Cổ phật Tâm Đăng - Hồi 22

Tác giả: Nhất Giang


Mặc Lâm Na trông thấy chiếc thuyền đẹp đẽ ấy, vỗ tay reo ầm ĩ :
- Tâm Đăng, mi có trông thấy chiếc thuyền đó không?
Tâm Đăng trả lời :
- Thuyền thật đẹp!
Mặc Lâm Na khoái trá hỏi nho nhỏ :
- Mi có biết những người ngồi trên thuyền đó là ai?
- ...?
Mặc Lâm Na vuốt lại mái tóc của mình, hãnh diện trả lời :
- Người ngồi trên thuyền chính là cha ta và tiểu nương của ta đó.
Câu nói này thật nằm ngoài sự tưởng tượng của Tâm Đăng, chú không ngờ người đàn bà trẻ đẹp mình gặp dưới đêm trăng kia bây giờ lại ngồi dưới con thuyền đẹp đẽ này.
Lúc bấy giờ hai thuyền đã gần kề, Mặc Lâm Na cả tiếng gọi :
- Lô Ho... mau chèo thuyền qua đây!
Tên trạo phu nhác trông thấy Mặc Lâm Na, vội vàng cặp thuyền sát vào thuyền của Tâm Đăng.
Tâm Đăng nhìn sang chiếc thuyền cực kỳ sang trọng và quí phái kia, trong lòng thầm nghĩ :
- Không biết cha mẹ của Mặc Lâm Na thuộc hạng người gì mà lại sang trọng như thế này?
Vừa nghĩ đến đó thì thấy Vân Cô thò đầu ra gọi Mặc Lâm Na.
Bà ta trách mắng vài câu lấy lệ, cho rằng Mặc Lâm Na đi ra ngoài du ngoạn mà chẳng hỏi bà.
Mặc Lâm Na thưa với Vân Cô, Vân Cô vội nói :
- Hãy mời chú ấy sang chơi.
Câu nói của Vân Cô vừa dứt thì trong khoang thuyền kia có một người nói nhỏ :
- Ta không bằng lòng gặp mặt người xuất gia, đừng cho chú tiểu ấy bước vào trong này.
Vân Cô quay lại nói :
- Phu quân thật là lạ, đã có khách thì sao để người ta đứng ngoài được, nếu phu quân không bằng lòng gặp mặt thì xin hãy tạm lánh một tí!
Nói đoạn truyền mời Tâm Đăng sang thuyền để trò chuyện.
Mặc Lâm Na nghe lệnh, vội vàng nắm lấy tay của Tâm Đăng mời sang thuyền mình.
Tâm Đăng trong lúc bất ngờ bị Mặc Lâm Na chộp phải bàn tay, chú giật mình nhảy nhổm như bị điện giật.
Trong thâm tâm của chú dâng lên một niềm vui không thể tả, và không biết một nguồn mãnh lực nào đã đùn đẩy chú nối gót Mặc Lâm Na phi thân sang thuyền bên kia.
Mặc Lâm Na bước vào khoang thuyền liền buông tay của Tâm Đăng mà đi vào bên trong, nhìn vào trong ấy, Tâm Đăng thoáng thấy một người đàn ông ăn mặc cực kỳ sang trọng, thoáng qua liền mất, Tâm Đăng biết rằng người ấy là cha của Mặc Lâm Na.
Vân Cô bấy giờ ngồi trên một chiếc ghế bành cực kỳ sang trọng, hôm nay bà ta ăn mặc hoàn toàn theo người Hán, vì vậy mà phong độ càng thêm sang cả, làm cho Tâm Đăng không khỏi tấm tắc khen thầm cho sắc đẹp của bà ta!
Chú thật không ngờ trên đời này lại có một người đẹp như thế, Mặc Lâm Na tuy đẹp, Trì Phật Anh tuy đẹp nhưng hai người này đứng trước mặt Vân Cô cũng như hai ngôi sao nằm gần mặt trăng vậy, thật sút kém nhiều lắm.
Chú bàng hoàng ngơ ngẩn nhìn Vân Cô không chớp mắt!
Chú có biết đâu người đàn bà phi thường diễm lệ này chính là mẹ ruột của chú đó.
Và mẹ ruột của chú bây giờ phải sống nương tựa dưới bóng tùng của một nhân vật quan trọng trong pho sách này là Trác Đặc Ba.
Tội nghiệp.
Tâm Đăng và Vân Cô lúc bấy giờ thảy đều chưa phát giác ra sự bí mật tày trời đó.
Vân Cô mời chú ngồi xuống dùng trà và bắt đầu trò chuyện.
Bỗng từ bên trong có giọng một người đàn ông gọi vọng ra :
- Mặc Lâm Na, vào đây cho ta bảo chút việc.
Tâm Đăng nghe giọng nói đầy vẻ thương cảm, trong lòng lấy làm lạ nghĩ thầm :
- Gia đình của nàng thật là lạ.
Mặc Lâm Na vâng lên một tiếng nho nhỏ, đoạn trao cho Tâm Đăng một khoé mắt đa tình rồi mới bước vào bên trong.
Vân Cô dùng cặp mắt của mình đưa Mặc Lâm Na khuất dạng rồi mới quay lại trò chuyện với Tâm Đăng.
Bà ta hỏi :
- Miếng bài vị mà ta nhờ mi cúng kiến hôm nọ, mi có làm giùm ta hay chăng?
Giọng nói của bà ta biến đổi đi âm sắc, dường như khi nhắc đến miếng bài vị là khơi lên trong thâm tâm bà ta một nỗi niềm chua xót.
Tâm Đăng trả lời :
- Tôi mỗi ngày đều có tụng kinh theo lời của Vân Cô dạy.
Bà ta lại hỏi :
- Ta nghe mi sắp hoàn tục, việc này có thật hay chăng?
Câu hỏi này làm cho Tâm Đăng ra chiều nghĩ ngợi, vì lẽ chú cảm thấy đời này quá đỗi phức tạp.
Thật ra, việc hoàn tục đối với chú chỉ là việc bất đắc dĩ. Chú ấp úng trả lời :
- Dù sao... tôi cũng phải hoàn tục, bởi vì tôi còn nhiều việc phải làm.
Vân Cô hỏi một câu thiết yếu :
- Vậy mi có biết nhà của mi ở đâu chăng? Cha mẹ của mi ở chốn nào?
Kể từ ngày Tâm Đăng xuất gia đầu Phật đến nay, suốt mười mấy năm trường, mấy chữ “cha mẹ”, “nhà” chưa bao giờ xuất hiện trong trí của chú.
Mãi cho đến ngày Tạng Tháp giao hồi gói hành lý hồi thuở thiếu thời cho chú thì chú mới sực nhớ ra.
Bây giờ chú lắc đầu trả lời :
- Tôi không biết, chỉ nghe có người bảo lại rằng tôi xuất gia từ thuở một tuổi, do một người lạ mặt đưa tôi vào chùa.
Vân Cô thở dài ảo não :
- Tội nghiệp...
Tâm Đăng giật mình, đây là lần thứ nhất trong đời của chú, chú nghe một người khác cho mình là tội nghiệp.
Vì vậy chú ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt của Vân Cô mà nói :
- Không, tôi không phải là người đáng tội nghiệp... tôi là người sung sướng.
Câu nói này ngoài sự tưởng tượng của Vân Cô, làm cho bà ta có cảm nghĩ chú tiểu này là một nhân vật phi thường.
Cuộc đối thoại đến đây bắt đầu trầm lắng, không khí buồn tẻ, lâu lắm Tâm Đăng mới nói :
- Nếu Vân Cô không có điều chi chỉ bảo thì tôi xin kiếu.
Vân Cô gật đầu :
- Được, mi cứ về.
Tâm Đăng đứng dậy, sốt ruột nhìn ra phía sau, dường như có ý muốn chờ Mặc Lâm Na ra để cáo từ.
Nhưng Vân Cô bảo :
- Mi khỏi phải chờ Mặc Lâm Na.
Chú buồn rầu từ tạ rồi lui ra khỏi khoang thuyền. Vân Cô đưa chú ra đến mũi, lúc bấy giờ từ đằng kia có một chiếc thuyền con bơi nhanh tới.
Tâm Đăng thò tay ra ngoắc, tên trạo phu thấy có khách sang chiếu cố đến mình vội vàng bơi nhanh tới.
Thuyền còn cách nhau chừng năm trượng thì Tâm Đăng quay lại xá chào Vân Cô, đoạn nhún chân sử một thế Xuân Yến Lược Ba bay vù ra khỏi be thuyền.
Thân hình của chú la đà rơi xuống mặt nước, bỗng chú thò chân trái ra đạp nhẹ lên một cánh bèo đang trôi nổi giữa trường giang, để rồi thân hình của chú bắn vù sang chiếc thuyền con thật nhẹ nhàng như một cánh én!
Đặt chân lên thuyền, Tâm Đăng quay đầu lại bỗng giật mình vì thấy Vân Cô đang quay đầu đi, đưa lưng về phía mình và đưa ống tay áo lên ngang mặt, dường như bà ta đang gạt nước mắt thì phải.
Tâm Đăng lấy làm lạ, tự hỏi :
- Cớ sao bà ta khóc?
Hai chiếc thuyền dần dần kéo dài khoảng cách và hình ảnh của Vân Cô nhỏ dần, nhỏ dần... trước cảnh nước rộng sông dài.
Tâm Đăng đứng trước mũi thuyền, nhìn quanh tả hữu, lúc bấy giờ bóng đã ngả về chiều, một làn sương mỏng dâng lên khắp dải trường giang.
Tâm Đăng mơ màng hồi tưởng lại những việc đã xảy ra trong ngày hôm qua, càng nghĩ càng lấy làm băn khoăn lo lắng.
Nhìn dòng nước chảy xuôi chú tự nói với mình :
- Lần sau ta không đi chơi nữa! Nhất định không đi chơi nữa! Hèn chi mà Phật bảo “biển khổ vô bờ”... A di đà Phật!
Lúc bấy giờ Tâm Đăng hối hận lắm, hối hận cuộc đi chơi này đã chẳng đem đến cho chú nguồn lạc thú nào, mà còn đem lại sự đau khổ ê chề là đằng khác.
Thuyền nhẹ nhàng trôi...
Giữa lúc miên man suy nghĩ thì thuyền đã cặp bờ, và Tâm Đăng bay mình buồn rầu trở về Bố Đạt La Cung.
* * * * *
Đây là một đêm thu tứ bề lặng lẽ, vòm trời đen thẫm không một vì sao.
Trong ngôi nhà đá của Bệnh Hiệp có bóng đèn leo lét hắt ra, từ trong ngôi nhà đá đó có hai người thanh niên lặng lẽ bước ra, đó là Tâm Đăng và Khắc Bố.
Hai người chuyện trò vui vẻ, nghe Khắc Bố hỏi :
- Tiểu sư huynh có thể cho tôi theo trở về chùa chăng? Bây giờ khinh công của tôi đã trội nhiều lắm, có thể vượt tường mà vào một cách nhẹ nhàng.
Tâm Đăng lắc đầu trả lời :
- Khinh công của mi đã tiến bộ, nhưng thôi hãy ở lại trông nom sư phụ.
Khắc Bố bị từ chối phải lủi thủi trở về.
Còn một mình Tâm Đăng thì thong thả đi xuống triền đồi.
Đêm lạnh như băng, một mình Tâm Đăng lủi thủi trên con đường hoang vắng, trong lòng chú rào rạt những cảm tưởng miên man.
Chú không muốn trở về chùa vội, chú muốn tìm một nơi thanh vắng để đi bách bộ, ngõ hầu suy nghĩ những vấn đề đang quay cuồng trong trí não.
Vừa bước vào một khu rừng chồi nho nhỏ bỗng nghe có tiếng quát nạt vang lên, chú bảo thầm :
- Lại có việc gì xảy ra nữa rồi?
Nghĩ đoạn noi theo chỗ phát ra tiếng động mà đi tới.
Chú men tới mãi, đi vòng quanh độ chừng trên mười trượng bất giác giật mình kinh hãi.
Vì chú trông chẳng thấy gì cả nhưng lỗ tai lại nghe có tiếng quyền cước đi vùn vụt, hơi gió tạt ra cực kỳ mạnh mẽ làm cho cành lá xao động rì rào.
Tâm Đăng nghĩ thầm :
- Hai người đang giao chiến đây thật là công lực cao thâm đáng sợ.
Nghĩ đoạn chú bước đi nhanh thoăn thoắt về phía có tiếng giao chiến vang ra.
Quanh qua một đoạn đường chằng chịt, thấy trước mắt mình có một khoảng đất rộng.
Trên khoảng đất rộng đó có hai bóng đen cách nhau chừng mười trượng cùng ngồi xếp bằng dưới đất đấu chưởng với nhau.
Cứ mỗi lần thu chưởng và phát chưởng là hơi gió tạt ra rào rạt, làm cho những cành cây gần đó khua động nghe xào xạc.
Quắc mắt nhìn kỹ, hai người đó chẳng phải là ai xa lạ, chính là Lư Âu và Vạn Giao đó!
Chú thật lấy làm kinh dị, vì không hiểu sao hai người này lại đến đây đấu chưởng trong đêm hôm khuya khoắt.
Trong dạ hồ nghi mà chú chẳng dám làm kinh động, vội sẽ lén thu hình vào một bụi rậm rạp lặng lẽ ngắm nhìn.
Chỗ trốn của Tâm Đăng cách chỗ họ chừng mười sáu trượng, tuy tối trời nhưng Tâm Đăng vẫn trông thấy rõ ràng những nét hiện ra trên gương mặt của hai người ấy.
Vạn Giao thì mỉm cười thanh thản, khí sắc cực kỳ trầm tĩnh, còn Lư Âu thì hơi giận phừng phừng trông thật là dễ sợ.
Theo sự quan sát của Tâm Đăng thì hai người ấy chưa dùng hết toàn lực, nhất là Vạn Giao, thì thái độ bình thản dường như đang chơi một trò gì thích thú lắm.
Đôi bên công thủ thêm một hồi nữa và Lư Âu hậm hực nói :
- Lão Vạn, mi nhất định muốn chọc cho ta nổi nóng?
Vạn Giao lắc đầu, mỉm cười trả lời :
- Bà Lư Âu ơi, chúng ta đều là những người sắp vào quan tài cả, làm sao có thể nổi nóng bất thường được?
Câu nói này càng làm cho bà ta hậm hực :
- Lão Vạn, mi đừng khéo khua môi múa mỏ. Nếu không chịu thú thật thì ta cũng có cách biết rõ.
Nói tới đây thình lình bà ta tung ra một thế Dương Sa Thiên Lý, năm ngón tay khẳng khiu của bà ta chộp thẳng vào đầu của Vạn Giao.
Vạn Giao mỉm cười, bàn tay của lão vốn đang mở hờ, bây giờ xoè thẳng ra, và một luồng sức mạnh của lão từ trong lòng bàn tay tản mác ra để chọi lại đòn Dương Sa Thiên Lý.
Sau khi phá vỡ đòn Dương Sa Thiên Lý rồi, lão ta tươi cười nói với đối phương :
- Bà đừng nói khoác, mặc dù công lực của bà có thể cao hơn tôi nhưng cùng nhau đấu chiến chưa chắc bà thắng.
Việc ấy thì chẳng phải tôi không có lòng muốn nói cho bà rõ, thực ra có nhiều chỗ khó khăn mà tôi chẳng tiện nói ra. Thú thật, nếu bà không tin thì tôi không còn cách nào nữa, chúng ta cứ đấu chưởng mãi như thế này chơi.
Lư Âu ra chiều nghĩ ngợi.
Vào lúc đó thì Tâm Đăng cũng đang thắc mắc vì câu nói của Vạn Giao, chú lẩm bẩm :
- Lại có việc rắc rối xảy ra!
Chợt nghe Lư Âu nói :
- Việc này lão già Cô Trúc có biết hay chăng?
Vạn Giao lắc đầu :
- Chỉ một mình ta biết, bà có đi hỏi thẳng Cô Trúc cũng chỉ cầm bằng vô ích.
Lư Âu nghe nói tỏ vẻ thất vọng vô cùng, bà buông hai tay xuống mà nói một câu bi thiết :
- Vạn Giao... ta vốn biết những người khó tính như chúng ta thì thật là khó mà thương lượng, nhưng mà mi cũng phải lo lắng đến đứa nhỏ ấy.
Việc này ta không biết thì thôi, đã biết rồi thì không thể không cứu nó, vì ta sợ sẽ phụ lời dặn dò phó thác của mẹ nó khi xưa.
Tâm Đăng lấy làm lạ tự nói với mình :
- Xem tình thế này thì Lư Âu muốn cầu cạnh Vạn Giao một điều gì đấy, bà ta nói “đứa nhỏ ấy”, vậy đứa nhỏ ấy là ai?
Chợt thấy Vạn Giao xoa tay mình mà nói :
- Bà nói đúng, tôi không muốn cho bà trở thành một người có tội... Dù sao thì bà cũng có thể cứu nó ra, còn những người khác muốn ςướק công của bà cũng khó.
Lư Âu hốt hoảng nói :
- Vậy thì mi hãy cho ta biết, hiện giờ nó có phải bị giam cầm tại Tây Tạng... Nhược bằng giam cầm tại Trung Nguyên thì thật là rắc rối.
Vạn Giao gãi đầu mình, đắn đo suy nghĩ rồi trả lời :
- Việc này bà bất tất phải hỏi, tôi chỉ cho bà biết rằng chỗ giam cầm cách đây rất xa, và giờ phút này vẫn chưa phải là giờ phút bà đi cứu nó.
Sau khi bà Lư Âu biết rằng Vạn Giao nhất quyết không nói cho mình biết rõ, bà ta thất vọng não nề, lạnh lùng nói :
- Thôi được! Không cần phải đấu chưởng nữa, gọi thằng tiểu hòa thượng ra nói chuyện.
Nằm trong bụi rậm, Tâm Đăng giật mình nhảy nhổm lên, và liền theo đó có tiếng cười ha hả của Vạn Giao :
- Tâm Đăng, mau bước ra đây mà chào tiền bối.
Tâm Đăng hổ thẹn đỏ bừng sắc mặt, lóp ngóp bò ra, vừa bước tới vừa nghĩ thầm :
- Hai người này quả thật lợi hại.
Chàng bước tới thi lễ và Vạn Giao hỏi :
- Bệnh tình của lão Lạc như thế nào rồi?
Tâm Đăng trả lời :
- Bệnh đã thuyên giảm, ăn uống đã ngon miệng.
Vạn Giao và Lư Âu thảy đều cười rộ lên, Lư Âu nói rằng :
- Hễ ăn được thì thuyên giảm sao?
Vạn Giao vỗ vai chàng cười bảo :
- Tiểu hòa thượng ngồi xuống đây nói chuyện chơi, đã lâu lắm không gặp mi.
Nói đoạn ba người cùng ngồi xuống và Tâm Đăng hỏi :
- Chẳng hay gần đây Vạn sư bá có hay gặp Cô Trúc sư phụ?
Vạn Giao lắc đầu :
- Lão già Cô Trúc thật là khó gặp mặt, không biết lão đã đi về phương trời nào?
Lư Âu nói :
- Có lẽ lão ta đã về Trung Nguyên.
Tâm Đăng giật mình :
- À... về Trung Nguyên.
Vạn Giao thấy vậy vội vàng nói :
- Chắc có lẽ lão ta về Trung Nguyên để lo công việc cho mi.
Tâm Đăng liệu chắc trong câu nói này có ẩn nhiều thâm ý, vừa định hỏi tiếp thì Vạn Giao đã trả lời :
- Ta biết mi có nhiều điều thắc mắc muốn hỏi ta, nhưng bây giờ khoan hỏi đã, đêm mai vào giờ này mi đến đây ta sẽ bảo cho mi biết.
Tâm Đăng nghe nói giật mình, biết rằng Vạn Giao sẽ lại thổ lộ cho chú biết một điều bí mật.
Vạn Giao nói dứt câu, vội vàng đứng dậy xá chào Lư Âu mà rằng :
- Mi hãy ở lại trò chuyện cùng Lư tiền bối, ta đi đây.
Câu nói vừa dứt, ông ta đã vội vàng rũ ống tay áo để cho thân hình bay vù về phía trước, mất dạng trong màn đêm.
Sự ra đi đột ngột của Vạn Giao khiến cho Tâm Đăng lấy làm kinh dị, chợt nghe Lư Âu hỏi chú :
- Tâm Đăng, mi học võ với bao nhiêu người rồi?
Chú thành thật trả lời :
- Nhiều lắm... Bệnh sư bá, Vạn sư bá, Khúc sư bá, Thiết sư bá.
Câu nói của chú bị một chuỗi cười lanh lảnh của Lư Âu cắt đứt :
- Vui quá nhỉ... Vậy thì phần ta cũng phải truyền một ngón nghề cho mi...

Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc