Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 41

Tác giả: Nhiều Tác Giả

THÁCH THỨC ĐỜI NGƯỜI, ĐỘT PHÁ HARVARD
(Lời kể của Trương Hân Vũ)
Trung tuần tháng 2 năm 1998, Âu Bằng và Đình Nhi lên máy bay bay về nước. Lúc các cháu còn trên bầu trời Đại Tây Dương, thư báo về ngài Larry đã bay về Trường Chuyên ngữ Thành Đô nhanh hơn chuyến bay của học sinh nhà trường. Đình Nhi vừa về đến nhà, ngay đêm đó, phóng viên các báo đã đến phỏng vấn lấy tin. Ngày hôm sau báo “Thành Đô buổi chiều” ngay trang đầu đã chạy hàng tít lớn đỏ thắm: “Học sinh trung học Thành Dung (tên gọi khác của Thành Đô) thăm Mỹ và mang vinh dự trở về”, các báo khác cũng đồng thời đua nhau đưa tin. Bất kể là giáo viên, học sinh của Trường hay là người dân bình thường đều cho rằng những biểu hiện xuất sắc của họ ở Hoa Kỳ đã mang lại vẻ vang cho thanh thiếu niên và cho quê hương.
Âu Bằng và Đình Nhi cũng rất tích cực phối hợp với các đơn vị hữu quan giải quyết tốt mọi việc, nhưng rất lo lắng. Lần thăm Hoa Kỳ này đã ngốn hết cả tháng trời! Các bạn cao trung ba và cao trung hai đã đi hết một đoạn đường dài trên con đường thi đại học. Họ cần phải cố gắng hết sức nhanh chóng đuổi kịp các bạn.
LARRY HỎI: EM CÓ MUỐN NHẬN THÁCH THỨC VỀ PHÍA MÌNH KHÔNG?
Tháng 6 năm 1998, Đình Nhi đang bận rộn với kỳ thi cao trung thì nhận được bức thư điện tử của ngài Larry, ông dùng lối nói ngắn gọn thường ngày đi thẳng vào sự việc: “Em Đình, báo cho em một tin tốt lành. Tôi được biết Trường Đại học Columbia và Học viện Wellesley đều có học bổng toàn phần dành cho học sinh Trung Quốc, đương nhiên họ chỉ nhận những học sinh Trung Quốc giỏi nhất. Không biết em có muốn nhận thách thức: trực tiếp xin sang Hoa Kỳ học hệ chính quy hay không?”
Rõ ràng, Đình Nhi có muốn sang Hoa Kỳ học hay không, ngài Larry còn chưa biết, là vì khi trả lời đường dây nóng của khán giả Đài truyền hình C-SPAN của Hoa Kỳ, chỉ một mình Đình Nhi là học sinh Trung Quốc trả lời là chưa dự định sang Hoa Kỳ học đại học. Trước khi Đình Nhi đi thăm Hoa Kỳ, cả nhà chúng tôi đã trao đổi về vấn đề học đại học của Đình Nhi. Chúng tôi đều nhất trí là, đến giai đoạn nghiên cứu sinh ra nước ngoài mới thích hợp. Câu trả lời của Đình Nhi ở Đài Truyền hình C-SPAN với ý tưởng đó. Vì thế, ngài Larry thấy cần phải thăm dò ý kiến của Đình Nhi trước.
Về bức thư của ngài Larry, Đình Nhi vẫn chưa nhắc lại ý kiến ban đầu, còn tò mò thêm: “Theo ông, tôi có mấy phần chắc chắn giành được học bổng toàn phần của một trường nổi tiếng Hoa Kỳ?”
Ngài Larry trả lời ngay sau đó: “Sự thành bại của một cuộc tranh đua không phụ thuộc vào bức thư giới thiệu của tôi mà ở chỗ em có rất nhiều ưu thế. Nhưng hai học sinh tôi giới thiệu trước đây, sau khi được nhận vào học đều rất xuất sắc. Do vậy, sự giới thiệu của tôi, về phương diện nhà trường có phần được tín nhiệm. Nhưng đó không phải là chắc chắn tuyệt đối. Loại tranh đua nào cũng có những yếu tố không xác định được rõ ràng”. Tiếp theo Larry phân tích cái lợi cái hại của Đình Nhi khi học đại học ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nhận thức rất rõ ràng, Đình Nhi nếu trực tiếp xin học một trường chính quy ở Hoa Kỳ sẽ có lợi cho sự phát triển trong tương lai. Ngài Larry vốn là một luật sư lâu năm trong nghề, thói quen nghề nghiệp khiến ông không thể bắt buộc Đình Nhi phải chấp nhận những ý kiến đó mà chỉ hi vọng Đình Nhi suy nghĩ nghiêm túc đối với đề nghị của ông.
Lúc ấy, Đình Nhi mới mười bảy tuổi, quyết định thế nào cần phải được sự đồng ý của người bảo lãnh. Do đó, trên góc độ pháp luật, Larry không bỏ qua việc để Đình Nhi hỏi ý kiến ba mẹ.
Sau khi biết được nội dung bức thư của ngài Larry, cả ba người chúng tôi hết sức vui mừng. Chúng tôi cảm thấy, thái độ của Larry một lần nữa chứng thực tiềm lực phát triển của Đình Nhi. Tiếp theo, chúng tôi điềm tĩnh lại. Đi sang Hoa Kỳ học, xét cho cùng có quan hệ tới sự thành bại của cả một đời người, không so sánh lợi hại tỉ mỉ, không thể khinh suất quyết định. Huống hồ, nó liên quan tới rất nhiều vấn đề. Một khi đã quyết định xuất ngoại du học, tất cả cuộc sống hiện nay của Đình Nhi cần phải điều chỉnh sắp xếp lại. Việc này hết sức khó khăn giống như trường hợp một chiếc xe phóng như bay sẽ phải rẽ ngoặt gấp sang một hướng khác.
Lại còn những điều kiện để làm đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ. Việc đầu tiên phải vượt qua, là thi TOEFL.
Ngoài yêu cầu thành tích ưu tú về các mặt khác ra, Larry cũng rất chú trọng đến thành tích thi TOEFL. Ông đề xuất vớu Đình Nhi thành tích phải đạt 640 điểm, vì muốn được học bổng của một trường đại học nổi tiếng, cần phải đạt đến số điểm như thế. Đó quả là một yêu cầu rất cao. Nếu thi TOEFL không tốt hoặc không đạt những yêu cầu khác của Trường Columbia và Học viện Wellesley thì phải làm như thế nào. Larry cũng không quên nói thêm về cách suy nghĩ của ông, nếu không được trường đại học hàng đầu thu nhận vào học thì cũng không coi là không đến học ở Hoa Kỳ.
Ngài Larry rất quý trọng nhân tài, tính vô tư đó cũng giống như Lôi Phong, tấm lòng tha thiết và kiên trì giúp đỡ hết lòng cũng không kém gì Bá Nhạc của Trung Quốc. Có điều, Larry cũng giống như rất nhiều người Mỹ khác, làm việc thường coi trọng hiệu suất và thành quả. Ông là người đã đến tuổi “tri thiên mệnh”, nên cần nắm vững thời gian để làm một số việc có giá trị cho đời. Nếu Đình Nhi không thể chứng minh được là “thiên lý mã”, Larry cũng đành lấy làm tiếc mà gạch tên Đình Nhi trong bản danh sách của mình.
Do vào dịp này trước đây, Đình Nhi và chúng tôi đều cho đi học nước ngoài là việc sau khi đã học đại học chính quy, thậm chí Đình Nhi ngoài việc bố trí học tiếng Anh ở trường, từ trước tới nay chưa chuẩn bị được gì cho thi TOEFL, bây giờ nước đến chân mới nhảy, rất dễ bị thất bại.
Gần bước tới thềm năm thứ ba cao trung, thời gian quý như vàng, vội vàng xông vào cuộc chiến với thi TOEFL, làm sao có thể thi đạt thành tích tốt?
Kiến nghị của Larry là một cơ hội và cũng là một thử thách không đạt tiêu chuẩn thì cũng không thể đạt được gì hết.
LỰA CHỌN KHÓ KHĂN:
CÓ SANG HOA KỲ HỌC ĐẠI HỌC HAY KHÔNG?
Vấn đề làm đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ, Đình Nhi và chúng tôi đã có một thời gian do dự không quyết định được. Nguyên nhân chính là vì thời gian quá eo hẹp. Đình Nhi sắp vào lớp cao trung năm thứ ba. Học năm thứ ba cao trung ở Trường Chuyên ngữ Thành Đô, theo lối nói của những học sinh đã tốt nghiệp là thực hiện “lễ rửa tội cho một đời người”. Tất cả những học sinh tốt nghiệp cao trung trước đây do đã trải qua một năm vật lộn gian khổ làm cho họ có thể tự hào tuyên bố, từ nay không có một khó khăn nào của đời người mà họ không thể vượt qua. Sự học tập căng thẳng của cao trung ba vì thế được xem như là một chấm hoa đậm sắc của thời cao trung không thể nào quên.
Chế độ học tập và nghỉ ngơi của nhà trường rất chặt chẽ và liên tục, yêu cầu mỗi học sinh từ 6 giờ 30 phút sáng đều đến thao trường rèn luyện buổi sáng. Tiếp ngay sau đó, nhiệm vụ học tập khẩn trương mỗi ngày như cỗ xe lăn đường chạy mải miết. Ngoài ít phút nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa và chiều ra, học sinh học một mạch đến 10 giờ 30 phút đêm.
Sau khi kết thúc buổi tối, học sinh còn tự giác làm “cuốc xe đêm”. Mười một năm gian khổ học tập, sắp đến trận chiến đấu cuối cùng, ai cũng đều giúp nhau cố lên hơn nữa, bạn xem thêm sách đến 12 giờ, tôi làm bài tập đến 1 giờ sáng rồi mới chịu đi nghỉ.
Cứ như thế, thiếu ngủ đã trở thành vấn đề phổ biến, Đình Nhi lúc học đến năm thứ ba cao trung, nếu cộng thêm cả thời gian ngủ gật lúc buổi trưa, bình quân mỗi ngày ngủ được 6 tiếng thì cũng là khá lắm rồi. Nếu Đình Nhi làm đơn xin học ở Hoa Kỳ, lập tức phải đồng thời tác chiến trên hai mặt trận. Nhiệm vụ của nhà trường, một chữ cũng không thể thiếu, như vậy có nghĩa là, mỗi ngày 6 giờ 15 dậy, 12 giờ đêm ngủ. Mặt khác cần phải điền thêm các biểu mẫu xin học đại học Hoa Kỳ, xếp đống lại cũng đến cả thước, và cũng không thể thiếu một chữ. Như thế đến mấy giờ mới được đi ngủ?
Ngài Larry chỉ giới thiệu Đình Nhi xin vào học ở trường đại học nổi tiếng nhưng những trường đại học nổi tiếng hiện nay cũng trong tình trạng cung không đủ cầu. Đối thủ cạnh tranh là những học sinh trung học ưu tú đã sẵn sàng từ lâu ở Hoa Kỳ. Trong thời gian thăm đất nước này, Đình Nhi đã tận mắt thấy học sinh Hoa Kỳ chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thế nào. Do các trường trung học ở Hoa Kỳ khi học xong môn nào liền kiểm tra kết thúc môn học đó luôn, không giống như ở Trung Quốc tập trung bài trong 6 năm, đến giai đoạn cuối cùng mới thi tốt nghiệp. Từ lớp 11 (tương đương với năm thứ hai cao trung), học sinh trung học Hoa Kỳ đã rất thoải mái. Họ chỉ cần tham gia cuộc thi “tư chất học sinh” (SAT I) gồm hai môn tiếng Anh và Toán học là có đủ điều kiện thi vào đại học.
Cuộc đua tranh giữa Đình Nhi và học sinh Hoa Kỳ như cuộc chạy đua giữa một vận động viên vừa chạy vừa giơ quả tạ với một vận động viên gọn nhẹ chạy cự ly ngắn, mới nhìn đã thấy bất lợi chứ chưa nói đến thành công.
Cho nên thi đại học ở trong nước là không thể bỏ qua. Và như thế, không thể không đối mặt với cục diện “trước sau đều bị địch đánh”, đó là một điều tối kỵ của các nhà quân sự từ trước đến nay, làm đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ hay không trở thành khó khăn lớn nhất trước mắt Đình Nhi. Nhưng bây giờ Đình Nhi đã già dặn hơn trước rất nhiều, cháu biết phương pháp để tìm ra quyết định đúng đắn nhất. Trong thời kỳ sơ trung, chúng tôi thường giảng giải nhiều lần cho Đình Nhi: Lúc đứng trước sự lựa chọn quan trọng, cần phải “tập trung suy nghĩ, tranh thủ ý kiến rộng rãi của mọi người”. Cháu luôn luôn ghi nhớ phương pháp này. Gặp việc quan trọng cháu thường hay tổ chức họp gia đình để cho mỗi người đều phát biểu ý kiến của mình. Đợi để khi mọi sự lợi hại đều được xem xét kĩ, cháu mới quyết định cuối cùng. Sử dụng biện pháp này, cháu không chỉ một lần tháo gỡ được sự việc tưởng chừng như bó tay, giải quyết một cách ngon lành mọi ý kiến được tham khảo.
Chúng tôi đã nhiều lần họp gia đình, tuy không nhanh chóng đạt được quyết định nhưng luồng suy nghĩ cũng dần rõ ràng hơn.
Do nguồn tài lực của gia đình chỉ có thể xin được học bổng toàn phần một trường đại học nổi tiếng, nếu nửa học bổng cũng khó thực hiện được việc đi học vì học phí còn lại đối với gia đình chúng tôi cũng không thể gánh nổi. Năm 1998, học phí ở Trường Harvard là 21.342 đô-la, cộng thêm tiền phòng ở, mua sách, bảo hiểm sức khoẻ, phụ phí hàng ngày, tất cả lên tới 31.250 đô-la. Số tiền này còn chưa tính đến khoản sinh hoạt phí 3 tháng hè. Các trường đại học khác đại khái cũng thế. Trường Đại học Columbia năm nay thu khoảng 33.296 đô-la, còn hơn cả Harvard, Trường Princeton thu 33.040 đô-la, Trường Cornell thấp hơn một ít cũng phải nộp 31.952 đô-la. Bất kỳ trường nào, hàng năm cũng đều thu 1/4 học phí làm cho đại bộ phận người Trung Quốc sống bằng lương khó thực hiện việc đi du học nước ngoài được.
Chúng tôi đều không muốn Đình Nhi đến Hoa Kỳ làm thuê, kiếm học phí, đối mặt với áp lực sinh tồn nặng nề, bị kẹp giữa hai tình trạng sức khỏe suy yếu và học tập căng thẳng, làm sao còn đủ sức để nắm vững được tri thức nữa. Đặc biệt còn cần phải đảm bảo an toàn trước mọi tai họa ẩn tàng.
Huống chi Đình Nhi rất coi trọng việc học đại học trong nước, thi đậu một trường đại học tốt, học hết đại học chính quy cũng rất đáng giá. Phong cách dạy và học chắc chắn của các trường đại học trong nước cũng có thể tạo cho Đình Nhi một nền tảng vững vàng suốt đời. Để tránh tình trạng xôi hỏng bỏng không, thi đại học trong nước là không thể bỏ.
Qua nhiều lần thảo luận dần hình thành ý thống nhất là: trong điều kiện hiện có, một mặt cần phải có chừng mực khêu dậy tiềm năng của Đình Nhi, dùng một phút chia thành mấy phút để sử dụng, mặt khác ba mẹ phải cố làm thật tốt nhiệm vụ “hậu cần”.
Nếu thời gian không kịp thì làm thế nào? Có thể phải giảm nhẹ mục tiêu thi trong nước, bỏ yêu cầu vào học Trường Bắc Đại, lúc cần sẽ chuẩn bị thi vào trường đại học bình thường. Đó thực sự là một quyết định buồn với Đình Nhi, mỗi khi nghĩ đến phải bỏ cơ hội học Trường Bắc Đại, cháu buồn đến rơi nước mắt.
Mục đích của những giá phải trả đó, tức là đột phá vào trường đại học hạng nhất thế giới, một mục đích hầu như không thể với tới được. Cho dù thất bại, cũng là một đời không hề ân hận.
DĨNH - NGƯỜI CON GÁI TRUNG HOA Ở MỘT TRƯỜNG NỔI TIẾNG HOA KỲ
Cuối tháng 6, ngài Larry gửi đến một thư điện tử, báo cho Đình Nhi một tin mới: Dĩnh, một học sinh năm thứ hai Học viện Wellesley sẽ về Thành Đô thực tập hè. Larry hi vọng Dĩnh có thể giúp Đình Nhi về ngôn ngữ và các mặt khác. Không lâu sau, Đình Nhi nhận được điện thoại của một cô gái, phát âm tiếng phổ thông rất chuẩn. Đó chính là cô Dĩnh vừa từ Hoa Kỳ đến Thành Đô và rất muốn gặp Đình Nhi.
Chúng tôi nói với Đình Nhi mời Dĩnh đến nhà chơi, hi vọng cô gái xa bố mẹ này có thể cảm thấy ấm áp như ở nhà.
Mấy hôm sau, vào một buổi cuối tuần Dĩnh đến. Tuổi lớn hơn Đình Nhi một ít, người hơi cao, nét mặt thanh tú, gợi cho ta cảm giác đó là một cô gái dịu dàng trong sáng. Dĩnh từ lớp 5 tiểu học đã theo bố mẹ di cư sang Hoa Kỳ, sau đó nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Dù lấy tiêu chuẩn Trung Quốc hay tiêu chuẩn Hoa Kỳ, Dĩnh cũng là một cô gái xuất chúng. Cô đến Hoa Kỳ lúc mười một tuổi, trong thời gian 9 năm ngắn ngủi, từ “tiếng Anh ABC” rất nhanh chóng bỏ xa tuyệt đại đa số trẻ em Hoa Kỳ, dù mỗi lần chiêu sinh chỉ lấy 500 học sinh. Nếu không nói tiếng Anh, chỉ nhìn bề ngoài không ai cho là Dĩnh lớn lên ở Hoa Kỳ. Cô ngồi, mỉm cười như cô bé ngoan hàng xóm sang chơi. Không ít người Trung Quốc sau khi đi ra nước ngoài vì lâu ngày không nói tiếng Trung Quốc, không chỉ giọng nói thay đổi mà khi nói thường xuất hiện hiện tượng hụt hơi, không phát âm được. Nhưng Dĩnh trái lại, nói tiếng phổ thông rất lưu loát, tự nhiên. Cô nói với chúng tôi là ở Hoa Kỳ thường xem báo chí Trung Quốc nên Trung văn còn nhớ rất tốt.
Có thể thấy được bố mẹ Dĩnh dù đã di cư sang Hoa Kỳ nhưng vẫn hoài niệm về quê hương, hơn nữa còn rất sáng suốt khi Dĩnh đã tiếp nhận nền văn hóa Hoa Kỳ, nhưng vẫn giữ được tình yêu với văn hóa Trung Hoa. Trên thực tế, những đứa trẻ đã quen thuộc đồng thời hai ngôn ngữ và văn hóa so với một số em người Hoa “còn Mỹ hơn cả người My”, càng có đất phát triển tốt hơn nhiều.
Theo thói quen nghề nghiệp, tôi rất hứng thú quan sát thấy Dĩnh có ánh mắt không giống với trẻ em gái bình thường của Trung Quốc.
Phần lớn trẻ em gái Trung Quốc lúc nói chuyện với người khác, đặc biệt với người mới quen, rất ít có thói quen nhìn thẳng không chớp mắt vào người đang tiếp chuyện, những Dĩnh khi nói chuyện thường chăm chú nhìn thẳng vào người đối thoại, không đảo ánh mắt. Đó là thói quen thường thấy ở người phương Tây, hơn nữa ánh mắt ấy vừa thẳng thắn lại vừa chân thành, gây cho người đối thoại hiểu được nhau.
Dĩnh và Đình Nhi mới gặp mà như đã quen biết từ lâu, nhanh chóng trở thành bạn. Cứ đến cuối tuần, Đình Nhi từ trường trở về nhà đều gọi điện thoại cho Dĩnh hẹn thời gian, mời đến nhà chơi. Có lúc Dĩnh cũng gọi điện thoại đến, hỏi rất thẳng thắn: “Tôi đến nhà bạn, có được không?”
TRƯỜNG IVY LEAGUE VÀ HỌC VIỆN MINICOLLEGES
Dĩnh giới thiệu với Đình Nhi một loạt các trường đại học ở Hoa Kỳ, là các trường thuộc loại nhất. Xem điều kiện của các trường danh tiếng ấy, cảm tưởng mỗi ngôi trường đều làm thót tim.
Sau khi Dĩnh gần gũi, tìm hiểu thực lực của Đình Nhi thấy Đình Nhi có năng lực tiếp xúc với các trường đại học đó.
Trên đại để, các trường đại học Dĩnh giới thiệu có thể chia thành hai loại: một loại là trường Ivy League nổi tiếng, Harvard đứng đầu, loại thứ hai là một loạt các trường, học viện khoa học tự nhiên và nhân văn nổi tiếng, ở Hoa Kỳ gọi là “Supper Minicolleges” (Các trường đại học mi ni siêu cấp).
Ivy League của Hoa Kỳ gọi là nhóm các trường nổi tiếng về học thuật uy tín và có tiếng rất sớm ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, gồm có 8 trường: Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học Yale, Đại học Princeton, Đại học Pennsylvania, Học viện Dartmouth, Đại học Cornell, Đại học Brown. Trong các trường này có rất nhiều trường cổ xưa, được xây dựng từ thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của Anh quốc, trên những bức tường gạch đỏ, cây thường xuân (tiếng Anh là Ivy) leo bò dày đặc vì thế “Ivy” trở thành biệt hiệu của những trường đó.
Trên bảng xếp hạng các trường đại học Hoa Kỳ tất cả 8 trường đại học này vẫn luôn luôn được xếp vào loại trường đại học ngôi sao hàng đầu.
Học viện Literal Arts College là học viện chỉ có hai môn khoa học nhân văn và tự nhiên, còn người Mỹ dùng từ Supper Minicolleges để chỉ một số trường, học viện về khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên có quy mô nhỏ, rất nổi tiếng và có lịch sử lâu đời ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ như Học viện Wellesley , Học viện Almount Reseater.
Mini – có nghĩa là rất nhỏ, trong đó Học viện Mount Holyoke chỉ có 2.054 người, tất cả đều là nữ sinh. Học viện Wellesley có 2.300 học sinh, đều là nữ sinh. Học viện Almount Reseater gồm cả nam và nữ sinh viên, quy mô nhỏ hơn, chỉ có 1.600 sinh viên.
Supper – siêu cấp, là chỉ thứ bậc tương đối cao. Dù quy mô không lớn lắm, cũng không lập viện nghiên cứu sinh, nhưng do trong thời gian một, hai trăm năm họ đã xây dựng được tiếng tăm về học thuật lững lẫy, lực lượng giáo sư hùng hậu, sự nghiệp giảng dạy của họ đã đào tạo những nhân vật được ngưỡng mộ về học thuật, nhận được giải thưởng Nobel. Sinh viên của các trường này, sau khi tốt nghiệp đa số đều thi vào hệ nghiên cứu sinh, hoặc tìm được những việc làm rất tốt. Vì thế từ trước tới nay, họ là mục tiêu cạnh tranh của những học sinh giỏi nhất Hoa Kỳ.
Dĩnh đề nghị Đình Nhi xin thi vào mấy trường loại Supperminicolleges. Trong các trường đại học Dĩnh giới thiệu cho Đình Nhi, đầu tiên là Học viện Wellesley, nơi cô đang theo học. Trường này từ trước tới nay được người dân Hoa Kỳ công nhận là tốt nhất, là Học viện nữ sinh mang màu sắc quý tộc. Phu nhân tổng thống Kennedy, bà Jackie Kennedy cũng tốt nghiệp trường này. Năm đó bà Tống Mỹ Linh vợ Tưởng Giới Thạch do yêu cầu tranh thủ ngoại viện rộng rãi trong các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ cho cuộc chiến tranh kháng Nhật ở Trung Quốc đã có liên quan rất nhiều đến việc bà đã tốt nghiệp và được sự giáo dục ở Học viện này. Học viện Wellesley, đã đào tạo rất nhiều người nổi tiếng, gần đây là vị nữ Quốc vụ khanh đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, bà Albright.
Ngoài nổi tiếng như vậy, trường này còn có nhiều điểm hấp dẫn khác: nhà trường đối với học sinh học nghề thực hiện yêu cầu về tiêu chuẩn rất khắt khe, làm cho các học sinh nói chung đều đạt được trình độ tương đối cao. Kế hoạch giao lưu học thuật của trường làm cho học sinh có cơ hội được vào học các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ để thu thập được những chỗ mạnh hoặc thành công của người khác. Trong các trường đại học giao lưu với Học viện Wellesley, có cả trường đại học Thanh Hoa của Hoa Kỳ MIT – đó là Học viện cơ giới, khoa học tự nhiên và khoa học xây dựng.
Vấn đề này đối với một người chưa thỏa mãn với môn văn học nói chung như Đình Nhi, có sức hấp dẫn rất lớn. Đình Nhi hi vọng trong quá trình tìm tòi học hỏi của mình có được một trình độ nhất định về khoa học xây dựng. Học viện William Mounts là một trong những học viện nổi tiếng lâu đời nhất của Hoa Kỳ. Giáo sư của trường, tỷ lệ nhận học vị tiến sĩ đều cao hơn các trường đại học nổi tiếng khác như Harvard, Yale, Princeton và là một trong các trường nhất nhì về nhân văn và khoa học tự nhiên của Hoa Kỳ. Tỷ lệ giáo sư và học sinh của trường này là 1/10 làm cho sinh viên ngoài giờ lên lớp cũng có lượng thời gian lớn được thảo luận các vấn đề học thuật với các giáo sư. Trong sinh viên của trường, có tới 1/3 số sinh viên được ra nước ngoài hoặc đến một nơi khác thực hiện kế hoạch nghiên cứu tự mình lựa chọn, cơ hội cho sinh viên mở mang tầm nhìn, có thể nói “nếu muốn là thực hiện được”.
Học viện Dartmouth là một trường đại học cấp “ngôi sao” giỏi nhất Hoa Kỳ, được xếp hạng thứ 8. Tiếng tăm về học thuật của trường được liệt vào “cấp 5 sao” cao nhất. Ông Hiệu trưởng cũ của trường này đã xây dựng cho nhà trường truyền thống phóng tầm nhìn ra thế giới. Đối với việc bồi dưỡng nhân tài, tạo điều kiện cho họ được bay nhảy trên vũ đài quốc tế là rất có lợi. Với tư tưởng chủ đạo đó, rất nhiều môn học của trường đều có cơ hội ra nước ngoài nghiên cứu. Học triết học có thể sang Edinburgh của Scotland, kịch nghệ có thể sang London nước Anh, học sinh vật đến Trung Mỹ và quốc đảo Caribê, nghiên cứu Á châu đến Trung Hoa và Nhật Bản. Làm như vậy việc tìm hiểu thế giới được hòa lẫn vào trong quá trình học tập.
Trường Đại học Columbia cũng là mục tiêu chủ yếu mà Larry kiến nghị học. Trong rất nhiều trường đại học hùng mạnh của Hoa Kỳ, tiếng tăm về học thuật và xếp hạng của trường, đều đạt bậc cao nhất. Trong các hiệu trưởng của trường đã xuất hiện Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Trong số giáo sư và học sinh tốt nghiệp của trường, số người được nhận giải Nobel xếp hàng đầu trong các trường đại học Hoa Kỳ, hơn 56 người. Do địa vị ưu việt của nó nên yêu cầu nguồn học sinh lấy vào rất cao, đối với học sinh nước ngoài, chỉ riêng điểm thi TOEFL thấp nhất cũng phải đạt 600 điểm trở lên, còn nếu muốn có học bổng, yêu cầu cao đối với các môn càng không thể tưởng tượng được.
… Nhưng trong các trường đại học đó, không có trường nào hấp dẫn đối với Đình Nhi hơn được Đại học Harvard.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc