Thư Không Gửi Và Lọ Đựng Sao

Tác giả: Đang cập nhật

Đừng cất giấu yêu thương, vì biết đâu mai này, ta không còn cơ hội để trao gởi đến mọi người.
*
Năm chị mười tuổi, tôi lên tám, mẹ đi công tác về, mua quà cho chúng tôi là hai xấp giấy viết thư đủ màu. Những tờ giấy được kẹp trong một chiếc bìa bọc da màu hồng nhạt với hoa văn là vô số cánh hoa anh đào đỏ, được in nổi, rất cầu kì. Hình ảnh trên chiếc bìa da khiến chúng tôi có cảm giác như chúng là những cánh hoa thật, vô tình được gió mang đến từ một miền đất rất xa. Giấy viết thư cũng không phải loại giấy bình thường mà tôi có thể mua được từ bất kì đâu. Mỗi tờ giấy là mỗi màu riêng biệt cùng tông với loại hoa được in ở viền giấy. Giấy hoa anh đào màu hồng, oải hương màu tím, Mimosa màu vàng, lưu ly màu xanh nhạt và vô số những loại hoa xa lạ tôi chưa từng biết tên.


Mẹ đưa cho hai đứa chúng tôi kèm theo một cái nháy mắt thần bí: “Cái này dùng để các con cất giữ yêu thương của riêng mình.”
Tôi đứng ngẩn người nhìn mẹ, ngạc nhiên đến mức há hốc mồm mà chẳng thể nói được dù chỉ một câu. Còn chị thì cười tít mắt với món quà được tặng, ôm riết chúng vào lòng, trả lời một cách giòn tan với vẻ vui sướng không thể kiềm chế của một đứa trẻ: “Dạ, con biết rồi ạ.”
Kể từ đó, chúng tôi có những nơi bí mật, cất giấu yêu thương của riêng mình.
*
Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng lại thấp hơn tôi nửa cái đầu và nhỏ con đến mức tất cả đều lầm tưởng chị là em gái út của tôi. Từ bé, sức khỏe của chị đã có vấn đề, thỉnh thoảng lại nằm bệnh viện cả tuần mới được về nhà nên bọn con nít trong xóm chẳng có đứa nào muốn chơi với chị. Bọn nó còn ngây ngô thì thầm to nhỏ kể cho tôi rằng, chị tôi bị bệnh gì đó ghê gớm lắm, động vào có khi cũng dính bệnh như chơi. Kết quả là chiều hôm ấy, cả lũ bầm mình với tôi, còn tôi thì bị mẹ đánh bầm ௱ôЛƓ đến ngồi cũng không được.
“Út thiệt là siêu quá đi.” Chị trèo một cách khó nhọc lên tầng trên của chiếc giường hai tầng trong phòng chúng tôi. Một tay chị vịn vào thanh chắn tầng trên, một tay chìa về phía tôi ra dấu ‘tuyệt vời’, còn miệng thì cười toe toét với vẻ khoái chí pha kèm một chút cảm động không nói nỗi thành lời.
“Tụi nó nói xấu hai…. Hu hu hu… em nói mẹ rồi mà mẹ vẫn đánh em. Em ghét mẹ!!!” Tôi vừa nhìn thấy chị liền nhổm dậy ngồi khóc ngon lành, mặc cho chị vẫn dán người vào chiếc thang hẹp, chồm tới trước vỗ vỗ vai tôi đầy an ủi.
“Thôi nín đi! Chị không thèm chơi với tụi nó. Chị ở nhà chơi với út là được rồi.”
Tôi khóc càng lớn hơn, còn chị vẫn cứ cười như thế, thỉnh thoảng còn lấy khăn tay quệt nước mũi cho tôi nhưng lại vô tình khiến khuôn mặt béo mẫm của tôi lem nhem đến buồn cười.
Chiều hôm ấy tôi ngồi trong phòng không thèm xuống nhà ăn bữa xế, quyết tâm viết một bức thư chứa đầy sự oán trách dành cho mẹ. Bức thư đầu tiên của tôi được viết như vậy.
*
Cứ thế, chúng tôi lớn dần lên, kèm theo đó là những bức thư tôi viết cũng dày lên theo năm tháng. Cho đến lúc, tôi phải bỏ tiền ra mua giấy từ bên ngoài về để kẹp thêm vào.
Tôi cho tất cả các bức thư kẹp trong chiếc bìa da màu hồng vào một chiếc hộp sắt có khóa, giấu kĩ ở góc trong cùng của ngăn kéo bàn học. Còn chiếc kẹp chứa thư của chị, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó kể từ khi mẹ tặng quà cho chúng tôi. Tất nhiên tôi tò mò, nhưng tôi lại lười không muốn tìm hiểu. Với tôi, mọi thứ xuất hiện hay không xuất hiện đều có mục đích của nó cả. Việc đi đào xới mục đích của tất cả mọi thứ quả là một việc làm chẳng ra sao.
Tôi vẫn theo thói quen viết tiếp những bức thư không gởi cho vào hộp sắt. Có bức tôi viết khi tôi giận, có bức viết khi tôi vui vẻ và cảm thấy biết ơn, cũng có bức tôi viết cho những đêm tối chông chênh ngồi chờ tin tức của chị từ bệnh viện. Tất cả, tất cả cảm xúc tôi đều viết hết thành thư cho tất cả mọi người nhưng tuyệt nhiên ngoài tôi ra sẽ chẳng ai được phép biết đến chúng.
Và rồi, một ngày đẹp trời, chị ôm một chiếc lọ thủy tinh lớn dùng để đựng bột cacao Milo mà chúng tôi vẫn thường uống, đem đặt lên kệ trên cùng của bàn học. Sau đó, chị lại tháo tung chiếc ruy băng cột tóc buộc quanh miệng lọ thành chiếc nơ trang trí và thả vào đó vô số những ngôi sao nhỏ nhiều màu được gấp từ những tờ giấy viết thư.
“Sao chị lại phí thế! Giấy đẹp vậy mà lại đi xé dọc để gấp sao à?” Tôi nhăn nhó nhìn cái lọ sao gần đầy, tiếc rẻ những tờ giấy xinh đẹp kia.
“Ừ! Chị viết không giỏi như út nên chị lưu lại mọi thứ bằng cách khác.” Chị đứng ngắm nghía lọ đựng sao một hồi lâu rồi lại cười tươi nhào đến ôm rịt cổ tôi. “Chị gấp đẹp mà! Đúng không? Đúng không? Út mập, nói nhanh không chị buồn bây giờ.”
Tôi gật đầu lia lịa, mắt vẫn không rời lọ đựng sao. Đúng là rất đẹp nhưng cũng vẫn hơi phí phạm. Tôi thở dài thườn thượt.
Từ lúc thấy lọ đựng sao ấy, tôi bắt đầu chú ý đến những thói quen kì lạ của chị. Như việc sau một ngày chị sẽ ngồi cắm cúi để xếp những ngôi sao tí hon, số lượng của một ngày dường như là ngẫu nhiên cũng dường như có ý nghĩa gì đó. Có ngày thật nhiều, giống như hôm sinh nhật chị, chị thức đến gần một giờ sáng để gấp hơn 40 ngôi sao cho vào lọ. Có ngày lại chỉ có một hai cái ít ỏi. Tôi không hiểu lắm về việc chị làm mà có đi hỏi chị cũng không đời nào nói, nên rồi cũng coi như không thèm tò mò nữa.
Năm tôi mười tuổi, chị mười hai…. Tôi có rất nhiều những bức thư không gởi còn chị có cả một lọ đựng sao.
*
Hai năm sau lọ đựng sao vẫn thế, chẳng nhiều thêm cho dù chỉ là một ngôi sao bé nhỏ. Chị tôi đột ngột qua đời sau một cơn trụy tim nặng khi chị chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ mười ba. Từ đấy chẳng còn ai cho thêm yêu thương vào chiếc lọ Milo có buộc nơ ấy nữa. Tôi cũng ngừng không viết thư từ đó và bắt đầu trở thành một con đà điểu thích trốn tránh. Những gì liên quan đến chị hay gợi tôi nhớ về chị, tôi đều cho vào một chiếc thùng carton, cất nó lên tận nóc tủ quần áo, mặc cho thời gian phủ bụi lên những kí ức vốn rất đẹp đẽ của chúng tôi.
Mẹ tôi, ba tôi và tôi vẫn thế, tiếp tục cuộc sống bình thường mà không có chị, không có nụ cười của chị hay thậm chí là những câu nhõng nhẽo đáng ghét lúc ốm của chị.
*
Cuộc sống cứ thế lặng lẽ, yên bình, buồn chán qua đi mãi cho đến khi ba quyết định sửa sang lại nhà cửa, thay đổi một chút bố trí trong các căn phòng. Năm đó, tôi vừa học xong học kì hai năm nhất Đại Học và lên đường trở về nhà nghỉ hè.
Tôi trở về nhà sau một năm học dài đằng đẵng, gặp lại gia đình mình, gặp lại đám bạn cùng xóm, có chút gì đó bỗng nghèn nghẹn khóa chặt nơi cổ họng của tôi. Thì ra, ngoài cảm giác mất mát, cảm giác tìm lại cũng khiến con người ta xúc động đến thế.
Tôi tụ tập với đám bạn nguyên một ngày tròn rồi hôm sau ngoan ngoãn ở nhà phụ giúp ba mẹ dọn dẹp mọi thứ. Tôi tháo hết tất cả hình dán, khung ảnh, chuông gió, sách vở cho vào thùng giấy. Dọn dẹp cả giường ngủ và tủ quần áo một năm không động đến. Tất nhiên, kể cả chiếc hộp carton nằm trên nóc tủ đã bám một lớp bụi rất dày.
“Cái gì thế hả con?” Mẹ phủi phủi bụi trên nắp thùng carton rồi ngẩn người hỏi tôi khi nhìn thấy nó.
“Đồ đạc chung của con với của hai.” Tôi cúi người, gỡ lớp băng keo dày ra khỏi mép thùng. Bụi mịn bay lên hay kí ức hiện về bỗng nhiên khiến mũi tôi khụt khịt, nghèn nghẹt. Tôi nhấc chiếc hộp sắt đựng đầy thư của mình đặt trên nền nhà ngổn ngang đồ đạc, tiếp đó là chiếc lọ đựng sao của chị, tôi ôm chặt trong lòng.
Mẹ ngồi xếp bằng trước mặt tôi, với lấy chiếc hộp sắt rồi khẽ bật cười hỏi nhỏ: “Con làm gì với những tờ giấy viết thư mẹ tặng?”
“Con viết rất nhiều thư. Mỗi lúc buồn hay vui, cầm cám ơn ai đó hay cần trút giận vào ai đó con cũng viết. Viết rất nhiều. Nhưng chỉ viết cho con thôi.” Tôi ngượng ngùng liếc nhìn chiếc hộp đang ở trong tay mẹ, lí nhí trả lời như đứa trẻ vừa bị bắt quả tang đang làm việc xấu.
“Mẹ biết ngay mà! Út bao giờ cũng sống nội tâm nên hay để trong lòng, thế nào cũng làm nguyên một tuyển tập cảm xúc cất giấu cho mà xem.” Mẹ vò đầu tôi rồi cầm lấy lọ sao từ tay tôi đưa lên cao ngắm nghía. “Chị con lại không như thế! Nó biết cuộc sống của nó vốn ngắn ngủi nên chẳng bao giờ chịu bỏ thời gian viết bất kì thứ gì cả.”
“Chị ấy không thèm viết cho con lấy một câu.” Tôi dụi mặt vào đầu gối. Nước mắt không biết từ đâu cứ tràn ra cho dù bao nhiêu năm nay tôi đã quen với việc mình không còn chị.
“Nhưng mỗi lần nó nói ‘Hai thương em’ với con nó đều cho vào đây một ngôi sao. Có ngôi sao nó bảo nó thương mẹ, có ngôi sao nó xin lỗi ba vì cứ bệnh hoài, lại có ngôi sao vì nó nhớ ông nội…. Dù sao, đây là thư của nó viết cho mọi người, chỉ có điều là không hề có chữ.” Mẹ lau vội khóe mắt đỏ hoe vừa cười vừa nói.
Nắng chiều đỏ rực chiếu vào ô cửa kính, phủ lên vai mẹ, phủ lên đầu tôi như một cái ôm mềm và ấm mà chị gởi đến từ một miền rất xa, rất xa…. Nơi những bông hoa đủ màu đang đua nhau nở rộ. Sau những năm tháng dài cuối cùng tôi cũng tìm ra được bí mật yêu thương của riêng chị mà tôi chưa từng biết. Những yêu thương thay vì viết trong thư đã được nói rõ thành lời.
Đời người vốn ngắn, có bao nhiêu năm, còn bao nhiêu năm chẳng ai đoán trước được. Thế nên đừng cất giấu yêu thương quá sâu, khóa quá chặt nếu như không muốn một ngày ngỡ ngàng nuối tiếc cho những gì không kịp nói ra.
*
Năm tôi mười chín tuổi, trên bàn học có một lọ đựng sao buộc nơ của chị, một chiếc hộp để mở đựng thư của tôi, và một chiếc bình thủy tinh cao cổ tôi dùng để gấp tiếp những ngôi sao cho riêng mình và cho chị. Chị của tôi.
Nguồn: Sưu tầm

Thử đọc