Quán Cà Phê XY - Chương 10

Tác giả: Bình Quả Thụ

Cuối tuần, tại một quán trà.
Công nhìn A phải đến nửa tiếng rồi, nhưng A vẫn nguyên bộ dạng muốn nói lại thôi. Anh thật sự nhịn không nổi nữa: “Nếu trong vòng một phút nữa mà ông không nói cho tôi biết ông có chuyện gì thì tôi đi luôn đây!”.
Hôm qua công nhận được điện thoại của A, bảo là có chuyện muốn nói với anh. Kết quả hôm nay đến nơi, chỉ mỗi biểu hiện trên khuôn mặt A là phong phú vô cùng, còn miệng thì chẳng thốt ra lấy một lời.
Nghe công nói thế, A thở ra một hơi dài thườn thượt như đã hạ quyết tâm làm gì đó, nói: “Hình như tôi đã ngủ với B rồi”, sau đó đem hết chuyện ngày hôm đó uống rượu say ra kể cho công nghe. Nét mặt của công đi từ “hoang mang ngơ ngác” chuyển sang “khó có thể tin”, cuối cùng là “mắt trợn tròn, mồm há hốc”.
Công: “Sau đó thì sao? Anh ta hỏi ông muốn chịu trách nhiệm thế nào, ông trả lời sao?”.
A: “Tôi nghĩ một lúc, thấy câu này tôi trả lời không nổi, liền chuyển bóng lại cho anh ta, hỏi anh ta muốn tôi chịu trách nhiệm thế nào?”.
Công: “… Tiếp theo?”.
A: “Anh ta nói tôi đưa số điện thoại cho anh ta, sau đó liền rời đi”.
Công: “… Ông có nhầm lẫn gì không chứ tôi thấy B nói thật đấy, giữa hai người chưa xảy ra chuyện gì đâu”.
A: “Tôi cho là B bị nằm dưới, ngại không muốn nói ra nên mới kiên quyết phủ nhận chuyện đã rồi kia, còn lúc đầu nói ra chẳng qua là do phản xạ thôi”.
Công: “…”.
A: “Ông cũng biết đấy, trước nay tôi không thích nợ nần gì người khác, vì thế chuyện này nếu không làm gì thì thật lòng không an tâm nổi”.
Công: “Ông có thể mua gì đó hoặc đưa tiền mà”.
A: “… Như vậy chẳng phải nói anh ta bán thân sao…”.
Công: “… Dù sao anh ta đã lấy số điện thoại của ông rồi, ông cứ ngồi đợi đi vậy”.
A: “Tôi biết, tôi chỉ đang lo không biết anh ta có định bắt tôi nằm ra giường để anh ta lên không…”.
Công: “… Thực ra, cũng rất có khả năng này…”.
Lại qua một tuần sau, B cuối cùng cũng gọi điện cho A.
B: “Lần trước không phải cậu nói sẽ chịu trách nhiệm với tôi sao? Tôi nghĩ rồi, nếu cậu đã có thành ý, vừa…”.
A: “Tôi đã mấy ngày chưa tắm rồi!”.
B: “… vừa vặn tôi…”.
A: “Đầu đầy dầu, người cũng bẩn muốn ૮ɦếƭ!”.
B: “… Tôi muốn nói, tôi…”.
A: “Hình như còn có mùi kỳ quái nữa”.
B: “… Tôi không có hứng thú với thói quen vệ sinh cá nhân của cậu. Tôi muốn nói là, vừa vặn lúc này trợ lý của tôi nghỉ đẻ, bây giờ là cuối năm, rất khó tìm người, cậu qua chỗ tôi làm tạp vụ đi”.
A: “A…”.
B: “Cậu nghe có vẻ thất vọng nhỉ?”.
A: “Không có, tôi rất vui lòng”.
B: “Đúng rồi, mặc dù tôi không có hứng thú với thói quen vệ sinh cá nhân của cậu, nhưng dì phụ trách dọn dẹp ở công ty tôi rất có trách nhiệm, để cậu không bị dì ấy vứt vào thùng rác thì phiền cậu nhớ tắm rửa trước khi đến”.
A: “…”.
A ôm tâm trạng phức tạp gọi điện thoại cho công, qua một lúc lâu sau công mới nhấc máy: “A lô?”.
A vừa nghe tiếng thở hổn hển cùng với âm thanh cứng nhắc ở đầu dây bên kia liền cười hì hì: “Làm phiền hai người rồi?”.
Công: “…”.
A: “B bảo tôi đến chỗ anh ta làm trợ lý”.
Công: “Dù sao ông cũng là họa sĩ, rảnh rỗi thừa thời gian, đến đó làm cũng tốt”.
A: “Nhưng mà…”.
Công: “Được rồi, không có nhưng nhị gì cả, cứ ngoan ngoan mà bồi thường cho người ta đi”.
Nói xong công dập máy cái rầm, sau đó lập tức tắt máy, rút dây điện thoại bàn.
Thụ: “Có chuyện gì thế?”.
Công: “Không có gì, điện thoại cũng biết mệt, để nó nghỉ ngơi một tý”.
Nói xong lại cong môi lên hôn thụ một cái, tiếp tục công việc dở dang lúc nãy. Hai người đang dần dần bước vào tiên cảnh, quần áo cũng cởi ra gần hết…
Reng reng reng…
Mặt thụ đỏ bừng, nhẹ nhàng đẩy công ra: “Di động…”.
Công mặt mày đầy phẫn nộ: “Không phải của anh!”.
Thụ: “… Em biết, là của em”.
Thụ nhận điện thoại: “A lô…”.
Đầu bên kia truyền tới giọng A: “Không có gì, tôi chỉ muốn nói với hai người một tiếng: Ngủ! Ngon!”.
B nhìn người trước mặt: khoác áo vest thắt cà vạt, giày da đánh xi bóng loáng, đến tóc hình như còn vuốt keo…
B: “Cậu đến đây xem mắt đấy hả?”.
A: “Cái đám tri thức bọn anh không phải đều ăn mặc thế này sao? Tôi đây là nhập gia tùy tục đấy chứ”.
B: “Được rồi, lần sau ăn mặc đơn giản thôi, mặc thế này tôi thấy chướng mắt mà cậu cũng bất tiện”.
Sáng thứ Hai, A chính thức trở thành trợ lý của B.
Đối với một họa sĩ vẽ tranh minh họa trước giờ vẫn làm việc tự do mà nói, A cảm thấy việc đến công ty làm quả là một việc vừa đau khổ lại vừa thú vị. Thú vị là vì đến nhà xuất bản có thể gặp được rất nhiều loại người khác nhau, nghe được những câu chuyện hay ho, giúp việc vẽ tranh của cậu có thêm không ít cảm hứng. Đau khổ là vì mỗi ngày đều phải dậy sớm, đặc biệt lúc này lại còn đang là mùa đông. Bởi vậy mới đi làm có một tuần, A đã đến muộn tận bốn lần. Trưởng phòng nhân sự đến tìm B, uyển chuyển tỏ ý mặc dù A có chỗ dựa là B nhưng cứ đi muộn mãi thế này sẽ gây ảnh hưởng không tốt. B có phần bất đắc dĩ, nói với A: “Cậu không thể không đến muộn à?”.
A: “Cơ thể tôi nói với tôi là nó thật sự không thể tỉnh trước tám giờ ba mươi phút được”.
B: “Tôi cho là tôi có thể để nắm đấm của mình đi đàm phán với nó một chút”.
A: “… Đợi xe buýt lâu lắm”.
B: “Tôi nghe nói cậu có xe”.
A: “… Tiền xăng đắt quá”.
B: “Công ty thanh toán tiền cho cậu”.
A: “… Tôi không biết viết hóa đơn để thanh toán”.
B: “Tôi bảo người bên bộ phận văn phòng viết cho cậu”.
A: “… Thật ra tôi là người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường”.
B: “Rốt cuộc cậu muốn thế nào? Tôi nhớ là cậu đến đây để trả nợ chứ không phải đến làm đại ca. Hơn nữa tôi còn trả lương cho cậu cơ mà!”.
A: “…”.
B: “Tối hôm đó, cậu…”.
A: “Hằng ngày mấy giờ anh đến công ty?”.
B: “Khoảng tám giờ năm mươi phút”.
A: “Vậy thì khoảng tám giờ bốn mươi phút sẽ đi ngang qua khu Hồng Viễn. Tám giờ ba mươi tôi ngủ dậy, tám giờ bốn mươi đợi anh ở cổng khu nhà, thế nào?”.
B: “… Xong!”.
Lần đàm phán này đã kết thúc một cách thân thiết và đầy tình hữu nghị như thế, có điều B vẫn không hiểu tại sao rõ ràng A đã chịu nhượng bộ rồi, thế mà bản thân lại vẫn thấy mình lỗ?
Nhưng cũng phải nói, A làm công việc trợ lý này rất ổn. Việc B giao cho, A đều rất chuyên tâm hoàn thành. Những vấn đề không hiểu rõ lắm cậu lại cẩn thận đi hỏi các đồng nghiệp khác. Mặc dù A mới đến nhưng bất ngờ ở chỗ cậu rất nhanh chóng đã trở nên thân thiết với các đồng nghiệp khác, đến cả giờ nghỉ trưa ăn cơm cũng thường xuyên thấy cậu tụ tập nói chuyện với đồng nghiệp (đặc biệt là các đồng nghiệp nữ).
Ví như hôm nay.
B làm xong việc, nhìn đồng hồ đã quá giờ ăn cơm ở căng tin trong công ty, định gọi A đi mua cơm hộp cho mình. Ra khỏi phòng làm việc lại nhìn thấy cả một đám người đang vây quanh A, thỉnh thoảng còn phát ra tiếng cười. B nhẹ nhàng tiến lại gần quan sát, A hình như đang vẽ cái gì đó. Một lúc sau mới nhìn ra đó là hình một người đang ngồi trên bàn làm việc, miệng thì nhỏ dãi, xung quanh thì toàn là các loại đồ ăn vặt. Chỉ nghe thấy tiếng đồng nghiệp Giáp đột nhiên bật cười: “Tiểu Lục, hóa ra trong mắt cậu trông tôi như thế này đây”.
A nói: “Đúng thế, ai bảo anh lúc nào cũng ham ăn cơ chứ”.
Đồng sự Ất: “Tiểu Lục, mau vẽ trưởng phòng Triệu xem nào”.
Trưởng phòng Triệu là một người cực kỳ khó tính, bình thường nói chuyện được mười câu thì đến tám câu mang ý chỉ trích. A nghĩ một lát, liền vẽ trưởng phòng Triệu như một con nhím, trên tay còn có gai.
Cả đám người lại cười to một trận, B đang định gọi A thì nghe thấy đồng nghiệp Bính nói: “Vẽ lãnh đạo của cậu xem nào”.
Đám người lại cùng hùa vào: “Đúng thế, đúng thế, vẽ biên tập Trầm xem”.
Mặt B không biến đổi, nói thật thì anh cũng rất tò mò không biết A sẽ vẽ mình như thế nào.
A cười một cái: “Cái này vẽ rất dễ”.
Thế là cậu lại cúi đầu tập trung vẽ: “Phòng làm việc… khuôn mặt nhìn nghiêng… lật giở tài liệu…”.
Đây là dáng vẻ của B mà ngày nào A cũng nhìn thấy, không có gì đặc biệt.
Đồng sự Giáp: “Tiểu Lục, cậu thiên vị lãnh đạo của mình quá thì phải. Vẽ tôi là vẽ hình chibi, vẽ biên tập Trầm lại vẽ như nhân vật nam chính trong truyện tranh ấy…”.
A sững ra: “Có à?”.
Đồng nghiệp Bính: “Đúng thế, còn rất đẹp nữa chứ. Có điều, sao biên tập Trầm cậu vẽ bên dưới lại không mặc quần?”.
A: “Cái này là một cách biểu đạt của tôi. Mọi người có để ý là tôi vẽ thân trên mặc áo vest, sơ mi, nút áo đều cài chặt khít, ý muốn nói biên tập Trầm làm cho người ta có cảm giác rất đứng đắn, nghiêm túc, có cảm giác bị áp bức; còn bên dưới không mặc gì là thể hiện ý muốn phản kháng, không muốn gò bó, là sự khát khao tình cảm… Đồng thời đây còn có thể suy rộng ra hình ảnh tượng trưng cho con người hiện đại ngày nay khi ở trước mặt và sau lưng người khác, hoặc là sự khác biệt giữa ban ngày và ban đêm… Mọi người thấy ý tướng này thế nào?”.
Không ai đáp lại.
A nghi hoặc ngẩng đầu lên, các đồng nghiệp xung quanh đã rời đi từ lúc nào, chỉ nhìn thấy khuôn mặt xanh đen của B.
B nghiến răng nghiến lợi năn từng câu từng chữ: “Lập! Tức! Đi! Mua! Cơm!”.
A ôm tâm trạng thấp tha thấp thỏm mua đồ ăn nhanh đem đến phòng làm việc đưa cho B, vừa định quay người rời đi thì bị gọi giật lại.
B: “Đợi đã!”.
A: “Có việc gì à?”.
B: “Tối nay tôi phải tăng ca, cậu cũng ở lại với tôi đi”.
A: “Hả?”.
B: “Ở lại tăng ca với tôi”.
A: “Việc này quá kỳ quặc rồi”.
B ngẩng đầu liếc A một cái: “Cậu không biết à? Cái loại người hai mặt, sáng thì đứng đắn, tối thì ngả ngớn như tôi, từ trước đến nay vẫn rất kỳ quặc mà”.
A: “…”.
Thật ra A cũng không cần thiết phải ở lại tăng ca, B chẳng qua chỉ là nhất thời tức giận muốn trừng phạt để cậu biết điều hơn một chút mà thôi. Đợi đến lúc tan tầm, đồng nghiệp đều đã về sạch rồi, A rất tự giác đi vào văn phòng của B. Bữa tối hai người gọi luôn đồ ăn đến, mỗi người lấy một phần tự giải quyết. A nhìn đồ ăn của mình: hẹ xanh xào, thịt cá băm và sườn kho tàu, hoàn toàn chẳng có thứ gì cậu thích cả. Lại nhìn sang hộp cơm của B: cải trắng trộn dấm, cá rán, lại còn có một viên thịt băm chứ.
B thấy A cứ nhìn chăm chăm mà chẳng thèm động đũa, bèn hỏi: “Sao thế?”.
A: “Tôi muốn ăn cải trắng”.
B: “…”.
B gắp cải sang hộp cơm của A: “Cậu ăn đi, tôi không ăn cải”.
A tò mò hỏi: “Tại sao anh lại không ăn cải?”.
B cũng chẳng thấy có gì bất thường: “Cậu ăn thì đương nhiên tôi không ăn rồi”. Nói thật, trước nay anh vẫn ghét ăn cải trắng, may mà có A, đỡ phải đổ đi, lãng phí thức ăn.
A nghe B nói thế, nghĩ một lúc, nhân cơ hội B đang há miệng liền nhanh chóng nhét một miếng sườn vào. B nhất thời miệng đầy đồ ăn, không cách nào thốt ra lời, chỉ có thể kinh ngạc nhìn cậu.
A: “Tôi tuyệt đối không ăn không của anh như thế đâu”.
Tăng ca là một việc vô cùng nhàm chán, nhất là với một người chẳng có việc gì để làm. B thì thật sự là bận việc, bởi vậy cũng chẳng có thời gian mà ngẩng đầu lên làm gì. A lướt mạng, thấy thật vô vị, liền lấy tai nghe ra xem phim. Không có âm thanh gõ bàn phím lạch cạch, không gian trở nên yên tĩnh hơn nhiều, B có phần không quen, ngẩng đầu lên lại nhìn thấy A mặt mày co giật đang cúi đầu cắn lên tay áo chính mình. Anh giật nảy người, vội vàng chạy lại kéo A: “Cậu làm sao thế? Bệnh gì đang phát tác à?”.
A cười toe toét ngẩng đầu lên nhìn người vừa mới chạy vội qua: “Không phải, tôi đang xem phim hài, buồn cười ૮ɦếƭ mất! Sợ làm ồn lại ảnh hướng đến anh nên mới cố kìm lại”.
A vừa ngẩng đầu lên, khoảng cách giữa mặt hai người liền gần lại, bởi vậy cậu nhìn rất rõ hình ảnh bản thân trong đáy mắt B.
A: “Tôi… trong mắt anh…”.
B: “Cái gì?”.
A giật mình, nhịn không được thổi vào mắt B một cái.
B nhíu mày đứng thẳng người lên: “Cậu làm gì thế?”.
A: “Sáng quá”.
B: “Cái gì sáng quá?”.
A: “Mắt anh sáng quá. Bà tôi nói, không được đối mắt với người có mắt sáng quá lâu, rất dễ bị hút đi tinh khí, vì thế tôi phải nhanh chóng thổi một cái”.
B: “… Bà cậu biết nhiều quá”.
Đến hai giờ sáng, B cuối cùng cũng hoàn thành số việc cần giải quyết. Cứ đến cuối năm là thế, việc đổ dồn hết lại. B nhìn đồng hồ, nghĩ về đến nhà chắc cũng kịp nghỉ ngơi một chút, liền đứng dậy chuẩn bị gọi A, lại phát hiện cậu đã nằm bò ra bàn ngủ từ đời nào. Anh đi đến chỗ cậu, thấy trên bàn có mấy tờ giấy đang vẽ dở, cầm lên nhìn một chút, hai bức đầu là bồn hoa trong phòng của anh, bức thứ ba dường như là tự tưởng tượng ra: có một con thuyền đang trôi giữa sông, hai bên bờ là những ngôi nhà như cái nấm, hàng cây ven mép nước thì treo đầy những ngôi sao, mà trên trời thì lại vẽ thành một cái vòng xoáy.
B bật cười: Cái bức tranh tên là “Trong mắt” này đường nét hài hòa, sạch sẽ, mặc dù không hiểu hàm ý của cái tên lắm nhưng vẫn khiến người xem có cảm giác thoải mái. Sau đó B lật đến bức tranh cuối cùng. Bức tranh cuối này vẽ hai người con trai, tư thế của cả hai có phần mờ ám, một người đang đè người còn lại lên tường hôn. Đây là phác họa nháp, mặc dù nhìn có phần hơi loạn nhưng…
Cái người đang đè ở trên kia, cái đôi mắt tam giác, cái kiểu đầu hơi hói, nhìn thế nào cũng giống trưởng phòng Triều; mà cái người bị đè kia, kiểu đầu đó, y phục đó, lại còn cả cái cà vạt sọc chéo nữa, nhìn thế nào cũng giống mình thế!
B cúi đầu nhìn cái tên mặt mo đang ngủ say, tức giận đập cả tập giấy xuống trước mặt cậu, to tiếng: “Thế này là thế nào?”.
A giật mình tỉnh giấc, mắt nhắm mắt mở nhìn bức vẽ đó: “À, tôi tập cách vẽ cấu trúc và tỉ lệ cơ thể người của nam giới ấy mà”.
B trừng mắt, A cũng chẳng phản ứng gì, còn bày ra bộ dạng chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao.
B cười khẩy một tiếng: “Cấu trúc và tỉ lệ cơ thể người chứ gì, để tôi dạy cậu cái gì gọi là cấu trúc và tỉ lệ cơ thể người!”, nói rồi anh một tay kéo A đứng dậy đè thẳng vào tường, tay trái ôm lấy thắt lưng cậu, tay phải luồn vào trong áo khoác ngoài của A.
B: “Bức tranh cậu vẽ là tư thế này đúng không?”.
B cao hơn A một chút, tư thế này dẫn đến việc B vừa cúi đầu nói chuyện, hơi thở đã ở ngay bên tai A rồi. Tai A bị hơi thở đó làm cho buồn buồn, liền mạnh mẽ đẩy B ra, chẳng hiểu thế nào lại chạm vào nút tắt đèn, cả văn phòng nhất thời tối đen. Cuối cùng cậu cũng hơi tỉnh ra được một chút, vội vàng nói: “Thuận tay vẽ bừa tý thôi mà, anh mau thả tôi ra đi!”.
Tay trái của B hơi siết chặt khiến thân thể hai người lại càng gần nhau hơn, nói: “Đây là eo”.
Trong bóng tối, các giác quan của cơ thể đều trở nên mẫn cảm hơn nhiều, A bị ôm chặt đến chẳng thể nào động đậy. Tay phải của B thuận theo thân thể A mà di chuyển dần lên trên, sau đó ghé lại bên tai A nói: “Đây là xương sống”.
A bị hơi thở ấm nóng bên tai dọa đến phát hoảng, sức lực lại không so được với B, chỉ đành quay đầu sang chỗ khác, lại vô tình đối mặt với mắt B. Không biết tại sao, cậu không dám nhìn thẳng vào mắt anh. B thấy bộ dạng không biết phải làm sao của A thì bật cười, rút cánh tay đang ôm A ra, đổi thành nắm lấy cánh tay cậu. Buổi dạy vẫn đang tiếp tục, bên tai A lại xuất hiện một làn hơi ấm: “Chỗ này, là cánh tay vững chắc”.
Cả văn phòng rộng rãi, chỉ nghe được hơi thở hổn hển cùng tiếng tim đập loạn nhịp của hai người.
A: “… Tôi, tôi đều học được rồi… Có thể thả tôi ra được chưa…”.
B không đáp lại, rất lâu sau, giọng nói mang theo cả sự kìm chế của anh mới vang lên: “Còn một thứ nữa…”.
Tay anh chậm rãi vuốt ve má A, có lẽ là ở trong văn phòng có điều hòa lâu ngón tay cũng khô ráo và ấm áp. A muốn nói gì đó nhưng còn chưa kịp thốt ra lời thì miệng đã bị một làn hơi ấm nóng, ẩm ướt bao phủ.
A hoàn toàn đần ra rồi.
Rất lâu sau B mới thả cậu ra, nhẹ giọng nói:
“Đây là, hôn.”
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc