Kiêu –> Xiêu và…Yêu - Chương 06

Tác giả: Axon

Cảnh cáo lần thứ hai
Tôi cố gắng lấy tay banh mắt và nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ. Một lúc sau con mắt của tôi mới chịu đứng yên và phân tích dữ liệu mà nó vừa nhập vào.
Bây giờ…là …7 giờ 15 phút. Nó oể oải phản hồi kết quả cho tôi.
Ôi trời ơi! Giờ này đáng nhẽ ra tôi phải đang ngồi trên xe ôtô rồi. Không hiểu sao tôi vẫn còn đủ bình tĩnh nằm đây để nhòm cái đồng hồ cơ chứ.
Tôi bật dậy thật nhanh và nhảy ra khỏi giường. Đầu óc tôi làm sao ấy? Ngẩn ngơ mất một vài tích tắc tôi mới nhớ ra phải làm gì trước. Đánh răng và rửa mặt. Tôi chạy vào toilet.
Vốc một vốc nước lên mặt tôi vừa rửa vừa thắc mắc. Quái lạ, sao cả cái đồng hồ lẫn chiếc điện thoại đều không thấy chúng kêu nhỉ? Hay là hôm nay chúng đua nhau biểu tình tôi đây? Mà mẹ đâu rồi? Mọi khi mẹ vẫn là người có uy lực nhất trong việc dựng tôi dậy cơ mà?
Nhớ ra rồi! Tối hôm qua lúc tôi còn đang mải bù khú ở đám tiệc sinh nhật của con nhỏ Quỳnh thì ba mẹ tôi ra sân bay để vào miền Nam. Hình như tôi có nghe mẹ dặn dò là ba mẹ và bác cả đi Sài Gòn khoảng một tuần để giải quyết vụ đất đai sao đó. Nhà chỉ còn hai chị em. Tôi mà không tự lo dậy cho đúng giờ thì tình trạng như này còn kéo dài cho đến khi mẹ về. Chả trông mong gì vào cái thằng kia. Nó yên tâm vì không phải đi học buổi sáng nên ngủ cho đẫy mắt. Thực ra sáng nào nó cũng dậy rất sớm, chạy bộ một vòng rồi lại leo lên giường ngủ tiếp. Thể thao cái kiểu gì không biết?
Đi vào phòng, tôi đứng rất lâu trước tủ quần áo. Chẳng phải không biết chọn cho mình bộ nào để mặc mà tôi đang nghĩ cách nói thế nào với anh Chiến để khỏi phải tự túc đến Nhà máy.
Báo là mình ốm chăng? Phải có giấy ốm của bác sĩ, có dấu của bệnh viện nhì nhằng quá. Dẹp.
Hay bảo là mình bị …ngã xe!? Chắc phải có dẫn chứng rồi! Mình mẩy xây xát, quần thủng đầu gối, tóc tai bờm xờm…Ôi, khi*p quá! Tôi chả dám đâu. Làm thế nào để hóa trang được như vậy chứ? Có lẽ tự mình đâm vào cột điện để tạo hiện trường? Ghê quá đi. Cho qua cái lý do này luôn.
Tôi lôi trong tủ ra bộ quần áo. Mặc vào người xong xuôi tôi vẫn chưa nghĩ ra cách để…nói dối. Cố lên nào, Hân. Mày là siêu cao thủ về môn này mà. Hồi tôi còn đi học tôi có “tài” nói dối không hề đỏ mặt và quay bài chẳng hề ngượng tay.
Dẫn chứng là có một lần, rõ ràng là cô giáo trông thi đã nhìn thấy tôi có hiện tượng quay cóp và để ý tôi. Bọn cùng lớp chúng nó đều trông thấy và lo lắng, nhắc nhở tôi. Vậy mà con nhỏ vẫn toe toét lại còn …giữ nguyên tư thế. Cô giáo đi qua chỗ tôi rồi đột ngột quay ngoắt lại đến bên tôi gõ nhẹ vào tay tôi. Cô yêu cầu tôi xòe tay ra. Tất nhiên, trong tay tôi chẳng có gì cả. Tôi ngước nhìn với bộ mặt ngây thơ, vô…số tội. Cô giáo lắc đầu bỏ đi còn lũ bạn tôi thì ngơ ngác.
Tôi đã kịp cho “phao” vào túi áo bằng một cử chỉ rất nhanh và chính xác. May mà cô giám thị không lục soát người tôi. Nếu không thì…
Tôi khẽ cười vì kỷ niệm của một thời áo trắng đột ngột sống dậy. Nhanh thật, mới đó mà đã là ký ức. Tôi đã rũ bỏ chiếc áo học trò để nhanh chóng trở thành một cô nhân viên… Nghĩ tới đây, tôi giật mình vì lý do chưa kịp bịa để báo cáo. Làm thế nào bây giờ? Tôi nên nói gì đây?
Mẹ ơi, mẹ còn đi vắng con còn khổ. Tôi thất thểu đi ra khỏi phòng. Bước xuống chân cầu thang, đứng tần ngần bên chiếc tủ giầy một lúc tôi vẫn chưa nghĩ ra lý do. Chán nản tôi đưa mắt nhìn cái xe máy. Ba đi vắng rồi, ai dắt xe hộ tôi đây. Nhìn cái xe to uỳnh sao mà tôi thấy nản thế? A, đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ, một lý do cực kỳ hợp lý. Quyết định nhanh chóng, tôi bấm điện thoại tìm số của anh giám sát.
Lần hồi một lúc, tôi không tìm thấy số của anh Chiến. Giậm chân một cách bực bội, tôi cau có. Trời ạ, tôi muốn đánh tôi quá. (hì, nghĩ thế thôi! Sao phải đánh mình chứ? Điên à?)
Tôi đoảng hết chỗ nói. Gọi là đoảng cũng không đúng mà là ngang bướng thì đúng hơn. Cái Hiền có lần nó đã nhắc tôi về việc này. Nó không những xin số điện thoại của giám sát, nhân viên bán hàng tuyến nó mà còn ghi lại cả số điện thoại của Công ty, phòng bán hàng, chị thư ký phòng bán hàng…Vậy mà tôi nhất quyết không nghe lời nó. “Có việc gì cần tao nhờ mày là được rồi” tôi bảo cái Hiền thế. Tôi lý sự nào là việc gì phải ghi nhiều số điện thoại cho chật bộ nhớ của máy? Rồi ngày nào cũng đi đến Nhà máy bằng ôtô thì không cần thiết phải làm vậy... Nói chung, tôi ỷ lại vào cái Hiền từ hồi còn nhỏ cơ, quen rồi!
Bấm số của cái Hiền, tôi chờ đợi.
- Alô. Hiền cất tiếng.
- Tao đây. Mày nhắn cho tao số của anh Chiến nhé. Tôi nói nhanh.
- Mày đang ở đâu thế? Hôm nay mày nghỉ à? Cái Hiền hỏi
- Cho tao số của anh Chiến. Tôi không trả lời mà nhắc lại.
- Tao làm gì có số của anh ấy? Cái Hiền hơi cáu
- Cái con này! Thì hỏi giúp rồi nhắn cho tao.Tôi cũng bực bội.
- Hỏi ai bây giờ? Cái Hiền dịu giọng.
- Câu giờ thế không biết! Hỏi ai mà chẳng được. Hỏi luôn ông ấy đi. Tôi gắt gỏng.
- Okay. Tao sẽ nhắn lại ngay. Chỉ chờ có thế, tôi dập máy. Giờ thì yên tâm ngồi nhẩm lại kịch bản rồi, tôi nghĩ thầm.
Một lát sau, tôi bấm số của anh Chiến.
- Alô. Tiếng anh Chiến vang lên.
Đã chuẩn bị trước mà tôi vẫn giật nảy mình. Tôi quên mất mình định nói gì nên im lặng.
- Alô, ai đấy? Anh Chiến hỏi có vẻ sốt ruột.
- Dạ…em ạ. Tôi run rẩy.
- Em là ai?
- Dạ, em là Hân ạ. Tôi lấy lại bình tĩnh và trả lời rành rọt.
- Sao thế em? Sao lại gọi điện cho anh? Em không đi làm à? Anh Chiến hỏi dồn.
- Dạ, em… xe của em bị xịt lốp ạ. Em xin phép không đến Nhà máy sáng nay mà ra tuyến luôn được không ạ? Tôi cũng nói luôn một mạch.
- Thế à? Anh Chiến hỏi rồi im một lúc, dường như anh đang suy nghĩ.
- Có được không hả anh? Tôi rụt rè.
- Ừ, nhưng em phải ra tuyến ngay đấy nhé. Lát nữa anh sẽ qua chỗ em.
- Vâng ạ
- À, Hân này, chờ chút. Trong một lát, tôi không nghe thấy tiếng của Anh Chiến. Anh ta hình như bận nói gì với ai đó. Rồi anh Chiến tiếp tục nói:
- Alô, Hân à.
- Dạ, em vẫn đang nghe ạ.
- Nhớ là chiều nay em phải đến Nhà máy. Anh Chiến ra điều kiện.
Lại gặp ông này câu giờ của mình. Tôi ấm ức nhưng trả lời một cách lễ phép có thừa “ Dạ, vâng ạ”
Bây giờ thì yên tâm rồi. Đi ăn sáng cái đã nhỉ. Tôi sung sướng tự tay dắt xe xuống đường mà chả cảm thấy khó nhọc chút nào.
Ăn sáng xong tôi loanh quanh mãi trên mấy khu phố thuộc địa bàn của mình mà chả dám vào cửa hàng nào. Sáng sớm ngày ra, đến “ám ảnh” hàng quán nhà người ta bị chủ cửa hàng đuổi khéo là cái chắc. Bình thường thì cũng phải đến hơn 9 giờ sáng tôi mới bắt tay vào công việc của mình. Bây giờ mới có 8 giờ 7 phút. Còn sớm chán! Kiếm một quán vắng ngồi “Gi*t” thời gian vậy. Tôi nghĩ bụng và tấp xe vào một quán Café bên kia đường.
Sau khi gọi nước cho mình, tôi chọn một góc khuất và ngồi xuống. Hôm nay đã là ngày thứ tư kể từ hôm gặp giám đốc Vương tại quán “Hạ Nhớ”. Ngày hôm đó từ chối lời mời của anh ta xong, tôi cũng run lắm. Anh chàng này chắc không dễ gì bỏ qua cho tôi đâu. Đêm hôm đó tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được chỉ vì ánh mắt của anh ta. Có một ít nài nỉ, một ít hăm dọa, một ít tức giận và tràn trề thất vọng trong ánh mắt anh chàng mà tôi kịp nhận ra khi quay người bỏ đi.
Sáng hôm sau thì tôi biết tin anh chàng “que củi” không đến Nhà máy. Anh ta đi công tác. Tôi nghe người ta nói vậy. Tôi đã hoài công lo lắng. Ít nhất là cũng phải vài tháng nữa mới gặp lại, lúc đó chắc gì anh ta đã còn nhớ. Tôi chả tin anh chàng lại thù dai đến vậy.
Tuy nhiên, mấy hôm nay việc anh Chiến cứ đi kè kè theo tôi trên tuyến suốt cả ngày làm tôi thấy hơi lạ. Giám sát thì phải đi kiểm tra nhân viên rồi. Nhưng chả lẽ cứ giám sát liên tục như vậy sao?
Anh chàng giám sát đi theo tôi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác. Trong lúc tôi hì hục làm việc thì anh ta nói chuyện hoặc ghi ghi chép chép gì đó, không nữa thì gọi điện… Trưa đến tôi tưởng là thoát được khỏi thì anh ta đề nghị tôi đi ăn trưa cùng. Chắc là muốn giám sát cả tình hình ăn uống của tôi luôn?!
Tình trạng đó cứ tiếp diễn suốt cả mấy ngày trời khiến tôi thấy chán và mệt mỏi. Quen được làm việc tự do, quen được về nhà ăn trưa, quen được ngủ trưa nên tôi không thể quen được với việc giám sát của anh Chiến. Thêm vào tối qua đi sinh nhật cái Quỳnh vì mải chơi nên tôi về muộn. Hậu quả là thế này đây. Sáng sớm đã bày đặt đi ngồi quán-uống café mà nghe tái tê hết cả người.(!)
Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa kính. Trên con đường dòng người tấp nập qua lại. Người đi xe, kẻ đi bộ. Ai cũng vội vàng, hối hả và bon chen. Mỗi khuôn mặt là một cuộc đời, một tính cách riêng biệt. Cái anh chàng đang xách cái cặp táp kia chắc không phải là giám đốc thì cũng là trưởng phòng - mặt anh ta nghiêm như đang chào cờ vậy. Chị ngồi trên xe máy điệu đàng với chiếc váy ngắn đó chắc là thư ký hoặc trợ lý rồi - chân dài đến thế cơ mà. Bác trai đang thong thả đạp xe chắc có lẽ là đã nghỉ hưu-khuôn mặt không có dấu hiệu của sự phiền muộn…
Cuộc đời cứ như đại dương mải miết trôi, mải miết những cơn thủy triều dâng lên hạ xuống. Số phận con người hệt như những con thuyền. Bình yên nếu như may mắn ra khơi không gặp sóng to gió cả. Tả tơi nếu bất thình lình chạm trán với giông tố, bão bùng. Con thuyền nhỏ bé của tôi sẽ đưa tôi tới bến bờ nào đây? Người ta bảo “thân con gái như hạt mưa sa” tôi hiểu lắm chứ. Đúng là người xưa không nói sai bao giờ. Mọi câu tục ngữ đều đã được đúc kết từ những kinh nghiệm bằng xương bằng máu. Trông chờ. Bọn con gái như chúng tôi chỉ biết trông chờ vào số mệnh. Vậy số mệnh của tôi sẽ như thế nào? Trước mắt tôi là tương lai sáng rạng rỡ hay mịt mù tăm tối. Tôi muốn biết lắm nhưng ai là người có thể bảo cho tôi? Một con bé chẳng có gì là nổi trội như tôi thì có quyền mơ mộng không?
Có tiếng chuông điện thoại kêu. Tôi nhìn số điện thoại hiện trên màn hình. Cái Hiền gọi tôi.
- Alô. Gì đấy? Tôi hỏi nó luôn.
- Alô. Hỏi thăm đấy. Được không? Con nhóc nhại giọng của tôi.
- Trẫm cho phép. Nhà ngươi cứ nói. Tôi đùa.
- Sao rồi? Sao hôm nay mày nghỉ thế?
- Dậy muộn. Không thích đến Công ty.
- Lão Chiến đồng ý à?
- Dám không á?
- Con khỉ! Tinh vi vừa thôi.
- hehe…tao xin ra tuyến luôn. Lão đành phải bằng lòng.
- Thế mày bảo sao mà lại được chấp nhận.
- Tao bảo cái lốp xe thích xịt.
- Con khỉ! Tinh vi tủ ly tủ lệch.
- Ờ đấy. Kệ tao.
- Chả kệ mày thì tao làm gì được. Thế nhé.
- Ờ. Bye nhé.
Vừa tắt máy xong tôi lại thấy cuộc gọi đến. Số của anh Chiến. Tôi đã biết thân biết phận lưu nó lại trong máy của mình.
- Alô. Em Hân nghe ạ. Tôi ngoan ngoãn.
- Em đang ở đâu? Anh Chiến hỏi giật giọng.
- Dạ…em ở trên tuyến ạ. Tôi biết mình trả lời thừa nhưng tôi cũng không để ý quán này tên gì, nằm ở số bao nhiêu. Tôi đứng lên, chạy vội ra ngoài cửa.
- Biết rồi. Đọc địa chỉ đi. Tiếng anh Chiến xì xào trong máy.
- Dạ, quán “Giọt đắng” ở 24 phố… anh ạ. Tôi nhìn biển hiệu và đọc.
- Em đợi ở đó. Anh Chiến nói nhanh và tắt máy.
Tôi quay vào trong ngồi xuống ghế với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Giọng của anh Chiến báo hiệu cho tôi thấy có chuyện gì đó không ổn. Nhưng mà tôi có làm gì sai đâu? Quán Café mà tôi đang ngồi cũng thuộc khu vực làm việc của tôi cơ mà? Tôi lại để lộ cái tật bối rối của mình: bẻ ngón tay.
Tiếng xe máy đỗ xịch ngay cửa quán. Anh Chiến hấp tấp bước vào.
- Em chào anh. Tôi cười và biết nụ cười của tôi không được tươi cho lắm.
Anh Chiến gật đầu và ngồi xuống ghế.
- Lốp xe của em chỉ được phép xịt hôm nay thôi nhé.
Sao anh ấy lại nói thế? Tôi giương mắt nhìn anh Chiến. (Quả thật tôi không hiểu!)
- Dạ. em có muốn như vậy đâu. Tự nhiên nó trở chứng… Tôi thanh minh.
- Anh biết. Nhưng anh nhắc lại: chỉ một lần này thôi đấy. Anh Chiến nhìn tôi như muốn đe nẹt.
- Dạ…vâng ạ. Tôi cúi đầu.
- Thôi. Em đi làm việc đi. Anh ngồi đây một lát.
Tôi vội vàng đứng dậy quên cả chào anh ấy và việc thanh toán cốc nước của mình. Tôi thật sự rất bối rối và không hiểu vì sao anh Chiến lại có thái độ như vậy. Sao anh ấy lại biết được tôi nói dối chứ?
Cả ngày hôm nay tôi không gặp lại anh Chiến trên tuyến đường đi làm của tôi. Buổi trưa tôi cũng không về nhà luôn. Về làm gì khi mẹ chẳng có nhà? Nghĩ vậy thôi chứ nếu mẹ có ở nhà chắc chắn tôi cũng không dám về đâu. Nhu cầu ngủ trưa của tôi dường như biến mất sau ba buổi được anh Chiến “huấn luyện”. Hôm nay may mắn thoát khỏi sự “kèm cặp” bất thường của anh chàng giám sát, tôi lại thấy vô cùng bỡ ngỡ. Tôi không thể hiểu vì sao anh ta lại bỗng dưng nổi hứng giám sát tôi và tôi cũng chả giải thích nổi về sự nới lỏng đột ngột của anh chàng. Thật là kỳ lạ!
Chiều nay về đến Nhà máy, vừa bước xuống xe tôi trông thấy chiếc xe con của giám đốc Vương chạy vụt qua. Chả nhẽ anh ta lại về sớm thế? Anh ta bảo với tôi đi công tác những 3 tháng cơ mà? Hay là xe đó chở người khác? Nhưng mà xem cái kiểu phóng xe bạt mạng kìa! Chả anh ta thì ai vào đây? Chỉ có điều ai khiến tôi phải bận tâm đến việc đi về của sếp nhỉ? Ai bắt được sếp phải luôn nói thật với nhân viên? Cái xe kia đúng là của “que củi” thì sao mà sai thì sao chứ?
Tôi đã soạn xong tiền hàng giúp Trư Bát Phú và lười biếng đẩy đống tiền về phía anh chàng. Đáng ra theo luật “bất thành văn” thì tôi phải lĩnh trách nhiệm vác tiền đi nộp nhưng tôi toàn trốn tránh. Trái ngược hẳn với lúc anh Nam còn ở tuyến tôi, việc nộp tiền tôi luôn xung phong làm cho anh ấy. Phải có sự phân biệt giữa cái đẹp và cái xấu chứ? (Zai đẹp tất nhiên phải chiều chuộng, zai xấu chịu khó vất vả tí đi J) Tôi đâu có làm gì sai nào? Tôi chỉ đặt Trư Bát Phú vào đúng chỗ của anh ta thôi mà!
Lúc chàng Trư đứng dậy ra chỗ Thủ quỹ nộp tiền, tôi còn đang buồn chán ngồi chống cằm nhìn ra cửa thì “que củi” lững thững đi vào. Trông thấy anh ta, như người phải bỏng tôi bật dậy ngồi ngay ngắn. Hai tay tôi tự nhiên vuốt vuốt tóc trông rất không tự nhiên. Hôm nay anh chàng mặc áo sơ mi màu đen với quần cũng màu đen và không thắt cà vạt. Chiếc áo sơ mi không cả cài nút sát cổ mà để mở cùng với mái tóc được vuốt qua bằng tay khiến anh chàng trông quyến rũ vô cùng. Có vẻ như anh ta vừa đi xa về lại đến Công ty ngay thì phải. Bởi vì đây là lần đầu tôi nhận ra sự không trau chuốt trên người anh ta.
Ánh mắt giám đốc Vương bắt gặp cái nhìn của tôi. Ánh mắt đó trở nên sáng rực. Một nụ cười xuất hiện trên môi anh ta. Không phải là kiểu cười mà tôi thường thấy. Nụ cười của anh ta làm khuôn mặt vốn lạnh lùng, kiêu ngạo ấy trở nên rất rạng rỡ và tràn đầy vẻ thân thiện. Tôi cúi đầu lảng tránh tia nhìn của sếp. Giám đốc Vương đã đi qua chỗ tôi ngồi. Tôi chả dám ngoái lại xem anh ta đứng chỗ nào. Tiếng anh ta hỏi chuyện mấy anh giám sát ngay sau lưng tôi. Chắc chắn sếp đang đứng ở chỗ bàn anh Chiến. Ui, thế thì chả phải anh ta đứng rất gần chỗ tôi hay sao? Cuộc trò chuyện hình như đã chấm dứt. Không nghe thấy tiếng của sếp Vương chỉ toàn âm thanh chạy qua chạy lại rồi tiếng rầm rì từ cánh nhân viên bán hàng và tiếng cười khúc khích của đám con gái. Bất chợt tôi thấy có cảm giác gai gai sau lưng và nhột nơi gáy. Linh tính lại một lần nữa báo cho tôi biết có ai đó đang nhìn tôi. Quay phắt lại tôi bắt gặp ánh mắt giám đốc Vương nhìn tôi đăm đăm. Anh ta ngồi lên chiếc bàn của anh Chiến với dáng rất ngạo mạn và không rời mắt ngay cả khi bị tôi bắt gặp.
Có cái gì đó đang nhào lộn bên trong tôi. Tôi chả thể nào xác định đó là gì: tim tôi hay dạ dày tôi? Chỉ biết nó khiến tôi có cảm giác quặn thắt một chút, hơi tưng tức một chút. Chưa phải mùa đông mà toàn thân tôi thấy rét run. Tôi khẽ rùng mình. Tự dưng tôi đưa hai bàn tay lên vỗ vỗ nhẹ vào hai bên má. Trái với thân thể, khuôn mặt của tôi lại nóng bừng bừng. Tôi chả có gan hơ mãi cái lưng của mình vào cái nhìn như thiêu như đốt đó. Tôi vờ đứng lên đi về phía góc trong cùng, chỗ khuất nhất của phòng. Tưởng thế là yên nhưng ở đây lại tụ tập một nhóm con gái toàn những đứa lắm mồm. Thấy tôi lảng vảng gần đó, bọn chúng lom lom nhìn tôi. Có vẻ như chủ đề “buôn bán” lại sắp nhằm vào tôi thì phải. Tôi nhanh trí hỏi bọn con gái về cái Hiền mặc dù biết tỏng nó đang chạy đôn chạy đáo đi nộp tiền hàng cho salesman của tuyến nó. Thôi thì đứng đây tham gia vào nhóm “buôn dưa” này vậy. Thú thật tôi chả thích mấy câu chuyện con cà con kê tí nào. Vì tránh ”tia mặt trời” đang chiếu vào tôi mới phải lẩn đến đây. Chịu khó một chút! Tôi tự an ủi mình. Chỉ cần đứng yên thân ở chỗ này một lát là được rồi.
Sao anh ta lại về sớm thế nhỉ? Anh ta bảo là đi công tác ba tháng cơ mà? Tôi ngạc nhiên tột độ. Nhưng nói cho cùng thì việc anh ta đi bao lâu thì ảnh hưởng gì đến tôi chứ? Ba tháng hay ba ngày thì người ở kia vẫn là anh ta. Và tôi, tốt nhất là đừng có quan tâm đến sếp. Tôi tự cảnh cáo mình. Tôi tránh không nhìn vào mắt của anh ta nhưng dường như tôi vẫn có cảm giác bị cháy rụi bởi ánh mắt đó. Có tiếng chuông điện thoại, giám đốc Vương nghe máy. Tôi muốn tận dụng cơ hội này để nhìn trộm anh ta một lúc. Mấy hôm không gặp anh ta, tôi thấy mình như để quên cái gì đó mà chả biết để ở đâu và nó là cái gì nữa. Hôm nay tôi mới phát hiện ra cái mà tôi để quên và không biết là cái gì đấy chính là ánh mắt, là khuôn mặt của sếp.
Tôi liếc vội vàng về phía anh ta ngồi. Trời ạ, tôi choáng váng cả người. Miệng giám đốc Vương thì nói, một tay anh ta cầm điện thoại, một tay khua khoắng như để diễn đạt cho người bên kia nhưng đôi mắt của anh ta thì không di chuyển tẹo nào. Và chúng đương nhiên là đang hướng về phía tôi. Ánh mắt chăm chú. Tia nhìn ấy như muốn cho tôi biết có cái gì lạ đang ở trên mặt tôi vậy. Bất giác tôi đưa cả hai bàn tay vuốt nhẹ lên hai bên má giờ lại trở nên nóng ran của mình. Có gì đâu chứ? Con gì đang đậu trên má tôi thì nó đã bay rồi. Còn vết bẩn nào có trên khuôn mặt tôi thì cũng đã biến mất. Ơ, mà tại sao tên giám đốc đáng ghét kia không thôi nhìn tôi chứ?
Trái tim của tôi chuyển từ trạng thái loạn nhịp sang tư thế lộn tùng phèo. Trước khi cụp mắt xuống để tránh tia nhìn bỏng rát của giám đốc Vương, tôi còn kịp nhận ra sếp mỉm cười. Lần này nụ cười không phải kiểu nửa miệng, không đểu mà kiểu gì đó lạ lắm. Chẳng biết nữa. Vì tôi đang cúi gằm mặt và không còn đủ minh mẫn để phân biệt nụ cười của sếp như thế nào. Chắc là sếp cười với người đang đàm thoại thôi. Tôi tự trấn tĩnh mình. Đằng kia, giám đốc Vương đã chấm dứt cuộc trò chuyện qua điện thoại nhưng hình như anh ta vẫn ngồi yên ở chỗ cũ. Chả biết mắt anh chàng có còn nhìn tôi không nhưng tôi linh cảm là có. Bởi các cảm xúc vẫn thi nhau làm loạn trong cơ thể tôi. Không thể chịu nổi hơn nữa, tôi đi ra ngoài. Ngang qua chỗ anh ta ngồi, tôi thấy bước chân mình quýnh quáng, đầu óc lùng bùng. Tôi cố gắng đi thật nhanh.
Chạy ào vào nhà vệ sinh, tôi lấy tay chặn иgự¢. Ôi, con tim khó bảo của tôi. Nó chẳng chịu nghe tôi nữa. Nhìn mình trong gương, tôi cũng không nhận ra nổi đó là mình. Một con bé với khuôn mặt đỏ nhừ nhưng ánh mắt sáng long lanh. Tối hôm qua đi sinh nhật con nhỏ bạn tôi còn uốn éo mái tóc của mình nên trông tôi thật là khác lạ.
“Tít, tít, tít, tít, tít…” tiếng chuông đổ khiến trái tim tôi muốn nhảy ra ngoài. Sợ hết hồn. Tôi lập cập bật máy.
- Alô. Em Hân nghe ạ.
- Em đi lên phòng sếp ngay nhé. Tiếng anh Chiến khô khan.
- Dạ…sao em phải lên đó hả anh? Tôi lo lắng.
- Lên khắc biết. Anh Chiến đáp cụt lủn
- Nhưng mà…Tôi chưa kịp nói hết câu, anh Chiến đã cắt ngang - Em lên ngay đi. Thôi nhé! Anh Chiến tắt máy không để tôi nói thêm bất cứ lời nào.
Chuyện gì nữa đây? Hôm nay tôi có đi làm muộn đâu? Tôi nhớ là mấy hôm vừa rồi tôi làm việc nghiêm chỉnh lắm mà? Trưng bày sản phẩm ra sao chào hỏi khách hàng như nào tôi đều làm đúng theo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, ờ quên, là làm đúng theo hướng dẫn rồi còn gì? Tôi đang muốn tránh anh ta mà? Tôi tức tối giậm chân. Bây giờ lại bắt buộc phải đối diện với anh ta, tôi thấy số phận như đang trêu đùa tôi. Biết làm sao đây? Ông Trời ơi, con ăn ở hiền lành mà?! Ông Trời càng cao tuổi càng lẫn hay sao mà lại sắp xếp cho cuộc đời con chớ trêu liên tiếp chớ trêu? Sao sự bất công cứ như thỏi nam châm nhì nhằng bám vào…cục sắt là tôi đây thế? (hức hức) Thôi kệ. Cứ đi lên xem sao. Nhìn vào gương, vuốt lại tóc thêm một lần, hít một hơi lấy can đảm tôi bước ra ngoài và đi lên gác.
Cánh cửa phòng của giám đốc Vương khép hờ. Tôi thấp thoáng thấy anh ta ngồi ngả đầu trên ghế, hai chân gác lên bàn. Tim tôi lại khua khoắng trong Ⱡồ₦g иgự¢. Cảm giác run sợ bắt đầu lân chiếm trong cơ thể tôi. Chân tay tôi run lẩy bẩy. Hay là không vào? Thôi, tôi chạy xuống đây! Mặc kệ ra sao thì ra. Cơ mà không ổn đâu nhé! Giám sát ra lệnh gặp giám đốc. Hức! Tôi có lá gan của Cóc Tía cũng chả dám.
Lấy hết can đảm, tôi gõ nhẹ vào cánh cửa. Anh chàng “que củi” ngồi lại ngay ngắn và nói to “Mời vào”. Tôi đưa tay vuốt lại mái tóc và đẩy cánh cửa bước vào.
- Em chào giám đốc.
- Chào bé. Anh ta nhếch miệng cười.
Anh ta cười mà sao tôi linh cảm như mình sắp nghe tin xấu vậy chứ?
- Bé đóng cửa lại. Anh ta “ra lệnh” cho tôi hết sức nhẹ nhàng nhưng mệnh lệnh đó khiến tôi tim đập, chân run (hờ hờ…)
Tôi khép hờ cánh cửa. (hic, dại gì mà đóng chặt? điên à?)
- Bé ngồi xuống đi.
- Dạ…em cảm ơn…Tôi lí nhí trong miệng và cố không nhìn anh ta.
Im lặng. Tôi nghe rõ tiếng máy điều hòa và tiếng tủ lạnh kêu. Một lát sau, anh ta lên tiếng.
- Hôm nay xe của bé làm sao vậy?
- Dạ…nó…bị xịt lốp ạ.
- Mấy hôm vừa rồi bé đi làm có vất vả không?
Ô, sao bỗng dưng sếp lớn lại quan tâm đến nhân viên quèn là tôi thế? Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta với ánh mắt đầy vẻ thắc mắc:
- Sao giám đốc lại hỏi thế ạ?
- Vì anh quan tâm…, anh ta ngập ngừng một chút rồi nói tiếp, đến công việc của bé. Anh ta trả lời mắt vẫn không rời khuôn mặt tôi.
Tôi không thể ngồi yên để chịu đựng ánh mắt của anh ta. Bàn tay tôi liên tục bị tôi vặn vẹo
- Dạ, em …cảm ơn. Công việc của em …vẫn… thế ạ. Tôi đáp với giọng run run không thể giấu nổi.
- Anh có làm gì đâu mà sao bé run thế? Anh ta bật cười.
- Dạ, em…có run đâu ạ. (hic, anh mà làm gì nữa thì tôi hét toáng lên ấy chứ!)
- Thật sự là em vẫn thấy công việc như vậy là ổn chứ? Không có gì đáng nói với anh sao? Anh ta ngả đầu ra sau ghế và tia nhìn vẫn không ngừng thôi miên tôi.
- Dạ…thật ra thì em thấy …anh Chiến không cần phải… giám sát em chặt đến vậy. Tôi mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói.
Hahaha … anh chàng cười phá lên với vẻ thích thú ra mặt, như thể anh ta chỉ trông chờ tôi nói ra điều đó. Lấy lại vẻ mặt thản nhiên một cách nhanh chóng, giám đốc Vương chậm rãi nói với tôi.
- Tại vì em yêu cầu “đối xử với em như mọi người khác” nên anh đề nghị anh Chiến chiều theo ý em thôi.
Tôi mất bình tĩnh thật sự. Có phải anh chàng “que củi” đang cảnh cáo tôi không? Nói như vậy là mấy hôm vừa rồi anh Chiến giám sát tôi theo lệnh của anh ta ư? Đấy có phải là hậu quả của việc tôi dám từ chối lời mời của sếp?
Như đọc được câu hỏi vẫn còn đang lởn vởn trong đầu tôi, anh ta tiếp tục nói:
- Em chắc không thích như vậy đâu nhỉ?
- Dạ…
- Anh sẽ bảo anh Chiến để em tự làm công việc của mình.
- Dạ…em cảm ơn…giám đốc.
Yên lặng và yên lặng.
Tôi không nhìn mặt giám đốc Vương nhưng tôi biết là anh ta vẫn hướng cặp mắt có tia nhìn sáng rực vào tôi. Anh ta làm tôi cứ nghĩ rằng có lẽ trên khuôn mặt tôi có nhọ hoặc trên người tôi có cái gì đó…bất thường. Bởi vì ẩn chứa trong đôi mắt đó có bóng dáng của nụ cười mà anh ta cố che giấu.
Tôi muốn đứng lên và đi khỏi đây ngay. Nghĩ vậy tôi vụt đứng dậy và nói nhanh:
- Em rất cảm ơn giám đốc đã giúp đỡ. Em xin phép đi xuống ạ.
- Okay. Nhớ bảo cái xe của bé lần sau không được xịt lốp nhé. Nếu nó không nghe lời cứ bảo anh.
- Dạ…em…em… tôi ấp úng và tròn xoe mắt nhìn anh ta. Làm sao bảo được cái xe nhỉ? Câu nói này của anh ta sao có vẻ châm biếm. Hai má tôi nóng bừng.
- Ngày nào bé cũng phải có mặt tại phòng bán hàng hai lần. Không có lý do gì để trốn tránh. Em hiểu chứ?
- Dạ, vâng ạ.
- Bé có thể ra ngoài.
- Dạ, em…chào giám đốc ạ.
Trước khi quay đi tôi còn kịp bắt gặp nụ cười nửa miệng của anh chàng “que củi”. Lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa của nụ cười nhưng khi đi xuống cầu thang tôi mới vỡ lẽ: lời nói dối của tôi bị anh ta lật tẩy(?)
Từ trên cầu thang nhìn xuống, tôi thấy chị Thúy và một hai chị nữa bên bộ phận Thủ quỹ đang đứng thì thầm với nhau ngay trước cửa phòng Sales. Trông thấy tôi đi xuống họ im bặt nhưng lại cùng nhìn về phía tôi. Đi ngang qua chỗ họ đứng, tôi nghe thấy họ hình như đang bình luận về ai đó “Con bé trông có vẻ được đấy nhỉ” ,“Ờ”, “nghe nói anh ta thích nó lắm”…
Câu nói cuối là của chị Thúy. Tôi có cảm giác chị Thúy không ưa tôi ngay từ hôm tôi lên nhầm xe ôtô. Kệ. Ưa thích hay ghét ai đó là quyền của mỗi người. Tôi hoàn toàn tôn trọng và tự bản thân tôi cố gắng hết sức để người ta ít ghét tôi nhất.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc