Câu chuyện bí mật của hai bà mẹ

Tác giả:

Tiếng chuông điện thoại vừa đổ, tôi quáng quàng vớ lấy chiếc ống nghe, nín thở theo dõi câu chuyện của hai bà mẹ. Vừa áp máy vào tai, phía đầu dây bên kia, giọng mẹ tôi thì thào: “Bà ngủ chưa? Em không làm phiền bà chứ ạ?”.

“Bà nào thế không biết nữa? hay mẹ gọi nhầm cho ai?”. Còn đang cố vắt óc xem giờ này, vào ngày này mẹ có thể gọi cho ai thì một giọng nói quen thuộc không kém vang lên phía đầu dây bên này: “Tôi còn đang bóc hành nén, làm nhiều việc lắm, sao đã ngủ được. Bà lại lo cho con bé chứ gì?”.


Thì ra hai bà mẹ đang nói chuyện với nhau về tôi. Họ đang cố nói với âm lượng nhỏ nhất. Có lẽ mẹ đẻ tôi thì sợ bố tôi nằm giường kia nghe thấy. Còn mẹ chồng thì sợ con dâu dưới phòng biết cuộc điện thoại này.
Lạ thật, tôi chưa bao giờ thấy mẹ tỏ ra thân mật với mẹ chồng. Ít nhất là từ lúc tôi quen anh cho đến khi hai đứa tổ chức đám cưới. Thế mà cái cách họ nói với nhau mới lạ làm sao! Một người thì “bà bà em em”, người kia thì luôn miệng “con bé con bé” một cách đầy âu yếm. Cách nói chẳng giống kiểu khách sáo của các gia đình thông gia tí nào. Tôi nín thở theo dõi câu chuyện của hai bà mẹ.
Đầu tiên mẹ đẻ tôi hỏi chuyện gia đình chồng tôi chuẩn bị Tết đến đâu rồi? Có gói bánh chưng hay ăn ᴆụng thịt thà gì ở đâu không. Như lâu ngày không được trò chuyện cùng ai, mẹ chồng tôi hỉ hả khoe năm nay có con dâu mới nên bà chuẩn bị chu đáo hơn mọi năm nhiều. Bà khoe với mẹ tôi về vụ ăn ᴆụng thịt ở xóm dưới. Rồi như thể nhớ ra điều gì, bà thì thào: “Tết bà thường nấu món gì cho con bé?”.
Mẹ tôi chẳng những không gạt đi còn rối rít như là sợ nói chậm mẹ chồng tôi sẽ không nghe nữa ấy: “Nó thích món miến nấu măng lắm đấy bà ạ. Mà bà ơi, em dặn nhé kẻo mồng Một lại giông, nó mà xuống bếp là bà phải theo chân đấy. Nó nấu ăn vụng về lắm. Em đã hoàn thành nhiệm vụ bà giao rồi, phần còn lại kệ bà đấy. Giờ nó là con bà”.
“Bà yên tâm, mai tôi sẽ lại gọi nhé. Mấy giờ bà có thể nghe điện thoại? Tôi cám ơn bà nhiều lắm cơ ấy”… “Em hoàn thành nhiệm vụ là sao?’ mẹ cứ làm như hai người vừa bàn giao một bản hợp đồng ấy. Ngôn ngữ của mẹ như của một bà mối chuyên nghiệp vậy. Thật không sao hiểu nổi nữa.
Tiếng chuông điện thoại vừa đổ, tôi quáng quàng vớ lấy chiếc ống nghe, nín thở theo dõi câu chuyện của hai bà mẹ.
Tôi quen anh do mẹ. Không phải mẹ mai mối mà vì mẹ và anh làm cùng cơ quan, lại sinh hoạt cùng tổ Đảng. Lần nào trong bữa ăn, mẹ cũng kể về “cái anh chàng bộ đội mới chuyển về cơ quan mẹ, làm lái xe. Rất được. Đứa nào lấy được nó cũng sướng một đời”. Rất được theo ý mẹ là nhanh nhẹn, tháo vát, thật thà. Mẹ cứ xuýt xoa khen mấy lần cơ quan có khách, cái anh chàng lái xe của mẹ đã chữa cháy thế nào khi ra quán cơm đã hết. Trong mắt mẹ, những người đàn ông đảm đang, không ngại vào bếp là những người sẽ hết lòng chăm vợ chăm con.
Nghe mẹ kể tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Tôi không thích cánh lái xe nên không để tâm. Anh xuất hiện ở nhà tôi nhiều hơn, mẹ lại cứ giữ khách ở lại ăn cơm nên càng có cơ hội cho chúng tôi gặp và hiểu nhau. Từ chỗ rất ghét lái xe, tôi dần có thiện cảm và yêu anh lúc nào không biết. Nhất là khi ở bên tôi, anh luôn kể về mẹ anh với một tình cảm tha thiết, trìu mến và thương yêu hiếm thấy. Rồi anh chia sẻ, tết nào mẹ cũng lụi cụi một mình. Nhà có ba người, chẳng muốn bới giở cái gì. Mẹ chỉ mong anh lấy vợ. Có lẽ chính những tâm sự chân thành quá đỗi ấy mà tôi đã quyết định gắn bó với anh.
Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 12 âm lịch năm đó. Khi tôi tròn 25 tuổi, còn anh bước sang tuổi 31. Khác hẳn với lời kể của lũ bạn, về làm dâu những ngày đầu phải chịu sự soi mới, xét nét, tôi được mẹ chồng chăm chút cho từng li từng tí.
Bà hiểu tôi không khác gì mẹ đẻ. Nào không biết ăn thịt chó, thịt mèo. Không ăn những con cá không có vẩy. Biết tôi thích uống cà phê, bà còn mua sẵn một hộp mang xuống phòng con dâu. Ngoài bố mẹ và chị em ruột, ngay cả anh cũng chưa biết hết những ý thích của tôi. Dấu hỏi trong lòng tôi cứ lớn mãi cho đến hôm nay, khi nghe được cuộc điện thoại đầy bí ẩn này.
Chưa để anh bỏ cái khăn tắm quấn trên đầu ra, tôi đã kể cho anh không sót một chi tiết nào của cuộc điện thoại vừa rồi. Anh nhìn tôi tủm tỉm nói “Em tưởng tự nhiên mà anh cưa được em sao? Em tưởng những câu chuyện trong bữa ăn ở nhà bà ngoại khi chúng mình chưa cưới là mẹ kể vô tình sao? Ha! Ha! Cá ơi mi đã cắn câu rồi mà không biết”. Anh ôm thốc lấy tôi, dụi cái cằm đầy râu lên mặt tôi cười khanh khách.
Hóa ra, mỗi lần công đoàn cơ quan mẹ tôi lên thăm bố hay mẹ anh ốm, bà cứ than vãn về thằng con “cứng đầu cứng cổ, nói mãi mà 30 tuổi rồi vẫn chưa chịu lấy vợ. Chẳng biết tôi có thọ được đến lúc nó lập gia đình không”. Rồi bà nhờ mẹ tôi với tư cách chủ tịch công đoàn, giúp bà “tìm cho cháu nó một đám”.
Chẳng hiểu mẹ tôi có con mắt tinh đời thế nào mà tôi chưa kịp lọt vào mắt của gia đình anh thì mẹ đã chấm anh làm con rể rồi. Và những cuộc điện thoại giữa hai bà mẹ đã trở thành thường xuyên từ khi ấy. Những cuộc điện thoại vui mừng thông báo cho nhau “tốc độ phát triển” của bọn trẻ.
Là như thế. Anh cù tôi đến ngạt thở.
Ngoài kia, mùa xuân đang về, mùa xuân hứa hẹn của những niềm vui và hạnh phúc…
Theo Afamily