Chiếc xì-líp màu đỏ

Tác giả:

Một chiếc xì-líp nhỏ đã rơi xuống, trước ban công căn hộ của tôi. Chiếc xì líp có màu đỏ.
Hẳn là một cơn gió đã mang chiếc xì – líp từ đâu đó tới. Một buổi chiều đi làm về, tôi đã thấy nó ở đấy rồi.
Cái ban công nhỏ và hẹp, chính xác là 3,8 mét vuông. Bản vẽ được giao cho tôi lúc ký hợp đồng mua căn hộ này đã ghi rõ kích thước của nó là 1m x 3,8 m. Ban công được thiết kế nhô hẳn ra phía ngoài, mục đích hứng được nhiều nắng gió và khí trời. Tôi đã mua về những chậu cây cảnh cả nhỏ lẫn vừa, đặt vào đấy. Dăm ba loại sống đời, mấy giò phong lan, và một vài cây bonsai nhỏ nhỏ đã tạo thành một tiểu không gian sống động.
Hàng ngày, khi đi làm về, tôi cố giữ thói quen tưới cho chúng một vài ca nước vào chậu, rồi phun một ít nước lên lá bằng cái bình xịt nhỏ nhỏ mua ngoài siêu thị. Đôi khi, vào những buổi sáng cuối tuần, tôi sẽ tỉ mẩn nhặt đi những chiếc lá khô, lá già, hoặc một vài con sâu, hoặc mua thêm một ít đất về bón vào gốc…
Việc chăm sóc cái ban công tạo cho tôi những niềm vui nhỏ nhỏ, nhất là khi thấy những quả ớt cảnh vừa đậu, hay mấy cái nụ be bé thòi ra trên những mảng xanh xanh… Niềm vui đơn giản như khi biết mình đã vừa tạo thêm được một điều gì đó có ích cho mình. Mặc dù việc bắt buộc phải tưới cây hàng ngày thi thoảng gây cho tôi những phiền toái, nếu tôi về nhà khi quá muộn, khi mệt mỏi vì công việc, vì khách hàng, những lần đi công tác, hoặc thậm chí là say xỉn. Có vài lần, tôi bỏ quên cái ban công cả tuần liền, hậu quả là sau đó các cây cảnh héo quắt, và tôi lại phải thay bằng một loạt cây mới…
Trước Noel vừa rồi, tôi có mua về một chậu hoa trạng nguyên. Qua Tết thì những màu đỏ đã tàn, chỉ còn những chiếc lá xanh lục, to bản.
Vì thế mà buổi chiều về, nhìn thoáng ra ban công, tôi đã ngỡ là cây trạng nguyên lại nở một đợt hoa mới.
Nhưng lúc mang cái bình xịt ra để tưới cây, tôi mới nhận ra đó là một chiếc xi líp màu đỏ. Một thoáng ngại ngần xâm chiếm, trước khi tôi bối rối chạm tay vào nó, trong một cảm giác lén lút và vụng trộm, như một anh chàng mới lớn. Cho dù tôi biết chắc chắn rằng ko hề có ai đang theo dõi tôi…
Rồi tôi lẳng lặng mang nó vào nhà.
Nó còn khá mới, và tôi hình như còn thoáng cảm thấy cả mùi hương nước xả …
Chiếc xì – líp nhỏ nhỏ và xinh xinh, nhìn khá nữ tính. Dòng tên thương hiệu nổi tiếng thêu kín đáo phía sau. Những riềm đăng ten nhẹ nhàng, khơi gợi sự lãng mạn và cả những tò mò. Tôi cố hình dung ra chủ nhân của nó… Phỏng đoán chắc hẳn phải là một người con gái còn trẻ. Và người con gái này hẳn là có một vòng 3 cân đối, vừa phải. Nó gợi nhớ đến một vài vóc dáng mảnh mai yêu kiều đã từng đi qua tuổi trẻ của tôi…
Ở căn hộ tầng 9 này, đã lâu rồi không có phụ nữ đến, kể từ khi tôi chia tay cô người yêu thứ 4 của mình. Gia đình tôi còn ở dưới thị xã. Vài tháng tôi về thăm ba mẹ một lần. Ba mẹ già, cũng như những anh chị lớn của tôi, chưa từng ghé thăm căn hộ của tôi.
Nhưng chủ nhân thực sự của chiếc xi-líp này là ai? Một phụ nữ trung niên, một bà mẹ 2 con, 3 con, một cô gái mới lớn, một sinh viên, hay một nữ nhân viên văn phòng? Và nó đã rơi xuống ban công nhà tôi từ tầng nào? Tầng 10, tầng 11 hay tầng 12, hay một tầng nào khác.
Chung cư tôi ở là một 1 dãy 6 lô hiện đại. Dân cư đa phần trẻ, được cho là những người có thu nhập khá, đời sống ổn định. Lô nhà tôi 16 tầng, có 2 hướng mặt tiền với nhiều căn góc. Mỗi tầng lại có 8 căn. Tôi chắc chắn chủ nhân của chiếc xi-lip chỉ có thể là một người láng giềng trong tòa nhà. Nhưng không ai giúp tôi đảm bảo điều đó.
Tôi 29 tuổi, dọn đến đây sau hơn chục năm lăn lóc đủ các kiểu nhà trọ kể từ khi bắt đầu vào Đại học. Hiện tôi đang làm quản lý một nhóm thiết kế tại một văn phòng. Công việc không vất vả. Trừ những khi phải ra ngoài gặp khách hàng hoặc đến công trường, tôi thường ngồi một chỗ, hoặc loanh quanh trao đổi một vài thứ chuyên môn với đồng nghiệp. Buổi sáng, tôi đến văn phòng sớm. Và thường về nhà vào lúc xẩm tối, khi đèn tại những dãy hàng lang, lối vào, cầu thang cuốn, thang bộ và cái siêu thị nhỏ tầng dưới cùng đã mở sáng choang. Đôi khi, tôi ghé vào đó mua một vài thứ đồ cá nhân, giấy toa-lét, bột giặt hoặc kem đánh răng, mì gói, mấy chai nước suối, và một vài món đồ ăn nhanh nào đó… Tôi đã chán la cà nhậu nhẹt, gặp gỡ người nọ người kia sau mỗi chiều tan sở như hơn 1 năm trước đây. Tôi thu mình gọn ghẽ hơn, không lý do. Những mối quan hệ cũ của tôi, chúng đã rơi rụng dần đâu đó, hoặc họ quên tôi hoặc tôi quên họ. Những mối quan hệ mới thường nhanh chóng làm tôi chán nản.
Và tôi nhận ra mình chẳng quen ai trong tòa nhà, trừ vợ chồng người hàng xóm kế bên, cũng đóng cửa suốt ngày, họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp nhau, và chỉ cười chào nhau một cái rồi đi. Tôi thậm chí còn không thể tả lại gương mặt họ lúc này. Hơn 1 năm kể từ khi dọn đến đây, tôi chưa hề bắt chuyện, hỏi thăm hay làm quen với ai trong tòa nhà. Những láng giềng của tôi cũng vậy. Họ chưa từng hỏi thăm tôi. Ngoại trừ đôi lần tôi cười chào một vài người, hoặc một vài người nhận ra sự quen mặt của tôi, lẳng lặng cười chào, khi cùng đứng trong thang máy. Số đông còn lại nhìn tôi như một người lạ. Tôi cũng nhìn họ như vậy. Một đôi lần tôi đã tính bẹo má hay trêu chọc một đứa bé bụ bẫm trong thang, nhưng rồi lại ngại ngần vì sự lạnh lùng của những người lớn đi cùng.
Tôi ko có bất kỳ một khả năng nào để phỏng đoán chủ nhân của chiếc xì – líp, ngoài những phán đoán hết sức chủ quan và cảm tính.
Tôi ra hành lang, ngó lên tầng trên, ngó xuống tầng dưới, rồi ngó sang hành lang nhà hàng xóm bên phải. Tôi dự đoán hướng gió trong ngày. Gió đã bay theo hướng nào để mang chiếc xì – lip đến đây?
Tôi đặt chiếc xi líp lên sopha. Buổi tối online trong phòng ngủ, nhìn ra phòng ngoài. Dưới ánh đèn vàng, tôi thấy nó sáng lên rực rỡ trên nền ghế nâu xám. Đôi khi, tôi có cảm giác như thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi trong nhà mình, vừa ấm áp nhưng lại vừa lạ xa vô cùng...
***
Sáng hôm sau, tôi mang nó trả về chỗ cũ, trên chậu hoa trạng nguyên.
Tôi nghĩ, chủ nhân của nó ở một trong những căn hộ liền kề, khi ra lấy quần áo, sẽ nhận ra mình thiếu một thứ đồ, và hẳn là sẽ đi tìm. Sự mất mát cũng sẽ dễ được phát hiện, nhất là với một chiếc xi lip có màu đỏ. Và rất có thể họ sẽ ngó xuống ban công nhà tôi và thấy nó.
Nhưng bà ấy, cô ấy, chị ấy hay thậm chí là em ấy có đi tìm không? Và nếu họ có nhận ra chiếc xì líp đang mắc kẹt ở hành lang nhà tôi. Họ có tìm cách lấy lại hoặc xin lại?
Tôi chợt nhận ra, chẳng ai, dù vô duyên hay duyên dáng đến mấy, lại đi gõ cửa một nhà hàng xóm, để hỏi xem có ai đã thấy hoặc đã giữ chiếc xì líp của tôi, và đề nghị hãy cho tôi xin lại… Phụ nữ kín đáo có khi được hỏi còn ngại ngùng chối bỏ, ko dám nhận là của mình, cho dù là của chính mình thật.
Hoặc cũng có thể bà ấy, cô ấy, chị ấy hoặc em ấy đã không nhận ra mình đã mất đi một món đồ. Nhất là khi phụ nữ, trong xu hướng ngày càng mua sắm cho mình nhiều hơn những thứ đồ cá nhân, và 10 cô thì có đến 8 cô mê đồ lót. Họ, đôi khi mua đồ lót đẹp chỉ để làm thỏa mãn chính mình. Tôi đọc báo, và thấy trên mạng đưa tin về những cô gái trẻ trung, hiện đại có cả một tủ đồ lót hàng hiệu. Đồ lót như là một trong nhiều thứ tối quan trọng của cuộc đời họ, kể từ khi là một cô gái mới lớn cho đến khi trưởng thành và già đi thành những bà lão. Và với những phụ nữ như vậy, cũng có thể vì sở hữu quá nhiều, mà họ không hề nhận ra một chiếc xì líp đã vỗ cánh bay đi khỏi bộ sưu tập lúc nào.
Ngay như tôi, dù ko sở hữu nhiều, cũng chưa bao giờ thống kê và biết chính xác mình có bao nhiêu chiếc quần sịp, quần đùi. Hàng ngày, tôi sẽ lấy ra một chiếc bất kỳ từ ngăn tủ, xỏ hai chân vào nó sau khi tắm táp. Rồi hôm sau, tôi thay ra và ném nó vào máy giặt., cùng với nhiều thứ áo quần khác. Và một chiếc khác lại được mang ra...
Tôi không hề mảy may suy nghĩ, về sự gắn bó của những thứ đồ lót trên thân thể chính mình, về những điều vẫn làm hàng ngày theo thói quen...
Có những thứ đã mất, đã quên ở đâu đó, chắc gì tôi đã nhớ…
***
Và tôi vẫn tiếp tục nghĩ về chiếc xi líp màu đỏ khi đã đến sở làm…
Tại sao chỉ một chiếc xi líp đỏ, lại ám ảnh tôi hơn cả một cô gái bằng xương bằng thịt?
Tôi chỉ có 2 phương án, hoặc là tìm cách trả về cho chủ của nó, hoặc lẳng lặng cho vào thùng rác, vứt đi…
***
Tôi bắt đầu để ý tới những căn hộ xung quanh, và quyết định tìm cách trả chiếc xì líp về cho chủ nhân của nó.
Nhưng làm cách nào để một chàng trai như tôi, đưa trả lại chiếc xì líp một cách hợp lý nhất cho người láng giềng?
Tôi đi làm về sớm, leo thang bộ lên tất cả các tầng lầu phía trên căn hộ của tôi rồi đi xuống cả tầng kế phía dưới.
Tôi sẽ bí mật theo dõi một vài căn hộ nghi vấn. Và dự định tập trung chú ý vào những căn hộ có bóng dáng phụ nữ trẻ. Nếu phát hiện đúng “mục tiêu”, lựa thời cơ phù hợp, tôi sẽ tìm cách nhét chiếc xi – líp vào cửa, và lẳng lặng đi ra.
Tôi cũng sẽ sử dụng một vài cách để nắm được thông tin cụ thể về chủ nhân của mỗi ô cửa giống nhau và đánh những con số khác nhau này.
Nhưng căn hộ ngay phía trên đầu tôi là của vợ chồng một ông cụ bà về hưu. Đây là hai trong số những người già hiếm hoi ở chung cư này. Họ sống lặng lẽ, đơn giản, cần mẫn đi bộ thể dục, đi chợ, đi siêu thị, nấu ăn, trò chuyện với nhau, và đôi khi đón các cháu nhỏ ghé thăm vào cuối tuần.
Cạnh đó là sở hữu của một người trẻ, cũng độc thân. Anh ta làm kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu, mua căn hộ như là một thứ để dành, thỉnh thoảng mới lui về thành phố.
Căn hộ phía trên nữa là của một nhóm sinh viên ngoại tỉnh, đã ra trường và đi làm mấy năm, thuê chung ở đây. Căn hộ toàn con trai, bừa bộn và huyên náo bởi những nhạc nhẽo, bóng đá và chuyện phiếm. Họ đi vắng cả ngày, ồn ào trong khoảng chiều tối tắm giặt, rồi có khi buổi tối lại đi chơi, đi hò hẹn, hoặc làm gì đó bên ngoài. Có khi, tôi thấy họ làm huyên náo cả tầng hầm gửi xe máy.
Căn tầng trên nữa đóng cửa im ỉm…
Căn trên nữa của một bà mẹ tứ tuần và một anh con trai, nhưng anh con trai đang du học ở Nhật. Cả năm mới về 1 – 2 lần… Phía bên trái là một căn hộ, bên trong chỉ là phần xây thô và chưa có ai từng dọn đến.
Cạnh đó, phía bên phải là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Nhưng căn hộ này chỉ có 1 ban công, và ban công cũng như cửa sổ đều không mở sang hướng nhà tôi… Nó cách khá xa theo phương ngang. Tương tự vậy là một gia đình nhỏ có bố mẹ trẻ, hai cậu bé con cùng một chị giúp việc, cũng là hướng cửa ra phía đường lớn. Theo tính toán của tôi, chiếc xi líp không thể đi ra từ hướng này rồi bay một đường bay xiên đến gần 180 độ để có mặt ở ban công nhà tôi.
Và nhiều căn hộ khác đã bị loại tôi khỏi mục tiêu!
Tôi tập trung sự chú ý vào căn hộ đóng cửa. Căn hộ có khóa, nhưng không khóa kiểu im ỉm đóng lâu ngày. Cửa thiết kế chắc chắn, an toàn, chứng tỏ chủ nhân là người cẩn trọng. Từ ổ khóa nhỏ bên ngoài, đến nghe ngóng phía bên trong, tôi vẫn thấy toát ra dấu hiệu của sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi lọt ra một vài âm thanh, như là tiếng nhạc dìu dịu. Tôi nghĩ, trong căn hộ đó có ít nhất một phụ nữ trẻ đang sống.
Buổi chiều hôm sau, tôi quyết định hành động.
Tôi vo tròn cái xì líp đỏ, *** túi quần, thản nhiên như đi chơi, tôi tiếp tục đi lối cầu thang bộ để lên tầng 12.
Tôi đến trước cửa căn phòng, lẳng lặng treo chiếc xi líp vào tay nắm cửa, rồi lẳng lặng đi xuống lầu.
Không ai biết việc tôi vừa làm cho đến khi cánh cửa ra cầu thang khép lại.
Tôi về nhà, hối hận vì sự cẩu thả. Lẽ ra, tôi nên đóng gói chiếc xi-lip, hoặc cho vào túi, đặt ngay trước cửa, hoặc gửi cho họ đến địa chỉ căn hộ qua đường bưu điện. Đấy là lựa chọn lịch thiệp nhất.
Nhưng rồi tôi lại thấy không ổn. Nếu chủ nhân đang sinh sống cùng người yêu, hoặc chồng. Anh ta sẽ nghĩ sao nếu vợ / người tình của mình nhận được bưu phẩm là một chiếc xì líp cũ của chính cô ấy. Tôi đã hình dung ra một cuộc ghen tuông, cãi vã, thậm chí là đánh lộn có thể xảy ra.
Nhưng thôi, dù sao tôi cũng đã làm xong nhiệm vụ. Và tôi tạm quên đi cái xi líp đỏ trong 2 ngày.
Nhưng đến ngày thứ ba, lúc mở cửa ra hành lang, nhìn thấy chậu hoa trạng nguyên, tôi lại nhớ đến nó.
Có thể chủ nhân của nó đã mở cửa, đã thấy, và đã mang lại nó vào phòng.
Nhưng lòng tôi lại dấy lên một hồ nghi…
Tôi cần phải chắc chắn việc này.
Và thế là trước bữa tối, tôi lại lẳng lặng leo 3 tầng lầu, rẽ sang phải, hướng căn phòng có đánh số A12-4.
Tôi ngạc nhiên hay không ngạc nhiên, khi chiếc xi líp vẫn còn đó. Cửa vẫn đóng. Cũng không ai phát hiện ra nó và mang nó đi.
Tôi nhìn quanh, sợ ai đó phát hiện tôi đang ngập ngừng trước cửa phòng, với một chiếc xì – líp đỏ trước mặt.
Những nhà bên cạnh, đèn sáng phía trong còn hắt ra khe cửa, tôi nghe rõ tiếng nhạc phát ra từ ti vi. Tiếng thuyết minh của một kênh truyền hình, phát phim hoạt họa. Tiếng trẻ con cười ré lên sau mỗi tiếng nhạc.
Tôi gỡ chiếc xi líp khỏi tay nắm cửa, vo tròn vào trong tay, rồi thản nhiên *** túi quần, đi xuống nhà.
Lúc đi qua cửa thang máy, quen tay, tôi đã dừng lại, bấm số tầng lầu nhà tôi. Nhưng rồi tôi quyết định đi thang bộ. Lúc rảo nhanh ra cầu thang, tôi còn kịp thấy cửa thang máy đã mở ra, và nghe tiếng kính cong chào, rồi tiếng khép vội vàng của cửa tự động.
Buổi tối đã trùm dài lên hành lang chung cư, dẫn ra hành lang thang bộ. Tôi gần như cảm nhận rõ hơi thở của mình, và hình dung đôi mắt của chính mình sáng lên trong bóng tối. Cầu thang yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ cả từng bước chân của tôi nện xuống từng bậc âm thầm, tạo thành những tiếng vọng khẽ khàng.
Ngoài ban công, thành phố rực rỡ đăng đèn. Những cao ốc xung quanh xếp dày như những hộp diêm, lấp lánh sáng trong từng ô cửa vuông vức. Những dãy phố lớn nhỏ đầy cây, đầy biển hiệu, đầy xe cộ qua lại. Con đường như trôi chảy bất biến dưới những vòm đèn cao áp. Những chiếc xe lầm lũi đi trong đêm, vọng những tiếng rì rầm lên khoảng không gian chỗ tôi ngồi...
Tôi lấy chiếc xì líp ra khỏi túi quần. Rồi lại đặt nó nhẹ nhàng lên ghế sô pha. Mỗi lần tôi đi qua, nó vẫn sáng lên rực rỡ như một dấu hỏi.
Sớm hôm sau, tôi lại mang nó ra ban công. Tôi nghĩ rất có thể có ai đó ngó xuống, nhìn thấy nó ở đó. Nếu là của họ, hẳn sẽ nghĩ ra một cách nào đó để lấy lại.
Tôi để nó ra chỗ sáng nhất, và dễ nhìn nhất.
Và nó vẫn ở đó khi buổi chiều, tôi về nhà…
Hôm sau, tôi quyết định đẩy nó ra xa ban công hơn.
Tôi lấy một cái que dài, khéo léo buộc cái xi líp lên đầu, rồi cắm nó vào chậu hoa cheo, hướng ra hẳn ngoài khoảng không, kiểu như người ta treo cờ khi có dịp lễ lạt nào đó. Thích thú như một đứa trẻ khám phá ra trò chơi của chính mình.
Tôi thoáng buồn cười khi thấy nó bay phất phơ. Giống chiếc cờ của một bù nhìn rơm người ta đặt ngoài ruộng lúa để đuổi chim mà tôi đã thấy ở quê nhà. Hẳn là làm như vậy, chủ nhân của nó sẽ dễ nhận ra nó hơn, khi một lúc nào đó tình cờ / cố tình ngó xuống.
Và nó vẫn ở đấy mỗi chiều tôi về.
Không một cơn gió nào khác đã đến mang nó đi.
Mỗi buổi tối, tôi cất nó vào nhà, để tránh sương, rồi sớm hôm sau lại mang cái “cờ” đó ra, cắm vào chỗ cũ.
Và tất cả dường như đã không chú ý đến một “vật thể lạ” trước ban công nhà tôi. Và hẳn nhiên ko ai quan tâm đến đời sống của tôi, trong căn hộ chung cư này… Cũng như tôi trước đây, đã chẳng bao giờ quan tâm đến những căn hộ khác, và cả những người láng giềng chung cư. Tôi chưa thấy họ, cũng như họ chưa từng thấy tôi…
Có bao nhiêu người đang sinh sống, di chuyển trong thành phố. Tôi mơ hồ nghĩ đến sự tồn tại, sự biến mất của một con người, rồi tưởng tượng ra sự vắng mặt của chính tôi, sự ra đi của những người xung quanh khỏi thế giới này.
Sự biến mất, với một người nào đó, đôi khi, nó cũng như một chiếc xi líp màu đỏ…
***
ôi bỏ chiếc xì lip vào trong túi nilon nhỏ rồi nhét vào cặp. Tôi định buổi sáng trước khi đi làm, sẽ mang xuống đưa cho người bảo vệ dưới cổng, nhờ trả lại cho chủ nhân của nó.
Chung cư thuê dịch vụ bảo vệ từ một công ty bên ngoài, những người bảo vệ thì dù thay đổi thường xuyên theo ca, nhưng nói chung khá lịch sự và ôn tồn. Ai cũng cười nhẹ khi tôi xuất hiện ở bậc thềm chung cư, mỗi sáng bước đi, mỗi chiều về nhà. Đôi tôi thấy họ giúp đỡ một vài người xách đồ, mở thang máy khi quên thẻ từ. Giao tiếp giữa tôi với họ chỉ là như thế.
Nhưng khác với mọi ngày, người bảo vệ hôm nay là một cô gái. Sự ngại ngần tiếp tục làm tôi do dự. Không lẽ tôi lại diễn giải sự việc về một chiếc xi líp với một cô gái. Và tôi nhận ra cho dù là với một anh chàng bảo vệ nào đó đi nữa, thì tôi cũng ko biết phải bắt đầu thế nào. Họ sẽ nghĩ gì khi tôi nói rằng đây là chiếc xì líp tôi đã giữ, và nhờ anh ta / cô ta dán thông báo lên bảng tin cho tất cả những người phụ nữ trong chung cư, hãy đến gặp tôi để nhận lại chiếc xi líp màu đỏ. Nghĩ đến đó, tôi tự dưng đỏ mặt. Ôi, điều ấy quả thật điên rồ!
Chiếc xì líp nằm đó, trên ghế sô – pha của tôi. Mỗi ngày, tôi vẫn như trò chuyện – những câu chuyện vô thanh – với nó. Đã một tuần trôi qua, tôi vẫn chưa biết phải làm gì …
Sài Gòn tháng 05/2011
Truyện ngắn của Phạm Trung Kiên