Cô Đơn Vào Đời - Chương 11

Tác giả: Dịch Phấn Hàn

19. Tức nước vỡ bờ
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi bê một bát mỳ trộn lên lớp.
Bỗng nhiên một đám bụi dội thẳng lên người.
Tôi không kịp chạy tránh. Cả đám bụi bẩn đó rơi đầy trên người và vào cả bát mỳ của tôi.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên, hóa ra hôm nay là ngày lũ con gái ấy trực nhật, chúng đang quét dọn cầu thang.
Khi tôi ngẩng đầu lên, bọn họ đang đắc ý đứng trên bậc thang cao nhất cười ha ha.
Ngô Tam Cúc tay cầm chổi, hất mạnh, một miếng giấy ăn bẩn bay thẳng vào chiếc bát trên tay tôi. Nó sung sướng cười thật to, Đoạn Tiểu Ngữ thấy vậy cũng cười vang. Bọn chúng vờ như không có ai, tiếp tục quét cầu thang. Quét ngay trên đầu tôi, vừa quét, vừa hất, vừa nhìn tôi cười rúc rích.
Chúng nó cười mới đắc ý làm sao!
Chúng nó cười mới ác độc làm sao!
Cho dù đến bây giờ, câu chuyện đã xảy ra bao nhiêu năm, khi nhớ lại tôi vẫn hình dung ra được điệu bộ và giọng cười của chúng lúc đó. Và khi nhớ lại, tôi thấy người mình như muốn bốc hoả, tức giận vô cùng. Lời đồn ác ý của bọn chúng, sự bắt chẹt của bọn chúng, âm mưu thâm độc của bọn chúng, từng hình ảnh cứ hiện lên trước mắt tôi như những thước phim tua nhanh.
Tôi như một quả bóng bay bị xì hơi, mềm nhũn, nay vì bị thổi quá nhiều mà cứ thế căng phồng lên, căng mãi cho đến khi vượt quá giới hạn của nó.
Tôi không thể cứ im lặng mãi thế này được nữa, không thể tiếp tục chịu đựng hơn được nữa. Chỉ còn cách giống như qủa bóng kia. Nổ tung!
Tôi bước nhanh lên mấy bậc thang, nắm lấy tóc Ngô Tam Cúc, cầm bát mỳ trộn, lấy hết sức đổ ụp lên đầu nó.
Chưa đợi đến lúc nó vứt chiếc bát giấy xuống, tôi giật chiếc chổi từ tay nó, cắm đầu cắm cổ dùng chổi đập lên người Đoạn Tiểu Ngữ, không hề nương tay, không hề nể nang. "Tao hận chúng mày!
"Tao hận tất cả lũ chúng mày! Tao không muốn nhìn thấy mặt chúng mày nữa, tao cũng không muốn sống chung với chúng mày trên cái thế giới này nữa! Mày phải ૮ɦếƭ! Tao ghét mày, tao muốn *** mày! Tao không thể tiếp tục chịu đựng được nữa! Tao không muốn mày thấy tao bị mày làm tổn thương. Tao phải cho mày biết việc mày bắt nạt tao là một sai lầm của cuộc đời mày."
Tôi không nói một câu nào, cứ thế dùng chiếc chổi cán dài đánh, đập vào người Đoạn Tiểu Ngữ.
Mỗi lần giáng chổi xuống, tôi lại thầm chửi rủa trong đầu: "Mày cũng phải có ngày hôm nay, con tiện nhân này! Ai bảo mày bắt nạt tao! Ai bảo mày bắt nạt tao!" Trong tíc tắc, tôi không còn để ý đến bất cứ điều gì nữa, chỉ muốn trút tất cả những uất ức trong người trả lại cho chúng nó gấp mười, gấp trăm lần. Càng đánh tôi càng mạnh tay, cứ thế giáng chổi xuống cánh tay cô ta đang giơ lên để che mặt, như thể bị điên vậy
.
Đoạn Tiểu Ngữ bị tôi đánh, kêu toáng lên chạy xuống sân thể dục ở tầng dưới. Lũ bạn ác độc của cô ta lúc đó cũng chỉ dám giương mắt lên đứng nhìn. Tôi nghỉ một lát, đổi lại đầu chổi, bởi vì đột nhiên tôi nghĩ ra diện tích chịu lực càng lớn thì đánh xuống sẽ càng không đau.
Thế là tôi đổi đầu chổi, đuổi theo Đoạn Tiểu Ngữ.
Nhận được tin báo, cô Vu liền chạy đến giữ chặt lấy tôi, lúc đó đang ở trong trạng thái không còn tỉnh táo. Lúc ấy tôi mới nhìn rõ Đoạn Tiểu Ngữ đã bị tôi đánh cho đầu bù tóc rối, dưới chân chỉ còn một chiếc giày, đứng trốn sau lưng cô giáo, mồm gào lên khóc.
Việc này đã khiến tôi phải chịu một mức kỷ luật lớn nhất trong thời kỳ học cấp III. Tôi không hề vừa lòng với việc xử phạt này. Vì rõ ràng là Đoạn Tiểu Ngữ đã kiếm chuyện bắt nạt tôi trước. Tôi cùng quá chỉ là tự vệ quá tay. Tại sao lại chỉ ghi mỗi tội của tôi thôi? Nhưng nghĩ đến việc từ giờ trở đi đám con gái độc ác đó không dám bắt nạt tôi nữa, tôi thấy không hề hối hận về hành động điên cuồng hôm đó nữa
.
Thực ra, tôi, một người con gái hết sức bình thường, ước vọng lớn nhất là có một cuộc sống hạnh phúc. Có gia đình và bạn bè yêu thương tôi, có một người yêu tôi. Hằng ngày sống một cuộc sống bình thường mà ấm áp. Nếu như ông trời đáp lại ước vọng này của tôi, tôi thề là tôi sẽ vô cùng quý trọng, sẽ không đòi hỏi gì thêm và sẽ rất biết ơn vì điều đó.
Thế nhưng, tôi không có được những thứ đó. Tôi không biết tôi đã làm sai điều gì, cũng không biết tại sao tất cả những người và những việc tôi gặp phải đều làm tôi thất vọng, đều làm tôi đau lòng. Tại sao bọn họ lại không có chút hoà khí, tại sao bọn họ luôn muốn làm tổn thương tôi cho dù là vô tình hay cố ý, làm cho tôi không thể lớn lên đúng với sự dịu dàng, ngây thơ và lương thiện vốn có của một đứa trẻ. Luôn phải lạnh lùng chống trả những hằn học, hận thù.
Tôi nghĩ chắc mình thuộc típ người: một là không ra tay, còn khi đã ra tay rồi thì sẽ dồn hết sức, quyết một trận sống mái. Chỉ có điều tôi quên mất rằng luôn có một lực phản lại cái lực mà tôi vừa tác động vào, con dao chặt xuống, khúc xương nằm trên thớt được chặn gọn đứt đoạn đến đâu thì tay của người chặt sẽ đau từng ấy.
Mỗi lần tôi nhìn thấy bốn chữ "Chó cùng rứt dậu" tôi lại muốn để ở phía dưới một câu chú thích nhỏ cho chính bản thân mình: Đừng bao giờ bắt nạt những người mà bạn thấy họ yếu đuối, ít nói.
20. Quà sinh nhật
Việc tôi đánh Đoạn Tiểu Ngữ một trận dữ dội đã lan khắp trường. Hứa Lật Dương vô cùng kinh ngạc, cũng cảm thấy đôi chút ngại ngùng nhưng không bao giờ giờ hỏi tôi về các tình tiết sự việc cũng như nguyên nhân.
Tâm trạng tôi cũng có gì đó trầm xuống, buồn bã.
Tôi đã thắng nhưng trong lòng chẳng cảm thấy vui vẻ gì. Mấy ngày hôm đó chúng tôi không đi về cùng nhau, hầu như chẳng nói với nhau câu nào.
Ngày thứ Ba của tuần thứ hai sau đó là sinh nhật tôi. Trước đó một tháng, tôi đã dự định là sẽ cùng Hứa Lật Dương tổ chức sinh nhật lần thứ mười sáu cho mình. Trong suốt những năm trước đó, tôi chưa bao giờ có một cái sinh nhật thực sự theo đúng nghĩa của nó.
Vậy mà vào lúc này tôi vẫn đang chiến tranh lạnh với Hứa Lật Dương. Tôi vô cùng thấp thỏm bất an, vô cùng buồn rầu và sợ hãi. Tôi sợ Hứa Lật Dương đã quên mất sinh nhật của mình, sợ cậu ấy sẽ chẳng thèm để ý đến tôi, sợ trước ngày hôm đó cậu ấy sẽ đến tìm và bảo với tôi rằng tình yêu đầu ngắn ngủi của chúng tôi thế là chấm dứt.
Sáng hôm đó, tôi bước vào lớp, việc đầu tiên là đưa mắt hướng về chỗ ngồi của cậu ấy. Vẫn chưa đến. Tôi thấy có chút thất vọng. Lúc đút chiếc cặp vào ngăn bàn, tôi còn cố tình đẩy rất nhẹ, tôi cứ mơ tưởng rằng cậu ấy sẽ tặng tôi một món quả nhỏ, và món quà đó sẽ được đặt ở trong ngăn kéo. Tôi nhẹ nhàng ấn chiếc cặp vào sâu trong ngăn bàn. Thế nhưng, chiếc cặp cứ thế tiến vào mà chẳng gặp trở ngại nào cả. Trong ngăn kéo không có hộp quà nào.
Cả ngày hôm đó, gần như tiết nào tôi cũng lơ mơ, không tập trung. Gần như mỗi giờ nghỉ năm phút tôi đều nhìn trộm về phía Hứa Lật Dương. Lúc này tôi không còn mong chờ món quà của cậu ấy nữa rồi. Tôi chỉ mong cậu ấy tiến lại gần và chỉ cần nói với tôi một câu "Chúc mừng sinh nhật" thôi thì tôi cũng cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.
Thế nhưng, cậu ấy chẳng có vẻ gì khác với ngày thường cả.
Mỗi phút trôi qua, tôi lại cảm thấy hi vọng của tôi giảm đi một chút và sự đau khổ của tôi tăng thêm một chút. Tôi cảm thấy nực cười, tôi đã quá xem trọng bản thân rồi. Mày nghĩ mày và người ta đang yêu nhau một cách chính thức sao? Thuỷ Tha Tha, mày tự huyễn hoặc giỏi quá. Mày lại đi mong chờ một người con trai thích một đứa con gái cầm chổi đuổi đánh bạn khắp sân trường sao? Mày mong chờ Hứa Lật Dương giữ lại hình ảnh đẹp về mày sao?
Từ mong chờ, hy vọng rồi đến thất vọng, và cuối cùng, gần như là tuyệt vọng.
Tiết học cuối cùng của buổi chiều, tôi dường như chẳng còn có gì để hi vọng nữa. Tiếng chuông tan học cất lên, tôi thất thểu, chậm chạp thu dọn sách vở cho vào cặp. Hứa Lật Dương như thường lệ nhanh chóng đi ra từ cửa sau. Sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi thế đấy. Không ai chúc tụng, cũng chẳng có một ai nhớ đến.
Còn gì làm cho Thuỷ Tha Tha, một cô bé luôn cao ngạo buồn hơn việc bị lãng quên trong ngày sinh nhật hôm đó nữa chứ? Một mình cô bước đi trên đường, nước mắt chỉ trực trào ra. Mười sáu tuổi cô đơn. Cả thời niên thiếu cô đơn.
Vẫn là cái khúc rẽ đó, cứ như là tôi đang nằm mơ. Hứa Lật Dương bỗng nhiên hiện ra trước mặt. Trên tay còn ôm một chiếc hộp rất to, giấy bọc màu hồng, rất đẹp.
Tôi dường như không tin vào mắt mình nữa.
Trong những giây phút tuyệt vọng, một niềm vui quá bất ngờ khiến người ta khó mà tin được! Tôi có cảm giác như đang được hưởng một phép màu nhiệm trong các câu chuyện cổ tích.
Tôi sung sướng đến nỗi không thốt nên lời. Hứa Lật Dương đặt chiếc hộp vào trong tay tôi nói một câu "Chúc sinh nhật vui vẻ, Thuỷ Tha Tha!" rồi nói tiếp "Trong hộp có thư, trong thư viết những điều tớ muốn nói. Tớ không nói nhiều nữa, nếu không lại bị thầy cô bạn bè bắt gặp thì phiền ra."
Tôi ôm chặt chiếc hộp vào lòng, gật đầu lia lịa. Hứa Lật Dương nhìn tôi rồi quay người đi trước.
Tôi như thể đang ôm món quà quý nhất trần gian. Trong lòng tràn ngập niềm hạnh phúc. Về đến nhà, nhân lúc mẹ không có ở nhà, tôi vội vào phòng, khoá trái cửa lại. Tôi mở chiếc hộp ra.
Trời ạ!
Một chiếc hộp chứa đầy hạc giấy.
Chiếc hộp toàn hạc giấy được gấp bằng những màu nhạt như hồng nhạt, vàng nhạt, xanh nhạt... những con hạc giấy im lặng nằm trong chiếc hộp, từng lớp từng lớp san sát bên nhau. Mỗi con đều có dáng vẻ như đang muốn bay lên.
Người tôi bỗng mềm nhũn ra, chưa bao giờ tôi cảm thấy xúc động như lúc này, chưa bao giờ thấy hạnh phúc đến thế, chưa bao giờ tôi có cảm giác sung sướng đến như vậy. Một nghìn con hạc giấy ở thế hệ nào đó đã từng là một trong những yếu tố lãng mạn không thể thiếu được của tình yêu. Một người thắp đèn ngồi trong gian phòng nhỏ, gấp từng con hạc, từ lúc hoàng hôn đấn tận lúc bình minh. Hàng nghìn con hạc bay bay như những ngôi sao may mắn đang lấp lánh trên bầu trời. Năm đó, đôi bàn tay nhỏ của cậu có phải vì chút lãng mạn này mà sưng rộp lên không?
Đúng thế, chúng tôi là người cùng chẳng một thế hệ. Chúng tôi có những câu chuyện và các tình tiết giống nhau. Tôi cũng gấp hạc, bọn con gái trong trường đều biết gấp hạc. Bọn họ sau khi gấp xong sẽ đem tặng người con trai mà họ đem lòng thương mến. Thế nhưng, một người con trai vì một người con gái mà gấp từng này con hạc rồi đem từng đó con hạc đến tặng một người con gái thì đó là một việc từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ được nghe.
Vẫn chưa kịp đếm thì mẹ đã đi làm về. Tôi giấu chiếc hộp xuống gầm giường.
Tôi cứ nghĩ là mẹ sẽ không nhớ đến sinh nhật của tôi, ai ngờ mẹ về nhà với một hộp bánh gatô trên tay.
"Thế là mày đã mười sáu tuổi rồi đấy, tao đã nuôi mày được mười sáu năm ròng. Chẳng biết đến lúc nào thì mới được mày nuôi." Giọng mẹ hết sức lạnh lùng.
Tôi nhẹ nhàng gật đầu, trong lòng hơi khó chịu nhưng vẫn cảm thấy có một chút ấm áp. Mẹ ơi, thực sự con đâu có muốn gì nhiều đâu, chỉ cần một bông hoa là đã làm cho trái tim con biến thành mùa xuân, có ánh nắng ngập tràn, nhẹ nhàng, ấm áp.
Đêm đó, dưới ánh trăng, tôi đếm chỗ hạc đến gần sáng. Vì sợ mẹ tôi nửa đêm thức dậy phát hiện ra phòng tôi đèn vẫn sáng nên tôi đành phải ngồi dưới ánh trăng, đổ hết chỗ hạc ra, đếm từng con một. Có rất nhiều lần bị đếm nhầm hoặc là do buồn ngủ quá đếm rồi lại quên, lại phải đếm lại từ đầu.
Gần như cả đêm hôm đó tôi mới đếm chính xác được chỗ hạc. Tôi đếm tất cả ba lần. Một nghìn linh một con, không thừa, không thiếu.
Ánh trăng rọi vào giường tôi, ánh trăng phủ chiếu lên những con hạc. Ánh trăng sao mà dịu dàng và ân tình đến thế.
Tôi sẽ nhớ mãi đêm hôm đó. Trong lòng tôi ấm áp và ngọt ngào, Đó là đêm mà tình yêu của tôi cháy sáng, một thứ ánh sáng lung linh tuyệt đẹp.
Bao nhiêu năm sau này qua đi, tuy đã từng có người tặng tôi chín trăm chín mươi chín bông hoa hồng, tuy đã từng có người tặng tôi những đồ trang sức đắt tiền, thế nhưng, tâm trạng khi đếm hạc vào cái đêm năm ấy chẳng bao giờ có được lần nữa.
Hay nói cách khác, nếu như nói với người khác là tôi đã từng được một người con trai gấp cho một nghìn linh một con hạc giấy, tôi cảm thấy tự hào hơn nhiều so với việc nói với họ rằng có một người con trai tặng tôi một chiếc nhẫn hột xoàn trị giá mười vạn tệ.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc