Má Tôi

Tác giả: Đang cập nhật

Có một bến sông đã tắm mát suốt chiều dài tuổi thơ tôi...


Tuổi thơ tôi là những ngày rong ruổi khắp các cánh đồng để hái rau cho lợn, là những trưa hè bắt hến trên sông, là củ khoai lùi má để dành trên bếp...Tuổi thơ tôi nghèo lắm. Má tôi sớm hôm lo chăm bón ngoài đồng. Ba tôi thả lưới trên sông. Bữa cơm chiều thường chỉ là nồi khoai luộc. Áo quần tôi mặc là của anh tôi để lại với năm ba mãnh vá vội vàng. Anh em tôi đã lớn lên như thế.


Rồi một ngày, những cô cậu bé lem luốc cũng rời xa vòng tay quê mẹ. Anh tôi vào Sài Gòn còn tôi ngược dòng ra Huế mang theo ước mơ con chữ, tấm bằng đại học.

Ngày anh tôi lên đường cái xóm nghèo bỗng trở nên náo nhiệt, người cho quyển vở, kẻ gởi bánh xà phòng. Má tôi không khóc mà chỉ đứng nhìn theo bóng anh gày còm, đen đủa đang cố bước nhanh cho kịp chuyến xe. Mấy đêm liền má tôi không ngủ, mà lặng lẽ ngồi khâu từng chiếc áo cũ của anh, "bây giờ nó không mặc nữa nhưng khâu lại để ba tụi bây mặc đi làm".


Trong những cuộc điện thoại ngắn ngủi hay những dòng thư miên man anh tôi gởi về mang đầy hơi thở của chàng sinh viên nghèo: "Má à! Đồ ăn ở đây đắt lắm, buổi sáng con ăn ngàn xôi mà không đủ no. Cuối tuần con đi làm thêm cũng kiếm được chút chút. Con đi bưng bê phục vụ đám cưới đó má, kiếm được chút tiền mà lại còn được người ta cho đồ ăn thừa mang về. Đồ ăn ở đây ngon lắm đó má, cứ sau mỗi bữa đi làm đám cưới là cả phòng con được bữa no nê đến tận sáng mai".


Mỗi lần có thư anh tôi gởi về là má đọc cả chục cả trăm lần. Hễ cứ rảnh là má đọc, đọc xong má lại lủi thủi ra vườn ngồi trầm ngâm một mình. Má lục tục đi rang mớ đậu, mớ nếp rồi xay thành bột, thứ bột mà má tôi bảo là bột ngũ cốc rất tốt cho sức khỏe. Má đùm túm cất kỹ trong vại rồi đi ngóng chừng khắp xóm xem có ai vô Sài Gòn là má tất bật mang gởi cho anh tôi.


Nghe đâu anh tôi mừng lắm, hôm nào đi học thì anh trộn bột với ngàn xôi là đến trưa không thấy đói, hôm nào ở nhà thì chỉ cần khuấy bột lên coi như đủ no. Nhờ túm bột của má mà anh thôi cảnh đói mỗi sáng.


Mỗi năm anh tôi về thăm nhà được hai lần, đó là những cuộc nói chuyện huyên thuyên thâu đêm suốt sáng. Chị em tôi vây quanh anh tíu tít hỏi "Sài Gòn rộng không anh?" "Sài Gòn chắc đẹp lắm hè?" "Sài Gòn nhiều nhà cao không anh?" "Ở ký túc xá có vui như trong phim không anh?"...Những lúc như thế má chỉ khẽ mắng "để im cho anh bây nghĩ". Mắng thế thôi chứ chính má cũng đứng nghe say sưa chuyện anh tôi kể.


Có một lần mà chị em tôi không bao giờ quên, đó là lần anh tôi về thăm nhà trong dịp nghỉ hè vào một đêm trăng sáng, cả nhà tôi đã dần chìm vào giấc ngủ chợt nghe tiếng má tôi gọi khẽ "thằng cu Bi, thằng cu Bi dề hả con?" Cả nhà choàng dậy.


Anh tôi đứng đợi ngoài cửa trên tay xách chiếc ba lô con con, tay kia giữ kỹ chiếc bao bố to đùng trên vai. Ba, má tôi lo hỏi thăm sức khỏe của anh, "sao lại về lúc nửa đêm thế này?"...còn chị em tôi chỉ lo khám phá chiếc bao bố to đùng kia.


Con bé út nhấc chiếc bao rồi cười ha hả "Chỉ to thôi, không nặng tý mô hết". Thì ra đó là món quà Sài Thành của anh hai mang về cho chị em tôi. "Hôm trước anh Hai đi làm thêm, được 100 ngàn, trên đường về phòng thấy người ta bán gấu bông đẹp quá nên anh nhớ hai đứa, ghé mua cho hai đứa một con làm quà" Chị em tôi mừng đến tít mắt. Con gấu bông mà anh đêm về từ Sài Gòn có hai màu đen và xám, to gần bằng con bé út nhưng mập mạp hơn nó nhiều.


"Gấu bông đắt lắm hả anh hai?" "Anh chỉ đủ tiền mua loại rẻ cho em thôi". Lúc đó chị em tôi chẳng biết mà cũng chẳng cần biết đó là loại gấu bông được làm từ mấy thứ vải rẻo mà người ta bỏ đi với giá chưa đầy hai mươi ngàn đồng. Cả hai nâng niu con gấu như bấu vật.


Hai năm sau tôi vào đại học. Má tôi lại tiễn tôi đi vẫn với đôi mắt ráo hoảnh như hôm nào. Hành trang tôi mang theo có cả khoai khô, gạo trắng và những đồng tiền nặng vị mồ hôi mà má tôi đã đổi bằng bồ thóc để dành.


Xứ Huế mưa nhiều, lạnh lắm, má tôi lại lo tôi thiếu áo ấm, thiếu chăn mền. Má tất tả đùm túm đi thăm tôi. Món quà má mang cho tôi là trái đu đủ chín trong vườn, là nắm xôi má nấu vội, là dăm ba quả trứng gà mới đẻ, là tấm chăn má để dành bấy lâu.


Mỗi ngày trôi qua tóc ba thêm sợi bạc, mắt má thêm một chút thâm quần. Những khoảng thời gian ít ỏi của mấy dịp hè, lễ, tết là những lần nhà tôi vui nhất. Anh em tôi quây quần bên nhau kể cho nhau nghe những vui buồn của đời sinh viên xa nhà. Má tôi tất tả nấu những món ngon bồi dưỡng cho anh em tôi.


Hai năm nữa trôi qua, anh tôi tốt nghiệp ra trường. Má tôi vui lắm nhưng lại lo cho công việc của anh. Má chạy vạy khắp xóm, bán thêm con gà mớ thóc để có đủ tiền mua cho anh cái xe đi làm. Con xe Dream Trung Quốc được mang về bằng chính mồ hôi, nước mắt và niềm hy vọng của má.


Những ngày khó khăn, chật vật dần trôi qua. Rồi tôi cũng ra trường. Ngày tôi mang tấm bằng về khoe với má là ngày má khóc nhiều nhất. Má khóc vì vui, vì hạnh phúc và khóc để cuốn trôi tất cả những vất vả, lo toan bấy lâu.


Bây giờ, bé út đã vào đại học. Anh tôi cũng có một chức vụ hẳn hoi trong xã hội. Tôi sắp được nhận tấm bằng Thạc sỹ chính thức. Chúng tôi không còn được quây quần thường xuyên bên má nữa. Anh, em tôi đã có những tổ ấm riêng của mình để vun đắp. Cơ hội cho anh em tụ tập đông đủ bên má ít dần. Những lần về thăm nhà, tôi thấy tóc má đã bạc gần hết. Má cười nhưng nụ cười sao nhăn nheo quá đổi.


Tôi cũng biết má còn lo cho tôi nhiều lắm. Má lo cho công việc của tôi, lo cho nơi ăn chốn ở của cái gia đình ba người của tôi. Má vẫn không quên nhắc tôi "Sống răng cho thanh thản nghe con!" Tôi hiểu, khi xã hội đang quay cuồng với tiền tài, danh vọng hay chức vụ thì làm sao những con người còn tầm thường như tôi không khỏi bị cuốn vào đó. Và tôi hiểu má muốn tôi biết rằng tất cả chỉ có ý nghĩa khi mình sống thật làm thật.


Chiều nay, chợt thấy thèm quá nồi khoai lang nóng hổi má mới luộc. Thèm quá tiếng cười nói của bé út. Thèm quá bến sông mỗi chiều anh em tôi tắm mát. Tôi về thăm má.


- Má ơi! Nhà mình giờ hết nghèo rồi má hè!


Má cười làm nhăn dúm mấy nếp da đồi mồi trên mặt:


- Nhà mình có nghèo bao giờ đâu con, nhà mình chỉ ít tiền thôi.


Tự dưng, tôi thấy xấu hổ với má quá, má đã hy sinh tất cả cho tôi ăn học nên người nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được một điều rất đời thường rằng "Nhiều tiền không phải là giàu mà chỉ làm cho con người ta đỡ vất vả hơn thôi. Ít tiền chưa phải là nghèo, chỉ là ta phải vất vả hơn một tý."


Cả đời má đã vất vả vì tôi nhưng tôi có làm được gì cho má?


Ngồi bên má, tôi thấy lòng mình sao bình yên quá đỗi. Tôi ước thời gian sẽ dừng lại mãi mãi.


Bỗng dưng tôi thấy mắt mình cay xè...


Xuân Võ