Bài Học Diệu Kỳ Từ Chiếc Xe Rác - Chương 04

Tác giả: David J.Pollay

Cam kết thứ tư: Giúp Người Khác Thôi “Xả Rác”
Phần lớn những cuộc ᴆụng độ với “xe rác” chỉ diễn ra trong phút chốc, nhưng trong một số trường họp, chúng ta phải học cách làm việc và thậm chí là sống cùng với chúng. Đó là khi những người thân yêu của ta - bố mẹ, bạn đời, cộng sự, bạn cùng phòng, sếp, khách hàng hay đồng nghiệp - chính là “chiếc xe rác”.
Chúng ta không thể áp dụng bài học mỉm cười, vẫy chào, nói lời chúc tốt lành với “xe rác”, rồi bỏ đi. Đôi lúc, bạn có thể cảm thấy bế tắc.
Trong trường hợp đó, nhiệm vụ của chúng ta là tìm cách sống hòa hợp với họ. Chúng ta phải giúp những người có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời mình chấm dứt lối hành xử của “chiếc xe rác”, đồng thời khuyến khích họ phát huy khả năng tốt nhất của mình.
Quy tắc giao tiếp với “chiếc xe rác”
Mọi vẻ đẹp đều được trân trọng bởi những người có khả năng cảm nhận cái đẹp, và bản thân cảm nhận đó đã là một điều thú vị.
- Abu Hamid Al-Ghazali
Những người hành động giống “chiếc xe rác” thường để cho các suy nghĩ tiêu cực chắn ngang tầm nhìn của họ, làm che khuất những điều tốt đẹp ẩn sâu bên trong tâm hồn. Tuy nhiên, không phải lúc nào những người này cũng mang tâm trạng tiêu cực. Nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra rằng đôi lúc họ cũng có những hành động rất đáng yêu. Đó chính là cơ hội để bạn tiếp cận với họ. Nhiệm vụ của bạn lúc này là tìm hiểu và khám phá những giá trị tốt đẹp của những “chiếc xe rác thân yêu” đó. Hãy nói với họ về cảm nhận của bạn trước những phẩm chất tốt đẹp ở họ. Hãy bày tỏ sự quan tâm chân thành của bạn đối với họ, và thể hiện rằng bạn luôn yêu quý và trân trọng họ.
Khi tập trung vào mặt tích cực của người khác, bạn có thể giúp họ nhìn nhận cuộc sống dưới một góc độ mới mẻ và lạc quan hơn. Làm được như vậy nghĩa là bạn đã tiếp thêm năng lượng để nuôi dưỡng những hạt mầm tốt đẹp trong con người họ. Tình yêu thương và sự quan tâm của bạn có thể sẽ khiến họ thay đổi.
Chọn đúng thời điểm
Nếu bạn có thành kiến với một ai đó, bạn nên tìm hiểu về họ kỹ hơn.
- Abraham Lincoln
Thời học đại học, tôi từng thực tập hè tại bộ phận quản lý giấy của công ty Procter and Gamble (P&G). Công việc của tôi là đảm bảo cho các cửa hàng tạp hóa trên tuyến của tôi luôn được cung ứng đầy đủ các loại sản phẩm khăn lau, giấy vệ sinh, tã giấy.
Mỗi tuần, tôi phải tìm kiếm thêm những cách thức mới để gia tăng lượng hàng bán ra. Thỉnh thoảng, tôi đề nghị các siêu thị dành thêm kệ trống để trưng bày sản phẩm của chúng tôi. Tôi cũng yêu cầu cửa hàng trưng bày một lượng lớn sản phẩm thuộc chương trình ưu đãi đặc biệt của P&G dọc các lối đi.
Lúc này, khả năng xây dựng mối quan hệ với người quản lý là yếu tố quyết định sự thành bại cho kỳ thực tập của tôi. Tôi phải thuyết phục người quản lý cửa hàng chấp thuận các yêu cầu của hãng, cũng như các ý tưởng bán hàng của tôi. Là một thực tập sinh, tôi còn phải học hỏi rất nhiều điều. Song song với việc tích lũy kinh nghiệm từ môi trường thực tế, tôi còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại chuỗi cửa hàng thuộc tuyến của tôi. Nói chung, quan hệ của tôi với những người quản lý khá tốt, ngoại trừ một người.
Người quản lý ở cửa hàng số 10
Người quản lý ở cửa hàng số 10 tỏ ý không muốn hợp tác. Ông ta tìm mọi cách tránh mặt tôi. Ngày đầu tiên, khi tôi một mình đến cửa hàng của ông, ông nhìn tôi, rồi quay lưng đi ra phía sau các quầy hàng. Tôi nghe ông nói với viên trợ lý: “Nói với thằng nhóc đó là tôi sẽ bận họp cả tuần”. Một lần khác, tôi chủ động tiến về phía ông. Trước khi tôi kịp mở lời, ông đi lướt qua tôi nhưng vờ như không không thấy. Mấy tuần tiếp theo, ông vẫn không cho tôi cơ hội tiếp cận ông.
Mỗi lần ghé vào cửa hàng đó, tôi chỉ ước mình có thể tránh mặt ông. Nhưng trách nhiệm của tôi là phải nói chuyện được với người quản lý của tất cả cửa hàng. Tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi hiểu rằng mình không thể tiếp tục công việc này nếu không vượt qua “cửa ải” đó.
Một tuần nữa trôi qua, tôi trở lại cửa hang số 10. Như mọi lần, việc tìm cách bắt chuyện với người chủ cửa hàng khiến tôi lo lắng. Nhưng tôi biết mình phải làm được việc này. Tôi đảo mắt quanh quất tìm ông.
Tuần đó, hãng tung ra một chương trình đặc biệt cho sản phẩm giấy vệ sinh. Nhiệm vụ của tôi là thuyết phục ông dành không gian đủ lớn trong cửa hàng để trưng bày sản phẩm nhằm đáp ứng được kỳ vọng về doanh số bán ra của chúng tôi. Tôi đi khắp các gian hàng tìm ông mà không thấy. Thì ra ông đang trao đổi với một khách hàng ngay tại dãy trưng bày sản phẩm của công ty tôi. Ông đang đứng quay lưng về phía tôi. Tôi ý tứ đứng lại ở cuối dãy chờ ông.
Điều chưa biết
Trong thời gian chờ đợi, tôi tranh thủ quan sát cách người quản lý giải thích với khách hàng về một trong các sản phẩm của chúng tôi. Tôi chợt nhận ra rằng người quản lý cửa hàng số 10 rất thân thiện và nhiệt tình với khách hàng - đây là một khía cạnh khác trong con người ông mà tôi chưa từng biết đến. Trước đó, tôi vẫn cho rằng ông là một “chiếc xe rác” thực sự.
Lát sau, người khách bỏ hàng vào xe đẩy, cảm ơn rồi bước sang quầy bên cạnh. Tôi tiến đến bên cạnh vừa lúc ông quay lại. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nói ngay: “Tôi vừa chứng kiến ông nói chuyện với vị khách hàng kia. Tôi thấy ông rất quan tâm đến cửa hàng của mình. Tôi biết ông vốn chỉ coi tôi như một kẻ làm vướng chân, làm mất thì giờ của ông. Vậy nên tôi cam kết với ông rằng tôi sẽ làm mọi việc - từ dỡ thùng hàng, xếp sản phẩm lên giá đến sắp đặt, trưng bày. Để công việc kinh doanh của ông thuận lợi hơn, tôi cũng sẽ chăm sóc khách hàng của ông thật chu đáo. Chỉ cần cho tôi một cơ hội, tôi sẽ chứng minh với ông điều đó”.
Người quản lý im lặng nghe tôi trình bày. Chờ tôi nói xong, ông mới lên tiếng: “Hầu hết sinh viên đến đây đều không quan tâm đến cửa hàng này, kể cả ông chủ của nó — là tôi đây. Tôi biết tổng là các sinh viên thực tập hè chỉ cần vài dòng nhận xét trong bản lý lịch và một con dấu xác nhận để mang về trường. Cậu thì khác. Tôi đánh giá cao thái độ làm việc của cậu. Giờ thì hãy lấy hàng trong thùng ra và thực hiện như những gì cậu vừa nói đi”.
Một mối quan hệ tốt đẹp hơn
Tôi đã không bỏ lỡ “cơ hội vàng” này để trình bày quan điểm với người quản lý cửa hàng số 10. Tôi nói với ông những điều tốt đẹp tôi cảm nhận được về ông và thể hiện thiện chí của tôi. Sau đó, tôi nỗ lực làm đúng cam kết của mình. Chúng tôi đã phối hợp với nhau rất ăn ý trong công việc ở đây. Trong mùa hè ấy, cửa hàng ông đã đặt mua lượng hàng nhiều hơn bất cứ cửa hàng nào khác trên toàn tuyến do tôi phụ trách.
Có lẽ bạn cũng từng có kinh nghiệm làm việc với những người được cho là khó tính như người quản lý cửa hàng số 10 trong câu chuyện của tôi. Rõ ràng là thật không dễ mà có được mối quan hệ hòa hợp với những người như thế. Tuy nhiên, nếu đó là những người có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của bạn, bạn phải bằng mọi cách cải thiện mối quan hệ đó.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc