Sự trượt dốc của một hotgirl

Tác giả:

Tôi quen T bởi chúng tôi có chung một niềm đam mê là nghệ thuật. T xinh đẹp, hát hay nhưng học thì chỉ ở mức khá. Cũng giống như bao bạn trẻ khác, T ấp ủ trong mình ước mơ trở thành người nổi tiếng, được bạn bè ngưỡng mộ.

T tích cực tham gia vào những cuộc thi hát ở trường. Giọng hát T được khá nhiều người chú ý có lẽ một phần vì T xinh đẹp và sở hữu một body chuẩn. Ước mơ của T không thể gói gọn trong những cuộc thi hát cấp trường nên T quyết định đăng ký tham gia một cuộc thi nhan sắc dành cho teen. Là bạn của nhau nên tôi từng ngày theo dõi và mong cho T được giải.

Ngày ấy T trong sáng và dễ thương lắm, có lẽ vì vậy mà T đạt giải cao trong cuộc thi đó và bỗng chốc trở thành hotgirl, được nhiều người quan tâm. T bắt đầu nhận những lời mời tham gia chụp ảnh, làm người mẫu và đi đóng phim. Tôi quý mến T vì lẽ cô nàng nổi tiếng nhưng vẫn khá hòa đồng, dễ thương. Ngày đó T không có xe máy, vất vả lắm cô bạn mới xin gia đình được một chiếc xe số để làm phương tiện đi lại trong công việc nghệ thuật của mình. Tôi cũng thấy tội cho T khi phải bắt gặp những ánh nhìn xa lạ, dò xét của nhiều hotgirl khác.
Bẵng đi một thời gian, tôi và T chỉ liên lạc qua điện thoại di động và chat vì T bảo rằng dạo này bận quá nhiều show chụp hình, tôi cũng tin và mong cho T thành công với những gì mình đã chọn. Tình cờ gặp lại T sau đó, tôi ngỡ ngàng vì mọi thứ đã thay đổi 180 độ. Chiếc xe máy cà tàng cũ đã được thay bằng xe tay ga cao cấp, điện thoại cũng được thế chỗ bằng “con” iPhone hàng hiệu. Tôi “choáng” toàn tập vì tôi hiểu rõ T hơn ai hết, gia đình T không khá giả, thậm chí là chỉ ở mức “đủ ăn đủ mặc”, không thể nào chỉ trong vòng 2 tháng mà T có thể kiếm đủ số tiền lớn như thế để mua xe, mua điện thoại đắt tiền như vậy. Tôi cũng làm nghệ thuật và tôi biết nghề này không phải dễ dàng kiếm tiền bởi lẽ bản thân T còn quá trẻ.
Đúng như những gì tôi dự đoán, T cặp đại gia. Người ấy hơn T đến gần 30 tuổi. Tôi thấy tiếc cho những gì đã qua, còn quá sớm để T phải trả giá cho những nhu cầu vật chất không đáng có ấy.
Tôi vẫn liên lạc với T để hiểu thêm về cuộc sống của một hotgirl sắp trượt dốc. T không còn nhận được nhiều lời mời đi chụp ảnh nữa bởi lẽ ngoài một ngoại hình dễ thương thì hiện tại T chẳng có gì trong tay. Học vấn thì chỉ mới vừa tốt nghiệp, kiến thức cũng chẳng có, với cái kiểu hotgirl “dở dở ương ương” ấy chẳng trách sao những người phụ trách các mảng thời trang ngày càng e dè việc mời T cộng tác. Những đêm lang thang các shop chọn quần áo đi diễn được thay bằng những đêm cặp kè bên tay đại gia già shoping tại các trung tâm thương mại cao cấp. T tìm quên bằng việc lao vào chơi thuốc lắc, tôi thấy sợ nhưng không xa lánh T vì tôi biết rõ cuộc sống này còn nhiều lí do nằm khuất trong góc tối mà con người ta không thể nào giải thích được.
Hôm tôi gặp T ở một quán trà sữa bình dân nằm khuất trong góc đường ở quận 10, mặt T có một vết bầm. T bảo rằng mình làm thì mình chịu, chẳng có gì đáng nói và tôi biết rõ cái “mình làm mình chịu” ấy là một trận đánh ghen kinh hồn của bà vợ của người chồng giàu sụ mà cô nàng T đang cặp kè. Tôi khuyên T nên theo học một nghề gì đó để sau này còn có việc làm nhưng T bảo đã mang tiếng hotgirl mà khoác lên mình quần áo hàng chợ, không có tiền chi vào những cuộc vui xa xỉ thì sẽ bị người ta khinh đến mức nào. Đến lúc này thì tôi hiểu định nghĩa về hotgirl của T đã hoàn toàn lệch hướng. T ngồi bấm bấm vào cái điện thoại hàng hiệu cố tỏ vẻ sành điệu nhưng tôi thừa biết đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy T đang trượt dốc thật sự và chẳng còn biết bản thân mình đang làm gì nữa.
Gần đây cái tên hotgirl T đã không còn xuất hiện nữa, ai không quan tâm cứ nghĩ đó là lẽ bình thường vì một “sao” sớm mọc tối tàn thì chắc không đủ sức trụ lại, nhưng tôi thừa biết T đang phải đối diện với những sự thật mà người tạo ra nó không ai khác chính là tay đại gia từng theo đuổi, săn đón T. Chiếc xe ngày nào bị tịch thu lại, thậm chí T còn phải trốn về quê ngoại tận Long An để lánh mặt, không bị người ta đòi nợ. Vừa thương vừa giận T, tôi lại giật mình không biết còn bao nhiêu hotgirl nữa bị lóa mắt trước những thứ vật chất hào nhoáng không phải thuộc về mình. Liệu có nên chăng xem sự trượt dốc của T như một bài học để cảnh tỉnh thế hệ teengirl trước những cám dỗ của cuộc sống đầy cạm bẫy?

Thử đọc