Những Bí Quyết Giao Tiếp Tốt - Chương 05

Tác giả: Larry King

NÓI CHÍNH XÁC VÀ NGHIÊM TÚC
• Những từ ngữ không nên dùng trong giao tiếp
• Làm thế nào để thay đổi những thói quen xấu
• Sự chính xác và nghiêm túc
Đây không phải là một cuốn sách nhằm bổ sung vốn từ của bạn hay giúp bạn nói theo ngôn ngữ tiếng Anh của Larry King. Nhưng bạn cần chú ý nhiều đến cách dùng từ và lựa chọn lời nói vì chúng tác động rất lớn đến việc giao tiếp của bạn.
NHỮNG TỪ NGỮ “THỜI THƯỢNG”
Nhà văn Mark Twain từng viết rằng: “Sự khác nhau giữa từ gần đúng và từ đúng thật sự là một khoảng cách lớn. Giống như ánh sáng một con đom đóm khác với một tia chớp vậy”. Bạn nên nhớ rằng từ đúng thật chất là một từ đơn giản. Và từ đơn giản thì bao giờ cũng dễ hiểu.
Với tốc độ phát triển thông tin bùng nổ như ngày nay, những từ mới lan truyền rất nhanh trong cộng đồng. Nhưng nên cẩn thận, nhiều từ mới nghe có vẻ “thời thượng” lại chẳng có tác dụng thiện cảm nào khi bạn giao tiếp.
Ví dụ theo ý kiến chủ quan của tôi, các bạn nên nói cụ thể “văn phòng”, “nhà cửa”, “đường ống điện-nước”, “xa lộ cao tốc”… hơn là chỉ thích luôn dùng từ “cơ sở hạ tầng”, “vĩ mô”, “vi mô”.
Một ông chủ đài truyền thanh đã khuyến khích các nhân viên của mình nên dùng những từ đơn giản và phổ biến: “Don’t utilize utilize. Use use” (“Đừng sử dụng từ sử dụng. Hãy dùng từ dùng!!”). Rõ ràng là từ “utilize” ít phổ biến hơn từ “use”.
Nhiều người thích dùng các thuật ngữ nghe có vẻ “thời thượng” chứ không muốn dùng những từ quen thuộc bình thường. Có người còn dùng những tiếng lóng và cho rằng “vậy mới thời thượng, mới oai”. Sẽ đáng tiếc nếu bạn quen lối nói mang tiếng là “thời thượng” mà vứt đi lối nói đơn giản, quen thuộc với mọi người. Bạn sẽ tiến xa hơn nếu để người ta hiểu bạn nhiều hơn. Và tốt nhất là hãy tránh những cách nói “lóng” có vẻ hứng thú với bạn nhưng lại không phổ biến với mọi người. Mục đích quan trọng nhất trong giao tiếp là người khác phải hiểu được bạn. Tức là trước hết họ phải hiểu ngôn ngữ của bạn.
LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG
Thêm vào việc nên tránh những từ ngữ “thời thượng”, bạn cũng nên đừng ham dùng lối nói “trên trời dưới đất” nghe có vẻ hấp dẫn nhưng kỳ thực lại chẳng giúp người khác thích thú gì. Bởi những câu nói mà văn phong ngữ pháp quá khác xa khuôn mẫu thông thường sẽ làm tối nghĩa ý của bạn. Để rồi bạn phải giải thích dài dòng cho người ta hiểu. Hoặc người ta sẽ nhăn trán nhíu mày mãi trong cuộc nói chuyện.
Hãy cẩn trọng nếu muốn dùng một cách nói tân thời mới mẻ nào đấy. đừng gây cho người đối diện cảm giác khó hiểu và khó chịu. Những điều ấy bạn hoàn toàn có thể không mắc phải khi chỉ nói theo lối thông thường, bình dị.
NHỮNG TỪ KHÔNG CẦN THIẾT
Thỉnh thoảng trong cuộc trò chuyện có những từ ngữ nào đó chẳng nằm trong mục đích phát ngôn của chúng ta nhưng lại gây tác hại không nhỏ là làm lộn xộn những gì chúng ta muốn đề cập, khiến người khác phải nghe những cái không đáng nghe. Vậy tại sao chúng ta lại để phát ra những từ này? Chúng giống như cây nạng mà bạn phải dựa vào vì sợ mình đi khập khiễng.
Nhiều người nói tiếng Anh có thói quen dùng hoài hai từ “you know” (bạn biết không). Một trong những người bạn của tôi ở thủ đô Washington bao giờ cũng mở đầu câu nói bằng “Bạn biết không…”. Biết thói quen này, một người bạn khác đã có thử đếm số lần nói “Bạn biết không” của anh ta trong suốt cuộc gặp gỡ kéo dài 20 phút. Kết quả thống kê: có 91 lần từ “Bạn biết không” được phát ra! Có nghĩa trong một phút anh bạn ở Washington nói “you know” đến bốn lần rưỡi. Tôi thật sự không biết cái nào đáng nhớ hơn 91 từ “you know” hay nội dung cuộc gặp gỡ. Mẫu chuyện nghe có vẻ buồn cười, nhưng nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc thì vấn đề quả đáng lo ngại. Anh bạn “you know” liệu có giao tiếp hiệu quả không nếu cứ để thói quen “bạn biết không” lấn áp? Một thói quen nhỏ nhưng đem lại một tác hại có thể không nhỏ chút nào. Chưa kể đến việc người nghe cảm thấy vô cùng nhàm chán. Bây giờ thì các bạn có thích dùng từ “bạn biết không” để mở đầu tất cả các câu nói của mình không?
Tương tự, hãy cẩn thận với các từ quen dùng mở đầu câu như: “cơ bản là” (basically), “nói chung là” (generally), “dù sao” (anyway), “hy vọng là” (hopefully)… Một hôm nào đó đang xem bản tin buổi tối trên truyền hình, bạn thử chú ý xem mình có nghe người phát ngôn viên liên tục nói những từ này hay không. Nếu bạn thấy họ cứ mỗi câu mở miệng lại là một từ dạng trên, thì hãy báo tin ngay cho sách “Kỷ lục Guinness!”
Thật ra, tôi đồng ý là những từ ngữ trên thỉnh thoảng chúng ta cũng cần dùng để nhấn mạnh câu nói. Nhưng sẽ không hay nếu lạm dụng nó, ví dụ khi bạn quen miệng nói “Hy vọng là tôi sẽ tổ chức buổi tiệc vào tối mai”, mặc dù mục đích của bạn chỉ muốn thông báo là bữa tiệc tổ chức vào tối mai. Vậy thì từ “hy vọng là” có cần thiết hay không? Hơn nữa, người ta sẽ hiểu câu nói của bạn theo một ý khác.
Dù bạn đang nói bất cứ điều gì, hãy cố gắng bỏ thói quen dùng những từ không cần thiết trong câu nói của bạn. Khi những từ này “rón rén” lẻn vào cuộc trò chuyện thì nó có thể gây tác hại. Hãy làm chủ những gì bạn thật sự muốn diễn đạt.
DÙNG TỪ CHÍNH XÁC
Vấn đề này không đơn giản bởi cách dùng từ ngày nay quả thật là muôn hình muôn vẻ. Bản thân tôi cũng ngại khi nói đến vấn đề này. Thế nhưng thích hay không thích thì chúng ta cũng thử nghiên cứu và đánh giá nó xem sao.
Việc dùng từ chính xác phần nào thể hiện trình độ hay quan điểm của người nói đối với xã hội nói chung. Xã hội ngày càng thay đổi, có những giá trị hay đánh giá đã lỗi thời. Tôi lấy ví dụ cụ thể là ngày nay phụ nữ ngày càng có vai trò cao hơn trong xã hội. Vậy bạn dùng từ “phái yếu” để chỉ họ thì liệu có chính xác nữa không? Ngày trước những từ ngữ miệt thị thường dành cho người da đen. Ngày nay người da màu đứng đầu ở rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong thể thao. Quyền bình đẳng không phân biệt chủng tộc cũng ngày càng mang giá trị rộng lớn. Ngày trước gọi “dân nô lệ da đen”, ngày nay phải dùng là “người Mỹ gốc Phi” (African American). Ngày trước nói “dân phương Đông da vàng”, ngày nay phải là “người châu Á” (Asian). Trước gọi “dân gốc Tây Ban Nha” nay đổi thành “người Mỹ Latinh” (Latino). Bất cứ dân tộc nào cũng muốn được gọi tên đúng nguồn cội của họ một cách trân trọng. Tờ Washington Post từng đưa ra một danh sách cho thấy sự thay đổi về tên gọi các dân tộc di cư đến đất Mỹ theo thời gian, như một cách thừa nhận sự tiến bộ. Ví dụ cụm từ “người Mỹ gốc Phi” năm 1987 xuất hiện trên tờ báo này 42 lần, đến năm 1993 đã xuất hiện 1422 lần.
Tất cả những điều trên cho thấy rằng chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đấu tranh tư tưởng. Những từ ngữ đã thay đổi mang giá trị thể hiện sự tôn trọng hơn đối với nhiều dân tộc. Nếu không cẩn thận khi dùng chính xác từ thì bạn sẽ gặp bất lợi lớn.
Có khoảng cách nào không, giữa lòng tin và sự đa nghi? Có lý do nào chính đang hay công bằng không khi chúng ta còn chần chừ chưa chịu đổi từ “phái yếu” sang “quý cô”? Dĩ nhiên không phải mọi phụ nữ nào cũng gọi là quý cô quý bà được. Nhưng sự thật là từ này đã được thừa nhận. Và dùng hay không dùng là quyền của bạn. Vấn đề này nữ biên tập viên một tạp chí nhỏ đã đặt ra với một biên tập viên nam đồng nghiệp.
Có thể bạn hơi liều khi khen một nữ đồng nghiệp trong cơ quan rằng: “Cô trông thật tuyệt vời khi mặc chiếc áo này!” hay “Chiếc váy này làm cho cô thật lộng lẫy!”. Giờ đây người ta có lời khuyến cáo rằng nên thận trọng với lời khen của bạn. Đơn giản chỉ nên nói: “Chiếc váy này đẹp đấy!” là tốt nhất.
Nói như thế thì có vẻ ôn tồn và “giữ kẽ” quá phải không? Nhưng nó an toàn bạn ạ. Ngày nay đó chính là điều quan trọng nhất: An toàn. Trong bộ phim “Quân vương và thi*p” (The King and I) có câu “Cái gì có là có. Cái gì không là không. Nhưng giờ đây tất cả đều lộn xộn”. Lời lẽ của vị vua trong phim thì thật buồn cười, nhưng không hẳn là vô lý. Chuyện gì đã xảy ra? Có những cái ngày xưa cấm kỵ thì ngày nay có thể chấp nhận. Có những điều ngày xưa thì được nhưng ngày nay lại không. Và biển ngôn từ ngày nay hỗn loạn lắm. Vậy nên, việc dùng từ thiếu chính xác có thể dẫn tới điều không hay cho bạn.
LOẠI BỎ NHỮNG THÓI QUEN KHÔNG TỐT KHI ĐỌC DIỄN VĂN
Bạn luyện tập loại bỏ những thói quen không tốt như thế nào? Hãy nhớ ba phương pháp sau:
Đầu tiên, rất đơn giản, hãy chú ý những từ ngữ phát ra từ cửa miệng. Lúc bạn đang nói cũng phải biết lắng nghe chính bạn nữa. Bạn phải nhận biết rõ ràng rằng lúc nào thì cần dừng lại, khi nào thì nên tiếp tục. Thậm chí bạn đã ngập ngừng “à, thì, ờ…” bao nhiêu lần rồi. Đó chính là những con sâu làm rầu… bài diễn văn của bạn.
Hai là, trước khi bắt đầu phải nghĩ mình sẽ nói gì. Tôi biết điều này không dễ dàng. Thỉnh thoảng chúng ta lỡ nói đến nửa câu và chợt hoảng vì không biết phải kết thúc câu đó như thế nào. Ý của tôi không phải là bạn phải làm một diễn văn hoàn chỉnh trong đầu trước khi bước lên bục micro. Nhưng khi đang nói câu thứ nhất, bạn có thể vạch ra trong đầu câu thứ hai. Nếu điều này có vẻ quá khó thì hãy cố gắng tập luyện nhiều hơn. Rồi bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn có thể làm được, và chẳng mấy chốc là đến lúc có thể thành thạo. Bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ hai vấn đề cùng một lúc. Bộ não của chúng ta có năng suất rất tuyệt diệu nếu biết cách khai thác sử dụng nó.
Thứ ba là, hãy lập một “ban kiểm tra” xem bạn đã nói những gì và nhanh chóng sửa đổi nếu như bạn lỡ nói một từ gì đó nhầm lẫn. “Ban kiểm tra” có nhiệm vụ báo kịp thời với bạn rằng “Stop or Zap” – (Dừng hoặc Tiếp đi!). “Ban kiểm tra” là ai? Là một hoặc vài người bạn của bạn đang ngồi chung với đám đông bên dưới. Cái liếc mắt hay đưa tay ra dấu kín đáo của họ sẽ giúp bạn hiểu được mình đang ở tình thế nào. Điều này có tác dụng đáng ngạc nhiên. Và nhất là, bạn không cô độc trong quá trình nói mà còn có sự hậu thuẫn từ phía bạn bè. Tôi đảm bảo nếu cố công tập luyện, bạn sẽ trang bị được cho mình một khả năng nói hoàn hảo.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc