Anh Sẽ Cưới Em Thêm Nhiều Lần Nữa - Chương 11

Tác giả: Hoàng Anh Tú

Có những người, con ạ, không biết vỗ tay. Họ cần con làm 10 điều cho họ. Con làm 11 điều, 12 điều cũng sẽ giống như 10 điều. Không có tiếng vỗ tay. Nhưng con chỉ cần làm 9 điều thôi, họ sẽ la rầy con. Họ sẽ cho con thấy con là kẻ thất bại. Dù chỉ thiếu một điều thôi.
Có những việc, con ạ, con không cần tiếng vỗ tay. Khi con làm điều đó bằng sự say mê của mình. Khi con làm điều đó bằng lòng nhiệt huyết, muốn thử sức mình. Và con không chờ đợi một tiếng vỗ tay tưởng thưởng. Đúng! Nhưng nếu có ai đó vỗ tay với con, con có thấy không, con sẽ rất hãnh diện. Tiếng vỗ tay mang giá trị phần thưởng tâm lý.
Bố đang ở trong dòng nước xiết. Có những lúc, bố tưởng chừng như mình sẽ đổ gục bất cứ lúc nào. Vì bố không tìm thấy tiếng vỗ tay. Bố thấy mình cô độc khủng khiếp. Những vấn đề bố phải đối mặt khiến bố hoang mang. Khiến bố sợ hãi. Khiến bố mất tự tin. Nhấc điện thoại lên rà số, bố cuống cuồng tìm kiếm một số máy để có thể vỡ òa. Nhưng bố không tìm được ai. Vì những vấn đề của bố quá lớn, quá khác biệt. Ai sẽ chia sẻ cùng bố? Không! Không có ai vỗ tay đủ để xua đi cảm giác trơ trọi này trong bố. Nhưng rồi, bố tìm thấy tiếng vỗ tay. Nó không phải là tiếng vỗ tay mà bố đã hình dung và chờ đợi. Nó hơn cả thế. Những tiếng vỗ tay không sáo rỗng. Nó thực chất. Không màu mè. Không mị dân. Những tiếng vỗ tay từ chính các anh em của bố. 2! Team. Bố có team của bố. Đó là các cô chú đang chiến đấu cùng bố lúc này đây. Suốt hai tuần qua và cả hơn tháng tới, họ vỗ tay cùng bố bằng sức chiến đấu mãnh liệt. Bố đang thấy mình mạnh hơn bao giờ hết khi biết xung quanh mình, những anh em, chiến hữu đang cùng lên đường với bố. Đó là nhờ họ đã vỗ tay cho bố. Đó là nhờ những tiếng vỗ tay bằng sự sát cánh.
Con trai ạ! Con sẽ không phải buồn đâu nếu một ngày con làm điều gì đó mà không nhận được tiếng vỗ tay. Hãy nhớ, đó là vì con chưa thấy hết chứ không phải là vì không có ai vỗ tay cho con. Vì bản thân tiếng vỗ tay đã là sự diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng con người. Sự diệu kỳ ấy không thể nhìn thấy bằng sự hời hợt. Nó sẽ xuất hiện và chỉ xuất hiện một khi con đủ sâu sắc để nhìn ra nó.
Vậy thì con ạ! Sao phải tiết kiệm một tiếng vỗ tay nếu điều đó thật đáng hoan nghênh?
Một tiếng vỗ tay sẽ khích lệ bạn mình nhiều hơn cả phần mà họ có được với một công việc họ làm.
Một tiếng vỗ tay có thể thành tri âm, tri kỷ.
Một tiếng vỗ tay xóa đi những khoảng cách, những bức tường chắn giữa hai người.
Một tiếng vỗ tay sẽ xua đi sự im lặng chết chóc, làm rộn rã các mối quan hệ.
Một tiếng vỗ tay sẽ khiến cái lạnh lẽo biến mất. Để con người đến với con người bằng sự cổ vũ cho nhau.
Một tiếng vỗ tay giúp con không trở thành kẻ ích kỷ, nhỏ nhen.
...
Nhưng con đừng vỗ tay nếu như:
Đó là một công việc không đáng hoan nghênh.
Đó là một việc làm sai trái.
Đó là một “tập tục”.
Đó là một thói quen xấu.
Đó là một lời xu nịnh, lấy lòng ai đó.
Đó là một tiếng vỗ tay nhân bản vô tính.
Đó là một tiếng vỗ tay lấy lệ.
Đó là một tiếng vỗ tay vô cảm.
...
Gửi cho nhau một tiếng vỗ tay cần phải gửi nó bằng cả một sự chân thành, tha thiết. Bằng sự trung thực và can đảm. Bằng trái tim nhiều hơn là trí khôn.
Cái vỗ tay đó đôi khi là biến thế của
một cái nheo mắt
một nụ cười ấm
một vòng tay ôm
một cái xiết tay
một cái vỗ vai
một cái nhìn thân thiện
một lời khen
một thán phục
một yêu thương và chờ đợi
của rất nhiều điều đủ làm doping cho lòng nhiệt huyết của bạn mình.
Và con ạ, con sẽ vỗ tay chứ?
Một nửa lòng tốt không phải là lòng tốt
CHO ĐI LÀ ĐÃ NḤN VỀ
Lòng tốt có điều kiện thì mới chỉ là một nửa lòng tốt. Mà một nửa lòng tốt thì chưa thể gọi là lòng tốt được. Nhân một lá thư bạn đọc gửi anh công ty Divu mà bố nhận được hôm nay, bố muốn chia sẻ với Pi về LÒNG TỐT.
Có một ngày, con trai sẽ hỏi bố: Lòng tốt là gì hả bố? Ừ, lòng tốt là những thơm thảo trong cuộc sống mà con người có thể tặng lại cho nhau con trai ạ! Lòng tốt là một món quà mà người ta có thể dành tặng nhau. Lòng tốt là sự giúp đỡ mà không đòi hỏi trả công. Là sự san sẻ mà không toan tính. Là sự cho đi mà không chờ nhận lại. Là những ân tình không vụ lợi. Là sự thúc giục yêu thương từ đáy lòng chứ không phải từ đáy túi. Là công việc của trái tim chứ không phải của trí não.
Con sẽ lại hỏi bố: Lòng tốt dễ kiếm không? Con trai ạ, lòng tốt dễ thấy nhưng lại khó kiếm. Vì sao thế? Là vì người có lòng tốt tự xuất hiện chứ không phải tìm kiếm mà ra. Là vì lòng tốt từ tim chứ không phải từ những toan tính. Thế nên nó dễ thấy chứ không phải dễ kiếm.
Là khi mẹ để quên túi xách trong đó chứa tiền bạc, giấy tờ, điện thoại hai lần liền cả hai lần đều có người tốt xuất hiện. Người tốt giữ túi chờ đợi mẹ quay lại nhận. Người tốt trả lại mẹ túi xách mà không đòi hỏi đáp lại. Dù rằng họ có im đi thì mẹ cũng chẳng biết được mình có để quên túi xách ở đó hay không.
Là khi bố hỏng xe giữa đường, có những người tốt dừng lại tìm cách giúp bố sửa xe.
Là khi có người đuổi theo nhau chỉ để nhắc cái chân chống quên gạt.
Là khi báo bố tổ chức những phép thử đi tìm lòng tốt và nhận về những kết quả khả quan vô cùng. Từ đi xe bus với chỉ 1.000 đồng trong khi giá vé 2.500 đồng để xem có ai giúp đỡ cho vay tiền để đi xe không đến rơi ví trong nhà xe các trường, rồi làm một cô nàng hậu đậu đổ tung tóe sách vở trước cổng trường để xem ai đến giúp nhặt lên cùng. Người tốt nhiều lắm!
Con sẽ hỏi bố chứ, rằng: Làm người tốt có vui không? Con trai ạ, làm người tốt vui lắm! Là khi một bà cụ xin gọi nhờ điện thoại cho con mình đến đón mình. Bà cụ vào mấy quán cà phê lẫn nhà dân trên đường Lương Đình Của xin gọi nhờ song chẳng ai giúp cả. Bà cụ đánh bạo hỏi bố. Khi ấy,bố đang ngồi mải mê đọc sách trong quán cà phê gần đó. Bố đưa máy điện thoại của mình cho bà, bấm số hộ bà. Xong việc, bà mới kể chuyện bà nhờ bao nhiêu người mà không được. Bà cảm ơn bố. Bà rút tiền trả bố nhưng bố không nhận. Bà bảo bà áy náy lắm và định trả tiền cà phê cho bố. Nhưng bố cũng không nhận. Bà bảo: Chú là một người tốt. Chú không nhận, tôi áy náy lắm! Bố mới bảo: Bà ơi, chỉ riêng một câu khen cháu là người tốt đã là một món quà hậu hĩnh lắm rồi bà ạ! Bố nói thật lòng mình vậy. Làm người tốt để được trả ơn thì đâu phải đã làm điều tốt. Tốt với những ai tốt với mình cũng chẳng phải là người tốt. Làm người tốt để mong nhận về một điều gì đó cũng chẳng phải là làm người tốt. Vì nếu thế, lòng tốt ấy mới có một nửa. Một nửa lòng tốt thì chưa được gọi là lòng tốt đâu con ạ!
Cho đi không phải để mong nhận về. Nó cũng giống như yêu thương vô điều kiện vậy. Không phải là tôi làm điều này cho anh thì anh phải làm điều kia cho tôi. Tôi yêu anh vì anh yêu tôi hay tôi yêu anh thì anh phải yêu tôi đều chẳng đúng. Tôi yêu anh đơn giản là vì anh đáng yêu và vì tôi yêu anh, thế thôi!
Con có thắc mắc rằng: Như vậy thì làm người tốt thiệt thòi quá! Không đâu con trai ạ! Người ta chỉ thấy thiệt thòi nếu như người ta mong nhận được một điều gì đó mà người ta không nhận được. Người ta chỉ thấy thiệt thòi khi người ta trả giá, định giá công việc họ làm. Chứ nếu như họ làm vì trái tim họ muốn vậy thì có bao giờ thấy thiệt thòi? Cho đi là đã mang về là thế! Là lòng tốt giúp người đồng nghĩa với việc trồng thêm trên mảnh đất đời một cây NIỀM TIN. Cây NIỀM TIN cho bóng mát. Cây NIỀM TIN cho trái ngọt. Cây NIỀM TIN cho người sống với người bớt đi nghi kỵ. Cho người tin người hơn. Thêm một tích cực là bớt đi một tiêu cực.
Lòng tốt cho đi như gieo một hạt mầm xuống đời. Hạt mầm ấy có thể ngay lập tức mọc lên cây YÊU MẾN trong mắt người được nhận lòng tốt hoặc xa hơn, nó thành cây NIỀM TIN để ít ra chính người được nhận lòng tốt biết rằng đời còn cây NIỀM TIN để mỉm cười sống tiếp. Có khi xa hơn, hạt mầm lòng tốt sẽ sinh thêm hạt mầm lòng tốt. Như chuỗi ĐÁP ĐỀN TIẾP NỐI. Một hôm, hạt mầm gieo từ đời cha sẽ sinh thêm một hạt mầm mọc trên đời ocn.
Con trai ạ! Cho Đi Là Đã Nhận Về là thế!
Con đã sẵn sàng để trở thành người tốt chưa?
Vấp ngã và đứng lên!
Có ai dám nói cả đời chưa từng vấp ngã? Ai cũng từng vấp ngã. Quan trọng là bạn sẽ đứng lên thế nào.
Vấp ngã là do chủ quan, thiếu tập tủng hoặc tính toán sai lầm mà vấp ngã. Vấp ngã đôi khi lại là do bị bạn bè xô ngã (có thể do vô tình cũng có thể do hoàn cảnh bắt buộc).
Vấp ngã cũng có khi từ niềm tin bị bội ước.
Cuộc đời có nhiều con đường, nhiều lý do khiến chúng ta vấp ngã.
Nhưng vấp ngã mà khóc thì chứng tỏ sức chịu đựng của người đó kém quá! Song cũng có thể hiểu – thông cảm và chia sẻ được.
Vấp ngã mà không đứng dậy được hoặc mất hết ý chí đứng dậy, chờ đợi người khác đến đỡ mình thì thật là kém tắm!
Vấp ngã mà trở nên mất niềm tin vào cuộc sống (dù cho đã đứng dậy) thì cũng là kém tưới.
Vấp ngã rồi lại vấp ngã đúng vào sai lầm cũ thì cứ gọi là kém... thông minh.
Vậy vấp ngã rồi thì làm sao?
Thì đứng dậy phủi quần áo và nhớ cho kỹ lý do mình vấp ngã để lần sau không vấp ngã lại đúng chỗ đó nữa.
Cái đó người ta gọi là bản lĩnh: Có bản lĩnh của nó đấy!
Chàng trai của bố!
Đôi chân con lúc này còn chưa đủ chắc chắn.
Đôi mắt con lúc này còn chưa đủ tinh tường.
Sức chịu đựng của con lúc này còn chưa đủ cứng cỏi.
Thì vấp ngã kia có thể khiến con bật khóc.
Nhưng bố sẽ chẳng đỡ con dậy đâu! Bố chỉ bảo con: Hãy đứng dậy, phủi tay đi!
Cuộc đời há chẳng phải là như thế?
Người ta có thể lớn lên được là vì những vấp ngã ấy đấy con trai ạ!
Khi bằng tuổi con bây giờ, vấp ngã đe chân cứng cỏi hơn.
Cấp một, vấp ngã để nhận ra những quy luật nhất định của cuộc sống.
Cấp hai, những vấp ngã đã đau hơn nhưng vẫn mới chỉ để rèn luyện cho con khôn – lớn.
Cấp ba, những vấp ngã để con đủ dạn dày bước vào thế giới người lớn.
Đại học là một quá trình luyện ngã để cứng cáp và dạn dày hơn nữa.
Đi làm con sẽ gặp những cú vấp ngã đau hơn nữa.
Càng lớn, mỗi cú vấp ngã sẽ lại càng đau hơn.
Nhưng cái đau ấy có khác chi loài sâu kén kia tự lột xác mình để hoá bướm?
Bố sẽ luôn ở bên con khi con vấp ngã.
Nhưng bố sẽ không đỡ con dậy dù bố rất yêu con.
Bố sẽ chỉ cho con thấy con cần phải đứng dậy, con cần phải biết lý do vì sao con ngã. Biết không phải để không tin vào cuộc đời này nữa. Biết là để lần sau không tái phạm nữa. Vì chỉ có niềm tin vĩnh cửu với cuộc đời thì con mới có được cuộc đời.
Ai đó nói, họ ngã nhiều rồi nên đã thành ra người thực tế.
Ai đó nói, họ ngã nhiều rồi nên họ bắt đầu dần mất niềm tin vào con người.
Ai đó nói, họ ngã nhiều rồi nên họ đã trở nên chai sạn.
Ồ, nếu vậy thì họ rõ ràng chưa đứng dậy đâu!
Họ ngã và họ vẫn nằm đấy.
Họ không biết cách đứng dậy.
Họ tưởng là mình đã đứng dậy.
Nhưng thực tế, họ vẫn nằm dưới đất.
Vì ngã mà đứng dậy được, họ sẽ không chai sạn hay mất niềm tin vào con người.
Vì con người sinh ra là để yêu nhau chứ không phải để xô nhau.
Có đôi lúc, họ cũng xô nhau song họ lại bao so với 87 triệu dân, bảy tỷ dân trên Trái Đất này?
Vì con người có thất tình lục dục – hỉ - nộ - ái - ố. Chỉ có con người mới đặc quyền sở hữu CẢM XÚC.
Vậy thì ĐỨNG DẬY có nghĩa là...
Lòng tin không rơi lại không xuống nơi vừa ngã.
Đời thêm một kinh nghiệm quý giá.
Chính ta lại thêm LỚN – KHÔN!
Vấp ngã, cứ vấp ngã đi!
Đứng dậy để vụt lớn!
Giá trị của nỗi buồn
Cơm ăn, nước uống khiến cơ thể lớn lên. Học hành, hiểu biết khiến trí tuệ lớn lên. Yêu thương và bao dung khiến trái tim lớn lên. Một cơ thể lớn khoẻ, một trí tuệ lớn khôn, một trái tim lớn lao. Nhưng chưa đủ!
Cơ thể lớn khoẻ nhấc bổng được rất nhiều thứ song không thể nhấc bổng được nỗi buồn. Một khi nó đè nặng lên tâm trạng ta.
Trí tuệ lớn khôn có thể giải quyết hàng vạn rắc rối song không thể tiễu trừ nỗi buồn trong ta. Một khi nỗi buồn ấy không thể giải quyết bằng sự khôn ngoan.
Trái tim lớn lao bao nhiêu cũng không thể khoả lấp được nỗi buồn. Thậm chí, nó còn khiến nỗi buồn trở nên sâu sắc hơn, thấm thía hơn.
Nỗi buồn. Bản thân nó là một giá trị.
Một giá trị trưởng thành.
Nỗi buồn khiến người nhận nó lớn khôn thêm.
Nỗi buồn khiến người nhận nó sâu sắc hơn.
Nỗi buồn tạo thành giá trị cho niềm vui. Chỉ khi trải qua nỗi buồn mới thấy niềm vui có giá trị thế nào?
Nỗi buồn không hẳn sinh ra từ mất mát.
Nỗi buồn không hẳn sinh ra từ sự cô độc.
Nỗi buồn không hẳn sinh ra từ những sụp đổ.
Nỗi buồn không hẳn sinh ra từ những đau đớn.
Nỗi buồn không hẳn sinh ra từ những yêu thương không đến được trái tim.
Nỗi buồn còn đến từ cả những nhận thức, khám phá!
Khi nhận ra rằng mình quá nhỏ bé trước vũ trụ và quá xa lạ với cả những điều tưởng chừng như đã quá đỗi thân quen.
Như đứng chờ đèn xanh bật giữa ngã tư đông đúc.
Như đối diện với những mảnh đời lạc lõng, những giọt mồ hôi mưu sinh khổ cực.
Như đi qua những trắng đen cuộc đời.
Như khi giật mình toát mồ hôi bởi mình đi chậm quá!
Con yêu!
Khi con thấy buồn, bố xin chúc mừng con, vì con bắt đầu lớn.
Con buồn.
Bố đã hỏi: Vì sao Pi buồn?
Phải chăng vì con đã nhận ra cuộc đời ngổn ngang lắm nỗi.
Phải chăng con sợ hãi vì những suy nghĩ bắt đầu đa chiều chứ không chỉ một chiều như con hằng nghĩ?
Hay phải chăng con đã thấy đôi tay bố mẹ không đủ dài rộng để luôn giữ hờ con, để luôn với kịp mỗi khi con sắp ngã?
Bố đã hỏi con bằng những âu lo của một ông bố chưa sẵn sàng đối diện nỗi buồn của con.
Phải, bố chưa sẵn sàng đối diện với nỗi buồn của con.
Nhưng.
Bố chỉ khéo lo.
Vì Pi bảo Pi buồn chỉ vì bắt chước mẹ. Vì mẹ hay bảo Pi: Pi ơi, mẹ buồn Pi lắm đấy! Mỗi khi Pi lười ăn, lười uống.
Bố khéo lo.
Nhưng bố biết, mình chẳng phải là lo xa quá đâu.
Vì thời gian kia chẳng chậm chạp.
Vì cũng là sắp đến. Nỗi buồn thứ nhất mà con sẽ phải vượt qua.
Vậy thì chầm chậm nhé!
Để bố học cách sẵn sàng cùng con đối diện và vượt qua nó.
Phải, bố cần học cách cùng con đối diện và vượt qua nó.
Thì hôm nay, một bài viết cho con về nỗi buồn...
Gượng nhẹ với trái tim
BỞI TRÁI TIM NGƯỜI MONG MANH LẮM!
Cho một tuần mới thêm nhiều nữa những hy vọng bằng một bài viết về ỨNG XỬ VỚI SỰ THẬT TRẦN TRỤI.
Con thân mến!
Bố đã nói với con chưa về trái tim của con người? Đó là bộ phận kỳ diệu nhất trong cơ thể chúng ta. Không chỉ vì nó bơm máu nuôi chúng ta sống mà nó còn là biểu tượng tinh thần. Là tình yêu, là sự thương cảm, là nhiệt huyết, là sự trung thực, là niềm tin... Người ta vẫn dùng trái tim để yêu nhau, để thương từng điều nhỏ bé, để rung động với cuộc sống, để đốt lửa, để thắp những niềm tin và hy vọng, để tha thứ, để cảm thông, để chia sẻ, để gửi gắm, để bảo bọc, để gìn giữ... Trái tim vì thế mà kỳ diệu. Một người có trái tim mà không để sử dụng gì ngoài việc bơm máu nuôi sống mình thì đó là một trái tim thực vật.
Con yêu!
Bố cũng đã nói với con chưa về những điều trái tim thổ lộ? Trái tim biết nói những điều mà chúng ta không thể diễn đạt bằng lời. Người ta yêu nhau bằng sự thôi thúc của trái tim. Đó là khi đặt tay lên *** trái của mình. Người ta tin nhau cũng bằng cảm giác của trái tim mách bảo. Chia sẻ nhau cũng bằng trái tim trước nhất. Tha thứ nhau cũng vì trái tim muốn thế. Và muốn cống hiến cũng bởi khi trái tim lộn ngược đầu để thắp lên ngọn lửa. Trái tim nói rất nhiều điều. Không có đúng sai trong những lời trái tim nói. Chỉ có nên hay không nên làm, cần hay không cần. Và xác tín bằng nhịp đập của trái tim. Nhịp đập ấy không biết nói dối. Nếu ai không biết nghe, không nghe thấy trái tim nói thì người đó thật bất hạnh và thiệt thòi. Vì cuộc sống không phải chỉ có hai cực đúng/sai, tốt,xấu, cuộc sống còn biết bao điều hoang hoải giữa ranh giới đúng/sai, giữa hai bờ tốt/xấu. Nếu chỉ dùng lý trí để phân định, con sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời chính xác. Và nếu chỉ dùng lý trí, tương lai sẽ trả lời con bằng những tiếc nuối, hối hận và cả những xót xa. Vì lý trí đôi khi vô trách nhiệm với tương lai. Vì lý trí tuỳ thuộc vào kiến văn và hiểu biết. Mà cuộc đời, có khi nào ta biết tất cả mọi điều? Còn trái tim, trái tim không quảng bác được bằng lý trí nhưng trái tim biết điều gì cần cho ta. Trái tim biết con là ai và con muốn là ai?
Vì trong nhiều tổn thương, tổn thương trái tim luôn khiến chúng ta đau đớn nhất.
Bố cũng đã từng không thể bảo vệ được trái tim mình trước những sự thật đau đớn.
Bởi trái tim thì rất mong manh và cũng rất nhạy cảm.
Giá như bố cũng được chia sẻ về những điều này từ trước đó. Có lẽ bố đã không cố một thời muốn quỵ xuống như thế.
Chàng trai của bố ạ, con sẽ khác phải không?
Khó để phân định rạch ròi giữa hôm qua và hôm nay ở cùng một con người mà ta đã khắc ghi trong tim. Nó giống như là một. Nhưng nó lại là hai.
Trái tim cần gượng nhẹ.
Để đau đớn không làm biến dạng trái tim.
Một khi ta yêu thương trái tim mình, bảo vệ trái tim ấy bằng những điều tốt đẹp nhất mà ta từng có.
Phải! Chỉ có sự bảo vệ đó mới đủ sức mạnh để bảo toàn trái tim.
Chỉ có những điều tốt đẹp nhất trong quá khứ và những ước muốn tốt đẹp nhất cho tương lai mới bảo vệ được trái tim.
Vì cuộc sống luôn tồn tại không chỉ một màu hồng. Cuộc sống là rất nhiều mảng màu ghép lại. Thế nên, những mảng màu tối cũng chỉ là những mảng màu chứ không phải là tất cả. Gượng nhẹ với trái tim không phải là tô hồng cuộc sống. Mà gượng nhẹ với trái tim tức là tránh để trái tim tức là tránh để trái tim chìm trong những mảng màu tối sẫm.
Và nữa, cũng đừng làm trái tim người khác bị đau bởi những sự thật ta biết. Cũng không phải là che giấu sự thật đó với họ. Mà là bằng cách khác, cho người ấy biết trái tim họ còn nhiều điều tươi đẹp bên cạnh sự thật đớn đau kia. Đó chẳng phải là sự khôn khéo của ta mà là sự yêu thương của ta. Con không dùng ngoa ngôn hay lời lừa mị. Con hãy dùng sự chân thành, chia sẻ và sự sẵn sàng bảo vệ họ để xua đi đám mây đen kịt mà sự thật kia mang lại cho họ.
Nó không phức tạp như bố đang chia sẻ với con đây.
Một khi con yêu trái tim họ như chính trái tim mình.
Những lời khen chứa một phần xấu xí
Bố không muốn con là một chàng trai HƯ nhưng bố cũng không muốn con là một chàng trai NGOAN. Vì một chàng trai HƯ rất dễ HỎNG và một chàng trai NGOAN thì rõ ràng là đã HỎNG.
Một bài TRÒ CHUYỆN ĐẦU TUẦN của bác Huynh mà bố rất thích. Khi các cô gái vẫn thường kêu gào đòi Bình – Đẳng – Giới nhưng lại rất dễ chấp nhận sự bất bình đẳng chỉ vì một câu khen.
NHỮNG LỜI KHEN CHỨA MỘT PHẦN XẤU XÍ
Đoàn Công Lê Huy
Năm 1859, một phụ nữ bỗng ngã lăn ra ૮ɦếƭ hai ngày sau đêm khiêu vũ. Trong đêm này bà ta được ca tụng là người có tấm lưng ong đẹp nhất. Mổ khám nghiệm tử thi mới hay bà ta bị dập ba chiếc xương sườn, xương đâm vào lá gan gây ra tử vong. Thủ phạm là chiếc áo nịt *** thắt quá chặt.
Một tư liệu phương Tây đã dẫn nguồn tin đáng tin cậy. Thì còn ai lạ gì chuyện ấy, khi cô nàng Scarlett trong Cuốn theo chiều gió phải nghiến răng kìm *** đau đớn để cho bà ✓ú mạnh tay siết chặt eo chiếc váy khi nàng chuẩn bị đi dự dạ hội khiêu vũ ở trang trại Mười hai cây sồi. Khổ chưa, cái giá phải trả thật là khốn khổ để được cánh đàn ông khen đẹp!
Khi người Trung Quốc khen phụ nữ có gót sen nhỏ nhắn cũng là khi người phụ nữ xứ họ phải chịu cực hình trong tục bó chân tàn bạo, mỗi đôi chân là một sự tàn phế man dại.
Khi người Nhật khen người phụ nữ xinh đẹp trong chiếc áo Kimono cũng là khi người phụ nữ Nhật phải chịu làm hình nộm cứng đơ, đau nhức các khớp xương gần như là mạn tính.
Khi người đàn ông khen chiếc áo dài Việt cũng là khi rất có thể họ đang hả hê thưởng thức hai miếng phó mát ở hai bên eo bạn, là khi họ đắc thắng ngâm thơ: “Áo em trắng quá nhìn thâu da”, hay “Trời Sài Gòn anh đi mà chợt “thấy”.../ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.” Thấy hết, và kệ cái nóng 35 độ trong bó cứng của xứ Huế hay cái lạnh 10 đô trong phong phanh của trời Hà Nội.
Khi giới chính trị đàn ông khen người phụ nữ “tòng phu” thì cũng là khi họ vì họ, vì muốn giữ giọt máu, nguồn gien của chính họ trong một xã hội cha truyền con nối.
Khi người đàn ông khen người phụ nữ “tiết hạnh”, chồng ૮ɦếƭ mà vẫn “tòng tử” theo con thì cũng là khi họ muốn giữ mảnh ruộng của dòng tộc họ không về tay kẻ khác, mặc cho thân phận người phụ nữ có thể úa tàn.
Khi họ muốn người phụ nữ phải hội đủ công dung ngôn hạnh, cũng rất có thể là khi họ bày tỏ lòng tham không đáy, muốn có cả bốn phương trong bàn tay mình, muốn có cả bốn mùa trong một ngày, muốn cả bốn cung bậc chỉ trong một nốt nhạc, mặc cho người phụ nữ phải loay hoay xoay xở hàng thiên niên kỷ trong một cổ bốn tròng.
Thế đấy bạn gái ạ, trong những lời khen đôi khi có chứa vài sự thật đắng cay.
Cũng như khi người đàn ông khen người phụ nữ thắt đáy lưng ong là khi họ mong muốn một người khéo chiều chồng và khéo nuôi con. Đúng thế, chắc chắn chỉ có những người làm nhiều và ăn ít, thức khuya dậy sớm thì mới thắt đáy lưng ong ở trong cái xã hội không có aerobic cũng như thể dục thẩm mỹ, chạy bộ, lắc vòng...
Nên chi, bạn ạ, bạn phải coi chừng những lời khen.
Đôi khi họ khen mình là nữ tính để họ dễ bề thôn tính cả không gian và âm thanh, khi bạn thu mình lại và ăn nói nhỏ nhẹ trước họ. Khen bạn dịu dàng là để bạn không bộc lộ trí thông minh hơn họ: Không cãi lại họ và họ dễ dàng áp đặt.
Họ khen bạn là phái đẹp để bạn đừng làm hơn những gì của một bông hoa.
Họ khen bạn là hoa để họ làm ong làm bướm, đậu rồi lại bay. Họ khen bạn là hoa để bạn làm vai trò trang trí, để bạn không ở địa vị cao, không nhận nhiều lương của họ. Và đôi khi, cao hứng lên, họ còn trịch thượng phán xét bạn là hữu sắc vô hương nếu bạn lỡ không hơn một vật trang trí.
Họ khen vợ họ là bà nội trợ giỏi để họ yên tâm một mình tung hoành nơi biên ngoại với tri thức, sự nghiệp, khoa bảng, quan trường, nhà trò con hát...
Thế đấy! Đừng sung sướng với những lời khen để biến mình thành người khác. Mỗi bạn gái đã là một kho tàng của chính mình. Mỗi người chỉ cần là một nốt nhạc cũng đủ làm cho giai điệu cuộc sống rực rỡ âm thanh. Có những lời khen chứa đựng một phần xấu xí. Hỡi một nửa nhân loại, hãy cảnh giác với lời khen!
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc