Mặt Dày Tâm Đen - Chương 03

Tác giả: Chin-ning Chu

“Nghĩa vụ của một người là phải sống, không phải là tồn tại.”
- Jack London.
Sự chuẩn bị cho Mặt Dày, Tâm Đen
Mười một nguyên tắc về việc gạt bỏ những gì đã học
“Đóa hoa lẻ loi
Không cần ghen tị
Với những cái gai đông đúc.”

- Rabindranath Tagore.
Mặt Dày, Tâm Đen không chỉ đơn giản là một cách khôn ngoan để điều khiển thế giới vì lợi ích cá nhân của bạn. Nó là trạng thái tự nhiên của chúng ta. Trạng thái này không còn chi phối chúng ta bởi vì những người đầy thiện ý đã rèn luyện cho chúng ta tất cả những phép tắc về cách cư xử và cảm nhận. Nó không còn ảnh hưởng đến chúng ta chúng ta bởi vì một ý niệm bên trong về bản thân mà chúng ta tạo ra từ những kỳ vọng và niềm tin của người khác. Đạt được Mặt Dày, Tâm Đen có nghĩa là việc giác ngộ trước tiên trạng thái tự nhiên của con người thật bên trong chúng ta.
I. Phá vỡ sự gò ép của những quan niệm bên trong và những tiêu chuẩn bên ngoài
Một người bạn của tôi ở độ tuổi gần năm mươi đã từng bị thừa cân tới hơn 45 kg trong phần lớn giai đoạn trưởng thành của mình. Mặc dù anh đã từng giảm cân ít nhất bảy lần nhưng anh luôn tăng cân trở lại. Trong một cuộc tư vấn tâm lí, anh đã phát hiện ra gốc rễ của vấn đề. Anh nhận thấy rằng, bất cứ khi nào anh gầy ốm thì anh hành động hung hăng hơn và không “vui vẻ, tử tế” với người khác. Từ thời thơ ấu, gia đình đã dạy anh rằng đức tính quý giá nhất là “tử tế” đối với mọi người. Do đó, anh ta đã ăn để kìm nén nguồn sinh lực mãnh liệt hơn của mình.
Bắt đầu từ thời thơ ấu, hầu hết chúng ta được dạy rằng phần thưởng lớn nhất trên đời này là sự tán thưởng của người khác. Có lẽ nó không được nói rõ bằng những từ ngữ như thế, nhưng có được hàm ý trong mọi thứ chúng ta được bảo là đúng và tốt. Chúng ta biết nghe lời để làm hài lòng bố mẹ, chúng ta chăm chỉ và ngoan ngoãn để làm vừa lòng thầy cô. Chúng ta chia sẻ đồ chơi của mình để các bạn cùng chơi quý mến chúng ta. Khi chúng ta cố gắng làm theo ý mình, chúng ta bị cho là ích kỉ và xấu tính. Dù thế nào đi chăng nữa, quan điểm tốt và xấu trở thành một mớ rối rắm trong những ý nghĩ non nớt của chúng ta cùng với nhu cầu giành được sự tán thưởng của người khác. Thực tế, những người dạy chúng ta về đúng và sai, bản thân họ là nạn nhân của sự nhầm lẫn tương tự.
Khi chúng ta lớn lên, nó trở nên rõ ràng rằng liên tục chiều theo người khác và tìm kiếm sự tán thưởng của họ không phải là cách tốt nhất để tiến lên. Nhưng hầu hết chúng ta vẫn tiếp tục cách cư xử không hiệu quả này. Thỉnh thoảng, chúng ta thử nghiệm tính ích kỉ nhưng thường nhận ra nó gây cho mình những cảm giác khó chịu do hậu quả của tình trạng lúc bé của chúng ta. Những người “tử tế” được cho là không quá ích kỉ. Cho dù chúng ta biết thành công trong những cố gắng của chúng ta đòi hỏi một mức độ nhất định tính vị kỷ, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tỏ ra đáng mến. Phần thưởng duy nhất cho điều này là cảm giác chính đáng của bản thân về đức hạnh cao cả của chúng ta.
Cũng tương tự đối với những đức tính “vị tha” khác. Nhưng thực tế, đây là cách cư xử tự phụ và giả tạo. Thông thường, chúng ta ngụy trang mối quan tâm đối với bản *** dạng sự quan tâm đối với người khác, và chúng ta tiếp tục theo đuổi sự tán thưởng của người khác bằng cách từ bỏ quyền được làm theo ý mình.
Chúng ta thường cho phép người khác đối xử không công bằng với mình bởi vì chúng ta không muốn đối đầu và thách thức họ, và chúng ta cũng không muốn làm nhiễu loạn quan niệm đã ăn sâu về đúng và sai của mình. Thay vào đó, chúng ta tự an ủi mình với cảm giác đạo đức hơn. Chúng ta tự nhủ rằng mình đã vượt qua sự lôi kéo vào cuộc xung đột về những chuyện vặt không quan trọng. Nhưng cho dù chúng ta nghĩ gì, chúng ta vẫn chìa nốt má bên kia. Không phải vì điều đó đúng, mà bởi vì nó dễ dàng.
Một bài học trị giá ba mươi ba ngàn đô la
Tôi đã học được bài học rằng “cố gắng để tỏ ra tử tế” có lẽ không phải là việc làm đúng bằng một khoản học phí ba mươi ngàn đô la.
Jim là một nhà kinh doanh thành công tại Washington DC. Anh ta là một trong những người được kính nể nhất trong thế giới của các diễn đàn chính trị. Anh ta mời những người nói chuyện tại các hội nghị và các cuộc gặp mặt chính trị, và xuất bản một bản tin chính trị hàng tuần. Ngày chúng tôi gặp nhau, chúng tôi thích nhau ngay. Anh ta là một người nhiệt tâm có một niềm say mê đối với văn hóa phương Đông.
Có lần, Jim tới portland, bang Oregon, nơi tôi đang sống lúc đó. Anh đi cùng với một ứng cử viên chính trị trong chiến dịch tranh cử. Sau đó, chúng tôi gặp nhau ăn tối. Trong lúc tán gẫu, tôi đã hỏi tình hình cuốn sách xuất bản gần đây của anh thế nào. Anh trả lời tôi rằng anh đã thuê một hãng quảng cáo trong mười tháng qua, và mặc dù nó tốn mất vài nghìn đô la một tháng, nhưng anh đã nhận được nhiều lời yêu cầu xuất hiện trên ti vi và trên đài do kết quả làm việc của công ty quảng cáo đó.
Jim tự hào lôi ra năm hay sáu tờ giấy đánh máy đưa cho tôi xem. Những tờ giấy chứa một bản danh sách các chương trình phát thanh và truyền hình mà anh đã xuất hiện. Bị ấn tượng, tôi nhìn kỹ hơn. Ngoại trừ một cuộc xuất hiện trên kênh truyền hình KABC, thì những cái còn lại chỉ là những đài phát thanh thứ yếu! Tôi không thể tin vào mắt mình. Tại sao họ không ghi tên anh trên một số chương trình trò chuyện (talkshow) phát thanh và truyền hình nổi tiếng hơn, tôi tự hỏi. Những người làm quảng cáo này đang làm gì cho đáng số tiền họ nhận?
Sau khi chia tay Jim, tôi tự nghĩ có lẽ anh muốn tôi giúp đỡ. Bởi vì tôi đã từng làm công việc quảng cáo cho mình trong ba năm qua, tôi đã học được khá nhiều về công việc này. Tôi biết, chẳng hạn như, việc được mời đến một chương trình nổi tiếng tốt hơn hàng trăm lần việc tham dự vô số trên những chương trình không quan trọng. Tôi cũng biết rằng một số hãng phụ trách quan hệ truyền thông cố gắng biện minh cho mức phí của họ bằng cách lấp đầy lịch làm việc của khách hàng với một mớ những buổi nói chuyện nhỏ, thường thường trên những chương trình phát thanh chỉ có rất ít thính giả. Giúp đỡ anh đối với tôi thực sự không có vấn đề gì khó. Tôi có nhiều mối quan hệ sẽ nhận lời giới thiệu của tôi một cách nghiêm túc.
Ngày hôm sau tôi gọi cho Jim. Tôi nói tôi muốn giúp anh bằng việc đưa cho anh một số mối liên hệ của tôi và anh có thể dùng tên của tôi như người giới thiệu. Anh rấ vui. Anh cám ơn tôi rối rít, sau đó nói thêm, “Tôi muốn bình luận cuốn sách mới của cô, The Asian Mind Game, trong bản tin số tới của tôi.”
Sáng hôm sau điện thoại của tôi đổ chuông. Đó là giọng nói phấn khởi của Jim. “Tôi muốn cảm ơn cô một lần nữa về việc đã đưa cho tôi những cái tên đó ngày hôm qua” anh ta nói.
“Anh đừng ngại,” tôi trả lời. “Không có gì đâu.”
Anh ta nói tiếp: “Công ty của tôi xuất bản một cuốn sách nhỏ liệt kê mọi tổ chức có mời người diễn thuyết chính trị.”
“Tôi biết, tôi cũng có một cuốn,” tôi đáp.
Anh ta nói thêm: “Và nó được cập nhật hàng tháng. Hiện giờ, nó có hơn ba trăm tổ chức.”
Tôi không rõ anh ta đang nhắm vào đâu trong cuộc trò chuyện này. Có lẽ anh muốn cảm ơn sự giúp đỡ của tôi bằng cách tặng tôi một bản danh sách mới cập nhật.
Nhưng anh ta tiếp tục, “Thư kí của tôi nói rằng cô thôi đặt nó.”
“Vâng, bởi vì tôi đang thay đổi chỗ ở, nhiều thứ bị bỏ qua quá.” Tôi cố tỏ ra tử tế bằng cách nói dối. Sự thực là tôi có sáu tháng bản tin vẫn đang còn trong tủ chưa được đọc, và dĩ nhiên tôi không muốn tiếp tục đăng ký.
Hoàn toàn không đếm xỉa đến tôi, Jim bắn phát quyết định: “Cô muốn trả tiền cho nó bằng cách nào - thẻ tín dụng hay séc?”
“Anh có thể gửi hóa đơn cho tôi không? Tôi đang bận việc và không muốn dừng lại,” tôi lơ đãng nói. Tôi cảm thấy rất khó chịu về sự thúc giục của anh ta để làm một điều mà tôi không muốn. Tôi cố gắng lịch sự đến mức có thể. Tôi muốn tống khứ và thoát khỏi anh ta cho chóng.
Nhưng Jim đẩy thêm một bước. “Chúng tôi không bình luận sách của những người không đặt bản tin của chúng tôi.” Anh ta muốn tiền của anh ta, và anh ta muốn nó ngay bây giờ.
Vẫn mong muốn tỏ ra đáng mến, tôi nói miễn cưỡng, “Được rồi, tôi sẽ đi lấy thẻ tín dụng của mình.” Kết quả là, tôi đã trả cho anh ta ba trăm đô la.
Tôi đã tốn hàng nghìn đô la để tạo ra những mối liên hệ đó. Những cuộc gọi điện thoại, chuyển fax, các cuộc xúc tiến, việc đi lại - tất cả chuyện này đúng là một cuộc đầu tư. Và tôi đưa những cái tên đó cho anh ta như một thiện ý. Có chắc anh ta nhận thấy điều đó? Thế rồi anh ta bảo tôi trả ba trăm đô la tiền đặt báo như một cách cảm ơn!
Dĩ nhiên, tôi đang đối mặt với một kẻ thực hành Mặt Dày, Tâm Đen. Anh ta là một kẻ thực hành Mặt Dày bởi vì anh ta không quan tâm tôi nghĩ gì về anh ta. Trong mắt anh ta chỉ có mục tiêu của mình. Mặc dù tôi không công khai nói tôi không quan tâm đến chuyện tiếp tục đặt báo nhưng tôi đã gửi nhiều thông điệp tế nhị. Hoặc là anh ta không nghe được những thông điệp đó và hoặc là anh ta không quan tâm.
Anh ta là một người Tâm Đen bởi vì anh ta sẵn lòng để tôi phải tự móc túi để ủng hộ cho bản tin của anh ta, ngay cả sau khi tôi đã đưa cho anh ta thông tin đáng giá hàng nghìn đô la.
Jim đang làm mọi thứ đúng theo Mặt Dày, Tâm Đen. Sai lầm của tôi là tôi đã thậm chí không có một mục đích kinh doanh nào ngoài việc muốn tỏ ra tử tế đối với anh ta. Tệ hơn nữa, tôi đã không đặt một giá trị cho việc giới thiệu của mình. Tôi đã cho không chúng như thể chúng không đáng giá gì cả. Tôi cho Jim những mối liên hệ với niềm tin rằng những người “tử tế” làm những việc tử tế cho người khác.
Anh ta chỉ đơn thuần thành thực với mục tiêu của mình: tiến lên phía trước. Mặt khác, nếu tôi đã thật lòng cho mà không có ràng buộc, thì những gì anh ta đã làm sẽ không chướng tai gai mắt đối với tôi. Sự thật là sự tử tế của tôi là một cử chỉ sai lầm được dùng để cố gắng lấy lòng Jim.
Chúng ta dễ rơi vào cái bẫy dạng này. Một cách lý tưởng, chúng ta được dạy để cho mà không mong được nhận lại, nhưng trong trực tế chúng ta ở trong tâm trạng cho với mong muốn được nhận lại. Trong lần tiếp xúc này với Jim, đằng sau suy nghĩ của tôi có một sự tính toán.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi có lẽ nên diễn ra như sau: “Jim, anh có muốn tôi giới thiệu anh với một số chương trình lớn mà tôi tham dự không? Chúng thật sự có ảnh hưởng quan trọng đối với việc lăng xê và doanh số bán những cuốn sách của tôi.” Tất nhiên là Jim sẽ đồng ý.
Sau đó tôi sẽ tiếp tục: “Trong ba năm vừa qua, tôi đã tích cực quảng cáo những cuốn sách của mình trên đài truyền hình và đài phát thanh. Tôi đã thu thập được nhiều hiểu biết cặn kẽ. Anh có thể bán được nhiều sách hơn bằng cách xuất hiện trên một chương trình hay hơn chương trình mà anh đã làm với một trăm đài nhỏ hoặc những chương trình không nổi tiếng. Tôi sẽ đích thân gọi điện thoại đến những chương trình này để giới thiệu anh và cuốn sách của anh. Với anh, điều này đáng giá bao nhiêu?”
Bởi vì tôi đặt thẳng vấn đề với Jim, anh ta có thể sẽ nói điều gì đó đại loại như anh ta không có ý định trả tôi tiền, hoặc là anh ta sẽ hỏi sự giúp ích của tôi đáng giá bao nhiêu.
Sau đó tôi sẽ nói: “Jim, tôi không muốn anh trả công tôi bằng tiền. Tôi đề nghị chúng ta tạo một thỏa thuận để trao đổi sự giúp đỡ. Hãy để tôi thử đề nghị. Những mối quen biết để đặt chỗ này là sự đầu tư của ba năm nỗ lực làm quảng cáo. Những người dẫn chương trình trò chuyện (talk show) với tôi có mối quan hệ rất tốt. Chỉ riêng thời gian đầu tư đã đáng giá hàng nghìn đô la. Tôi đã bán cuốn sách xuất bản đầu tiên của mình, The Chinese Mind Game, chỉ duy nhất thông qua giới thiệu trên truyền thông, mà không thiết lập hệ thống phân phối. Kết quả là, tôi đã kiếm được doanh thu tới sáu chữ số trong một năm. Tôi nghĩ việc đặt giá trị cho cuộc trao đổi khoảng mười nghìn đô la là thỏa đáng. Anh có nghĩ như thế không?”
Nếu anh ta không thích mười nghìn đô la, tôi sẽ thỏa thuận. Một khi giá cả được định, chúng tôi sẽ nói về phương pháp trao đổi đã được đề ra. Sự giúp ích tôi muốn từ Jim là mời tôi tham gia vào những buổi nói chuyện. Vì anh ta tính ba mươi phần trăm tiền hoa hồng cho một lần mời, để kiếm được mười nghìn đô la, anh ta sẽ phải tạo được số lần nói chuyện với tổng thù lao tới ba mươi ba nghìn đô la cho tôi.
Jim đã dạy cho tôi một bài học quý giá. Tỏ ra tử tế để giành được sự tán thưởng của người khác có thể phải trả giá rất đắt.
Một tình bạn đích thực trong đời sống cá nhân và công việc có thể là những hàng hóa hữu hình, nhưng nó cũng đòi hỏi việc cho và giúp đỡ lẫn nhau vô điều kiện. Một sự tử tế giả tạo với một động cơ bí mật có thể biến những người bạn tốt thành những kẻ thù bởi sự tan vỡ những kỳ vọng về nhau.
II. Tìm kiếm lòng tin vững chắc bên trong bản thân bạn
“Khi bổn phận của một người là đối mặt với nguy hiểm và anh ta bỏ chạy, đó là sự hèn nhát.”
- Mahatma Gandhi.
Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng khi ai đó tát vào má bạn thì bạn nên chìa nốt má bên kia. Điều này không phải luôn luôn là hành động đúng đắn nhất. Có những lúc phải chịu bị tát, và có những lúc phải đánh trả lại gấp đôi, như vậy bạn sẽ không bị đánh nữa. Nếu một người tát vào mặt bạn, bạn có thể chìa nốt má bên kia vì một trong nhiều nguyên nhân. Có lẽ bạn chọn cách khuất phục với đầy đủ nhận thức rằng việc đó có ý nghĩa gì. Có thể là, mặc dù bạn cảm thấy sự thôi thúc muốn đánh trả, bạn kìm nén cơn giận của mình bởi vì bạn được dạy rằng *** là sai trái. Hoặc có thể là bạn sợ chọc tức thêm đối thủ của mình.
Nếu bạn chìa nốt má bên kia xuất phát từ lòng tin vững chắc bên trong, như Hàn Tín đã làm trong chương trước, thì hãy làm như thế. Nếu bạn kìm nén sự thôi thúc muốn đánh trả, điều đó có nghĩa là bạn không thực sự chấp nhận chân lý về việc chìa nốt má bên kia, nhưng bạn đã để những hành động của mình bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn của người khác. Điều này hóa ra duy trì mãi mãi vai trò là nạn nhân cho chính bạn. Nếu bạn chìa nốt má bên kia bởi vì bạn sợ không dám đánh trả, nó không có nghĩa là bạn cao cả hơn về mặt đạo đức. Nó đơn giản có nghĩa bạn là một kẻ hèn nhát.
Người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen hiểu rằng đánh trả lại không nhất thiết làm bạn trở thành người xấu. Nó rất có thể là trong việc trừng phạt cách cư xử ***, bạn đang hành động như một người mang lại hòa bình. Sự thật là những tiêu chuẩn về hành vi thông thường được chấp nhận thì có tính tùy tiện và những người phân xử bản thân họ thường là những cá nhân có thiếu sót, bên dưới lốt vỏ đức hạnh, họ đã kéo dài mãi sự yếu đuối và sợ hãi của chính họ.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc