Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương - Chương 17

Tác giả: Sara Imas

Làm Sao Để Con Hiểu Cha Mẹ
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy chục năm, người Do Thái đã nhanh chóng vươn đến vị trí giai cấp bạch kim, trở thành dân tộc kiếm tiền giỏi nhất thế giới. Ví dụ như George Soros, Ross Rothschild hiện đang chi phối hệ thống tài chính châu Âu, hay những ông lớn tài chính như J. P Morgan trên phố Wall… đều là các nhà tài phiệt Do Thái giàu có nổi tiếng trên thế giới. Vì người Do Thái giàu có như vậy nên thông thường mọi người đều cho rằng, thế hệ sau của những người Do Thái giàu có đương nhiên sẽ sinh ra với chiếc chìa khóa bạc, sống trong cẩm y ngọc thực từ bé.
Thực tế cho thấy, trong tiểu sử gia đình của những người Do Thái giàu có ấy ghi rõ tất cả các thành viên khác đều thích làm giàu, họ cẩn trọng nhắc nhở thế hệ sau “nhà cao muôn trượng dựng lên từ mặt đất bằng”, kiên quyết không để cho con cháu mình sống trong nhung lụa. Vì thế họ nghĩ ra rất nhiều biện pháp giúp con trẻ kìm hãm sự hưởng thụ quá sớm, ví dụ như hoạt động khá nổi tiếng “tham quan một ngày của cha mẹ” cũng là một trong những cách phụ huynh Do Thái tiến hành giáo dục “trì hoãn thỏa mãn” đối với trẻ.
Trường học của con trai tôi ở Israel từng tổ chức cuộc điều tra xã hội “Một ngày của cha mẹ”, yêu cầu học sinh tìm hiểu các công việc cha mẹ mình phải làm từ khi thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối. Hoạt động này khiến con trai tôi và các bạn của nó có những cảm nhận sâu sắc. Con trai tôi về nhà kể rằng, khi tổng kết cuộc điều tra, nhiều bạn trong lớp nó đã bật khóc. Các cháu không ngờ, cha mẹ mình kiếm tiền vất vả biết bao. Một cháu từng đòi mẹ mua giày trượt patin hàng hiệu, sau khi tham quan nhà máy mẹ cháu đang làm việc, tận mắt chứng kiến cảnh người mẹ quay cuồng làm việc trong tiếng máy ồn ào, cháu hổ thẹn nói: “Ngày hôm đó, em trông thấy cánh tay mẹ mỏi rã rời, gần như chẳng còn sức nhấc lên.” Cậu bé cảm thấy hổ thẹn vì thường ngày đã không biết quý trọng thành quả lao động của mẹ. Thầy giáo cho tôi biết: Nhà trường tổ chức hoạt động điều tra này là theo kiến nghị của một số vị phụ huynh Do Thái, họ muốn nhà trường phối hợp tích cực với gia đình trong quá trình giáo dục con em. Phụ huynh Do Thái trao đổi với thầy giáo rằng: “Muốn trẻ biết ‘trì hoãn sự thỏa mãn’, chúng ta không thể chỉ giảng đạo lý suông, mà phải cho trẻ thể nghiệm cuộc sống thực tiễn, gia đình và nhà trường cần kết hợp giáo dục trẻ thì mới mong có hiệu quả cao nhất.”
Hoạt động “tham quan một ngày của cha mẹ” giúp trẻ em hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình, từ đó biết cảm thông hơn với công việc chăm lo cho gia đình của người lớn nên không có gì là xấu cả. Bản thân cha mẹ cũng cần thông báo cho trẻ biết về hoàn cảnh gia đình mình. Gia đình khá giả có thể cho trẻ hiểu chăm lo cho gia đình là việc không dễ dàng gì, còn những gia đình nghèo khó có thể cho trẻ hiểu người lớn duy trì cuộc sống vất vả ra sao. Làm vậy, con trẻ sẽ càng quý trọng cuộc sống hơn, yêu quý các thành viên trong gia đình hơn.
Sau khi tham gia hoạt động “tham quan một ngày của cha mẹ”, học sinh trong lớp con trai tôi đều chủ động thể hiện sự thấu hiểu và yêu thương cha mẹ theo cách riêng của mình: “Hôm nay mẹ đi làm về mệt, nên tan học con về nhà ngay, giúp mẹ rửa rau.” “Hôm nay là chủ nhật nhưng cha vẫn phải tới tòa soạn viết bài ạ? Con sẽ giúp cha dọn dẹp phòng sách…”
Vì muốn trẻ hiểu rằng “trì hoãn sự thỏa mãn” là một loại tinh thần trách nhiệm xã hội và cũng vì lo sợ trẻ sẽ đi vào con đường “quý tộc giả tạo”, nên phụ huynh Israel cực kỳ coi trọng giáo dục trì hoãn sự hưởng thụ. Nhiều người cha Do Thái giàu có liên tục sắp xếp cho con cái mình tham gia “trải nghiệm cuộc sống nghèo đói.” Sau hoạt động thực tế này, bọn trẻ có sự thay đổi hoàn toàn: “Thì ra, trên thế giới vẫn còn ít nhất hai triệu người phải đi ăn xin. Thật không thể tưởng tượng được rằng hằng ngày họ thiếu ăn đến thế! Hóa ra, cha nói phí sinh hoạt trong một năm của trẻ em ở những khu vực nghèo đói của châu Phi chỉ có 100 đô-la là đúng sự thật.”
Con trai tôi chơi rất thân với một người bạn cấp hai tên là John, cha cậu bé là một thương nhân có tiếng ở thành phố Tel Aviv nơi chúng tôi sinh sống. Người cha này khá thú vị, anh ta sở hữu nhiều ô tô hàng hiệu, vậy mà cuối tuần nào cũng kiên trì đưa con trai đi xe buýt, cho thằng bé quan sát cuộc sống vất vả bên ngoài xã hội. Có lần, John cùng con trai tôi chở túi hàng to bằng xe đạp, mang đi bán. Đúng lúc trời mưa tầm tã, bọn chúng trông thấy đằng xa có một chiếc ô tô đang tiến lại gần. Thật mừng vì đó là xe của cha John, nào ngờ chiếc xe lại chạy thẳng, đường ai nấy đi việc ai nấy làm, thằng bé vẫn đi đưa hàng, còn người cha vẫn đi làm việc của mình. Nếu John muốn thay đôi giày đá bóng cũ, cha thằng bé sẽ đề nghị nó mỗi tối rửa bát đũa một lần hoặc là đồng ý một nguyên tắc khen thưởng khác, đổi lấy đôi giày mới bằng sức lao động của mình. Cha mẹ thằng bé nói: Nếu con tôi đạt được thứ mình muốn một cách quá dễ dàng thì nó sẽ được nuông chiều thành hư, vì nó nghĩ rằng mình phải có được tất cả mọi thứ.
Tôi phân tích dụng ý của cha John cho con trai tôi nghe, thằng bé nói: “Mẹ ạ, con tin sau này nhất định John sẽ kế thừa rất tốt tài sản của gia đình cậu ấy, vì cha cậu ấy rèn giũa cậu ấy như vậy chính là khích lệ bản thân cậu ấy phấn đấu, chứ không ngồi không hưởng lộc.”
Lúc đó, tôi rất mừng vì cậu con trai của tôi mới học cấp hai đã hiểu được đạo lý này, đó cũng là căn nguyên ý chí phấn đấu sau này của thằng bé. Ngay đến con em nhà giàu cũng hiểu biết về xã hội, trải nghiệm cuộc sống gian khổ, chịu khó học tập từ nhỏ, vậy con em các gia đình bình thường còn cần phải biết phấn đấu hơn thế chứ?
Theo phụ huynh Do Thái, điều kiện kinh tế khá giả chưa chắc là chuyện tốt, họ quan niệm dù mình có giàu thế nào chăng nữa cũng không được để cho con quá ăn sung mặc sướng. Cũng tương tự như câu tục ngữ của người Trung Quốc: “Có gian nan vất vả, ngọc mới rũa được thành.”
Phụ huynh Israel thường trao đổi, đối thoại với con em mình để cho trẻ hiểu lý do vì sao cha mẹ trì hoãn thỏa mãn của chúng. Họ bảo trẻ: Nếu con thích chơi thì con cần phải có thời gian tự do để chơi đúng không. Con sẽ đạt được mong muốn của mình khi con thi vào trường điểm và có thành tích học tập xuất sắc. Sau này con có thể tìm được một công việc rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền, đến lúc đó, con sẽ có nhiều thời gian vui chơi hơn và đồ chơi của con cũng đắt tiền hơn. Nhưng nếu con đi sai trật tự thì toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động bình thường, con sẽ có rất ít thời gian vui chơi và chỉ sở hữu một vài đồ tồi tệ, phần đời còn lại, dẫu con nỗ lực làm việc đến đâu cũng không còn kịp nữa rồi.
Hồi ở Thượng Hải, Huy Huy chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy sân trượt tuyết. Sau này tới Israel, nhà chúng tôi ở vùng biên giới tiếp giáp giữa Israel và Li Băng, ở đó có một cái sân trượt tuyết duy nhất của Israel.
Vào kỳ nghỉ đông, Huy Huy háo hức muốn đi trượt tuyết, thằng bé nài nỉ: “Mẹ cho con đi trượt tuyết đi, tuyết sắp tan hết rồi.” Huy Huy chỉ muốn mọc thêm đôi cánh để bay đến ngọn núi phủ đầy tuyết trắng xa xa.
Từ đáy lòng mình, tôi bằng lòng cho thằng bé đi trượt tuyết vì phong cảnh ở đó rất độc đáo, có thể giúp bọn trẻ mở mang đầu óc. Hơn nữa, lúc đó, kinh tế gia đình nhà tôi cũng khấm khá hơn, hoàn toàn có khả năng chi trả khoản tiền vui chơi này của chúng. Nhưng tôi vẫn cố ý gây khó dễ, “Huy Huy, con rất muốn đi trượt tuyết phải không?”
“Vâng ạ!”
“Con có bằng lòng làm thêm mấy ngày ở bên đó để đổi lấy tiền đi trượt tuyết không?”
“Không thành vấn đề ạ!”
Tôi lái xe từ nhà đưa Huy Huy tới sân trượt tuyết mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, trời rất lạnh, tôi hơi do dự, mặc dù tôi đã chuẩn bị găng tay dày cho Huy Huy, nhưng liệu thằng bé có chịu được cái lạnh này không?
Dường như đoán biết được tâm trạng của tôi, Huy Huy tỏ vẻ không sao để tôi yên tâm. Mấy ngày sau, tôi tới thăm Huy Huy và còn giúp thằng bé cùng các bạn nó chụp lại phong cảnh sân trượt tuyết mà chúng ao ước từ lâu.
“Mẹ, con nhìn thấy núi tuyết đẹp lắm!” Chóp mũi Huy Huy lạnh đến ửng đỏ. Công việc mà nó đảm nhiệm ở sân trượt tuyết rất vất vả. Công việc quét dọn phòng ở có vẻ nhẹ nhàng hơn song nó lại khăng khăng từ chối, vì nếu làm việc trong phòng, nó sẽ không nhìn thấy núi tuyết đẹp mê hồn ngoài kia.
Huy Huy đổi lấy việc đi trượt tuyết bằng sức lao động của mình, nó thấy rất đáng giá. Vả lại, trong sân trượt tuyết có rất nhiều người thành công lui tới nghỉ ngơi, họ đổi lấy những phút giây hưởng thụ cuộc sống bằng sự siêng năng và cố gắng của mình, hiển nhiên điều này cũng khích lệ ý chí của Huy Huy. Niềm vui có được từ đôi tay lam lũ của chính mình mới là niềm vui đích thực, thoải mái và dễ chịu. Đừng lo đôi bàn tay mình quá nhỏ bé, vì chỉ cần bạn chịu khó cày bừa thì càng ngày bàn tay ấy càng có sức mạnh, nó sẽ nuôi dưỡng ước mơ của bạn, rồi một ngày bạn sẽ được vụ mùa bội thu.
Khi Du Mẫn Hồng, Hiệu trưởng trường Tân Phương Đông mới nhắc đến con mình, ông cũng nói đến tính tất yếu của giáo dục “trì hoãn sự thỏa mãn”, “không được để cho con cái dễ dàng vòi vĩnh bạn. Trước khi mua đồ cho con, tôi sẽ phân tích cho nó hiểu thứ nó muốn mua có phù hợp hay không, nếu không phù hợp thì cương quyết không mua, còn nếu phù hợp thì tôi cũng không mua cho nó một cách dễ dàng. Nhất định tôi sẽ bảo con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó rồi mới mua đồ cho nó. Ở lớp con gái tôi, mỗi cháu đều có một chiếc máy tính xách tay, tôi không mua cho con cũng không được. Vậy là tôi bảo con bé, chắc chắn cha sẽ mua máy tính cho con, nhưng con phải hiểu rằng không có cái gì từ trên trời rơi xuống, bây giờ con đã lớn rồi, con phải bỏ sức lao động của mình ra để có được thứ mình muốn. Nếu như con đọc thuộc lòng ba mươi bài viết khích lệ ý chí bằng tiếng Anh, cha sẽ mua máy tính cho con ngay. Kết quả chưa đến hai tuần, con tôi đã đọc thuộc làu, nó có được chiếc laptop đúng như mong muốn. Cách giáo dục như vậy không những giúp con cái hiểu được đạo lý có làm mới có hưởng, mà còn giúp chúng biến ham muốn thành động lực làm việc”.
Những lời khích lệ như “dù nghèo thế nghèo nữa cũng không được để nghèo giáo dục, dù khổ thế khổ nữa cũng không được để con khổ” đã ăn sâu vào tâm hồn của các bậc phụ huynh Trung Quốc. Nhưng người đi ngược lại mong muốn ban đầu của câu nói này lại là bản thân những người làm cha làm mẹ. Trong một số gia đình khá giả ở Trung Quốc, các bậc cha mẹ luôn chiều theo ý con, con cái muốn gì được nấy. Con nhìn thấy một cái máy chơi game cầm tay (Psp) hoặc Ipad, phụ huynh không mua cho thì nó nhất định không chịu đi, cuối cùng không làm thế nào được, phụ huynh đành phải mua cho con, đó rõ ràng là con cái “trấn lột” cha mẹ. Còn có phụ huynh tiếc tiền, không nỡ mua hàng hiệu cho mình nhưng lại xả láng mua hàng hiệu đáp ứng yêu cầu của con và còn ra sức lấy lòng con: “Cục cưng của mẹ, đây là giày Nike số lượng sản xuất có hạn, 1500 tệ một đôi, con xem mẹ yêu con chưa nào.”
Đáng nói hơn là, cùng với việc các bậc cha mẹ Trung Quốc giàu có thỏa mãn quá mức ham muốn của con, các bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế bình thường, thậm chí còn túng bấn cũng đua nhau thỏa mãn trước hoặc thỏa mãn tức thời ham muốn của con.
Cách đây không lâu, tôi đọc được một bài báo như sau: Ở Sơn Đông có một cặp vợ chồng từ nông thôn lên thành thị kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Bản thân họ nhịn ăn nhịn tiêu, dành dụm tiền mua một cái máy vi tính hơn 3000 tệ cho cậu con trai, đáp ứng đòi hỏi của thằng bé. Nhưng từ khi có máy vi tính, ngày nào thằng bé cũng cắm đầu chơi điện tử, không muốn đi học nữa.
Không ít phụ huynh trách mắng trẻ con bây giờ không hiểu cha mẹ, không biết thương cha mẹ, nhưng thử hỏi họ có từng nghĩ, khi họ hy sinh cho con, họ có dạy nó hiểu những nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống của cha mẹ hay không?
Khác với phụ huynh Do Thái thường dẫn dắt con em mình “tham quan một ngày của cha mẹ”, phụ huynh Trung Quốc luôn cho rằng hoàn cảnh gia đình là chuyện riêng của người lớn, là khu vực cấm của trẻ em. Dù họ có khổ sở, mệt mỏi, tủi thân bao nhiêu chăng nữa, thì cũng không thể để cho con biết, không được để con có gánh nặng tư tưởng làm ảnh hưởng tới thành tích học tập. Họ không để cho con ăn mặc kém bạn kém bè, vì sợ con bị chúng bạn kỳ thị lại sinh ra tâm lý tự ti. Họ gánh vác tất cả mọi việc. Vẫn biết hành động đó xuất phát từ sự dâng hiến và hy sinh cao cả của người làm cha làm mẹ, nhưng con trẻ thiếu hiểu biết về hoàn cảnh gia đình sẽ làm ngơ trước sự lao động vất vả của cha mẹ từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Trẻ được thỏa mãn quá mức trong một thời gian dài sẽ hình thành nhận thức sai lầm rằng, những gì cha mẹ làm cho mình đều là lẽ hiển nhiên, từ đó sinh ra tâm lý ỷ lại, chây lười.
Tại sao ngày nay Trung Quốc lại xuất nhiều nhiều “nô lệ” của con cái đến vậy? Chỉ cần con đưa ra yêu cầu, lúc nào phụ huynh Trung Quốc cũng sẵn lòng đáp ứng nguyện vọng. Khổ nỗi, trẻ con lại chưa có nhận thức đầy đủ về tiền bạc. Những ý nghĩ lệch lạc kiểu như, “bòn tiền từ túi cha”, “tiền là do ngân hàng phát cho” không phải là điều đáng buồn về con trẻ, mà là điều đáng buồn cho cách giáo dục của các bậc cha mẹ Trung Quốc.
Cuộc sống “tình nguyện” của tôi.
Một người bạn của tôi kể về cô con gái rượu của anh ta như sau: “Tuy điều kiện kinh tế nhà tôi không tồi, nhưng tôi vẫn luôn muốn dạy con tiết kiệm, chỉ có điều con bé chẳng có chút khái niệm nào về quản lý tài sản và tiết kiệm cả. Thời gian đầu ở trường nội trú, mỗi tuần con gái tôi xài hết 300 tệ, làm tôi nổi điên lên. Một dịp Tết, khách khứa ra vào nhiều, mẹ tôi quên khóa cửa, kết quả là có kẻ trộm lẻn vào nhà lục lọi ba lô của con bé, lấy tiền mừng tuổi ở bên trong, rồi quẳng chiếc ba lô chỏng gọng ngoài cầu thang. Bị mất mấy trăm tệ nhưng con tôi không xót, vẫn dửng dưng như không, nó không biết cha mẹ kiếm tiền chẳng dễ dàng gì.”
Ví dụ về một chuyện nhỏ như đi ăn nhà hàng chẳng hạn, ăn ngon là một cách hưởng thụ, nhưng phụ huynh cần cho trẻ hiểu muốn thưởng thức một bữa ăn ngon, con cần phải bỏ sức lao động ra. Lao động trước hết là để có tiền mua thực phẩm, sau đó là tự mình chế biến thức ăn, cần phải đổ nhiều mồ hôi công sức vào đó thì mới có được đồ ăn cho vào miệng. Đó chính là ý nghĩa của câu “khổ trước sướng sau.” Trẻ quen cơm bưng nước rót chẳng những không hiểu được đạo lý “vất vả đổi lấy hưởng thụ”, mà còn hiển nhiên cho rằng “chỉ cần gọi món, thức ăn ngon sẽ tự động được bưng lên. Chỉ cần đưa ra yêu cầu, là sẽ có được bất kỳ sự hưởng thụ nào mà không phải trả giá bằng sự cố gắng vất vả.” Như vậy rất có hại cho sự phát triển của trẻ.
“Thành công do cần kiệm, thất bại do xa xỉ.’’ Tuy hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng cung cấp cho trẻ một cuộc sống sung túc, thoải mái hơn, nhưng cũng cần hiểu rõ một điều, cuộc sống quá đầy đủ không đem lại kỹ năng cần thiết và sự trưởng thành cho trẻ, trái lại còn bào mòn nhiệt huyết, lý tưởng và ý chí phấn đấu của chúng, giống như cây tùng quen lớn lên trên mảnh đất khô cằn, nếu ở mảnh đất màu mỡ cây sẽ thiếu đi dáng vẻ kiên cường mạnh mẽ.
Cho nên, để thực hiện tâm nguyện “mong con trai thành rồng”, “mong con gái thành phượng”, vào những lúc thích hợp, chúng ta cần “giả nghèo”, “giấu giàu”, làm thầy huấn luyện tâm lý của con cái, dạy trẻ biết nhẫn nại để chúng hiểu thế giới này không dành riêng cho một mình chúng và chúng không thể dễ dàng có được thứ mình muốn.
Không có người cha người mẹ nào là không yêu thương con cái mình, nhưng tình yêu đó cần phải có chừng mực, có nguyên tắc và có phương pháp. Cha mẹ phải làm chủ tình cảm của mình, kiềm chế lòng nhiệt tình và sự xúc động mù quáng. Một số cha mẹ, nhất là những bậc cha mẹ trẻ thường thiếu “chừng mực” khi cư xử với con. Họ thường “thỏa mãn trước”, “thỏa mãn quá mức”, “thỏa mãn tức thời” yêu cầu của con cái, cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn trẻ sẽ hình thành thói quen xấu, được chiều thành hư. Chẳng lẽ đó là những gì phụ huynh kỳ vọng ở con em mình? Tôi nghĩ không phải vậy!
Chúng ta cần rèn luyện kỹ năng “trì hoãn thỏa mãn” cho con cái trong thời gian dài, không thể thực hiện trong chốc lát. Các bậc phụ huynh nhất định phải để trẻ có không gian thích nghi với việc “trì hoãn thỏa mãn.” Phụ huynh tuyệt đối không thể yêu con một cách mù quáng, cái gì cũng có thể cho con, mà cần dứt khoát từ chối mọi đòi hỏi quá đáng của con. “Trì hoãn thỏa mãn” là phương pháp giáo dục khoa học về tâm lý học trẻ em, nó nhấn mạnh đến việc cha mẹ tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên và quy luật phát triển tâm lý của con, đồng thời kiểm tra độ vững vàng về tâm trí của cha mẹ.
Nghệ thuật “trì hoãn thỏa mãn”
1. Nắm bắt thời gian và cách thức trì hoãn sự thỏa mãn dựa vào từng độ tuổi của con
Đối với trẻ từ một đến hai tuổi, cha mẹ nên thỏa mãn tất cả các nhu cầu tâm sinh lý của con. Khi con có những biểu hiện thật sự vô lý, cha mẹ chỉ trì hoãn việc thỏa mãn nhu cầu của con trong khoảng thời gian được tính bằng giây, tốt nhất là không nên vượt quá một phút. Từ hai tuổi trở đi, trẻ bắt đầu có ý thức về bản thân, chúng hiểu được một số đạo lý người lớn giảng giải, cơ bản hiểu rõ hàm nghĩa của chữ “đợi.” Lúc đó, phụ huynh phải có ý thức cho con trải nghiệm nhiều hơn. Thời gian trì hoãn sự thỏa mãn cũng có thể kéo dài từ mấy phút đến một hai ngày. Lên ba tuổi, trẻ hiểu đạo lý hơn, phụ huynh có thể kéo dài thời gian trì hoãn thỏa mãn.
2. Giải thích rõ lý do trì hoãn sự thỏa mãn
Phụ huynh cần giảng giải đạo lý cho con cái hiểu rõ lý do họ không thể đáp ứng yêu cầu của con ngay lập tức. Ví dụ, con muốn chơi xích đu, cha mẹ nên nhẹ nhàng bảo con: “Xích đu là đồ chơi công cộng, con cần xếp hàng đợi đến lượt mình thì mới được chơi thêm lần nữa”.
3. Bắt đầu trì hoãn thỏa mãn từ một phút
Phụ huynh đừng hy vọng lần đầu thực hiện trì hoãn thỏa mãn, con cái sẽ chờ đợi những hai mươi phút, chúng ta phải tuân theo nguyên tắc tiến dần từng bước nhỏ. Thời gian trì hoãn lần đầu không được quá lâu, nếu không con cái sẽ cảm thấy chán nản, từ bỏ mục tiêu và niềm tin theo đuổi.
4. Đừng quá quan tâm đến con khi nó đang phải chờ đợi
Trì hoãn sự thỏa mãn là một hành vi tự hạn chế, nhưng khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần phải thường xuyên đặt ra quy tắc thì chúng mới có thể trì hoãn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Sau này lớn hơn, con cái sẽ biết tự đôn đốc bản thân, cha mẹ không nên để con cảm thấy cha mẹ đang “theo dõi” chúng.
5. Trì hoãn thỏa mãn bằng phương pháp trao đổi
Trao đổi cũng là một trong những cách hay của phương pháp trì hoãn thỏa mãn. Đợi đến khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể giao ước với con, nếu con muốn có đồ chơi mới, thì hằng ngày con cần phải tích lũy “sao năm cánh” để trao đổi. “Sao năm cánh” là “phần thưởng” cha mẹ dành cho con khi chúng có những biểu hiện tốt. Thông thường sau khi con tích lũy đến năm lần hoặc mười lần, cha mẹ sẽ đáp ứng yêu cầu của con. Quá trình con tích lũy “phần thưởng” cũng là một kiểu chờ đợi.
6. Lạnh nhạt trước hành vi khóc lóc vô lý của con
Có những đứa trẻ, khi cha mẹ không thể thỏa mãn tức thời yêu cầu của mình, chúng sẽ chống đối bằng cách kêu khóc ầm ĩ, những lúc như vậy cha mẹ nhất định phải tỏ ra lạnh nhạt với con, tỏ rõ thái độ cương quyết của mình. Cha mẹ cần cho trẻ hiểu, trong cuộc sống có những thứ không phải con cứ muốn là có ngay lập tức. Khi trẻ nhận thấy khóc lóc cũng không giải quyết được chuyện gì, chúng sẽ thử làm theo ý muốn của cha mẹ là chờ đợi, đạt được thứ mình muốn thông qua sự cố gắng của bản thân.
7. Đừng keo kiệt lời khen, hãy thỏa mãn nhu cầu về mặt tình cảm của con để chúng cảm nhận tình yêu thương vô bờ của cha mẹ
Khi trẻ chấp nhận trì hoãn thỏa mãn, cha mẹ phải kịp thời khen ngợi, nhằm khích lệ những hành vi tốt đẹp của con. Khi trẻ giúp cha mẹ lau sàn nhà, rửa bát và có được đồ chơi chúng ao ước bấy lâu, cha mẹ có thể khen “con yêu lao động, thế là ngoan”; khi con xếp hàng luân phiên chơi cùng các bạn nhỏ khác, cha mẹ có thể khen: “Con thật lịch sự.” Qua những lời khen ngợi của cha mẹ, trẻ cảm thấy sự cố gắng của mình được công nhận và sẽ được thỏa mãn về mặt tinh thần.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc