Ngắm Hoa Nở Trong Sương - Chương 03

Tác giả: Ngải Mễ

Người đến sân bay thành phố B đón Ngải Mễ là Liễu Tử Tu – một trong ba người Trung Quốc ở khoa tiếng Anh trường Đại học C. Liễu Tử Tu là cô gái người Đài Loan, dáng người nhỏ nhắn, da ngăm ngăm đen, nói tiếng phổ thông đặc giọng Đài Loan.
Trên đường đi, Tử Tu nói luôn miệng, cô ấy bảo rằng nếu không nói chuyện cô sẽ ngủ gật, mà việc vừa ngủ gật vừa lái xe cô cũng từng làm rồi, tuy nhiên hiện tại trên xe còn có người khác nên cô không dám mạo hiểm nữa.
Tử Tu kể bố cô ấy từ đại lục sang Đài Loan, ở đại lục đã có vợ con, nhưng năm 1949, khi theo Quốc Dân Đảng sang Đài Loan, ông không đưa vợ con ở quê sang được nên chỉ đi một thân một mình. Ông tưởng rằng đời này kiếp này sẽ không còn cơ hội đoàn tụ với người vợ cũ ở đại lục nữa nên đã lấy một cô gái Đài Loan, sinh được ba cô con gái, Tử Tu là con gái út của ông.
Ai ngờ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, bố Tử Tu lại có cơ hội về đại lục thăm người thân, ông đã sang Đài Loan bao nhiêu năm như vậy, cũng đã có vợ mới, gia đình mới nhưng vẫn không thể nào quên vợ con đang ở đại lục. Ông giấu mẹ Tử Tu thăm dò được tin tức về vợ con ở đại lục, họ vẫn ở ngôi làng cũ, vợ cũ của ông cũng không tái hôn mà ở vậy một mình nuôi con.
Và thế là bố Tử Tu đã vượt ngàn dặm xa xôi về đại lục thăm người thân. Dĩ nhiên là mẹ Tử Tu không vui vẻ gì nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, đành phải theo bố cô về đại lục. Một ông chồng, hai bà vợ gặp nhau, chỉ có đương sự mới hiểu được nỗi bi hoan trong đó.
Ngải Mễ biết, mấy năm qua, không biết đã có bao nhiêu câu chuyện như thế này xảy ra. Biết nói gì đây? Tất cả đều do lịch sử gây ra, trách cứ ai cũng chẳng giải quyết được gì. Có thể kết cục cuối cùng là người chồng cho vợ cũ một số tiền rồi theo người vợ Đài Loan trở về Đài Loan. Dùng cách nói rất thời thượng hiện nay là, được lòng cả đôi.
Ngải Mễ tưởng tượng ra người vợ cũ của bố Tử Tu, có thể tình cảm đã chai sạn sau bao nhiêu năm tháng, không còn vương vấn gì với người mà bà đã từng gọi là chồng nữa. Người ấy đã không còn quan trọng đối với cuộc đời bà. Có được số tiền đó, có thể bà sẽ vui vẻ chia cho mấy đứa con, cảm ơn số phận đã tặng cho bà nguồn tài sản bất ngờ này. Nhưng có lẽ từ đó trở đi, người vợ ở Đài Loan sẽ nghĩ rằng giữa hai vợ chồng bà lại có thêm một người, tình cảm hai người vì thế khó tránh khỏi va chạm. Còn người chồng đó thì sao? Liệu có vì thế mà trái tim bị chia thành hai nửa, vừa nhớ vợ con ở đại lục, vừa thương vợ con ở Đài Loan hay không? Có thể trái tim của ông ấy đã bị chia thành hai nửa từ lâu rồi cũng nên.
Cô rất ái ngại cho mẹ Tử Tu, đang yên đang lành, tự nhiên lại xuất hiện bà vợ cả, mẹ Tử Tu sẽ buồn biết bao.
Cuộc sống vốn là như vậy, có những chuyện, có những người không phải bạn muốn dẫn dắt họ vào cuộc sống của bạn, mà là cuộc sống bắt ép bạn phải chấp nhận, bất luận bạn có thấu hiểu, có sẵn sàng đón chào hay không, bạn vẫn phải đối mặt với những con người và sự việc đó. Có nhiều lúc, dù bạn né tránh hay đối mặt, bạn vẫn sẽ gặp nhiều đau khổ. Suy nghĩ duy nhất của bạn là: Tại sao số phận lại bắt ta phải đối mặt với những con người và sự việc đó? Nếu không có con người và sự việc đó thì tuyệt vời biết bao!
Ngải Mễ nghĩ cuộc đời mình cũng gặp một người và một sự việc như thế. Trước khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều rất tuyệt vời, trong sáng và rõ ràng, nhưng sau khi con người và sự việc đó xuất hiện, mọi thứ đều trở nên khó hiểu, khó giải thích, khó nắm bắt.
Dĩ nhiên “người đó” không phải là Allan, nhưng nếu không có Allan thì cuộc đời cô cũng sẽ không có “người đó”.
Cô còn nhớ lần đầu tiên gặp Allan. Hồi ấy cô vẫn đang học cấp ba, còn anh thì đã thi và trở thành nghiên cứu sinh được bố cô hướng dẫn luận văn. Lần đầu tiên cô gặp anh là lần anh mang cho bố cô tài liệu mà anh dịch giúp liên quan đến thơ ca của Nga, vì anh phát hiện ra trong một bài viết của bố có sai sót, nguyên văn viết bằng tiếng Nga, Allan đã đọc bản gốc bài thơ đó và nhớ là ý nghĩa không phải như thế, chắc là có sai sót trong khi dịch, trong khi bố Ngải Mễ lại dựa vào bản dịch để viết bài bình luận của mình. Thế nên khi Allan nói hình như nghĩa gốc không phải là như vậy, bố Ngải Mễ đã nhờ anh mang bản gốc và bản dịch chuẩn để ông xem. Allan liền tìm bản gốc nhưng do không có bản dịch chuẩn nên đành phải tự dịch, chuẩn bị thảo luận với thầy về vấn đề này.
Vì hôm đó có việc gấp nên bố Ngải Mễ không kịp về trước giờ hẹn, khi Allan tìm đến nhà thầy thì đúng lúc Ngải Mễ cũng vừa tan học về. Cô nhìn thấy một chàng trai cao to đứng trước cửa nhà số 4 mà gia đình cô ở.
Nhìn từ sau lưng, Ngải Mễ đã cảm thấy anh chàng này rất đẹp trai. Cô cố tình bước mấy bước về phía nhà số 5, như thế có thể nhìn được trực diện anh chàng, đúng là một Don Juan chính hiệu, khiến cô tự nhiên lại nhớ đến lời bà nội: “Nhìn thằng bé này đã thấy dễ chịu”.
Cách đánh giá của bà đối với nam thanh nữ tú có ba cấp bậc: Trông “gọn gàng”, khá “ưa nhìn”, trông “dễ chịu”. Trước đây, Ngải Mễ nghĩ bà nói như vậy là do vốn từ vựng của bà có hạn, nhưng hôm nay nhìn chàng trai đang đứng trước nhà, cô thực sự bái phục bà dùng mấy từ này rất chuẩn, các từ khác như “đẹp trai”, “tuấn tú”, “thư sinh”, “ngời ngời” gì đó đều không thể miêu tả được cảm giác của cô. Nhìn thấy mà “dễ chịu” có nghĩa là không những có tác dụng cho mắt bạn, mà còn có tác dụng cho tâm hồn bạn, khiến tâm hồn được thư thái, thoải mái.
Cô đã gặp không ít nghiên cứu sinh được bố mẹ hướng dẫn luận văn, nhưng cô chưa bao giờ gặp nghiên cứu sinh nào “dễ chịu” như thế, nên cô vẫn luôn cho rằng một người học nghiên cứu sinh thì chắc chắn sẽ nhìn “chẳng dễ chịu” chút nào. Hoặc là chỉ có những người nhìn “không dễ chịu” mới học được lên nghiên cứu sinh mà không bị chi phối bởi môi trường, hoặc là do đọc sách quá nhiều nên tướng mạo cũng trở nên “không dễ chịu”, thế nên cô đã quyết định chỉ học đến đại học thôi. Nhưng anh chàng nghiên cứu sinh này lại khác, nhìn trông “rất dễ chịu”. Cô lập tức bị anh chàng hút hồn, quyết định phải tìm cớ bắt chuyện mấy câu.
Không có người mở cửa, bởi cô biết chắc chắn không có ai ở nhà. Anh chàng quay đầu lại, chắc định ra về, cô liền gọi: “Anh tìm thầy Ngải hay cô Tần?”
Anh chàng liền dừng chân, ngoái lại hỏi: “Em tan học rồi à? Nhà em không có ai ở nhà.”
Cô liền bước đến trêu: “Nhà em không có ai ở nhà ư? Anh có biết nhà em ở đâu không? Nhà em là nhà số 5 cơ mà. Anh không thấy em vừa từ nhà số 5 ra à?”
Anh chàng liền cười, nói: “Em là Ngải Mễ đúng không? Trẻ con không nên nói dối người khác, không hay đâu.”
“Người lớn nói dối thì hay hả?”
“Mồm mép ghê nhỉ, anh không đấu được với em, đành chịu thua vậy.” Anh chàng cười vui vẻ rồi đưa tài liệu trong tay cho cô. “Em chuyển cái này cho bố em hộ anh nhé?”
Cô không chịu cầm ngay vì muốn được nói chuyện với anh chàng thêm lát nữa. “Em không biết bố em, thôi anh tự đưa đi!”
“Em đưa cho bố em rồi cũng tranh thủ cơ hội này làm quen với ông luôn.” Nói rồi anh chàng nhét tài liệu vào tay cô và xăm xăm đi xuống cầu thang.
Cô đứng giữa lối đi, hai tay dang ra khiến anh chàng không xuống được và cũng không dám chạm vào cô. Anh chàng đành đứng lại, cười hỏi: “Sao vậy? Giữa đường gặp ςướק đòi tiền hả?” Rồi anh chàng đưa tay móc túi. “Tiền thì không có, chỉ có tính mạng này thôi.”
“Bổn đại vương không cần tiền, không cần tính mạng của nhà ngươi, chỉ muốn đưa ngươi về làm phu quân thôi.”
“Hôm nay gặp nữ ma vương rồi.” Mặt anh chàng đỏ bừng nhưng miệng vẫn chưa chịu thua. “Ta chưa xuất chiêu thôi, chưa biết ai thắng ai bại đâu, Ngải Mễ, có người lên kìa, mau nhường đường cho họ đi chứ…”
Ngải Mễ tưởng có người lên thật, vội tránh sang một bên, anh chàng thừa cơ chạy ngay xuống, vừa xuống cầu thang vừa cười ha ha. “Đại vương đích thực, hữu dũng vô mưu à!”
Cô liền đứng sau lưng la: “Ê, anh tên là gì? Lát nữa em còn bảo với bố em.”
“Thành Cương.”
“Bách luyện thành cương[1] hả? Anh có tên tiếng Anh không?”
[1] Câu thành ngữ ý nói được tôi luyện nhiều sẽ trở nên rắn rỏi.
“Allan.”
“Allan Poe ư?”
Cô nghe thấy tiếng anh chàng cười, cô thực sự thích nghe tiếng cười đó.
Điều khiến Ngải Mễ rất vui là một lát sau Allan đã theo bố mẹ cô lên nhà vì anh gặp họ ở dưới sân. Ngải Mễ nhìn thấy anh chàng ngồi trên sofa ngoài phòng khách liền bước đến trêu: “Vừa nãy bảo anh ở lại với bổn đại vương mà không chịu nghe, giờ vẫn phải ngoan ngoãn quay lên à? Nhẹ không ưa lại ưa nặng…”
Bố đang thay quần áo trong phòng ngủ, nghe thấy vậy liền mắng cô: “Ngải Mễ, không phải ai cũng đùa được đâu.” Nói xong, ông liền bước ra phòng khách nói với Allan: “Thành Cương, em đừng chấp, con nhỏ này từ nhỏ được chiều nên hư. Thôi ta vào phòng làm việc nhé!”
Allan liền đứng dậy đi về phía phòng làm việc, cười nói: “Ngải Mễ tranh luận giỏi lắm, em không đọ nổi, đành đầu hàng thôi.”
Mẹ đang nấu cơm trong bếp, Ngải Mễ liền lẻn vào năn nỉ: “Mẹ giữ anh ấy ở lại ăn cơm đi, muộn thế này rồi, anh ấy về đến trthì nhà ăn đã đóng cửa là cái chắc.”
“Học được cách quan tâm đến người khác từ bao giờ vậy?” Mẹ nhìn cô, hỏi. “Lo lắng gớm nhỉ, việc này còn phải để mày nhắc mẹ nữa à? Mẹ không biết điều đó ư?” Nói xong, mẹ liền bước đến cửa phòng làm việc và nói với Allan: “Allan, hôm nay ở lại ăn cơm với thầy cô nhé, em về thì chắc chắn nhà ăn đóng cửa rồi.”
Bố cũng mời: “Đúng đấy, trong chốc lát không thể nói xong chuyện đâu.”
Hôm đó Allan đã ở lại nhà Ngải Mễ ăn cơm, cô phấn chấn chạy vào bếp giúp mẹ nấu nướng. Mẹ cười, liếc cô một cái rồi nói: “Mặt trời mọc ở đằng tây ư? Con thì giúp được cái gì? Vào làm bài tập đi. Lát nữa ăn giúp là được rồi. Cũng không sớm sủa gì nữa đâu, mẹ cũng chẳng làm gì, hấp ít thịt gác bếp, xào đĩa rau, còn lại đều là thức ăn cũ.”
Bốn người ngồi bên bàn ăn, Allan ngồi bên phía tay trái của Ngải Mễ, cô liên tục gắp thức ăn cho anh và nhìn anh, khiến anh cũng mất tự nhiên, mặt đỏ bừng. Hình như bố không nhận ra điều gì, chỉ có mẹ lắc đầu, nói: “Ngải Mễ, đừng gắp thức ăn cho anh ấy nữa, con có biết anh ấy thích ăn gì đâu mà gắp, hơn nữa lại gắp bằng đũa của con, mất vệ sinh lắm.”
Allan vội nói: “Không sao đâu ạ.”
“Anh ấy chẳng chịu gắp nên con mới gắp mà.” Ngải Mễ chạy vào bếp, lấy một đôi đũa ra và nói: “Con gắp bằng đũa mới này nhé?” Nói rồi cô lại gắp vào bát của Allan một miếng thịt hấp.
Ngải Mễ rất thích ăn thịt gác bếp mà bà nội làm cho nhà cô, thế nên cô nghĩ chắc Allan cũng thích. Ăn thịt gác bếp cô không thích phần mỡ, chỉ ăn chỗ thịt nạc, cô cắn miếng nạc rồi bỏ phần mỡ ra bàn. Thấy vậy, bố liền nói: “Thịt mỡ không ăn đừng có bỏ đi, gắp vào bát cho bố ăn.”
Ngải Mễ không muốn cắn bằng miệng rồi lại gắp cho bố nên đành phải lấy tay xé, mỡ dính đầy tay. Thấy vậy, Allan liền đề nghị: “Để anh tách ra cho.” Thấy không ai phản đối, anh liền mang bát thịt vào bếp rồi tách thịt nạc, thịt mỡ ra rất nhanh.
Cô ăn phần thịt nạc đã được Allan tách ra mà vui vô cùng. Thỉnh thoảng cô lại liếc anh, thấy anh không gắp miếng nạc nào, cô cũng biết là anh để phần cho cô, cảm thấy anh chẳng khác gì bố mẹ cô, thấy cô thích ăn cái gì đều nhường cho cô cái đó, cô ăn ngon thì anh cũng sẽ vui. Thế nên cô lắc lư cái đầu với vẻ rất khoa trương như muốn nói với anh rằng: Cảm ơn anh, em ăn cơm rất ngon!
Cô lén nhìn bố mẹ, bố vẫn đang tập trung ăn cơm nên không để ý gì, còn ánh mắt mẹ thì toát lên vẻ lo âu.
Ăn cơm xong, Allan giúp mẹ cô thu dọn bát đũa, lau bàn, anh còn đòi rửa bát nhưng mẹ không cho, bảo anh không biết bà để đồ ở đâu, hai thầy trò cứ trao đổi công việc với nhau đi.
Bố liền hạ lệnh bằng vẻ nghiêm nghị ngày thường chẳng bao giờ thấy: “Ngải Mễ, ra giúp mẹ rửa bát đi!”
Ngải Mễ liền càu nhàu: “Tại sao chứ? Tại sao con gái lại phải rửa bát?”
“Bố và cậu ấy đang phải trao đổi một số vấn đề quan trọng.” Bố liền giải thích, có thể nhận ra là bình thường ông vẫn hay phải nghe những lời càu nhàu của con gái, hôm nay định ra oai trước mặt người khác nhưng cô con gái cũng không chịu.
Ngải Mễ có thói “khách đến nhà là quấy nhiễu”, khi không có ai đã thích làm nũng rồi, bây giờ nhà có khách, hơn nữa lại là vị khách mà cô muốn thu hút sự chú ý nên càng không thể bỏ qua cơ hội thể hiện mình. Cô liền phản bác: “Rửa bát không phải là việc quan trọng ạ?”
Allan liền cười, nói: “Thôi cứ để em rửa, ở nhà em, em chính là cái máy rửa bát. Cô tìm giúp em cuốn từ điển tiếng Nga với ạ!”
Mẹ cười rồi lau tay và đi tìm cuốn từ điển tiếng Nga. Bố liền nói với Allan: “Thầy đợi em trong phòng làm việc nhé!”
Ngải Mễ đi theo Allan vào bếp, nhìn anh rửa bát. “Bố em chẳng bao giờ chịu rửa bát cả, rất phong kiến, em cũng thấy bất bình thay cho mẹ. Hai người đều là giáo sư, tại sao mẹ phải rửa còn bố thì không chứ?”
“Đấy là do mẹ em muốn đỡ việc cho bố em đó chứ!”
“Haizz, đúng là anh rửa vừa nhanh vừa sạch thật. Có phải ở nhà ngày nào anh cũng rửa bát không?”
“Thường xuyên rửa.”
“Nhà anh con trai phải rửa bát hả? Thế con gái thì làm gì? Anh có chị em gái không?”
“Không, anh chỉ có một anh trai.” Allan hỏi: “Rác đổ ở đâu nhỉ?”
“Em không biết, em chưa đổ rác bao giờ cả, chắc là đổ ở thùng rác dưới tầng.”
Allan liền xách túi rác trong thùng ra, buộc lại rồi nói với cô: “Em tìm túi nilon mới đặt vào để anh đi đổ.”
“Để em đi cùng anh.” Cô chẳng kịp tìm túi đựng rác, cũng không biết túi đựng rác nhà mình để ở đâu. Cô theo anh ra ngoài. Đến cửa, cô liền gọi với vào trong: “Bọn con đi đổ rác đây ạ!”
“Hê hê, đi đổ rác mà cũng phải tung hê cho cả thế giới biết hả?” Allan cười, trêu cô. “Đến đổ rác mà em cũng không làm hả? Lười thật đấy!”
“Từ nay về sau ngày nào em cũng sẽ đổ rác.” Cô liền cam kết với Allan. “Thật đấy, sau này anh cứ hỏi bố em sẽ biết em có đổ hay không.”
Lúc đầu cô còn định nói: “Từ nay trở đi, tối nào em cũng rửa bát”, nhưng vừa nghĩ đến cảnh tay dính đầy dầu mỡ, cô lại cảm thấy quá vất vả, thôi vậy, để sau rồi tính.
Sau khi Allan vào phòng làm việc trao đổi các vấn đề với bố, Ngải Mễ liền quay về phòng mình, ngồi trước bàn học mà không thể làm gì được nữa, tai chỉ dỏng lên nghe động tĩnh phía phòng làm việc. Hồi lâu mà chẳng nghe được gì, cô vừa cắn Pu't vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Anh ấy có người yêu chưa nhỉ? Anh ấy có thích mình không? Chắc là có thích vì anh ấy cứ nhìn mình cười tủm tỉm, rồi còn nhường hết thịt nạc cho mình ăn. Mỗi lần đỏ mặt, trông anh ấy rất đáng yêu. Không biết bao giờ anh ấy lại đến nhà mình chơi nhỉ? Ước gì ngày nào anh ấy cũng đến, nhưng chắc chắn anh sẽ không thể ngày nào cũng đến được…
Cô nghĩ, có cách nào để anh buộc phải đến nhà mình không nhỉ? Bảo bố ngày nào cũng gọi anh đến trao đổi ư? Chắc chắn là bố sẽ không làm như thế. Bảo mẹ ngày nào cũng gọi anh đến dịch tài liệu ư? Chắc chắn mẹ sẽ không làm như thế. Cuối cùng cô nghĩ ra một cách, không biết có thành công không nhưng theo những gì cô hiểu về tính khí của bố mẹ mình, cô biết chỉ cần có quyết tâm “không thành công cũng thành nhân” thì nhất định sẽ thành công.
Sau khi Allan về, Ngải Mễ nghe thấy bố nói với mẹ: “Cậu Thành Cương này khá ra phết, không ngờ tiếng Nga lại tốt như thế, nếu không có cậu ấy nhắc thì bài viết của anh đã sai nghiêm trọng rồi. Thơ mất chất thơ vì cách dịch. Đúng là chân lý thật! Thế nên những người làm về văn học so sánh tốt nhất phải biết mấy ngoại ngữ, nếu chỉ nghiên cứu văn học so sánh thông qua bản dịch thì chẳng khác gì gãi ngứa qua giày. Sau này anh phải hỏi em các vấn đề trong tiếng Anh, còn tiếng Nga thì phải nhờ Thành Cương vậy. Nghe nói tiếng Nhật của cậu ta cũng khá lắm, có thể đọc tác phẩm văn học nhờ vào từ điển.”
Mẹ liền nói: “Tiếng Nga, tiếng Nhật thì em không biết nhưng tiếng Anh thì cậu ấy dịch rất chắc chắn. Em có quen cô giáo dạy dịch cho cậu ấy ở bậc đại học, cô ấy tên là Tĩnh Thu, là ủy viên thường trực trong Hiệp hội dịch giả của tỉnh D, hai cô trò nhà ấy hợp tác và dịch cùng nhau rất nhiều tác phẩm. Trong cuốn tạp chí Dịch lâm có giới thiệu tác phẩm dịch của hai cô trò, họ còn viết bài đăng trên tạp chí Dịch thuật Trung Quốc nữa. Nếu Thành Cương tiếp tục phát triển theo hướng dịch thuật có thể sẽ rất có tiếng đấy.”
“Em nói thế là có ý gì?” Bố Ngải Mễ chất vấn. “Chẳng lẽ em cho rằng cậu ta lựa chọn ngành văn học so sánh là một sai lầm ư?”
“Em không có ý đó mà chỉ muốn nói là cậu ấy dịch viết rất khá, nếu chỉ nhìn bản dịch, thật sự, anh không thể nghĩ là cậu ấy mới hơn hai mươi tuổi đầu đâu.”
Ngải Mễ liền xen vào: “Anh ấy mới hơn hai mươi thôi ạ? Con lại cứ tưởng ngoài ba mươi rồi cơ.”
“Tại sao?” Mẹ liền cười, hỏi. “Vì cậu ấy để râu à?”
“Không chỉ mỗi râu, con cảm thấy anh ấy rất già dặn, có lẽ là do anh ấy bảo con là trẻ con, là sâu lười.”
Mẹ liền nhắc nhở: “Đúng là con lười thật, chẳng chịu làm việc nhà gì cả. Con xem anh Allan có chăm chỉ không? Việc gì cũng làm, còn con thì chẳng mó tay vào việc gì bao giờ, nếu đến nhà người khác, chắc chắn chẳng ai quý đâu.”
“Từ nay trở đi, ngày nào con cũng sẽ đi đổ rác cho mẹ, con đã cam kết với anh ấy rồi.”
“Con coi đó, quan điểm của con đã có vấn đề rồi, tại sao lại là đổ rác cho mẹ?” Mẹ cười rồi hỏi. “Con cam kết với cậu ấy rồi hả? Cậu ấy nhắc nhở con à?”
“Đâu có, anh ấy không nhắc nhở con mà do con nghĩ thế thôi.” Ngải Mễ nghĩ, còn đợi đến lúc anh ấy nhắc nhở thì còn ra cái gì nữa? Tự cô có thể hận ra anh ấy thích điều gì và không thích điều gì mà.
“Mẹ ơi, anh ấy nói tiếng Anh rất hay, hay là mẹ nhờ anh ấy dạy tiếng Anh cho con đi?” Ngải Mễ thăm dò mẹ.
“Tiếng Anh của con mà còn cần phụ đạo nữa ư?” Mẹ sửng sốt hỏi. “Nếu phải phụ đạo thì để mẹ phụ đạo cho xong. Mẹ là giáo viên tiếng Anh mà còn đi mời gia sư, không sợ bị người ta cười cho à?”
“Mẹ bận rộn như thế, làm gì có thời gian phụ đạo cho con?” Ngải Mễ nói. “Con chỉ muốn học giao tiếp với anh ấy, mẹ cũng biết là sau này con sẽ đi theo ngành tiếng Anh. Nếu bố mẹ không muốn trả tiền cho gia sư thì con lấy tiền của con để trả vậy.”
Bố liền thắc mắc: “Nếu như thế thì con tự đi nhờ cậu ấy, việc gì phải để mẹ nhờ nữa?”
“Anh ấy coi con là trẻ con, con mà nhờ thì làm sao anh ấy chịu?” Ngải Mễ liền quay sang năn nỉ mẹ: “Mẹ mà nhờ thì chắc chắn anh ấy sẽ đồng ý. Con cam đoan là sẽ học tốt tất cả các môn. Nếu bố mẹ không chịu nhờ thì con không biết điểm số các môn sẽ sa sút thế nào đâu.”
“Mày đang đe dọa bố mẹ hả?” Bố nói. “Điểm số là của mày, tương lai là của mày, mày để việc học sa sút thì phải tự chịu trách nhiệm thôi, không nên nghĩ là học vì bố mẹ…”
Mẹ liếc Ngải Mễ, biết cô đã nói là làm nên đành thở dài. “Thôi được, để mẹ đi nói với cậu ấy, nhưng con phải cam kết là điểm số các môn không được sa sút đâu đấy, nếu không… Hơn nữa phải nói cho rõ là chỉ học tiếng Anh thôi. Con gái con đứa phải biết ý biết tứ, không nên…”
Bố liền thắc mắc: “Chỉ mỗi chuyện mời gia sư, sao em lại nói cái đó làm gì?”
“Em chỉ đề phòng trước thôi mà.”
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc