Bà lão qua đường.

Tác giả:

…..
Hắn sống bằng nghề viết lách, giống như mọi người làm nghề này, hắn luôn mong muốn có một tác phẩm để đời..
Chiều muộn ngày thứ Sáu, một ngày cuối cùng của tháng Tư, quá bức bối vì vẫn chưa có câu mở đầu cho một truyện ngắn, hắn bước ra ngoài lan can định sẽ ném những bực dọc xuống phố phường, trúng ai thì trúng. Con đường kẹt xe cứng nhắc, xe cộ lúc nhúc xê dịch từng centimet. Hắn cười, xã hội còn bức bối hơn mình.
Rồi một ý tưởng lóe lên sáng lắm, hắn sẽ lấy cảm hứng vấn nạn tắc đường, những câu chuyện lãng mạn kiểu như: Cô gái khắc khoải chờ đời người tình trăm năm ở phi trường trước giờ cất cánh, chàng trai thì bị kẹt cứng ở công viên Hoàng Văn Thụ, sau một loạt đấu tranh, phút cuối chàng trai quyết định bỏ xe giữa đường để chạy bộ một mạch tới sân bay, nụ hôn chia ly mê đắm làm cảm động cặp vợ chồng trẻ khác đang chuẩn bị về quê làm thủ tục ly hôn, cảm động cả vợ chồng già tuổi đã xế chiều, và nhiều đôi cặp nữa.
Căn phòng chờ của hành khách trở thành không gian tình ái. Có gã cô đơn ngồi đếm được ba mươi cặp hôn nhau…
Có ý tưởng, hắn lại cắm đầu vào viết, suốt một một ngày một đêm, cho đúng đến buổi chiều thứ Bảy, ngày đầu tiên của tháng Tám. Tuy nhiên từ ý tưởng đến việc làm thật là một bước dài lê thê, hắn vẫn chưa tìm được gì ưng ý, thậm chí là một câu mở đầu.
Hắn vò bản nháp câu chuyện cũ tròn như tổ ong đất, định sẽ ra lan can ném, trúng ai thì trúng.
Con đường này chiều nay không tắc, từng dòng xe lao băng băng dưới lòng đường, chẳng có ai thèm lấn lên vỉa hè cả. Hắn thấy lòng nhẹ nhõm hơn nên buông nắm giấy vo tròn lăn lốc dưới chân, thả hồn vào những phương tiện vù qua trước mặt. Có bà lão quê mùa thẳng tầm nhìn của hắn đang lúng túng muốn qua đường.
Hôm qua hắn cũng thấy bà lão, nhưng các phương tiện không thể di chuyển vì kẹt xe nên bà qua đường dễ lắm. Hóa ra kẹt xe lại cũng có ích cho vài thứ.
Từ lan can tầng hai hắn cũng thấy được nếp nhăn hằn lên một thời khó nhọc trên khuôn mặt hao gầy của bà lão. Mái đầu trần xơ xác ấy cũng có một thời mướt mát thanh tân, hắn đang nghĩ đến người mẹ chốn quê xa của mình.
Hắn thấy bà lão cứ quay ngang, quay dọc rồi lại hướng cái nhìn thăm thẳm sang phía đối diện bên kia đường, cứ như thể có cái gì khẩn khoản lắm đang chờ bà ở đó, hơn cả việc sang đường để mau chóng về với đứa cháu ngoại đang chờ. Rồi bà cũng dứt khoát bước xuống lòng đường khi phương tiện thưa thớt dần, nhẽ ra bà nên chờ một cô cậu tai tinh mắt khỏe nào đó dẫn qua thay vì một mình liều lĩnh, hắn nghĩ vậy vì biết đoạn đường này người ta đi ẩu, hay tai nạn lắm.
Phía bên phải bà có một chiếc xe buýt xanh nhợt nhạt đang lao tới. Chắc bà không thể thấy được những gì bên trong rõ bằng hắn, gã lái xe khuôn mặt chỉ thấy xương xẩu, cổ họng nhô cao loằm khoằm như mỏ quạ, và râu ria lổn nhổn như muốn lấp *** cả cái mồm. Hẳn là công ty xe buýt không chọn ngoại hình đối với lái xe. Sợ lái xe không thấy thân hình mảnh khảnh của mình bà lão đưa cả hai cánh tay lên cao vẫy vẫy, ánh mắt đầy lo âu hướng về phía chiếc xe lao như điên.
Gã lái xe chắc chắn đã thấy bà cụ, nhưng chẳng thấy được sự lo âu nào cả, hoặc là gã quá tin tưởng vào tay lái của mình nên cứ phi băng băng, cũng có một giả thuyết nữa là gã rất nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, nhất định đi đúng làn đường của mình. Còn bà lão thì cứ đứng nguyên một chỗ, hai tay vẫy không thôi.
Hắn chăm chú nhìn vào vô lăng của gã tài xế, chỉ còn cách bà lão chừng hai chục bước chân nữa thôi mà đôi tay của gã vẫn bất động nắm chặt vô lăng, truyền sự vô cảm của của mình vào chiếc xe buýt lạnh lùng lao tới. Rồi cánh tay phải của gã buông ra rất nhanh, tưởng như bánh lái sẽ quay một vòng khó nhọc về phía bên phải, để tránh xa thêm chút nữa nỗi sợ hãi của bà lão khốn khổ, ai dè gã lái xe vỗ phành phạch vào chính giữa, ba tiếng còi rõ to ré lên nghe nhức nhối cả phố phường.
Hắn kịp thấy bà lão rúm người lại, hai tay rụt xuống hoảng hốt, nỗi sợ hãi đẩy bà lùi lại hai bước khó nhọc mà phải chờ đợi mãi bà mới dám đưa chân. Chiếc xe buýt cũng vụt qua bà lão, để lại vết cứa sắc dài trong đôi mắt thương cảm của hắn. Chưa kịp nguyền rủa điều gì thì một chiếc xe máy hiệu SH mài bánh sau một vệt đen khét lẹt, và khựng lại ngay bên hông bà. Thằng choai choai trên xe nhao người về phía cổ xe, hai tay xiết nghẹt cò phanh, nó không đội mũ bảo hiểm vì tóc dựng đứng và cứng quá. Già mà đi đứng thế à!!. Nó hằn học rủa xả bà lão rồi ngúng nguẩy vọt đi như ăn cắp.
Bà lão đưa mắt sang phía bên kia đường, vẫn cái nhìn thăm thẳm.
Dường như nỗi sợ hãi trong bà vì một nguyên cớ nào đó mà cũng nhanh chóng bay biến theo hai kẻ vô tâm, một lớn một bé. Rồi bà cẩn thận nhìn trái, nhìn phải và mạnh dạn bước đi.
Đường lúc này lại đông hơn, hắn đang mong cho đông thêm nữa, đông đến kẹt cứng thì thôi, để bà lão dễ sang đường.
Bà đi được một nửa già của làn đường bên phải thì bị khựng lại, không thấy bà đưa cả hai tay lên để vẫy, cũng không quá hoảng hốt, có lẽ chướng ngại vật lần này không phải là xe buýt hay cái gì đại loại thế. Ánh đèn nhấp nháy phả vào người bà lão, sáng quắc, làm mắt bà hơi nheo lại, chắc bà đang thắc mắc sao chửa tối mà người ta đã bật đèn. Rồi hai tiếng còi ồm ồm phát ra, âm thanh nghe rất xịn lôi ánh mắt của hắn sang một sự quan tâm khác bà lão.
Ôi chiếc xe mui trần BMW 335i, ước mơ suốt một thời doanh nhân hưng thịnh của hắn. Có một gã trai lịch lãm. Đích thị là phong cách của doanh nhân thành đạt, tuổi chưa đầy ba mươi ôm bánh lái, và không thể thiếu quí cô đài các ngồi ghế kế bên. Hắn đang nghĩ cặp đôi ấy sẽ xuống xe và dắt bà lão khốn khổ qua đường, để cho sự lịch lãm có thêm một sắc màu thường bị thiếu hụt trong xã hội này. Nhưng mong mỏi của hắn cứ loãng dần ra rồi bốc hơi theo tiếng còi rất xịn và ánh đèn nhấp nháy liên hồi của chiếc BMW quí tộc. Cặp đôi hoàn hảo ấy còn quay sang nhìn nhau, nhân sự bực dọc lên làm hai, rồi quẳng về phía bà lão đang chới với không biết tiến hay lùi trước dòng người mải miết, và dường như ngày một đông hơn. Hắn lại ước gì kẹt xe.
Kẻ lùi vài bước chân, người đánh lái chếch phía đối diện, chiếc xe và bà lão đạt được thỏa thuận, chàng doanh nhân trẻ xõa cơn hậm hực vào chân ga lao đi vun vút, bà lão thả một cái nhìn thăm thẳm sang bên kia đường rồi lại ngó nghiêng, di chuyển chậm chạp.
Bà đi thêm được một quãng ngắn nữa, tức là vượt quá được một nửa con đường thì hi vọng của hắn có vẻ sắp được thỏa nguyện. Có chàng trai trông rất nghệ sĩ đi chiếc xe 67 điệu đà, cá tính, cổ đeo cái máy ảnh to đùng đang ngoái lại nhìn bà lão với ánh mắt cảm thông, chàng trai tấp vào vỉa hè cách vị trí của bà lão chừng bốn chục mét, đạp chân chống, dựng xe, mắt vẫn không rời khỏi bà cụ.
Còn bà vì mải mê với dòng người nườm nượp mà không thể để ý được chàng nghệ sĩ kia, nên chắc bà cũng chẳng nghĩ tới một chàng trai tốt bụng sẽ dắt bà sang khúc đường còn lại. Chỉ có hắn, ngồi ở trên cao nên thấy mọi thứ, thấy sự vô tâm khủng khiếp của dòng người, và thấy cả tấm lòng của chàng nghệ sĩ trẻ. Hắn đã có một ý tưởng tuyệt vời cho câu chuyện của mình, một câu chuyện ngắn vừa lột tả được hiện thực vô tâm của xã hội đương thời, vừa có một kết thúc thật nhân hậu, chỉ việc ghi lại những gì mà hắn thấy trong mười phút qua, cần gì phải tưởng tượng ra những điều xa vời vợi.
Hắn lập tức lao vào nhà, lục lọi đống Pu't giấy, phải thật nhanh vì sợ không kịp ghi lại khoảnh khắc của chàng trai nhân từ hiếm hoi kia, cảnh tượng chàng trai trẻ dắt bà lão giữa dòng người nườm nượp sẽ là kết thúc câu chuyện ngắn mà hắn thầm mong sẽ có ngày viết lên, một hình ảnh đẹp nhất.
Hắn tay cầm giấy, tay cầm Pu't phi rầm rầm ra ban công, ngóc đầu ra phía ngoài lan can để thấy hình ảnh ấy rõ hơn. Sao bà lão vẫn một mình, hắn nhốn nháo đưa mắt ra xung quanh, có lẽ chàng trai kia đang bị vài phương tiện cản trở, đang ở ngay sau lưng bà lão thôi, hắn thoáng nghĩ vậy.
Nhưng không, vẫn không thấy, có lo lắng dấy lên nghẹn ngào trong hắn.
Không rõ là hắn lo lắng cho kết thúc của câu chuyện để đời, hay lo cho bà lão vẫn đơn độc đối diện với sự vô tình một cách quá đáng của cuộc đời.
Và hắn bàng hoàng nhận ra chàng trai trẻ đang say sưa với một góc nhìn vừa ý, hí hoáy con máy ảnh, gã trai hướng ống kính về phía bà lão, xoay cái lens dài ngoằng, đen xì như mõm lợn rừng. Rồi như mãn nguyện với tấm hình (có lẽ sẽ đặt tên là Bà Lão Qua Đường), gã trai cẩn thận cất máy ảnh rồi phành phạch lao đi. Bà lão vẫn đơn độc, thỉnh thoảng thả ánh nhìn thăm thẳm sang phía bên kia, chỉ còn một phần tư đoạn đường nữa.
Hắn như bị điện giật, vò tờ giấy trên tay ném với theo gã trai nghệ sĩ, còn kèm theo một tiếng chửi đổng. Và kinh khủng hơn nữa, hắn nhận ra mình cũng ghê tởm như dòng người kia, như gã tài xế, thằng choai choai, doanh nhân trẻ và tên thợ ảnh. Hắn chạy xồng xộc xuống bục cầu thang gỗ ọp ẹp, lao ra ngoài cửa sắt, khỉ thật, hắn rống lên rồi đá vào cửa sắt kêu rầm rầm làm bà lão hất mặt lên nhìn.
Hắn quên là mình không có chìa khóa, hai tuần nay hắn ngồi lì trong nhà để tự hứa với lòng mình, khi nào viết xong một câu chuyện ưng ý mới ra ngoài, hắn giao chìa khóa cho thằng bạn thân, ngày ngày mang đồ ăn đến cho hắn, chỉ nói, khi nào tao viết xong mới lấy lại chìa khóa. Giờ thì hắn mới nhận ra sẽ chẳng có câu chuyện tử tế nào được viết ra nếu cứ ngồi đó, suy nghĩ, bới móc những trải nghiệm hẹp hòi để thêu dệt những điều tưởng tượng.
Hắn thấy bà lão đã sang tới bên này đường, bước lên vỉa hè, bà đi về phía
bên phải tới chỗ người đàn ông mù lòa khuơ khuơ cây gậy trên tay, họ nắm tay nhau tiếp tục sang đường.
Hắn lôi điện thoại gọi cho thằng bạn thân: Cầm chìa khóa đến cho tao, nhanh đấy!.
[Sưu tầm]

Thử đọc