cô giáo Ngô cũng đã nói với Đình Nhi: “Bài tập làm văn của học sinh tiểu học chủ yếu để rèn luyện cách vận dụng từ ngữ, không sợ dùng chưa chuẩn xác, mà chỉ sợ vốn từ quá thiếu mà thôi. Từ dùng chưa chính xác thì học lên sơ trung còn phải luyện cho thật hoàn hảo, nếu trong bụng mình chẳng có lấy mấy từ, thử hỏi lấy gì mà luyện?”
RỜI KHỎI CỔNG TRƯỜNG, ĐI NÔNG THÔN, LUYỆN TẬP QUAN SÁT
Kỳ thi cuối học kỳ I sau khi chuyển trường, trong bảng xếp hạng, Đình Nhi từ số 17 đã lên đến số 3. Được học lớp chuyên, về môn toán, Đình Nhi đã vươn lên vượt bậc, còn môn văn cũng có những tiến bộ rõ rệt, đó là nhờ sự dẫn dắt của cô giáo Liệu.
Chúng tôi cho rằng, chất lượng dạy học của trường tiểu học khu Thương nghiệp này, cùng với kết quả học năm lớp 4 của Đình Nhi, đã chứng tỏ việc học tập của Đình Nhi đang đi vào quỹ đạo. Trọng tâm của những bước bồi dưỡng tiếp theo là phải chuyển sang mở rộng tầm mắt và tăng cường tri thức xã hội cho Đình Nhi, để tạo cơ sở cho cháu có những bước phát triển tăng tốc sau này.
Trong dịp hè lớp 4 của Đình Nhi, báo chí có đăng tin “Ở ngoại ô Thành đô, gần đây đã hình thành một cánh đồng trồng hoa tươi để cung cấp cho thành phố. Chúng tôi quyết định nhân nghỉ hè cho Đình Nhi đi tham quan những làng trồng hoa giàu chất thi tình họa ý đó, để cháu được tận mắt nhìn thấy quang cảnh sinh hoạt của làng hoa ven đô, thu thập một chút tài liệu để làm văn”.
Buổi chiều đi thăm làng hoa đáng nhớ đó đã được ghi lại một cách sinh động và chân thực trong cuốn nhật ký của Đình Nhi.
Ngày 4 tháng 7 năm 1991
Cuộc du hành về làng hoa ven đô
Nghỉ hè tôi và ba mẹ cùng về làng hoa Tam Thánh để ngắm hoa. Tại đây chúng tôi đã gặp được những con người hiếu khách nhiệt tình, và cũng biết được nhiều điều mới lạ, kiến thức của tôi được mở rộng rất nhiều.
1. Bác nông dân làng hoa
Chúng tôi xuống xe tại Cao Điếm Tử (một dãy phố thuộc làng Tam Thánh) nhìn ra bốn phía, chỉ thấy mấy quán nhỏ lèo tèo bày bán mấy thứ hoa quả lặt vặt như mận, lê và dưa hấu, trên vách liếp của một quán có dán một tờ quảng cáo: thu mua hoa bạch lan nhưng chẳng thấy có một bông hoa nào. Như “phát hiện ra một châu lục mới” tôi mừng rỡ kéo áo mẹ: “Mẹ ơi! Ở kia bán hoa kìa!” Nói xong, tôi liền chạy vội về phía đó, ba mẹ cũng vội rảo bước đi theo. Ba hỏi cô hàng hoa: “Chị làm ơn cho hỏi ruộng hoa ở chỗ nào ạ?” Cô nói: “Cứ theo con đường này đi chừng năm trăm mét là đến”. Đi chừng non nửa tiếng, chúng tôi đã ra khỏi dãy phố đó, bốn xung quanh là những thửa ruộng rau quả đã xanh rờn, chỉ có điều không thấy hoa đâu. Chúng tôi bàn bạc với nhau xem nên tiếp tục đi hay quay trở về.
Vừa lúc ấy, một bác nông dân ăn mặc xuyềnh xoàng, tay xách làn rau vượt qua bên cạnh chúng tôi: “Chắc các bác đến xem hoa phải không?”. Tôi vội trả lời: “Đúng đấy bác ạ! Nhưng làm sao không thấy có hoa?”. Bác nói: “Các bác đến không đúng lúc rồi, phải sáng sớm cơ, sáng sớm hoa mới nhiều!”. Mẹ lại hỏi: “Thế ruộng hoa ở chỗ nào ạ?”. Bác nông dân trả lời: “Ở đây là đội trồng rau, không được trồng hoa, trồng hoa là bị phạt đấy!”. Tôi vừa nghe đã thấy buồn cười: “Hừ, ở nhà quê thật lắm chuyện lạ lùng, trồng hoa mà cũng bị phạt”. Ba bảo tôi: “Như thế gọi là kinh tế kế hoạch, con thử nghĩ xem, nếu đất để trồng rau đem ra trồng hoa cả, thì người thành phố lấy rau đâu ra mà ăn?”. Tôi hiểu ra, liền bật cười. Mẹ lại hỏi lại bác nông dân: “Thế sao báo chí vẫn nói rằng đây là làng hoa, mà hoa được bày bán ở Thành Đô, phần lớn từ đây chuyển đến cơ mà?”. Bác nông dân nói: “Còn một đội nữa chuyên trồng lúa, hoa ở đây là do đội ấy trồng ra. Nhà tôi thuộc đội trồng hoa đấy.”. Tôi vội hỏi: “Vậy chắc chắn, bác phải biết cánh đồng hoa ở chỗ nào chứ ạ?”. Bác trả lời: “Dĩ nhiên tôi biết, cứ theo khúc đường này đi xuống, theo mấy cái người kia kìa, thì đến thôn Hạnh Phúc, đội trồng lúa ở trong thôn Hạnh Phúc đấy.”. Tôi thấy thú vị: gọi đường là khúc, gọi người là cái, thật hay! Nhưng tôi không dám nói ra, chỉ cười nhoẻn với bác: “Cám ơn bác đã chỉ đường ạ!”. Bác nông dân thích lắm liền nói: “Bác cho cháu mấy bông hoa này!” Nói rồi bác đặt làn xuống đất, chọn ra bốn bông hoàng lan sực nức hương thơm, đưa cho tôi và nói: “Kiếm một cái lá to mà đặt vào cho nó tươi”. Ba vội vàng chạy xuống ven đường ngắt được một tàu lá vừa to vừa xanh biếc đưa cho mẹ, mẹ cẩn thận gói mấy bông hoa đó lại rồi đưa cho tôi. Mẹ rất cảm động, thấy cái làn trong tay bác nông dân chất đầy cà chua , rất nặng, liền nói: “Bác để tôi xách giúp một tay!” Nói xong, liền đỡ lấy cái làn trong tay bác. Bác nông dân vui mừng nói: “Hai bác khách sáo quá!”.
Sau khi chia tay với bác nông dân, mẹ nói với tôi: “Người nhà quê chất phác hơn những người thành phố. Con thấy không, bác nông dân vui vẻ cho chúng ta mấy bông hoa, thế mà chúng ta không nghĩ đến việc chủ động trước xách làn cho bác”. “Phải đấy!”, tôi và ba cùng nói.
Những con người và sự việc sau này chúng tôi đã gặp được cũng đã chứng thực cho điều đó.
Ngày 8 tháng 7, tiếp theo.
2. Tặng phẩm bất ngờ
Chúng tôi vội vã trở về nhà, dọc đường gặp mấy thửa ruộng trồng toàn cúc đại đoá, dù đang vội mấy, tôi không thể không đứng lại ngắm nhìn. Hoa cúc đại đóa thật là đẹp! Trên mỗi cánh hoa màu vàng sắc đỏ, cánh hoa mềm mại rực rỡ, lung linh. Quả là một vẻ đẹp mê người. Tôi lắc tay mẹ: “Mẹ ơi! Con xin mẹ, mẹ mua cho con một bông, to nhất, đỏ nhất kia kìa, chỉ một bông thôi.”. Mẹ suy nghĩ một lát rồi nói: “Thực ra, mẹ không phải không muốn mua cho con, nhưng thông thường, những người bán hàng khi thấy trẻ con thích thì họ thường hay nâng giá đến mức vô lý, vì cha mẹ nào mà chẳng chiều con, đắt mấy cũng phải mua. Thế nhưng, con thích thì mẹ vẫn cứ mua cho con một bông”.
Tôi hỏi cô chủ đang hí húi vun trồng lên một luống đất mới: “Cô ơi! Cúc đại đóa bao nhiêu một bông ạ?”. Cô ngẩng đầu nhìn tôi, rồi ôn tồn nói: “Cháu cứ hái lấy mấy bông đi!”. Nói xong cô lại tiếp tục cắm cúi làm việc. Tôi và mẹ cứ ngây ra đứng trên bờ, chẳng hiểu thế nào, kỳ thực còn chưa tin ở tai mình. Cô ngẩng đầu lên, thấy chúng tôi không hề nhúc nhích, cô giục: “Cứ xuống hái đi cháu!”. Bây giờ tôi mới chợt hiểu ra, mừng rỡ chạy xuống ruộng hoa, hái liền mấy bông tôi thích nhất.
Cô chủ vẫy tay bảo tôi: “Lại đằng này, cháu!”. Nói rồi, cô liền sang luống bên cạnh, tôi tung tăng chạy theo. Cô hái cho tôi ba bông lớn, một bông vàng, hai bông đỏ. Tôi cầm hoa trên tay sung sướng như bắt được vàng. Những bông hoa này, cánh hoa dày xít chồng lên nhau, sắc hoa rực rỡ, mỗi cánh hoa mềm mại đều như cố vươn dài ra khoe sắc, trông thật đẹp. Thấy tôi thích quá, cô chủ lại nói: “Cho cháu tự chọn, hái lấy một bông cháu thích nhất.”. Tôi mừng ra mặt, ngắm nghía hồi lâu, tôi chọn hái một bông vàng rực. Bông hoa này còn chưa nở hết, ở giữa bông vẫn còn màu đỏ thẫm, những cánh hoa đã bung ra thì màu vàng rực, sự hòa quyện giữa hai màu vàng, đỏ thật là đẹp mắt. Tôi đã vui vẻ nói rất nhiều lời cảm ơn cô chủ ruộng hoa tốt bụng đó.
Trên đường về, chúng tôi cứ tấm tắc khen hoài: Những con người ở đây tốt thật, đã cho hoa lại còn vui vẻ nhiệt tình. Giá như ở thành phố, những dịp như thế này, chắc họ phải “P0'p” mình lè lưỡi. “Người nhà quê quả thực là thật thà chất phác!”
Sau này, những bông cúc đại đóa kia tàn rồi, nhưng mỗi khi nghĩ về người nhà quê, những đóa hoa trong lòng tôi thì cứ mãi mãi nở rực rỡ và tỏa hương thơm ngát!
SAY SƯA HỌC VÀ RÈN, NHƯNG KHÔNG ĐỂ MẤT TUỔI THƠ
Tích lũy và chuẩn bị tri thức và kinh nghiệm cho một tương lai tốt đẹp của Đình Nhi, chúng tôi luôn kiên trì theo hai nguyên tắc: 1. Về thời gian: Thời gian ngắn nhất, hiệu suất cao nhất; 2. Về phương thức: ưu tiên đặc tính tuổi nhi đồng.
Hai nguyên tắc này làm Đình Nhi luôn biết kết hợp hết sức chặt chẽ giữa học và chơi. Ngay từ nhỏ, Đình Nhi đã hiếm khi chơi những trò chơi vô bổ; các trò chơi của cháu không nhằm để rèn luyện sức khỏe thì cũng nhằm rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho học tập. Điều này cũng không hề trở ngại đến việc vui chơi thỏa thích của Đình Nhi, trái lại càng làm cho tuổi thơ của Đình Nhi đầy ý nghĩa.
Hãy xem Đình Nhi đã vui chơi như thế nào, ta sẽ thấy, mặc dầu đã có sự tinh khôn già dặn hơn các bạn cùng trang lứa về trí lực, nhưng Đình Nhi vẫn là một đứa trẻ ngây thơ hồn hậu.
Ngày 15 tháng 7 (Khi 10 tuổi)
Vật yêu quý của tôi
Trong cuộc du hành về làng hoa Tam Thánh vừa qua, tôi đã bắt được một chú cánh cam to bằng đầu ngón tay cái người lớn trên cánh đồng trồng hoa. Đây là con cánh cam màu xanh đồng. Đầu xanh biếc và bóng loáng, lưng màu nâu thẫm, lấm tấm điểm những nốt hoa màu nâu nhạt. Cả tấm lưng hình bầu dục ấy óng ánh đồng thau mỗi khi có tia nắng mặt trời chiếu rọi. Tôi tra từ điển “Từ hải” được biết “cánh cam thuộc loài côn trùng cánh cứng, khác với ong mật là loài côn trùng cánh mềm”.
Khi về đến nhà, tôi liền lấy một sợi chỉ màu xanh nhạt buộc chặt ngang lưng cánh cam ở đoạn giữa chân thứ nhất và đôi chân thứ hai, để cho nó khỏi bay đi mất. Mỗi khi cánh cam bay, trước tiên nó mở rộng đôi cánh cứng, đôi cánh mềm bên trong tiếp tục vươn ra, giống như hai lưỡi kiếm được rút ra khỏi vỏ. Tôi nắm chặt đầu dây, cho cánh cam tự do bay lượn. Mẹ nhìn thấy, bật cười: “Cả ngày chỉ chơi với cánh cam, cứ làm như con cánh cam là một thứ “ngựa bay thần thoại” ấy!”. Tôi thích chí: “Đúng, đúng, nó là “con ngựa bay”, là “con ngựa bay” mẹ ạ!”
Buổi sớm mỗi ngày, tôi đều “chăm ngựa” ở trên sân thượng. Tôi thả “ngựa” từ trên tầng ba xuống, nếu dây không đủ thì nối thêm cho “ngựa xuống ăn cỏ” ở vườn hoa dưới tầng một. Đến tối, tôi cho cánh cam vào ở trong bồn hoa thập tam thái bảo, đây là cung điện của cánh cam. Nó thích chí lắm, cứ bò đi bò lại, đói thì ăn cánh hoa, khát lại uống nhựa cây ở đó.
Có lần con cánh cam tự nhiên biến mất, tôi sợ quá, nghĩ rằng nó đã bay đi rồi, hoặc đã ૮ɦếƭ, vội vàng đi tìm khắp nơi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy nó trên đệm xa-lông, con cánh cam đang ung dung nhàn hạ dạo chơi ở đó. Tôi thở phào nhẹ nhõm. “Sao nó lại ở đây thế nhỉ?” Tôi nghĩ kĩ cái hốc khe tường, rồi quên không cất đi, khi bật đèn, cánh cam thấy ánh sáng liền bò ra. Đây là “con ngựa quý” của tôi, nó đã đem lại cho tôi nhiều điều thú vị!
Ngày 23 tháng 7
Cãi nhau
Trong đợt nghỉ hè này, có một ngày trong lòng tôi bỗng nổ ra một cuộc cãi vã kịch liệt, giữa một bên là “ông ***” và bên kia là “ông lý trí”.
“Ông ***” gây sự trước: “Cháu thật là bất hạnh, nghỉ hè rồi mà vẫn cứ vùi đầu làm bài văn, viết chữ, học bù lại những kiến thức từ lớp chuyên toán Olympic mấy năm về trước. Tội gì mà như thế, đi chơi có hơn không?”
“Ông lý trí” cãi lại: “Nếu cháu cứ đi chơi, vậy thì còn cái mục tiêu vào trường chuyên Olympic thì sao? Lẽ nào cháu lại không muốn trở thành một học sinh xuất sắc hay sao? Lẽ nào cháu không thích thi đạt 100 điểm hay sao? Thôi, ngồi xuống học đi”.
“Ông ***” nói: “Này, đừng có dụ dỗ nó vào con đường thiên thẹo đó. Ngươi thấy không, những học sinh khác chỉ thi được 80 điểm, mà họ đã chơi đùa xả láng, thế mà cô chủ nhỏ của chúng ta, thi toán được những 99 điểm, có lý do gì mà lại không được chơi bời thoải mái. Nghỉ hè có nghĩa là “ngủ cho đã, chơi cho thỏa” kia mà!”
“Chà chà! Thật là… Cô chủ, cô đừng nghe lão ấy nói láo đấy!” “Ông lý trí” khuyên tôi.
“Ai nói láo! Ai nói láo! Ông nói láo thì có. Nghỉ hè, học sinh nào chẳng đi chơi, tại sao cô chủ nhỏ của chúng ta lại không được đi chơi?” – “Ông *** nói” .
“Ông lý trí” cũng chẳng chịu thua kém: “Học là chính, chơi là phụ. Cô chủ nhỏ, mấy năm nay cô đã học khá căng thẳng, học đến mức tưởng chừng như không có thời gian để thở, vậy mà cô vẫn chưa bị bài vở dìm cho đến ૮ɦếƭ. Cô cũng phải cố học nhiều hơn nữa. Sau này mới trở thành con người có ích cho đất nước”.
Đến đây “ông ***” bí quá, không còn biết nói thế nào nữa, ông hét lên: “Không biết, đây không thèm biết, đây chỉ biết rằng phải ăn chơi, ăn chơi mới là sành điệu!”
… Họ cứ thế tranh cãi nhau, cuối cùng cũng chẳng đi đến kết quả gì. Còn tôi, quả thực chưa biết nghe ai. Tôi viết cuộc tranh cãi ấy ra đây, mong các bạn xem xét: ai đúng ai sai?
Thực ra Đình Nhi đã có câu trả lời dứt khoát rồi. Có một số bạn bè đã chê cười Đình Nhi là sống mất tự do, không được thích chơi là chơi. Đình Nhi đã trả lời: “Bây giờ các bạn được tự do, suốt ngày lêu lổng chơi bời, tôi e rằng mai kia các bạn có muốn chơi cũng không được, còn tôi tuy bây giờ không được chơi thoải mái, nhưng sau này tôi lại thoải mái mà chơi”.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc