Cặp bánh tét của cha

Tác giả:

Sắp Tết!
Khí trời chuyển từ đông lạnh sang xuân ấm, gay gay cảm xúc giao mùa. Trời đã thôi u u tịch mịch kéo nhiều gió và bảng lảng lạnh suốt đông dài. Nắng ươm hơn, trời xanh hơn và nhiều khấp khởi hơn.
Sắp Tết!
Ai cũng bận rộn với chuyện dọn nhà dọn cửa cho gọn gàng. Ai cũng tất bật với chuyện sắm sửa chút quà bánh dọn sẵn bàn ngày Tết để khách khứa còn có cái mà nhâm nhi lúc ngồi lại chúc xuân nhau.
Tết sớm!
Sau một năm nhuận là đến một cái Tết ngắn hơn trong cảm giác. Cái đến sớm của những ngày đầu năm khiến những ngày cuối năm trước chừng ngắn lại đến không thể dừng. Mọi người đều tất bật, đều vội vã, nhanh nhanh để còn kịp đón Tết về. Ông bà Tư cũng tất bật…
Với ông bà Tư, Tết không phải chỉ là khoảnh khắc đầu tiên của một năm mới. Tết là dịp để ông bà nhìn lại được thằng con trai của ông bà – dịp hiếm hoi lắm để nó về quê sau một năm dài căng đầu làm việc.
Suốt một đời bần nông, chắt chiu dành dụm hết mức, ông bà Tư cắc củm từng đồng để cho thằng con trai ra thành phố học. Mong nó có đủ chữ mà đi với đời. Đừng như ông bà, cắm mặt vào đất, vào ruộng mà không thể quay nhìn ra sau thấy lưng áo mình sờn, bạc thếch màu trắng của nắng, của sương.
Ngày thằng Tí đậu đại học, ông bà Tư mổ con heo mời cả xóm tới ăn mừng. Ngày thằng Tí ra trường, ông bà muốn làm thêm con heo nữa, nhưng, nó không kịp về. Nó chỉ vỏn vẻn vài câu trong điện thoại: “Người ta nhận con vô làm luôn. Công ty nước ngoài nên thời gian làm việc căng lắm, ba má!”. Nói rồi, nó biền biệt hoài từ đó, chỉ biết làm với làm. Không biết nó có thấy thỏa mãn hay không? Không biết chừng đó có đủ lấp lại cho khoảng trống tâm hồn cha mẹ nó luôn khắc khoải lo cho nó?
Ngày đó, bà Tư cứ dong mắt ra đường, ươn ướt, tủi thân. Ông Tư chạnh lòng lắm nhưng không thể để không khí nặng nề hơn, ông cười hề hề, bước lại từ sau lưng vợ, nói:
- Thôi, nó học giỏi nên người ta mới trọng dụng, mới biểu nó vô công ty người ta làm. Mong nó về làm gì? Học hành cho cố, hổng lẽ nào cứ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như tui với bà?
Bà Tư cúi mặt, vội vã lấy tay quệt nước mắt, gượng cười quay lại ờ ờ được mấy tiếng nghèn nghẹn trong cổ họng với chồng. Vậy là, thằng Tí ở hẳn lại thành phố làm công việc cho người ta.
Mà, ông Tư nói thì cũng chỉ là nói cho qua, chớ nhiều lần, thấy ông ngồi một mình, lau lau chùi chùi mấy tấm bằng khen được ***g kính suốt bao nhiêu năm của thằng Tí, thở dài… Mỗi lần vậy, bà Tư đứng trong rót ly trà, bưng ra, chọc:
- Đàn ông đàn ang gì kỳ. Mạnh cái miệng mà yếu cái lòng!
Ông Tư nhìn vợ cười ngượng – như cái ngày ông và bà còn thương nhau mà chưa dám hỏi, chỉ bâng quơ nhìn nhau đi ngang mình – đón ly trà từ tay vợ. Hai bóng đầu điểm bạc ngồi sát cạnh nhau, nhìn ra cánh đồng bát ngát bóng hoàng hôn.
***
Sắp Tết!
Hoàng dốc hết sức mình vào mớ công việc chất to như đống núi. Suốt cả năm miệt mài cố gắng, giờ được công nhận chừng nào cũng là những việc cuối cùng này đây. Hoàng phải cố!
Mà… Tết… Làm cho công ty tư bản, Tết ta rồi cũng chỉ nghỉ có ba bốn ngày, chả bỏ gì chuyện gần đủ để bù lại cả năm trời trôi dằng dẵng không ở cạnh được ba má mình. Đợt Tết Tây cũng được nghỉ, nghỉ dài, nhưng vì là nhân viên mới, được giao trực văn phòng, rồi hội hè cùng đồng nghiệp, Hoàng có về được đâu…
- Hoàng! – Tiếng chị trưởng phòng vọng từ phía sau bàn làm việc của Hoàng.
Hoàng quay nhanh lại, vội vã gật đầu chào. Chị trưởng phòng cười tươi, bước thẳng tới chỗ Hoàng ngồi, nói nhanh:
- Em biết chuyện mùng hai Tết, công ty sẽ làm tiệc đầu năm chưa?
- Mùng hai…? Em… em chưa biết! – Hoàng ngập ngừng, đoán được chuyện gì sắp diễn ra.
- Ừ, mọi người cũng mới quyết định thôi.
- Nhưng, mùng hai…
- Đa số nhân viên đều ở đây. Công ty lại nghỉ Tết ngắn, nên mọi người quyết định tổ chức mừng đầu năm, lấy tinh thần làm việc. Thưởng nhân viên xuất sắc cũng dời qua ngày này.
Hoàng bặm môi. Nhân viên xuất sắc! Tưởng thưởng, vinh danh! Hoàng có trong số đó! Chị trưởng phòng nhìn Hoàng, cố hiểu cho hết những suy nghĩ trong Hoàng.
- Em ở lại chứ?
- Em… em… Tết…
- Tổng giám đốc sẽ có mặt trong buổi đó. Chị thật sự rất muốn nhân viên xuất sắc phòng mình được vinh danh trước ban giám đốc. Ở lại, hén? – Chị trưởng phòng dùng từ ngữ thân mật cùng cái vỗ vai thể hiện hết sự gần gũi của chị dành cho nhân viên.
***
Ông Tư đang lau dọn bàn thờ. Tiếng bước chân bà Tư vọng từ ngoài sân vô. Ông Tư ngừng tay, ngoái hẳn ra ngoài:
- Về rồi hả, bà?
- Ờ, tui về rồi!
- Chợ đông không?
- Đông chớ sao không đông? – Vừa nói, bà Tư vừa khệ nệ xách giỏ bự chảng đi vô.
Ông Tư cười hiền, bước tới đỡ cái giỏ cho vợ. Xăm soi trong cái giỏ, ông Tư khều khều bà Tư:
- Bà mua nhiều thịt ba chỉ không?
- Nhiều!
- Có lựa chỗ nhiều mỡ không? Thằng Tí con tui nó thích ăn thịt mỡ lắm à!
- Thằng Tí con tui… – bà Tư kéo dài giọng, hứ một tiếng đầy yêu thương – Đâu ra cái chuyện thằng Tí là con mình ông vậy?
Ông Tư cười hề hề, đón cái nguýt của vợ, lòng bổi hổi như những ngày xưa trộm nắm được cái tay của bà.
- Sợ bà quên!
- Quên sao được mà quên! Con tui đẻ ra hổng lẽ tui không nhớ?
- Đó! Vừa nói tui xong, giờ xoay qua là con tui đẻ…
Hai ông bà nhìn nhau, cười vui vẻ. Tình thương yêu dâng cao như chưa từng bao giờ bị chùng lại lấy một giây. Điện thoại rung giật trên bàn nước – cái điện thoại chính thằng Tí mua cho ông bà, mặc kệ ông bà rầy nó hoang tiền, nó nói để mỗi khi nhớ nó gọi về được liền, không phiền ông bà sang hàng xóm nghe nhờ. Ông Tư chụp nhanh cái điện thoại.
- Thằng Tí gọi nè, bà. Nghe đi! Chắc nó gọi dặn bà nhớ mua ba chỉ nhiều mỡ.
Bà Tư rạng rỡ bấm phím trả lời. Tía lia hỏi chuyện con làm ăn sao, sức khỏe sao, có sút đi lạng nào không… Rồi, bà Tư chùng lại, ừ à vài câu nữa, nhắc con giữ sức khỏe. Bà tiu nghỉu cúp máy, điện thoại vẫn nằm trong bàn tay bà thõng xuống, đặt ơ hờ trên đùi. Ông Tư thấy thái độ của vợ thì hốt hoảng.
- Chuyện gì? Thằng Tí sao rồi? Nó có sao không?
- Nó nói, Tết nó không về được!…
***
Còn hai ngày nữa là Tết rồi!
Hoàng nghe sóng mũi mình cay cay. Cha vừa gọi, giọng buồn mênh mang, không nhắc gì chuyện nó không thể về, nhưng Hoàng biết, chuyện đó làm cha mẹ nó buồn lắm!
Hoàng dẫn xe ra ngoài, chạy chầm chậm đến nhà xe quen mà cha mẹ nó hay gửi đồ lên cho nó. Cha bảo có chút quà gửi để nó còn có cái Tết, dẫu xa nhà.
Đèn đỏ. Hoàng dừng xe cùng đoàn xe ồn ào quanh mình dẫu không muốn dừng nhưng cũng không thể đi tiếp. Trên vỉa hè, con bé gái hớn hở nhìn mẹ nó trong bộ trang phục màu cam dạ quang đang lựa lựa trong giỏ bắp luộc.
- Của con nè! – Người đàn bà trìu mến đưa trái bắp luộc bốc khói nghi ngút cho con bé.
Con bé gái đón trái bắp từ tay mẹ, xuýt xoa vì nóng. Nó thảy trái bắp qua lại trên hai bàn tay, cố xua bớt cái nóng đang từ bên trong trái bắp túa ra. Nó nhìn mẹ nó cất ngược mấy đồng bạc lẻ sau khi trả tiền cho hàng bắp. Nó ngập ngừng.
- Mẹ ăn đi!
- Không! Mẹ không đói! Con ăn đi!
Mặc kệ cơn thèm. Mặc kệ cái nóng. Con bé lột nhanh lớp vỏ trái bắp, cắn răng bẻ đôi. Nó chìa về phía mẹ nó phần lớn hơn.
- Mẹ ăn đi, mẹ!
- Con ăn đi! Mẹ mua cho con mà!
Con bé gái cương quyết đẩy nửa trái bắp về phía mẹ, gí thẳng vào tay mẹ mình.
- Mẹ ăn với con đi! Mẹ đi làm mà! Không ăn, lát mẹ đói sao?
Người đàn bà run run nhìn con gái. Bà cố cười để ngăn nước mắt mình chảy ra. Hoàng vẫn nhìn họ chăm chú. Mọi thứ nhạt nhòa sau bức màn vô hình vừa buông ngang tầm mắt của nó… Đèn xanh! Người ta inh ỏi bấm còi sau nó. Hoàng vội vàng chạy đi, cố ngoái lại nhìn lần nữa hai mẹ con người lao công đang chia nhau trái bắp luộc vỉa hè… Cố nhìn lại lần nữa cái hình ảnh dấy lên nỗi nhớ da diết về vòng tay má nó ôm chầm nó lúc nó chia trái bắp luộc biểu má nó ăn cùng để còn về phụ ba làm ruộng… Hoàng ơi, mày đâu rồi?
***
Đôi bàn tay thuôn dài của một thằng con trai nhà nông – thứ đã khiến bạn bè nó hồ nghi về gia cảnh của nó suốt thời đại học – chậm rãi mở gói quà được cột chặt bằng bao nylon, phía trong là vài lớp giấy báo. Mứt gừng do chính má làm. Cái áo sơmi trắng chắc chắn là do ba chọn… Nơi đáy của chiếc túi nylon, Hoàng nhìn sâu vào, chao đảo trong chính cảm xúc của mình – cặp bánh tét tí hon.
Ngày Hoàng năm tuổi. Cha vớt cặp bánh tét nhỏ xíu xiu được cột dính vào nhau chìa về phía Hoàng – thằng Tí của ba má.
- Nè, ba cho nè! Lên nhà chơi đồ hàng đi!
- Con đâu phải là con gái mà chơi đồ hàng, ba! – Hoàng phụng phịu.
Phụng phịu nhanh rồi cũng túa đi rất nhanh, chân sáo nhảy thẳng ra đường đất quê mùa trước ngõ, tíu tít khoe với đám bạn nhà nghèo.
- Ê, ba tao làm cho tao nè, tụi bây!
Ngày Hoàng mười tuổi. Cha vẫn vớt cặp bánh tét nhỏ xíu làm riêng cho Hoàng, vẫn với câu nói mà hàng năm, vào đúng lúc này – khi mà Hoàng vẫn hồ hởi đứng sát bên nồi bánh cạnh cha.
- Nè, ba cho nè! Lên nhà chơi đồ hàng đi!…
Ngày Hoàng mười tám tuổi. Cha nhìn Hoàng ngồi bó gối bên nồi bánh tét nhìn cha vã mồ hôi vớt bánh, mỉm cười.
- Đợi gì á, con?
- Con đợi bánh tét! – Hoàng nói, bằng tất cả cảm xúc của mình. Với Hoàng, cặp bánh tét bé tí xíu cha dành riêng cho Hoàng đã thành niềm hạnh phúc lớn lao của những ngày giáp Tết. Và, Hoàng thật sự mong nhận nó.
- Đàn ông đàn ang, mười mấy năm chơi đồ hàng chưa chán hả? – Giọng má ấm áp vọng lại từ phía sau.
Hoàng quay lại, vẫn ngồi xổm, cười hì hì:
- Hồi đó má nói mình con không ăn hết cặp bánh, con phải cho má biết là mình con ăn hết, năm nào cũng ăn hết…
- Năm nay mà ăn không hết là bầm ***, nghe chưa? – Má chọc.
- Nè, ba cho nè! – Giọng ông Tư trầm trầm, đầy yêu thương – Lên nhà chơi đồ hàng đi…

Hoàng khe khẽ đưa bàn tay mình sâu vào trong túi nylon, lôi cặp bánh tét tí hon được cột dính vào nhau ra. Bàn tay run rẩy cùng cảm xúc đang run rẩy trong Hoàng. Hoàng bật khóc…
***
Giao thừa!
Ông Tư nắn nót bứt từng lá mai vàng vàng ra khỏi cành. Bà Tư vẫn còn trong bếp. Mùi thịt kho quện nước dừa, quện thịt mỡ xông ra ngào ngạt khắp gian nhà nhỏ. Ông Tư cúi khẽ đầu, bất chợt buông tiếng thở dài.
- Ba! Năm nay ba phải lì xì con nhiều hơn nha!
Ông Tư sáng rỡ mắt, lao ra cửa nhà, nhìn đứa trẻ con hàng xóm đang níu tay cha nó vội vã bước qua cửa nhà mình để về nhà cho kịp đón Giao thừa. Ông tiu nghỉu trở ngược lại vô trong, thọc tay vô túi quần, ông lần tìm bọc lì xì đỏ chót dành riêng cho thằng con trai của ông.
- Ông à! Vô phụ tui coi nà! Tùm lum tà la vầy mà chả ai thèm phụ! – Giọng bà Tư nhõng nhẽo vọng ra.
Ông Tư nhìn vô phía trong đó, cười. Chao! Cái giọng già già mà tình cảm sao thương quá! Già vầy, còn biết nhõng nhẽo với nhau. Đời ông, không có bà, không có thằng Tí… biết sẽ ra sao? Ông đi thẳng xuống bếp. Hai mái đầu điểm bạc lủi thủi với nhau.
Tiếng chó sủa inh ỏi ngoài sân. Ông Tư hỏi vọng lên.
- Đứa nào đó bây?
Không có tiếng trả lời. Tiếng chó vẫn sủa, nửa mừng rỡ, nửa lạ lùng.
- Đứa nào đó bây? – Ông Tư hỏi lại.
Vẫn chẳng ai trả lời ông. Con Mina vẫn inh ỏi sủa. Rồi, giọng thanh niên vang lên.
- Gì mà tao mới đi mấy bữa đã lạ, sủa inh ỏi vầy, Mina?
Ông bà Tư khựng lại lấy một giây. Rồi, như vỡ ra, ông bà đìu tíu nhau từ bếp vội vã đi lên đón thằng Tí con mình.
- Tí! Tí! Sao bây nói bây không về?
- Không về, nhớ ba má, chịu không nổi đâu! – Hoàng cười hề hề, đi thẳng vô nhà.
- Rồi, công việc sao con? – Giọng bà Tư lo lắng.
- Con thu xếp được mà, má!
- Nhưng mà…
- Nhưng mà không ăn Tết với ba má là không có được. Với lại…
- Với lại gì con? – Ông Tư hỏi vội.
- Với lại, ba gói con cặp khác, nghen! – Hoàng chìa cặp bánh tét nãy giờ vẫn lủng lẳng trên tay mình – Cặp này nhỏ quá, con ăn hổng đủ!
- Cha bây! Tham ăn giống hệt thằng cha mày hà! – Bà Tư bật cười trong giàn giụa nước mắt.
Ông Tư nhéo bà Tư một cái đau điếng.
- Mắc gì tự nhiên chửi tui?
Bà Tư ấy da một tiếng, ngượng nghịu nhìn con trai đang rạng ngời trước cảnh ba má nó thương yêu nhau. Tràng cười rộn rã vang khắp cả ngôi nhà.
Còn vài tiếng nữa là năm mới rồi!…
–THẠCH NGUYỄN–

Thử đọc