Hay Là Anh Cưới Em Đi - Chương 37

Tác giả: Nhím Quỳnh

Ngoại truyện 5: Nấm
“Nấm ơi! Con đâu rồi?”
Suỵt, mẹ lại gọi tôi đấy. Mọi người đừng nói với mẹ là tôi đang trốn dưới gầm bàn này nha. Mẹ mà bắt được sẽ lại bắt tôi ăn một tô cháo và bắt tôi uống sữa đấy. Tôi chả thích ăn và uống cái đấy tẹo nào. Tôi chỉ thích ăn cháo củ cải thôi. Nhưng mẹ nhất quyết không cho tôi ăn vì nói rằng nó chẳng có chất gì cả.
Quên chưa giới thiệu, tôi tên là Minh Anh, năm nay tôi sắp được ba tuổi rồi. Mẹ thường gọi tôi là Nấm, dù tôi một mực muốn mẹ gọi là củ cải nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ tôi nghiêm khắc lắm. Sở thích của tôi là vẽ tranh, ăn củ cải (dĩ nhiên) và ôm mẹ ngủ. Tôi hiện đang sống cùng mẹ tại Đà Lạt. Ai cũng khen nó đẹp, tôi chỉ thấy nó lạnh thôi.
Tuy không lạnh như mùa đông ở Mỹ, nhưng mà nó lạnh quanh năm, tức là lúc nào cũng phải mặc một đống quần áo kín mít vì sợ lạnh ấy, thêm nữa là sẽ không được tự do chạy nhảy và đi chơi, chính vì thế mà chỉ mới hơn 1 năm sống ở đây tôi đã béo tròn và trắng nõn, ấy thế mà mẹ vẫn nhất quyết không gọi tôi bằng cái mỹ từ “củ cải” ấy dù tôi năn nỉ ỷ ôi đến mức nào đi nữa. Nhưng mẹ đã quyết thì không được nhõng nhẽo, không thì mẹ sẽ mắng đấy. Mẹ tôi nghiêm khắc lắm.
À, mẹ tôi tên là Thiên An.
Mọi người đừng nghĩ tôi chỉ là đứa con nít ranh không biết gì. Tôi đã học lớp mầm rồi đấy. Nhưng nói thật là tôi chả thích học cái lớp ấy tẹo nào. Lý do cũng vì tôi đẹp trai như thế này, nhìn nam tính như thế này mà cô giáo suốt ngày bắt tôi phải học múa, học hát cùng mấy đứa con gái. Dù tôi có đáng yêu đến thế nào thì cô cũng không nên làm như vậy chứ. Nó sẽ khiến cho trái tim non nớt của tôi bị tổn thương mất. Đó còn chưa kể cô là đồng minh với mẹ tôi, chuyên gia cho tôi ăn đủ những thứ mà họ cho là đủ chất dinh dưỡng nhưng chả có tí hợp khẩu vị nào.
Tuy nhiên, từ khi Hải Phương chuyển đến thì tôi có chút hào hứng. Bạn ấy cười rất đẹp, bạn ấy còn rất thơm nữa. Tôi thích nghe bạn ấy hát và nhìn bạn ấy múa. Tôi nói với bạn ấy rằng tôi thích bạn ấy nhưng bạn ấy nói rằng tôi mập và trắng giống con gái quá, bạn ấy cứ tưởng tôi là con gái.
Chính vì thế tôi đã thao thức, suy nghĩ và thở dài suốt một buổi trưa và hậu quả là tôi bị cô giáo phạt vì không chịu ngủ trưa. Nhưng đó chưa phải là tất cả, cô giáo còn mách mẹ tôi nữa.
Mẹ tôi gặng hỏi mãi tôi mới trả lời rằng tôi muốn cưới bạn ấy làm vợ xong mẹ tôi nghe vậy chỉ cười ngặt nghẽo khiến cho tôi càng bực mình hơn. Mẹ lại nói tôi là con nít ranh. Thực sự không hiểu mẹ đang nghĩ gì. Nhưng mẹ lại hỏi rằng tại sao tôi thích bạn ấy, tôi kể ẹ nghe và mẹ nói với tôi rằng. Trước tiên tôi phải học thật giỏi, thật ngoan và nghe lời thì bạn ấy sẽ quý tôi.
Tôi biết thừa là mẹ đang dụ tôi để tôi ăn mấy cái thứ kia, đến lúc đấy tôi sẽ béo tròn như một con heo và Hải Phương sẽ không chơi với tôi. Tôi không muốn như vậy tí nào.
Tôi nhất định không ăn mấy cái thứ mà mẹ tôi đưa nữa, tôi không muốn bị biến thành con gái. Chính vì thế nên tôi mới trốn dưới gầm bàn này đây.
Nói về Hải Phương, bạn ấy thường được một người đàn ông đón bạn ấy về sau buổi học. Tôi hỏi bạn ấy người đó là ai thì bạn ấy nói rằng đó là bố của bạn ấy. Bạn ấy có cả mẹ lẫn bố.
Tôi không có bố, trước đây tôi cũng tưởng ai cũng chỉ có mẹ như tôi nên tôi không thắc mắc. Nhưng từ khi biết được chỉ tôi là đứa thua thiệt mất một người để nhõng nhẽo so với bạn bè thì tôi bắt đầu thắc mắc. Tôi hỏi mẹ tại sao các bạn có bố mà tôi lại không có thì chỉ thấy mẹ cười trừ rồi nói xin lỗi tôi, nói rằng bố tôi đang ở xa lắm, chưa về thăm tôi được.
Tôi hỏi mẹ rằng có phải bố không thương tôi vì tôi không chịu ăn hay không. Thì mẹ nói rằng bố rất thương tôi, nói tôi hãy yên tâm.
Nói thật, dù bị béo tròn và trắng nõn như con gái mà có bố cùng đi chơi công viên vào cuối tuần vẫn thích hơn là thui thủi một mình. Đàn ông với nhau sẽ hiểu nhau hơn mà.
Nói về bố, tôi lại nhớ đến ông chú bên cạnh nhà. Cái ông suốt ngày đi theo mẹ tôi từ vườn nho ra vườn rau nói chuyện với mẹ rất vui vẻ và thân thiết. Tôi nhớ ông ấy dù ở Mỹ hay Việt Nam thì đều là hàng xóm của tôi. Đến là phiền phức.
Ban đầu tôi thắc mắc với mẹ rằng có phải ông chú đó là bố tôi hay không. Mẹ nhìn tôi ngỡ ngàng rồi lại cười ngặt nghẽo. Thật không hiểu nổi mẹ, một câu hỏi đầy tính nghiêm túc như vậy mà mẹ có thể cười được. Nhưng rồi mẹ lại ôm tôi vào lòng nói rằng chú ấy chỉ là bạn của mẹ, không phải là bố của tôi.
Ban đầu tôi còn đối xử vui vẻ với ông chú ấy vì không biết chừng ông chú ấy là bố của tôi, nhưng từ khi biết ông ấy không phải là bố của tôi thì tôi lại thấy ghét ông ấy. Ông chú ấy cứ quấn lấy mẹ tôi như vậy thì khi bố tôi về mẹ tôi sẽ không thương bố tôi nữa. Điều đó tôi rút ra từ lúc cậu Thiên Phúc đón tôi về chơi với ông ngoại 2 tuần, khi lên tôi thấy mẹ tôi có nuôi một con cún con, nhưng vì tôi đi vắng hai tuần nên mẹ tôi đã chuyển sang thương nó mà không thương tôi nữa. Vậy nên, nhất định phải tách cái ông Đăng Minh này ra khỏi mẹ tôi.
Nhưng cái ông chú ấy được cái là rất chiều tôi. Thế nên, khi mẹ vắng nhà tôi toàn chạy sang chơi với ông chú ấy. Chính vì thế mà tôi được ông ấy lén cho ăn rất nhiều củ cái. Có hôm về bị đau bụng, hại ông ấy bị mẹ tôi mắng ột trận nên thân. Tuy cũng thương ông chú này, nhưng chú ấy vẫn không phải là bố tôi mà.
Tôi hỏi mẹ, bố tôi là người như thế nào? Mẹ chỉ im lặng không nói mà ôm chặt lấy tôi. Mẹ nói rằng tôi rất giống bố. Tôi hí hửng chạy lên gương để xem thử bố tôi như thế nào, nhưng tôi thở dài thườn thượt khi thấy bố mình trắng bóc và béo tròn, không đẹp như bố của Hải Phương.
Tôi không biết tại sao mẹ lại hay chảy nước mắt khi ngủ. Tôi hỏi mẹ thì mẹ nỏi rằng do tôi không chịu ăn nên mẹ mới buồn và khóc. Haizzz, dù có chuyện gì thì mẹ tôi cũng chuyển ngay về đề tài ăn uống của tôi được. Tôi đến là phục mẹ.
Những ngày này đến lớp. Cô giáo bắt đầu dạy chúng tôi tập viết những chữ cơ bản. Cô dạy chúng tôi tự viết tên mình. Tôi nắn nót mãi cuối cùng cũng viết được, dù có hơi xấu nhưng cũng có thể xem là một kiệt tác nghệ thuật. Tôi cũng viết tặng Hải Phương tên của bạn ấy bằng Pu't chì màu hồng và bạn ấy thích lắm, nhìn tôi cười híp mí, đến là đáng yêu. Cô giáo cho tôi một điểm mười đỏ chót cho bài viết của tôi. Tôi hồ hởi mang về khoe mẹ, mẹ nhìn thấy và vui lắm. Dù gì tôi vẫn thích nhìn mẹ cười hơn là khóc nhè.
Nhận thấy chữ viết có khả năng gây cười cho những người phụ nữ quanh mình. Tôi hỏi cô giáo để tự tập viết thêm mấy chữ nữa. Tôi nhờ cô dạy thêm cho tôi cách viết chữ: mẹ Thiên An, Nấm và Củ cải. Mẹ tôi thấy tôi viết được nhiều thì cũng cười nhưng không còn rạng rỡ như trước. Có lẽ mẹ đang thích quá đấy mà.
Tôi còn có một sở thích nữa đó là chơi game trên điện thoại và máy tính. Nhưng mẹ tôi không cho tôi chơi nhiều, chỉ thỉnh thoảng mẹ mới cho tôi chơi một chút thôi. Nói ra chắc mẹ giận lắm, tôi biết mẹ có đến hai cái điện thoại, nhưng mẹ chỉ mang bên người một cái, một cái mẹ dấu dưới bàn làm việc của mẹ, mẹ vẫn thường sạc pin cho điện thoại nhưng không dùng nó để liên lạc với ai cả vì tôi chẳng thấy nó reo chuông bao giờ. Chính vì thế nên khi mẹ đi vắng tôi lại lén mở điện thoại ra để chơi game. Nhưng lúc như vậy tôi thường trốn trong phòng và đóng kín cửa nên đã nhiều lần mà mẹ tôi vẫn chưa biết.
Hôm nay tôi cũng lấy điện thoại ra để chơi, nhưng cái trò tôi chơi đã thắng hết mọi màn rồi. Chán nản, tôi lục xem xem trong điện thoại còn trò chơi nào khác không.
Ơ, trong danh bạ có người tên là củ cải này. Thì ra là có người tên là củ cải thật. Người này chắc béo tròn như củ cải ấy nhỉ? Mà có phải vì người này tên là củ cải nên mẹ mới không chịu gọi tôi là củ cải không nhỉ?
Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình như có đồng minh. Tò mò không biết người này là người như thế nào. Tôi nhấn nút gọi.
Ồ, có chuông này. Nhưng sao mãi không bắt máy nhỉ?
Đang tính tắt máy thì tôi nghe thấy đầu dây bên kia đã nhấc máy nhưng không nói gì cả.
“Alo!” Tôi nói vào máy.
“Alo…” Giọng một người đàn ông lưỡng lự.
Chắc người này là bạn của mẹ, nghe giọng có vẻ cũng lớn tuổi rồi.
“Chú là bạn của mẹ cháu à?” Tôi nhanh nhảu.
“Mẹ cháu?” Giọng chú ấy nghi hoặc.
“Dạ, mẹ Thiên An ấy ạ!” Cái chú này lạ thật, chả lẽ không phải là bạn của mẹ sao?
“À…ừ…” Chú ấy lại chậm chạp nói, giọng hơi chùng xuống.
Sao chú này là bạn của mẹ mà tôi lại không biết nhỉ? Đang định hỏi tên chú ấy thì lại nghe thấy chú ấy hỏi lại.
“Bố mẹ cháu khỏe cả chứ?” Giọng chú ấy mệt mỏi.
“Chú biết bố cháu ạ?” Chú ấy hỏi thế có phải chú ấy biết bố tôi không? Tôi cũng muốn biết bố tôi đang ở đâu.
“Ừ, chú có biết!” Giọng chú ấy vẫn trầm trầm không chút màu sắc. Có lẽ chú ấy đang bị bệnh. Nhưng tôi không nén được tò mò về bố của mình, tôi nhanh nhảu hỏi:
“Bố cháu trông như thế nào ạ? Có đẹp không ạ, bố của các bạn cháu đều rất đẹp, cháu cũng muốn gặp bố, chú có biết bố đang ở đâu không ạ?”
“Bố cháu không có nhà sao?” Giọng chú ấy sửng sốt.
“Mẹ cháu nói rằng bố cháu đã đi xa, chưa về gặp cháu được, cháu chưa gặp bố cháu bao giờ…” Tự nhiên tôi thấy tủi thân vì mình không có bố, nghe chú ấy hỏi như vậy thì tôi lại cảm thấy muốn khóc.
“Cháu tên gì?” Chú ấy hỏi.
“Minh Anh ạ, nhưng mẹ cháu gọi cháu là Nấm!” Tôi lại phùng phịu trả lời. Tôi chả thích cái biệt danh Nấm tẹo nào. Nghĩ đến chú ấy được mẹ lưu là củ cải. Tôi hỏi chú ấy:
“Chú cũng thích ăn củ cải ạ?”
“Sao cháu biết?” Chú ấy nhẹ nhàng hỏi.
“Vì cháu cũng thích ăn củ cải, nhưng mẹ cháu chỉ toàn bắt cháu ăn cháo thịt và uống sữa thôi, chắn lắm, cháu nói mẹ gọi cháu bằng củ cải thì mẹ không chịu, mẹ cứ gọi cháu là Nấm!” Gặp được đồng minh, tôi bắt đầu kể lể.
“Mẹ muốn tốt cho cháu mà, ăn nhiều củ cải không tôt đâu!” Chú ấy chậm rãi khuyên bảo.
Cái chú này chắc lại là đồng minh của mẹ đây mà. Không phải chú ấy sẽ như mẹ thuyết giảng một bài về dinh dưỡng trong ăn uống đó chứ. Không để chú ấy có cơ hội, tôi nhanh nhảu hỏi.
“Mà có thật là chú biết bố cháu không thế?”
“Ừ, chú có biết!” Giọng chú ấy lại trùng xuống.
“Vậy chú có thể cho cháu xem hình bố cháu được không? Cháu muốn gặp bố, cháu nhớ bố cháu, cháu muốn cùng bố đi chơi…” Tôi bắt đầu vòi vĩnh.
“Cái này thì…” Chú ấy bắt đầu lưỡng lự.
“Đi mà chú, năn nỉ chú đó!” Tôi vẫn cố nài
.
Nhưng cửa cổng nhà tôi bắt đầu mở. Hình như mẹ đã về. Không được rồi. Mẹ mà biết thì sẽ bị mắng mất. Tôi vội vàng nói với chú ấy.
“Thế nhé chú, mai chú đến trường Họa Mi tìm cháu nhé, nhớ đấy, chú hứa rồi đấy!”
Chú ấy chưa kịp trả lời thì tôi đã cúp máy và cất máy vào vị trí cũ. Tôi nhảy lên giường đắp chăn lại như đang ngủ giống như lúc mẹ tôi đi làm. Tôi thấy mẹ vào phòng, vuôt ve gương mặt và hôn lên má tôi một cái. Mẹ nói với tôi: “Nấm ngủ ngoan, mẹ thương!” Rồi mẹ dém lại chăn cho tôi và đi ra ngoài.
May thật, mẹ không phát hiện ra điều gì bất thường. Nghĩ đến việc mẹ nổi giận tôi sợ lắm. Nhưng nghĩ đến việc sắp được nhìn thấy hình bố tôi lại cảm thấy thích thú. Không biết ông ấy như thế nào nhỉ? Có ân cần, vui vẻ giống như bố của Hải Phương hay không? Thế rồi tôi chìm vào giấc ngủ.
Nhưng sáng hôm sau, tôi trông ngóng mãi vẫn không thấy có ai đến trường tìm tôi cả. Đến tối về nhà, tôi nhân lúc mẹ đi vắng lại lén lấy điện thoại ra để gọi cho chú ấy.
“…” Máy đã nhấc nhưng chú ấy không nói gì cả.
“Chú hứa cuội!” Tôi giận dỗi.
“Chú xin lỗi, nhưng chú không tìm được địa chỉ của trường cháu!” Giọng chú ấy hối lỗi.
Thì ra chú ấy không biết địa chỉ. Có lẽ chú ấy đang ở xa chỗ này. Thôi thì cho chú ấy một cơ hội nữa vậy.
“Ầy, chú không biết cháu đang ở Đà Lạt ạ, vậy mai chú đến nhé!” Tôi lại háo hức.
“Chú sẽ tới!” Chú ấy vẫn lương lự.
Tôi chào chú ấy rồi cất máy đi. Vậy là mai tôi sẽ được nhìn thấy hình bố của mình, sẽ được nghe chú ấy kể về bố mình là người thế nào.
***
Buổi chiều hôm sau, có một người đàn ông đến trước cửa trường học của tôi. Chú ấy đỗ xe trước anh mắt trầm trồ của các cô giáo trong trường. Ban đầu tôi tưởng người này lại là một người thích khoe mẽ như ông chú hàng xóm Đăng Minh của mình, nhưng chú ấy rất lịch sự nói chuyện nhã nhặn với các cô giáo trong trường để xin gặp tôi.
Các cô giáo trong trường dường như bị chú ấy thôi miên và thế là tôi được đưa sang phòng tiếp khách gặp chú ấy.
Tôi hí hửng chạy vào để gặp chú ấy. Tôi thấy chú ấy đang cầm một tấm ảnh trên tay và đang trầm ngâm xem xét.
Tôi bước vào tròn mắt cười chào chú ấy. Tại tôi thích quá đấy mà.
Chú ấy sững sờ nhìn tôi. Tôi thấy sự ngạc nhiên hiện lên trong đôi mắt chú ấy. Sao chú ấy lại nhìn tôi như vậy nhỉ.
Chú ấy hỏi tôi rằng có biết sinh nhật của mình không và tôi hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi. Dĩ nhiên là tôi phải biết sinh nhật của tôi chứ, gần đến ngày đó rồi còn gì, tôi trả lời cho chú ấy rằng tôi sinh ngày 25 tháng 11 và năm nay sắp được ba tuổi.
Tôi lại thấy chú ấy nhìn tôi chăm chú, đôi mắt như sắp khóc đến nơi. Tôi sợ chú ấy khóc các cô lại nghĩ rằng tôi bắt nạt chú ấy, các cô sẽ phạt tôi và mách mẹ tôi nữa. Tôi nhớ có lần thằng Khoa trong lớp dành ngồi cạnh Hải Phương nên tôi đã đánh nó một cái, thế mà nó lăn ra ăn vạ, hại tôi bị cô phạt đã đành lại còn bị mẹ mắng nữa. Nghĩ thế là tôi sơ hãi, vội vàng chạy đến bên cạnh chú ấy, lắc tay chú ấy, nói chú ấy nín đi, đừng khóc nhè.
Có lẽ nhìn mặt mũi tôi đáng yêu quá nên chú ấy không nỡ khóc. Tôi cũng biết là mình đáng yêu mà, thế nên tôi mới làm thế. Mỗi khi mẹ tôi bị tôi khiến giận đến phát khóc thì nhìn cái điệu bộ ăn năn của tôi mẹ lại không nỡ giận mà.
Nhưng chú ấy lại ôm tôi vào lòng và nói lời xin lỗi với tôi. Chú này cũng biết là nếu chú ấy khóc và tôi phải chịu phạt thì chú sẽ rất có lỗi với tôi, đúng không. Chú ấy mà khóc ra đây thì rách việc. Thấy chú ấy như vậy, tôi vòng tay ôm lấy chú ấy và an ủi. Rồi rúc vào ngồi trong lòng chú ấy làm vẻ ngoan ngoãn.
Ngồi trong lòng chú ấy, tôi với tấm hình trên bàn để xem. Nhưng mà cái tấm hình này không phải là bố tôi. Chắc chắn thế.
“Đây là chú Minh mà? Có phải bố cháu đâu!” Tôi ngẩng lên nhìn chú ta đầy oán trách.
“Đúng vậy, bố con là người khác, chú không có hình của bố con!”
Hả? Chú này lừa tôi à? Chú ấy nhìn vậy mà đi gạt con nít à? Mẹ tôi nói lừa gạt con nít là điều không tốt. Hay chú lại thích khoác lác, vậy nên chú ấy mới nói rằng chú ấy biết bố tôi là ai. Không ngờ chú này lại đi gạt con nít. Tôi trách chú ấy, mếu máo ăn vạ chú ấy.
Chú ấy vuốt vuốt cái má phúng phính của tôi rồi hứa sẽ tìm bố cho tôi, chú ấy còn hứa sẽ mang cháo củ cải đến cho tôi vào trưa mai. Nghe thấy thế, tôi lại hết khóc và cười híp mắt với chú ấy. Chú ấy hứa sẽ giúp tôi tìm bố mà, lại còn cho tôi ăn cháo củ cải nữa. Thật không uổng công tôi ăn vạ.
Nhưng chú ấy vẫn mang cái vẻ mệt mỏi, buồn bã từ lúc vào đây đến giờ. Có lẽ chú ấy đang hối hận vì đưa nhầm ảnh đây mà. Hay chú ấy tiếc tiền mua cháo củ cải nhỉ, vì tôi ăn nhiều lắm.
Từ hôm đó, cách ngày chú ấy lại đến thăm và ăn cháo củ cải cùng tôi. Tôi không biết chú ấy đã mua chuộc các cô giáo kiểu gì khiến các cô ấy không bắt tôi học chung với lớp mà để tôi chơi với chú ấy trong phòng học.
Chú ấy mang cho tôi rất nhiều đồ chơi, chú ấy tranh thủ đọc truyện tranh cho tôi nghe, chú ấy cùng tôi ăn cháo củ cải mà chú ấy mang đến. Chú ấy hay xoa đầu tôi và khen tôi đáng yêu. Tôi gọi chú ấy là đồng bọn của tôi.
Có đồng bọn thật là hạnh phúc.
Bạn trong lớp hỏi tôi chú ấy là bố tôi à vì chúng nó ghen tị tôi có bố đến chơi cùng mà chúng nó không có. Tôi hếch mặt nói với bọn nó là đúng vậy. Không phải chỉ có bọn nó có bố mà tôi cũng có vậy. Không biết bố tôi có giống chú ấy đối với tôi như thế này không. Nếu có bố nữa thì thích thật.
Những buổi chiều tan học, mẹ tôi thường đón tôi. Lúc đó, chú ấy thường ngồi trên xe để nhìn theo tôi. Chú ấy nói rằng chuyện tôi gặp chú ấy đừng nói ẹ biết vì mẹ tôi không thích chú ấy. Tôi đồng ý giấu mẹ.
Khu phố chúng tôi ở khá an toàn, thế nên khi bố mẹ chúng tôi không đi đón được chúng tôi sẽ tự đi về. Trường học chỉ cách nhà khoảng hai ba trăm mét và không có xe cộ gì nhiều nên cô giáo thường nhờ những phụ huynh hôm ấy đi đón con dẫn cả bọn chúng tôi về khi mà bố mẹ chúng tôi bận.
Hôm nay, mẹ tôi không đi đón tôi. Tôi theo bố mẹ của vài người bạn đi về. Nhìn bố của bọn nó cầm tay hay kiệu chúng nó trên vai, tôi lại cảm thấy tủi thân. Tôi tiu nghỉu đi lùi lại phía sau.
“Mẹ con không đón à?”
“Hôm nay mẹ cháu đi vắng ạ!” Tôi vẫn tiu nghỉu.
Bỗng nhiên chú ấy xuất hiện cầm lấy tay tôi rồi kiệu tôi lên vai.
Woah, Cảm giác ngồi trên cao thật là thích. Chú ấy đi lúc nhanh, lúc chậm, còn cầm tay tôi lắc qua lắc lại nữa. Có lúc chú ấy giả vờ sắp ngã để trêu tôi. Tôi và chú ấy hò hét, cười đùa vang một góc đường. Tôi quên đi những tủi thân ban nãy. Ước gì chú ấy là bố tôi nhỉ?
Chú ấy dừng lại trước cổng nhà tôi. Tôi không nói nhưng chú ấy cũng biết đây là nhà tôi. Có lẽ chú ấy nhìn thấy mẹ tôi và tôi đi vào căn nhà này mỗi chiều tan học.
Chú ấy đặt tôi xuống, nửa quỳ nửa ngồi chỉnh lại ba lô và quần áo cho tôi cho thẳng thớm. Rồi chú ấy xoa đầu và nói tôi vào nhà đi. Chú ấy đứng lên định quay đi, thì tôi chạy lại ôm lấy chân chú ấy. Tôi muốn nói cảm ơn chú ấy. Tôi hỏi chú:
“Bố cháu có giống chú không?” Tôi tò mò.
Nhưng tôi nghe những lời tôi vừa nói thì mắt chú ấy lại hiện lên tia đau xót. Chú ấy lưỡng lự nhìn tôi. Nhưng có một giọng nói vang lên từ phia sau:
“Tại sao anh lại tới đây?”
Tôi và chú ấy giật mình nhìn về phía cánh cổng. Mẹ tôi đang đứng ở đó. Đôi mắt mẹ hiện lên tia giận dữ. Tôi vội vàng chạy đến bên mẹ. Tôi nói với mẹ rằng chú ấy đưa tôi về. Nhưng mẹ tôi vẫn không nguôi ngoai, đôi mắt mẹ vẫn chằm chằm nhìn vào chú ấy.
“Nấm, đi vào nha ẹ!” Mẹ nói lớn.
Tôi cúi đầu lủi thủi đi vào trong trước ánh mắt lo lắng của chú ấy. Tôi nghe thấy tiếng chú ấy nói:
“Là tôi đưa thằng bé về, đừng trách nó!” Chú ấy nói đỡ cho tôi.
Có lẽ đúng là mẹ không thích chú ấy thật. Nhưng tôi thích chú ấy.
“Tại sao anh biết nó?” Giọng mẹ tôi run run. Hai bàn tay mẹ nắm chặt lại. Tôi chưa thấy mẹ như thế bao giờ.
Lúc này tôi đã đi vào nhà rồi, nhưng là mẹ nghĩ thế thôi, tôi vẫn lén nấp sau cánh cửa để nghe lén.
Tôi thấy mặt chú ấy nhăn lại, rồi ngẩng mặt lên nhìn mẹ tôi. Chú ấy chậm rãi nói nhưng đôi mắt vẫn đầy đau buồn:
“Tại sao em không nói cho tôi biết là chúng ta đã có con!”
Mẹ tôi chấn động trước câu hỏi của chú ấy. Mẹ vẫn không nói gì, chú ấy tiếp:
“Tại sao em không nói cho tôi biết Minh Anh là con tôi?”
Tôi là con chú ấy. Chú ấy là bố tôi sao?
Bố, tôi rất vui mừng khi biết chú ấy là bố tôi. Tôi muốn chạy ra để gọi bố. Nhưng cuối cùng tôi vẫn sợ hãi mà không dám chạy ra.
Bố ơi!
Tôi thấy nét mặt bố đau thương còn người mẹ tôi lại run lên, mẹ không nói gì, quay đầu đẩy cổng bước vào trong. Nhưng tay mẹ được bố giữ lại. Mẹ cố gắng giật ra nhưng không được. Mẹ vẫn không quay lại.
“Nó không phải con anh!” Mắt mẹ bắt đầu rưng rưng. Mẹ ngẩng mặt lên trời để ngăn nước mắt rơi xuống.
“Nói dối!” Giọng bố quả quyết.
Mẹ hít một hơi thật sâu, quay lại nhìn thẳng vào gương mặt bố, giọng mẹ lạc đi:
“Nói thì sao? Mọi chuyện có thể thay đổi được gì không?”
Bố nghe những lời nói ấy thì thẫn thờ. Bố cúi gằm mặt xuống, bàn tay nắm lấy tay mẹ buông ra. Mẹ bước vào trong nhưng không quên nói bố đừng quay lại nữa, nói rằng hãy để cho tôi và mẹ sống yên ổn. Tôi không muốn như thế. Tại sao mẹ lại đuổi bố tôi đi. Bố là bố tôi mà, tôi muốn chơi với bố. Muốn được bố đón và kiệu lên vai mỗi khi đi học về như hôm nay.
Tôi muốn có bố.
Nhưng lúc mẹ tôi bước đi được một đoạn. Bố lại lên tiếng.
“Nếu biết, tôi sẽ giữ em lại, sẽ không để em đi như vậy!”
Tôi thấy người mẹ lại một lần nữa run lên nhưng mẹ vẫn nhanh chóng đi vào nhà và đóng sầm cửa lại.
Tôi vội vàng chạy nhanh lên tầng trên. Ra ngoài ban công và nhìn xuống. Tôi thấy bố tôi lặng yên đứng trước cổng nhà tôi. Xong bố lặng lẽ quay lưng đi, nhìn bố cô đơn và lầm lũi trên một con đường dài.
Tối hôm đó, tôi lại thấy mẹ khóc. Đến khi mẹ dỗ ngủ cho tôi, đôi mắt mẹ đã sưng lên. Mẹ nằm bên cạnh tôi, nhưng khi tôi chưa ngủ thì mẹ đã thiếp đi. Tôi lại thấy những giọt nước mắt chảy xuống trên đôi gò má của mẹ. Tôi nghe tiếng mẹ gọi tên một người xa lạ.
Tôi vốn là người lạc quan vui vẻ nhưng sao hôm nay nhìn thấy mẹ cãi nhau với người được gọi là bố tôi kia, tôi lại cảm thấy khó chịu. Sao bố lại làm mẹ khóc?
Hôn lên má mẹ.
“Mẹ ngủ ngoan, Nấm thương mẹ nhiều!”
Tôi nằm xuống rúc vào người mẹ và chìm vào giấc ngủ.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc