Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương - Chương 22

Tác giả: Sara Imas

Không Lo Cha Mẹ Không Yêu Con Chỉ Lo Biết Yêu Mà Không Biết Dạy
Người Do Thái nổi tiếng trên rất nhiều lĩnh vực vì truyền thống giáo dục gia đình “trong yêu có dạy” giúp dân tộc này duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ. Các loại sách báo về giáo dục gia đình của Israel mà tôi từng đọc đều nhắc nhở các bậc cha mẹ một đạo lý rất đơn giản là đừng vì yêu con mà xem nhẹ việc dạy con: Giáo dục trong gia đình do các bậc cha mẹ tự triển khai, nên rất dễ xảy ra hiện tượng cha mẹ không hiểu được tâm trạng của con mình cùng với việc không nắm được các tiêu chuẩn giáo dục, tức là cha mẹ dễ mắc các sai lầm trong cách yêu con như “thỏa mãn quá mức”, “thỏa mãn trước”, “thỏa mãn tức thời” chúng ta đã nói đến trong phần trước. Gia huấn Do Thái cảnh báo phụ huynh: Đừng lo bạn là người cha người mẹ không yêu thương con cái, chỉ sợ bạn quá yêu con mà quên mất việc dạy con.
“Yêu con” là thiên chức của người làm cha làm mẹ. Tôi xin dẫn ra một vài ví dụ về tình yêu thương con cái của nhân loại như: “Bà mẹ đi bộ” vì muốn hiến gan khỏe mạnh cứu sống con mình nên đã kiên trì đi bộ với cường độ cao mỗi ngày. Nhờ đó lượng mỡ thừa trong gan của bà mà ngay cả các bác sỹ cũng phải bó tay đã hoàn toàn tiêu biến; hay như đến tận lúc lâm chung, người mẹ bị đống đổ nát đè lên người trong một trận động đất vẫn khom lưng cho con 乃ú. Các bậc cha mẹ trong thiên hạ đều không tiếc thân mình, sẵn sàng nhảy vào nơi dầu sôi lửa bỏng vì con. Cho nên chúng ta không thể nghi ngờ tình yêu thương vô bờ bến họ dành cho con mình, chỉ có điều yêu con không phải là cái đích cuối cùng của giáo dục gia đình, yêu con mà không biết dạy con chỉ càng khiến chúng thêm hư mà thôi. Phụ huynh Do Thái nhấn mạnh đến việc cha mẹ cần phải khép con cái vào khuôn khổ từ năm lên ba. Vì sớm hay muộn trẻ cũng phải đi vào khuôn khổ, nền nếp, cha mẹ càng sớm thực hiện, thì cái giá họ phải trả sau này càng ít đi và lợi ích thu được càng nhiều hơn.
“Trong yêu có dạy” cũng là một trong những truyền thống giáo dục gia đình tốt đẹp được người Trung Quốc coi trọng nhất từ xưa đến nay, những vị đại thần tiếng tăm lừng lẫy trong lịch sử như Tư Mã Quang, Tăng Quốc Phiên đều để lại các bài học răn dạy con cháu. Tư Mã Quang không chỉ viết Câu chuyện đập vỡ vại nước lưu lại tiếng thơm muôn đời, ông còn viết cuốn Gia phạm, trong đó có một câu nói nổi tiếng là: “Người làm mẹ không lo không yêu con, chỉ lo biết yêu mà không biết dạy. Cổ nhân nói: ‘Mẹ hiền thì con hư’. Yêu mà không dạy, khiến con đổ đốn, phạm vào trọng tội, bị khép hình phạt, đi đến chỗ diệt thân, không phải người khác làm con thất bại mà chính là người mẹ. Từ xưa đến nay có quá nhiều trường hợp tương tự như vậy, ta chẳng thể kể xiết.” Ngay từ mấy ngàn năm trước, Tư Mã Quang đã nhận thấy sai lầm lớn nhất trong cách yêu con của các bậc cha mẹ là họ chỉ biết yêu mà không biết dạy, cuối cùng chỉ làm hỏng con và lỗi lầm này hoàn toàn thuộc về cha mẹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn có một bộ thư tịch cổ nổi tiếng là Nhan thị gia huấn gồm hơn hai mươi chương sách đầy tâm huyết. Tác giả của cuốn sách là một người xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, ông ví việc định ra quy tắc cho con cái giống như việc dựng lan can trên vách đá cheo leo, dạy những người đang làm cha làm mẹ trong nhà cần yêu thương con cái như thế nào thì chúng mới thành tài.
Qua đó có thể thấy, giáo dục gia đình của người Do Thái và gia huấn cổ của người Trung Quốc còn lưu truyền cho đến ngày nay đều phân tích đúng trọng tâm giáo dục làm chúng ta phải giật mình nhìn lại. Nếu thật sự yêu thương con cái, chúng ta hãy chú ý đưa chúng vào khuôn khổ ngay từ những năm đầu đời, không thể chỉ yêu mà không dạy.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc ngày nay hiểu câu gia huấn “yêu mà biết dạy” ra sao? Phải nói rằng, dù hiện nay chúng ta coi trọng giáo dục hơn ngày trước rất nhiều, nhưng vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của câu “yêu mà biết dạy.” “Yêu mà biết dạy” là giáo dục nền nếp gia đình, là giáo dục tố chất, hay nói ngắn gọn là giáo dục con cái một cách nghiêm túc ngay từ đầu, chứ không chỉ là giáo dục âm nhạc, hội họa, thư pháp, Taekwondo, chỉ số IQ, tiếng Anh và Olympic toán học. Trẻ em tựa như đoàn tàu nối đuôi nhau hướng về tương lai, thiếu trạm xuất phát là giáo dục gia phạm của cha mẹ, đoàn tàu đó khó có thể vận hành an toàn và đi tới bến đỗ tốt đẹp ở nơi xa. Xưa nay những bài học như thế không còn gì là hiếm.
Ngày nay chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh tượng sau trong cuộc sống thực tế: Ông bà hoặc cha mẹ bưng bát cơm đuổi theo đứa trẻ nhỡ nhỡ bón cơm, cháu bé cầm đồ chơi trong tay, ngúng nguẩy ăn được miếng cơm lại quay sang chơi một lúc, chạy quanh một vòng, rồi mới chịu ăn thêm miếng nữa. Đến lúc cơm nguội canh lạnh vẫn còn quá nửa bát chưa ăn. Phụ huynh cảm thấy vô cùng thương xót, vì nó ăn chưa no. Thật ra, trẻ con cũng biết làm theo sắc mặt người lớn, bạn càng nhân nhượng và nhẫn nại với con một cách vô nguyên tắc thì nó càng khéo lợi dụng tình cảm của bạn, cuối cùng là “bắt được thóp” của bạn.
So với phụ huynh Trung Quốc, phụ huynh Do Thái nghiêm khắc hơn trong việc giữ gìn gia quy, gia pháp. Ở Israel, tôi gần như chưa bao giờ trông thấy cảnh cha mẹ chạy theo đứa con hơn ba tuổi, xúc cơm cho nó ăn. Sau khi thức ăn được dọn ra bàn, cả nhà sẽ ngồi dùng bữa. Nếu trẻ bướng bỉnh rời khỏi chỗ, không chịu ăn thì đến khi quay lại, đồ ăn thức uống trên bàn đã được dọn sạch rồi. Giờ trẻ muốn ăn cũng đâu còn cái gì để ăn nữa. Phụ huynh Trung Quốc coi việc dỗ con ăn là một việc khó nhọc, nhưng nếu chúng ta chịu suy nghĩ một chút thì đó chẳng phải là do cha mẹ không đặt ra nguyên tắc, quy củ cho con hay sao.
Những bữa liên hoan của gia đình là môi trường tốt nhất để kiểm tra mức độ chấp hành gia pháp của một đứa trẻ. Tôi nhận ra điều này khi sống cùng các gia đình Do Thái: Vốn là người rất hiếu khách, tôi thích mời hàng xóm và bạn bè thân hữu đến nhà chơi vào dịp cuối tuần, không khí gia đình những ngày này luôn ồn ào, náo nhiệt. Một lần tôi mời nhà hàng xóm sang dùng cơm. Tôi làm cơm rang Dương Châu cùng một vài món ăn Trung Quốc đãi mọi người, cậu con trai hai tuổi của nhà hàng xóm quấy khóc, đòi ăn bánh ngọt. Nhưng ở trước bàn ăn, người hàng xóm vẫn cố ý lấy thức ăn vào một cái đĩa nhỏ cho nó và bảo: “Nếu con không ngoan ngoãn ngồi ăn hết chỗ cơm này đi thì sẽ không có bánh ngọt cho con.”
Bữa tối hôm ấy, thằng bé chỉ xúc mấy miếng cơm rồi lặng lẽ rời khỏi bàn. Sau bữa cơm, tôi mang kem sô-cô-la tự làm ra mời mọi người, vừa trông thấy món điểm tâm yêu thích của mình, thằng bé sáng mắt lên, tỏ vẻ đầy thích thú, nó quay sang xin mẹ mấy miếng cho đỡ thèm. Người mẹ ngồi im như không, mặc kệ thằng bé gào khóc vòi vĩnh. Lúc đó tôi cảm thấy cô hàng xóm này hơi quá, chuyện bé xé ra to, cần gì phải nghiêm khắc với thằng bé mới hai tuổi?
Một năm sau, nhà hàng xóm đó lại sang nhà tôi làm khách. So với lần trước, cháu bé có sự thay đổi làm tôi ngỡ ngàng. Trước khi dùng bữa, hai vợ chồng nhà họ đặt ra quy ước với con, chỉ khi thằng bé chịu ăn hết thức ăn trong bát và được sự đồng ý của mẹ, nó mới được ra chỗ khác chơi. Hai vợ chồng họ giải thích với tôi: “Với bọn trẻ, chúng ta cần phải đề ra hai nguyên tắc, một là trước khi làm việc gì cũng cần đặt ra quy ước với con, hai là không thỏa hiệp với con ngay sau đó.”
“Đặt ra quy ước” cũng là tinh hoa gia huấn của Trung Quốc thời cổ đại! Tư Mã Quang từng nói, không quản giáo, dạy bảo con từ lúc còn nhỏ, đợi đến khi nó lớn rồi mới lo dạy dỗ, chẳng khác nào không uốn cành tỉa lá khi cây còn bé, để mặc nó phát triển tự nhiên, xiêu xiêu vẹo vẹo, đến khi cây lớn bằng hai người ôm mới lo uốn cành tỉa lá, há chẳng tốn nhiều công sức hơn sao? Làm vậy cũng chẳng khác nào mở Ⱡồ₦g thả chim đi rồi đuổi theo bắt nó về hay tháo dây cương cho ngựa chạy sau đó đuổi lại, chẳng phải lúc đầu không mở Ⱡồ₦g, tháo dây cương thì đỡ tốn công, tốn sức hơn sao?
Các gia đình Trung Quốc hiện đại nhấn mạnh đến việc cho trẻ được tự do phát triển, song điều này thường dẫn giáo dục gia đình đi vào một sai lầm khác là dung túng ham muốn của trẻ một cách mù quáng. Để trẻ tự do phát triển không mâu thuẫn với việc áp dụng gia pháp cho trẻ ngay từ nhỏ. Có phép tắc là biểu hiện của một đứa trẻ có tố chất tốt và cũng là nền tảng giúp nó xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên khác trong xã hội sau này. Làm sao để trẻ “biết phép tắc”? Một ví dụ đơn giản như chuyện nói năng chẳng hạn: Thấy con cái ăn nói tùy tiện mà cha mẹ không uốn nắn, nhắc nhở, như thế có nghĩa là cha mẹ biết yêu mà không biết dạy.
Tôi có một người bạn già, một hôm bà ấy bế đứa cháu trai hai tuổi sang nhà tôi chơi. Không hiểu vì lý do gì, đột nhiêu thằng bé tát một cái vào mặt bà. Vậy mà bà bạn tôi còn cười hể hả: “Ối chà, thằng bé này được lắm, bà đừng xem thường cháu tôi nhỏ nhé, nó đánh đau lắm đấy! Đúng là giống y như ông nó! Có lần còn đánh ông nó đỏ hết cả mặt cơ mà.” Bà bạn già của tôi còn đang nói dở câu chuyện thì “bụp” một cái, thằng bé lại tát vào mặt bà nó cái nữa.
Những bậc cha mẹ không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc giáo dục con cái theo khuôn phép gia đình trong giai đoạn đầu đời, thường có thái độ cho trẻ tự do phát triển theo ý mình. Lý do họ đưa ra là con hãy còn nhỏ, chưa hiểu gì nên có dạy nó bây giờ cũng bằng thừa, đợi nó lớn hơn chút nữa cũng chưa muộn. Đó là cách nghĩ vô cùng tai hại. Gia đình tự nguyện đầu hàng trước yêu cầu của con em, trẻ cầu được ước thấy và có hành vi không tuân thủ gia quy, còn người lớn trong nhà đều tranh nhau dành tình cảm cho trẻ, chỉ lo nó không vui, bị tủi thân, trong khi đó lại sao nhãng việc giáo dục con em mình một cách nghiêm túc ngay từ lúc nó còn nhỏ. Chả trách đến nay những gia đình này không tài nào hiểu được, tại sao họ nuôi dạy con cái bằng tất cả tình thương và tâm huyết của người làm cha làm mẹ, vậy mà có một ngày họ bàng hoàng nhận ra con mình trở nên xa lạ, hỗn láo và không hiểu cha mẹ.
Cái gọi là “ái chi thâm, trách chi thiết” chính là trong yêu có dạy, những yêu cầu nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái bắt nguồn từ chính tình yêu thương con cái sâu đậm của họ. Bởi vậy, những người làm cha làm mẹ đừng để tình yêu mù quáng chi phối mình, chúng ta phải “vừa yêu vừa dạy”, “vừa chiều vừa nghiêm.” Đương nhiên, nghiêm khắc không có nghĩa động một tý là chửi mắng, đánh đập con, mà cần dựa trên tiền đề là sự hợp lý. Hơn nữa, cha mẹ cũng phải có hiểu biết, nhẫn nại, dạy bảo trẻ từ từ.
Ví dụ như gia đình tôi, thật ra, cách làm dưới đây của tôi cũng được gợi mở từ phụ huynh Do Thái, họ rất thích định ra quy tắc, dạy trẻ học gia pháp trong lúc vui chơi. Cách làm này vừa giúp họ tránh làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, vừa không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Thời tiết ở Israel rất nóng, nên sàn phòng khách các nhà thường được lát đá hoa cho mát. Huy Huy nhà tôi rất thích nằm bò trên nền đá hoa mát lạnh, vừa ăn cơm vừa đọc sách.
“Huy Huy, con không được nằm bò ra nền nhà ăn cơm như thế.” Tôi kiên nhẫn nhắc nhở Huy Huy hết lần này đến lần khác.
“Vâng, con biết rồi ạ.” Huy Huy vui vẻ nghe lời, nhưng nhân lúc tôi không để ý, nó lại nằm bò ra nền nhà ăn cơm.
Nói đi nói lại mấy lần vẫn không có tác dụng, tôi quay sang bảo Dĩ Hoa: “Dĩ Hoa, em con lại nằm bò ra nền nhà ăn cơm rồi kìa. Con mau vẽ lại bộ dạng của em lúc ăn cơm kiểu đó rồi đưa cho nó xem.”
Dĩ Hoa thừa hưởng năng khiếu vẽ từ tôi, thằng bé mau chóng phác họa dáng vẻ của cậu em trai đang nằm bò ra nền nhà, ăn cơm.
“Huy Huy, em xem này.”
“Hả, sao lại giống chó thế, không đúng, nhất định là anh bôi xấu em rồi!” Huy Huy khăng khăng chối bỏ.
Thấy Huy Huy không tin mình trông giống như hình trong bức vẽ, tôi liền nảy ra một kế: Tôi lấy máy ảnh trong nhà ra chụp cảnh Huy Huy nằm bò ra nền nhà ăn cơm, chỉ sau vài tiếng tách tách, mấy tấm ảnh đã trượt ra.
“Sao trông con lại giống chó thế ạ?” Huy Huy cúi gằm mặt, ủ rũ.
Từ đó về sau, thằng bé không còn nằm bò ra nền nhà ăn cơm nữa.
Tục ngữ nói, không có “quy” và “củ” thì không thể vẽ được hình tròn, hình vuông. Sở dĩ người Do Thái có tỷ lệ thành công rất cao trong giáo dục gia đình vì họ rất coi trọng việc xây dựng khuôn phép cho con trẻ ngay từ nhỏ. Vậy rốt cuộc người Do Thái có bao nhiêu gia quy? Thật ra, đó đều là những quy tắc quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ví dụ như, muốn ra ngoài, trẻ phải xin phép người lớn và về nhà đúng giờ hẹn; gặp hàng xóm láng giềng, trẻ phải chủ động chào hỏi; dọn dẹp phòng riêng gọn gàng, sạch sẽ, ăn xong phải mang bát vào bếp, sau khi dùng đồ dùng chung của cả nhà, trẻ phải trả về đúng vị trí… Khả năng kiểm soát bản thân của các bé trai có phần kém hơn, dù đã sửa thói quen xấu, nhưng chúng vẫn có thể tái phạm. Nên các bậc cha mẹ đừng phạt các bé ngay từ lần đầu chúng làm trái quy định. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con, nếu sau ba lần nhắc nhở trẻ vẫn phạm lỗi, lúc này cha mẹ mới cân nhắc đến hình phạt.
Khi con cái hình thành thói quen tự giác, các bậc cha mẹ Do Thái đỡ được rất nhiều thời gian và công sức. Mỗi lần phát sinh những tình huống tương tự, phụ huynh không cần dạy lại trẻ từ đầu mà chỉ cần nói “đã đến lúc tắt đèn rồi con”, “đến giờ ăn tối rồi”, “đến lúc thu dọn đồ chơi rồi”… chúng sẽ tự biết mình nên làm gì. Không như nhiều phụ huynh Trung Quốc hiện nay, vừa đuổi con chạy khắp nhà, vừa dỗ dành: “Con ngoan, mau lại đây ăn cơm nào, ăn thêm một miếng nữa thôi.” Hay mệt mỏi, đầu hàng nhìn đống đồ chơi con bày ra khắp nhà, chán chường bảo: “Sao con lại ném đồ chơi vung vãi khắp nhà vậy?” Và cũng có khi giả vờ nghiêm mặt bảo: “Sao con không chịu nghe lời mẹ?” Dù thật ra trong lòng cha mẹ đã thầm chịu thua con, vì tất cả những chuyện này đã trở nên quá quen thuộc.
Có thể sẽ có người hỏi, liệu khuôn phép gia đình có tạo nên cái nhìn tiêu cực ở trẻ, rằng cha mẹ không yêu thương con hay không? Về vấn đề nuôi dạy con cái, định ra khuôn phép gia đình, trước tiên phụ huynh Do Thái sẽ giảng giải cho con em mình hiểu rõ nền nếp, phép tắc của gia đình, chứ không bắt trẻ làm theo lời cha mẹ một cách máy móc.
Hồi tôi mới chuyển đến thành phố Tel Aviv, đối diện nhà tôi là một nhà hàng xóm có ba người. Tuy là hàng xóm gần kề nhưng vì hằng ngày mọi người đều bận rộn nên chúng tôi rất ít khi có cơ hội tụ tập, nói chuyện cùng nhau. Một hôm rảnh rỗi, cả nhà họ kéo sang nhà tôi chơi, tôi vội vàng đi chuẩn bị hoa quả, rửa dâu tây, bổ dưa hấu mời họ.
Tôi chọn miếng dưa hấu ít hạt đưa cho cháu bé. Nó ăn được hai miếng thì đặt miếng dưa hấu xuống bàn uống nước, thò tay ra nhón lấy một quả dây tây đưa lên miệng, cắn một miếng nhỏ rồi lại bỏ xuống và thò tay ra bốc nắm hạt dưa.
Cha cháu bé thấy vậy liền nghiêm giọng bảo: “Con cầm miếng dưa hấu, dâu tây lên ăn hết đi rồi mới được lấy thứ khác.”
Tôi cười, đỡ lời: “Anh cứ để cháu nó thích ăn gì thì ăn, chẳng phải vẫn còn rất nhiều thứ sao?”
Cha cháu bé đáp: “Chúng ta không nên lãng phí, tiết kiệm không liên quan gì đến giàu nghèo. Nhưng đây là thói quen tốt cần hình thành cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ.”
Nghe vậy, cháu bé bĩu môi, hai má đỏ bừng, người cha cười hiền bảo nó: “Cha kể cho con nghe một câu chuyện: Ngày xưa có một phú ông giàu có nhưng vẫn sống rất tiết kiệm, có người khuyên ông ta: ‘Giàu có như ông, mấy đời con cháu ăn tiêu cũng chẳng hết, ông cần gì phải sống kham khổ như vậy? Làm thế, người ta lại nghĩ là ông giả nghèo đấy’. Phú ông đáp: ‘Tuy hiện giờ tôi có nhiều nguồn thu, nhưng không thể lúc nào cũng được như vậy. Nếu để mọi người trong gia đình quen với cuộc sống xa xỉ thì khi tôi không giữ được công việc tốt như hiện nay, họ sẽ khó mà thích ứng, cảm thấy không thể chịu được cảnh thiếu thốn. Giờ để họ học cách tiết kiệm, sau này họ mới có thể sống yên ổn’. Một ngày nào đó nhà mình không còn nhiều thứ để ăn, liệu con có khó chịu không? Vì vậy, bây giờ chúng ta phải học cách trân trọng mọi thứ. Lúc ăn cũng cần phải nghĩ xem mình có thể ăn bao nhiêu, ăn được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, đã lấy rồi thì phải ăn cho hết…”
Cách dẫn dắt khéo léo của người cha Do Thái này chính là phong cách giáo dục điển hình của người Do Thái. Phụ huynh Do Thái hay kể cho con cái họ nghe những câu chuyện nhỏ, qua đó giúp trẻ rút ra bài học bổ ích, tự nghiền ngẫm và kiểm điểm bản thân.
Phần lớn những vấn đề phụ huynh Trung Quốc gặp phải trong quá trình triển khai giáo dục gia đình đều xuất phát từ sự thiếu khuôn phép trong gia đình. Dù biết không có “quy” và “củ” thì không thể vẽ được hình tròn, hình vuông, nhưng đứng trước đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, họ lại không nỡ nghiêm khắc với nó. Xem ra, vấn đề “chỉ lo cha mẹ biết yêu mà không biết dạy” quả là điểm yếu của các bậc làm cha làm mẹ từ xưa đến nay!
Thật ra, việc dạy dỗ con cái cũng không hẳn là khó. Chủ yếu cha mẹ cần làm rõ hai ranh giới: Một là phân định rõ ranh giới giữa “hiếu động và bừa bãi”, “có quy củ và rụt rè thiếu chính kiến.” Rất nhiều phụ huynh thường không phân biệt rõ các khái niệm này nên mới gộp chúng là một. Một nhà giáo dục học Do Thái từng đưa ra một cách so sánh thú vị giúp cha mẹ nắm được ranh giới này, đó là: Ở một đồng cỏ, con dê chạy lăng xăng trong hàng rào, vừa găm cỏ vừa nô đùa, đó là hiếu động. Lúc này người chăn dê không cần phải can thiệp; nhưng nếu con dê chạy vượt ra ngoài hàng rào thì là bừa bãi, lúc này người chăn dê phải thực hiện chức phận của mình. Cách ví giáo dục trong gia đình với công việc chăn dê của nhà giáo dục này không có ý xúc phạm trẻ em, ông chỉ muốn dùng ví dụ cụ thể trên để nói về sự khác biệt giữa hiếu động và bừa bãi.
Giới hạn thứ hai cha mẹ cần phải nắm vững là: Nguyên tắc giới hạn. Tại sao có nhiều phụ huynh mắc phải những sai lầm như thỏa mãn quá mức, thỏa mãn trước và thỏa mãn tức thời đến vậy? Vì các bậc cha mẹ yêu thương con cái thường khó có thể kiên trì giữ vững nguyên tắc của mình, họ rất dễ bị dao động. Mà nếu cha mẹ là người vi phạm quy định trước thì họ sẽ đánh mất uy tín của mình với trẻ, đồng thời trẻ cũng không xây dựng được ý thức tuân thủ quy định. Khi đó việc giáo dục, dạy dỗ trẻ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Tất nhiên, phụ huynh cũng có thể nới lỏng một vài quy định trong những trường hợp thích hợp như, nếu con cái có biểu hiện tốt thì chúng sẽ được ăn nhiều quà ăn vặt hơn, cuối tuần cha mẹ có thể đáp ứng mong muốn của trẻ cho phép chúng xem phim hoạt hình lâu hơn một chút hay đi ngủ muộn hơn một chút vào buổi tối… Cách làm này giảm bớt rất nhiều áp lực ở trẻ. Khi được tự do hơn, chúng sẽ tự giác tuân thủ quy định của cha mẹ.
“Trong yêu có dạy” là món quà quý giá nhất cha mẹ trao tặng cho con dưới một hình thức thông minh. Khi trẻ mỗi ngày một lớn, bạn sẽ nhận ra con càng ngày càng hiểu chuyện hơn, ngược lại con trẻ cũng cảm thấy bạn càng ngày càng gần gũi và đáng kính hơn, tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng khăng khít hơn. Vì qua những phản hồi trong giao tiếp xã hội, con trẻ hiểu ra: Chính tầm nhìn xa của cha mẹ đã mang hạnh phúc đến cho chúng, khiến chúng thành người. Lúc đó, bạn có thể dần nới lỏng quy định đối với con cái, mặc sức tận hưởng sự an nhàn sau bao tháng ngày vất vả.
Đối với các bậc cha mẹ mà nói, “không lo cha mẹ không yêu con, chỉ lo biết yêu mà không biết dạy” là một bài kiểm tra ý chí và sự hiểu biết về giáo dục. Vượt qua thử thách này, bạn mới có đủ tư cách nói: bạn yêu con bằng một tình yêu không nông cạn, không hạn hẹp, và bạn được chứng nhận là người cha người mẹ thực thụ, chứ không chỉ là cái danh.
Chín bí quyết trong việc định ra quy tắc cho con
1. Định ra quy tắc trong đối thoại. Theo quan điểm giáo dục gia đình của người Trung Quốc, nói leo theo người lớn là thói quen thiếu lễ độ. Nhưng khi định ra quy tắc trong đối thoại cho con, phụ huynh Do Thái lại khuyến khích con em họ tiếp lời người lớn. Nghĩa là họ không xem trẻ là đối tượng cần được dạy dỗ, mà đặt trẻ lên vị trí ngang hàng với người lớn trong quá trình trao đổi, thảo luận. Họ giảng giải cặn kẽ các quy định cho con cái hiểu, chứ không muốn chúng vâng lời một cách máy móc. Cách giáo dục bằng phương thức đối thoại này đòi hỏi cha mẹ cần có thái độ ôn hòa và nhẫn nại.
2. Định ra quy tắc trong vui chơi. Từ lúc còn ẵm ngửa, trẻ em Israel đã được chơi đùa với các bạn cùng độ tuổi. Do trẻ ăn và ngủ theo đúng thời gian biểu và quy định đã được đặt ra nên tự nhiên chúng cũng hình thành thói quen tuân thủ kỷ luật cùng người khác. Vui chơi là hoạt động thu nhỏ của xã hội, con trẻ có thể học cách tuân thủ quy định, biết chấp nhận thắng thua và biết hợp sức để giành chiến thắng trong quá trình chơi.
3. Khi con cái vi phạm quy tắc, cha mẹ cần phạt chúng thật nghiêm. Nếu không, cha mẹ sẽ đánh mất uy của mình và quy định cũng mất đi tính ràng buộc cơ bản.
4. Thay thế hình phạt về thể xác bằng cách cho con cái thời gian tự kiểm điểm bản thân. Bạo lực sẽ chỉ hủy hoại lòng tự tôn của con trẻ, gieo mầm mống sợ hãi, phẫn nộ và oán hận vào lòng chúng. Việc các bậc phụ huynh Do Thái không đánh con, cũng rất ít khi to tiếng với con khi chúng mắc lỗi khiến đứa trẻ càng dễ hiểu được rằng bản thân chúng cần xây dựng những hành vi chuẩn mực, nhờ đó trẻ sẽ không có cảm giác là mình bị oan. Còn những phản ứng gay gắt của cha mẹ sẽ làm trẻ càng trở nên ương bướng, dọa nạt chỉ mang tác dụng hạn chế, cuối cùng trẻ sẽ nhận ra dù thế nào thì cha mẹ cũng vẫn thương yêu mình. Bởi thế, cách xử phạt nhẹ nhàng mà nghiêm khắc sẽ khiến trẻ nhận ra vi phạm quy tắc là điều không nên.
5. Khi xây dựng quy tắc, phụ huynh cần nói cho trẻ biết kết quả của cách làm này. Tốt nhất những kết quả cha mẹ nêu ra có liên quan đến lợi ích thiết thân của trẻ.
6. Phụ huynh cần luận đúng tội, không nên vội vàng chụp mũ cho trẻ.
7. Phụ huynh nên khuyên răn con cái bằng những lời lẽ tích cực, không dùng lời lẽ tiêu cực hăm dọa trẻ.
8. Khi quy tắc đã được lập ra thì bất luận là vào lúc nào, ở đâu hay trong hoàn cảnh nào trẻ cũng đều phải tuân thủ, không nên nay thế này mai thế khác, ở nhà làm một đằng, ra ngoài làm một nẻo. Như vậy chỉ khiến trẻ hoang mang, không biết phải làm thế nào mới đúng.
9. Các quy tắc không chỉ được áp dụng với con trẻ, ngay cả phụ huynh cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Chẳng hạn như muốn trẻ ăn uống trật tự, ngoan ngoãn thì cha mẹ phải có những cử chỉ mẫu mực trên bàn ăn, không kén chọn, không lãng phí thức ăn. Muốn trẻ lễ phép, lịch sự, cha mẹ hãy làm gương cho con trước.
10. Cha mẹ cần tạo ra bầu không khí thoải mái. Khi con cái không nghe lời cha mẹ, phụ huynh đừng cố ép chúng phải làm theo, vì bất luận là trẻ lớn hay trẻ nhỏ thì cha mẹ cũng không được đánh mắng chúng. Lúc bầu không khí đang căng thẳng là lúc khó thực thi quy tắc nhất. Cha mẹ có thể sử dụng chiến thuật vu hồi, thể hiện chút khả năng hài hước của bản thân bằng cách tự mình nói ra lý do khiến con không tuân thủ quy tắc và đưa ra cách giải quyết theo cách nghĩ của con, làm vậy chúng sẽ dễ tiếp thu hơn.
11. Điều kiện tiên quyết để trẻ tuân thủ quy tắc là để trẻ được tự do. Trong cuộc sống thực tế, không ít bậc cha mẹ thường vì không phân biệt rõ ràng giới hạn giữa “hiếu động và bừa bãi”, “có quy có củ và rụt rè thiếu chủ kiến” nên mới gộp chúng làm một.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc