Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế - Chương 06

Tác giả: Nhiều Tác Giả

TRONG NHỮNG NGÀY CHA MẸ LY HÔN
(Tự thuật của Lưu Vệ Hoa)
GỬI NHỜ BÊN BÀ NGOẠI, ĐÌNH NHI NGÀY ĐÊM NHỚ MẸ
Khi Đình Nhi được 1 năm 8 tháng, kế hoạch nuôi con của tôi đã gặp hai trở ngại lớn: một là tôi và cha Đình Nhi quyết định ly hôn, một khi thủ tục xong, tiền lương của tôi và phí nuôi dưỡng Đình Nhi chỉ đủ để duy trì mức dinh dưỡng cho Đình Nhi, không thể thuê bảo mẫu được; hai là công tác bình xét chức danh của hệ biên tập đã bắt đầu thí điểm. Tôi nhìn lên văn kiện mượn được của đơn vị thí điểm thấy: đối tượng biên tập viên trẻ mới có tác phẩm chứ chưa có văn bằng như tôi phải trải qua một quá trình học đại học tương đương đại học văn khoa mới được tham gia bình xét các chức danh. Hơn nữa tôi chỉ có thể lợi dụng những thời gian rỗi để học tại chức. Làm thế nào đây? Phải hy sinh tiền đồ của mình để tiếp tục giáo dục Đình Nhi? Hay là hy sinh tương lai của Đình Nhi để hoàn thành việc tự học của mình? Đang trong lúc khó khăn thì mẹ và đứa em trai Vệ Trung của tôi đã ra tay cứu giúp. Bà ngoại và cậu yêu cầu tôi đưa Đình Nhi đến nhà bà ngoại ở Hồ Bắc để họ thay tôi chăm sóc Đình Nhi và thực hiện phương pháp giáo dục từ sớm theo yêu cầu của tôi.
Từ ngày 23 tháng 11 năm 1982 đến mùa xuân năm 1983, Đình Nhi sống bên bà ngoại và cậu. Khi đó, điện thoại còn thuộc loại đồ xa xỉ, cũng giống như những người bình thường, tôi chỉ có thể dùng phương thức viết thư để trao đổi thông tin. Trong lá thư đầu tiên sau khi trở về Thành Đô, tôi thỉnh cầu mẹ: “Mẹ có thể ghi chép lại một cách đơn giản tình hình phát triển của Đình Nhi không? Như: khi nào thì đo độ cao, cân nặng và là bao nhiêu? Khi nào thì bắt đầu nói những từ ngữ mới? Khi nào bắt đầu làm những động tác mới, v.v… Hoặc khi nào mỗi lần viết thư mẹ viết thêm vài câu, con giữ lại cũng được”. Mẹ tôi không những ghi thư như tôi yêu cầu, mà còn kể tỉ mỉ việc em trai tôi đưa Đình Nhi đến tham quan vườn bách thú như thế nào. Đọc lại những lá thư quý báu của 17 năm trước, niềm yêu thương và lo lắng ngày nào như hiện lên trước mắt, tình cảm thân thiết đó khiến tôi xúc động đến mấy ngày mà vẫn chưa bình tĩnh lại được… Từ khi Đình Nhi sinh ra, bình quân hai tháng phải chuyển nhà một lần, môi trường sống thay đổi liên tục đã mang lại cảm giác không an toàn cho cháu, chỉ còn sự ôm ấp của người lớn mà cháu thân thuộc mới có thể khiến cháu cảm thấy yên tâm. Bảy ngày sau khi rời Thành Đô, khi tôi dẫn Đình Nhi đi mua rau ở chợ gần nhà bà ngoại, Đình Nhi đột nhiên nói với người nông dân bán rau: “Cô bảo mẫu của cháu bỏ đi rồi!”. Đôi mắt sâu thẳm và ngữ điệu thổ lộ khiến tôi giật mình, mãi mãi không thể nào quên. Cháu không hiểu được là mình đã rời xa cô bảo mẫu Lý mà cho rằng cô Lý sớm hôm bên nhau nay đã từ bỏ cháu. Trong môi trường mới lạ, mẹ là mối dây liên hệ duy nhất với cuộc sống trước đây của cháu, mấy hôm sau, mẹ cũng đột nhiên biến mất trong một đêm tối mùa thu, sự mất mát là quá lớn. Từ lá thư đầu tiên mà bà ngoại gửi cho tôi có thể thấy, khả năng ghi nhớ phát triển sớm của Đình Nhi đã khiến cháu cảm nhận được nỗi đau khổ của sự phân ly nhiều hơn sơ với những đứa trẻ đồng lứa.
… Đình Nhi luôn nhớ đến con và cô bảo mẫu của cháu. Khi ngủ trưa bèn đòi tìm phòng của con, mẹ nói phòng trước mặt là phòng của mẹ cháu, cháu lại khóc không ngủ ở chỗ đó nữa. Từ xa nhìn thấy một phụ nữ trẻ hơn nói đó là mẹ đi làm về, khi ăn cháu liền nói: “Mời mẹ xơi cơm, mời bà ăn cơm, mời cậu ăn, mời cả nhà ta ăn cơm…”. Có lúc cháu gọi mẹ là “mẹ bảo mẫu”, có lúc gọi “mẹ, mẹ”, lúc gọi là “bà ngoại”, có thể cháu thường nghĩ đến những người này nên gọi mẹ đến để an ủi mình.
Để sửa chữa cách xưng hô của Đình Nhi, bà ngoại đã nhiều lần nhắc cháu: “Bà là bà ngoại của cháu. Mẹ cháu đã trở về Thành Đô đi làm rồi”. Để thỏa mãn khát vọng thường xuyên được gọi mẹ, Đình Nhi đã nghĩ ra một cách để hợp lý hóa sự xưng hô sai của mình:
… Tối qua có thể trong mộng cháu nhìn thấy con, buổi sáng tỉnh dậy bèn đến bên mẹ đòi gặp con mãi. Mẹ hỏi, có phải trong mơ cháu gặp mẹ không, cháu nói đúng. Khoảng 10 giờ tối hôm nay, cháu nói với mẹ: “Cháu làm Lưu Vệ Hoa, bà là mẹ”. Bởi vì trước đó mẹ có nói: “Bà là mẹ của Lưu Vệ Hoa, bà ngoại của Đình Đình”. Có thể thấy, suy nghĩ của cháu rất linh hoạt, nay cháu gọi mẹ là “mẹ mẹ”, mẹ liền đáp ứng, hết sức để cháu không nhớ đến các con…
Đây là lần giải quyết độc lập vấn đề phức tạp đầu tiên kể từ khi Đình Nhi ra đời. Đó là ngày 1 tháng 2 năm 1983, sau khi chúng tôi xa cách 2 tháng. Một năm sau, trước khi tôi đón cháu về Thành Đô, nỗi nhớ mẹ sâu sắc đã giống như một động cơ công suất lớn đã thúc đẩy nhanh sự phát triển năng lực tư duy trừu tượng của cháu. Trong thư ngày 10 tháng 5, bà ngoại đã viết:
… Đình Nhi vẫn gọi mẹ là mẹ như trước, mẹ nói gọi là bà ngoại, bà nội đều được nhưng không được gọi là mẹ. Đình Nhi nói: “Mẹ cháu ở Thành Đô, gọi mẹ thân thiết hơn!”. Khả năng ghi nhớ của cháu rất tốt, cháu vẫn thường xuyên nhắc đến cô bảo mẫu.
Khi bà ngoại viết thư cho tôi, nếu Đình Nhi còn thức bà liền bế cháu vừa viết vừa đọc, bởi vì cháu vừa muốn nghe lại vừa muốn nhìn. Khi tôi gửi thư, tôi cũng dành riêng một đoạn viết cho cháu hoặc viết vào một bưu thi*p đẹp để bà ngoại đọc cho Đình Nhi nghe. Dạng thông tin truyền đạt bằng thư tín này đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc cho Đình Nhi. Ví dụ như trong lá thư đầu tiên gửi cho mẹ, tôi thỉnh cầu mẹ chú ý chăm sóc Đình Nhi, tôi có nhắc đến việc phải thường xuyên cho cháu ăn đậu phụ. Đình Nhi tuy không thích ăn đậu phụ của vùng Hồ Bắc, nhưng vẫn ăn một miếng, miệng nhắc: “Con nghe theo lời mẹ”.
LY HÔN KHÔNG LÀM THAY ĐỔI TÌNH CẢM BAN ĐẦU, KẾ HOẠCH NUÔI CON VẪN TIẾN HÀNH BÌNH THƯỜNG
Sau nửa năm làm thủ tục ly hôn, khi Đình Nhi vừa tròn 2 tuổi, tôi và cha của Đình Nhi chính thức hủy bỏ quan hệ hôn nhân. Tiền đề đưa ra quyết định này là: tôi tin rằng tôi có khả năng đảm bảo hạnh phúc cho con gái; tuy một người cáng đang nuôi con thì điều kiện sống sẽ giảm sút, nhưng chỉ cần kế hoạch giáo dục thời kỳ đầu vẫn được thực hiện, Đình Nhi vẫn được nuôi dưỡng thành người khỏe mạnh, tố chất ưu tú, có khả năng tạo ra cuộc sống hạnh phúc. Trước khi Đình Nhi chuyển đến ở với bà ngoại, về cơ bản cháu vẫn ở vào trạng thái học tập bị động, sinh ra không lâu đã bị lôi kéo chạy trên con đường khai sáng, sau khi xa cách tôi, cháu tạm thời không còn người truyền đạt lượng lớn thông tin, nhưng thói quen học tập thì đã hình thành, giống một chiếc ô-tô không có phanh, vẫn tiến về phía trước theo quán tính.
Trong môi trường mới, cuộc sống của Đình Nhi không những có nhiều nỗi nhớ mới, mà còn nhiều nội dung mới mẻ. Nhà bà ngoại cách nhà trẻ không xa, trước khi nghỉ hưu bà ngoại đã xây dựng nhà trẻ thành một đơn vị tiên tiến, mọi người ở đấy rất tốt. Đình Nhi rất được các cô giáo hoan nghênh. Từ lúc cháu 1 năm 8 tháng, cháu đã hòa nhập vui vẻ cùng các cháu bé 3 - 7 tuổi khác, học tập tất cả những gì cháu thích.
Trong tháng đầu tiên khi tôi trở về Thành Đô, bà ngoại đã viết liền 3 lá thư miêu tả tình hình của Đình Nhi:
… Cháu rất thông minh, đầu óc phản ứng nhanh. Hai bà cháu đến nhà trẻ chơi, người khác làm động tác gì, cháu bèn học theo. Cháu học các cô giáo đánh trống, hát “ngồi xếp hàng, ăn hoa quả”, nhìn người khác chạy, hét “Chuẩn bị Chạy!”, về đến nhà lại đòi mẹ chạy cùng nó, lại hét to: “Chuẩn bị… Chạy!”.
… Buổi chiều một hôm chơi cùng lớp mẫu giáo bé, Đình Nhi nhìn thấy một bé trai do tranh nhau mà khóc, cháu bèn chủ động đến gần lau nước mắt cho bạn, dỗ anh đừng khóc. Ở nhà trẻ, cháu nghe được câu hát: “Chào mừng Đảng Cộng sản”, hai ngày sau cháu liên tục nói “Đảng Cộng sản”.
… Cháu học tiếng ếch kêu, học động tác của mèo con, chim bay, và cả động tác đánh đàn. Cháu đánh đàn và đòi mẹ vỗ tay, lại bắt mẹ đánh đàn để cháu vỗ tay. Đình Nhi vừa đánh đàn vừa hát bản nhạc “Một, một, ba, ba, năm,…” hoặc là ca khúc học được ở nhà trẻ, hát xong còn nói: “Hát rất hay! Hát rất hay!”.
Những biểu hiện của Đình Nhi khiến tôi rất vui, một tháng trước cháu còn học cái nọ cái kia dưới sự chỉ huy của tôi, xa cách mới được một tháng, cháu đã bắt đầu chỉ huy bà đóng kịch, tuy rằng đó chỉ là bắt chước hoạt động dạy học ở nhà trẻ, nhưng sự bắt chước có ý thức đó chính là thể hiện khả năng tổ chức lãnh đạo của Đình Nhi. Tôi thực sự kinh ngạc: giáo dục sớm thực sự có uy lực rất lớn đối với phát triển tiềm năng của trẻ sơ sinh. Đình Nhi có thể chủ động học, cố nhiên tôi rất vui mừng, nhưng cũng có điểm không yên tâm. Thư của bà ngoại miêu tả hành vi của Đình Nhi rất nhiều, có cả những miêu tả ảnh hưởng của người lớn hoặc sự vật bên ngoài đối với cháu, nhưng không nói đến kế hoạch của người lớn, sự dẫn dắt có mục đích đối với cháu. Thế là trong bức thư thứ hai tôi đã nhắc nhở mẹ:
… Hiện nay ngoài ăn uống, chơi, ngủ, điều quan trọng nhất là phải bồi dưỡng năng lực và thói quen quan sát sự vật đối với Đình Nhi, vì khả năng quan sát là tiền đề quan trọng đầu tiên để phát triển trí lực. Đối với Đình Nhi mà mói, chính là phải cho cháu biết tên gọi những sự vật mà cháu nhìn thấy.
Chỗ mẹ có rất nhiều sự vật mới mà chỗ con không có như: nhà máy, đường sắt, thị trường tự do, hồ ao, ống hơi nước v.v… Phải dạy cháu nhận thức từng sự vật, gọi tên của chúng, ghi nhớ một số đặc điểm. Thí dụ: nhà máy có một ngôi là lớn, có rất nhiều đường ống, đường ống quanh co gấp khúc, để lộ ra hơi nước cuồn cuộn, hơi nước vừa ẩm vừa nóng, đó là do nước được đun nóng tạo thành nền v.v… Những cái đó, Đình Nhi không nhất định có thể nói được toàn bộ, nhưng người lớn thường xuyên giảng giải, tự cháu sẽ nhớ được. Đợi đến khi năng lực phát âm của cháu tăng cường thêm một bước, tự cháu có thể tổ chức lại những danh từ, lượng từ, hình dung từ mà cháu nhớ được, nói thành một đoạn. Điều đó là một quá trình rèn luyện rất lớn đối với năng lực ngôn ngữ, tích lũy tri thức, năng lực tư duy và năng lực tổng hợp của cháu, tạo cơ sở vững chắc cho năng lực phân tích và năng lực viết của cháu về sau. Đó là dạy quan sát toàn bộ đối với sự vật.
Còn một dạng quan sát là phân biệt sự khác nhau giữa sự vật cùng loại, như khi nhìn con ếch bèn giảng sự khác nhau giữa ếch đực và ếch cái. Nhìn thấy cấy cối là giảng giải sự khác nhau về hình thái cây (thẳng, cong, khô, nhiều cành…), hình dạng chất lượng quả (mềm, cứng…) sự khác nhau về màu sắc, cách dùng. Những tâm lý người lớn này chỉ cần có điều kiện là thực hiện, nhìn thấy gì giảng nấy, và cũng không cần phải có kế hoạch gì. Nhưng muốn có hiệu quả tốt thì cần phải thường xuyên lặp lại nội dung trong một khoảng thời gian. Như nhận biết màu sắc, đợi cháu ghi nhớ màu đỏ, và màu xanh lục mới dạy cháu biết màu vàng và màu xanh lam, khi dạy màu sắc mới, có thể bất chợt cho cháu nhận biết màu sắc đã học qua để củng cố kiến thức. Khi giáo dục Đình Nhi, có thể liên kết màu sắc và hình dạng để dạy như quả bóng đỏ, cửa màu vàng, thời màu xanh lam, mây màu trắng, cũng có thể quy loại sắc màu và hình dạng của sự vật để giảng như củ cà rốt màu đỏ, cây chuối cảnh cũng có màu đỏ, quần áo cũng màu đỏ; hoặc củ cải đỏ tròn, củ cải trắng tròn dài, bánh bích qui tròn mảnh v.v… Con biết rằng, giáo dục Đình Nhi là phải rất kiên tâm nhẫn nại, hơn nữa lại càng không thể mưu cầu thành công nhanh chóng, thế nhưng cả hai mẹ con mình đều tin tưởng rằng việc giáo dục sớm tất sẽ đem lại kết quả tốt và điều tâm niệm tạo nên môi trường sinh trưởng (vật chất và tinh thần) tốt nhất có thể cho Đình Nhi. Nếu như Đình Nhi có thể trở thành người tài năng hữu dụng, thì đó cũng là sự cống hiến của chúng ta đối với nhân dân, với Tổ Quốc. Do khoảng cách quá xa, trong thư có thể con nhắc lại cùng một sự việc (do không nhớ đã viết hay chưa), cũng có thể mâu thuẫn giữa phần trước và phần sau, xin mẹ hãy rộng lượng tha thứ. Hai mẹ con mình cùng khám phá những kinh nghiệm giáo dục sớm để có thể tạo ra càng nhiều những đứa trẻ có ích cho xã hội.
Nhận được thư, mẹ tôi lập tức tăng cường phần “giáo dục chủ động”, mặc dù việc chăm sóc ăn uống ngủ nghỉ hàng ngày cho Đình Nhi đã rất mệt, lại thêm bệnh đau dây thần kinh của người già thường xuyên xảy ra.
“CÁI ĐUÔI NHỎ” CỦA BÀ NGOẠI, NHÌN THẤY GÌ HỌC NẤY
Trong những ngày xa mẹ, Đình Nhi suốt ngày quấn lấy bà ngoại, giống như một cái đuôi của bà. Từng lời nói, việc làm của bà ngoại đều trở thành đối tượng bắt chước của Đình Nhi. Sự bắt chước này được thể hiện ngay trong lá thư đầu tiên của bà ngoại.
… Hai bà cháu đến nhà người khác chơi, khi trở về chủ nhà ra tiễn, mẹ nói: “Không cần đưa tiễn, mọi người còn đang bận kia mà”. Sau đó vào dịp khác, chủ nhà vừa đưa tiễn cháu đã nói: “Không cần tiễn, mọi người còn đang bận mà”. Cháu còn nói: “Đến nhà trẻ trượt cầu thang, ngồi ghế quay, ngồi thuyền đung đưa đi, bà!”. Một bé trai ở nhà bên cạnh đến chơi nhà chúng ta, mẹ nói cháu ra chơi với em, cháu lập tức nói: “Chớ đánh nhau!”.
Những lời nói này của Đình Nhi đều là nghe được từ bà ngoại. Chỉ có điều khi đó bà ngoại còn chưa biết Đình Nhi mới 1 năm 8 tháng mà đã nghe hiểu, nhớ lâu, còn dùng rất đúng tình huống.
Những tình tiết được miêu tả trong thư của bà ngoại có thể thấy, trong một tháng đầu xa cách mẹ, cơ quan phát âm của Đình Nhi đã phát triển thuần thục, không những có thể nói liền mạch nhiều câu hát mà năng lực biểu đạt tiềm ẩn cũng nhanh chóng được biểu hiện. Tuy rằng cháu mới được 1 năm 9 tháng tuổi nhưng cháu có thể sử dụng thỏa đáng những từ vựng có ý nghĩa tu từ mà chỉ những đứa trẻ 4 tuổi mới bắt đầu sử dụng, như “lập tức, hiện tại, nhanh một chút,…” v.v… Cháu bắt đầu vận dụng từ vựng một cách hợp lý, vận dụng hoàn chỉnh hợp lý để biểu đạt những yêu cầu của cháu giống như một người lớn.
Khi tôi mới rời xa, bà ngoại cho rằng Đình Nhi còn quá nhỏ nên không chuẩn bị dạy cháu đọc thơ cổ. Nửa tháng sau, khi bà ngoại dùng lời ca ru cháu ngủ, Đình Nhi bỗng nhiên nói một câu: “Bây giờ cháu dạy bà hát bài Con ong nhỏ.”. Sự chuẩn xác trong cách dùng từ, sự hoàn chỉnh của câu chữ mà cháu dùng khiến bà bắt đầu lựa chọn những câu thơ cổ để dạy Đình Nhi. Đầu tiên bà ngoại giảng hàm nghĩa của mỗi câu thơ, sau đó dạy cho Đình Nhi đọc thuộc lòng.
Nhà bà ngoại không có người giúp việc, mọi việc trong gia đình đều phải tự tay bà làm. Bắt chước bà ngoại làm một số việc nhỏ cũng là một trong những nội dung “học chủ động” của Đình Nhi. Những sự bắt chước này đều rất có giá trị trong việc học tập thường thức cuộc sống và tích luỹ kinh nghiệm xử lý công việc cho trẻ nhỏ. Trong thư bà ngoại viết:
… Ngày mai Đình Nhi vừa tròn 1 năm 10 tháng tuổi. Hôm qua ở trong nhà bếp, mẹ xào rau, cháu cũng lấy đồ để xào, đòi bỏ mỡ, muối, xì dầu vào, cháu lại còn đòi nếm thử rau. Cháu biết rằng mây mù ở trên trời, mẹ xay sữa đậu nành cháu còn đến giúp bón đậu vào cối. Rửa mặt, rửa tay, bôi dầu gội… nói chung cháu đều đòi tự mình làm được. Có lúc Đình Nhi cầm một cốc nước đến chiếc bồn tưới hoa, vừa làm vừa nói: “Tôi có việc, tôi bận”. Có lúc tự mình cầm giẻ lau lau sạch sẽ các ghế ngồi, vừa làm vừa nói: “Tôi đang làm vệ sinh”.
Trong giai đoạn học tập lấy bắt chước làm chính, năng lực sáng tạo của Đình Nhi cũng bắt đầu manh nha. Khi cháu học được những khúc hát mà bà ngoại hát ru ngủ bèn bắt đầu yêu cầu bà ngoại đổi lời hát. Ngủ vẫn đòi hát “Con ong nhỏ”. Có lúc cháu đòi hát “Con ong lớn”, mẹ liền hát “Con ong lớn bay vù vù, bay đằng tây, bay đằng đông, yêu học tập, yêu lao động”. Có lúc mẹ hát: “Nhà ta có em bé béo”, cháu lại đòi mẹ hát “Anh béo”, cháu rất vui.
Bà kêu: “Đình Nhi rất thông minh, phương pháp giáo dục của mẹ có lúc theo không kịp”. Khi Đình Nhi không muốn đọc những câu thơ cổ đã thuộc lòng và nhàm chán, bà ngoại cũng không còn cách nào. Tôi vội vàng mua hơn chục cuốn sách báo trẻ em, gửi về cho bà trước ngày Tết Nhi đồng 1 – 6 để làm tài liệu dạy cho Đình Nhi. Trong thư gửi cho bà ngoại, tôi viết:
… Hi vọng mẹ và cậu Vệ Trung bớt chút thời gian giảng cho Đình Nhi nghe. Sách phải cho cháu xem từng cuốn từng cuốn một, chứ đừng cho cháu nghịch và cũng tránh để cháu xé rách. Nếu như giữ gìn tốt, có thể để lại cho con của Vệ Trung xem. Có điều đó không phải là chủ yếu, điều chủ yếu là phải bồi dưỡng niềm tin hứng thú và cảm tình của cháu đối với sách, luyện thành thói quen yêu sách. Ngoài ra, mỗi lần không nên xem quá lâu để tránh cho trẻ chóng chán.
Để huấn luyện các cơ tay, chuẩn bị cho cầm 乃út sớm, tôi còn đặc biệt dặn dò:
… Đình Nhi bắt đầu học mặc quần áo phải không? Cần phải dạy cho cháu cài cúc như thế nào, có thể dạy cho cháu dùng đất sét nặn quả táo, củ cải, quả chuối… Còn có thể nặn một số dụng cụ làm việc, động vật…
Đình Nhi nghe được thư này, mỗi lần mặc quần áo đều nói: “Mẹ dạy con mặc quần áo?”. Mỗi lần xem sách bèn nói: “Mẹ bảo con phải xem từng cuốn sách một.”. Đình Nhi còn thường xuyên nói: “Mẹ thích nhất con, gửi sách cho con xem”. Cháu sợ bà ngoại báo những khuyết điểm của cháu cho tôi, bèn nói: “Báo cho mẹ, mẹ sẽ không gửi sách cho cháu và cũng không yêu cháu nữa”. Sau Tết Nhi đồng 1 - 6, ông ngoại của Đình Nhi từ Đại học Ngạc Tây về Vũ Hán dự “Hội nghị đại biểu tiên tiến”, sau đó có ghé qua nhà, lần đầu tiên gặp cháu ngoại, những biểu hiện của Đình Nhi khiến ông vừa kinh ngạc lẫn mừng vui. Ông viết thư nói:
… Đình Nhi tuy chỉ là đứa trẻ trên hai tuổi, nhưng cháu rất thông minh. Cháu đọc thơ cho ông nghe, đọc rất diễn cảm. Cháu biết nói rất nhiều lời của người lớn, phân biệt được cả “thói quen tốt” và “thói quen xấu”… Bố đưa cháu lên phố mua đồ, mua bốn chai bia, dùng túi ny-lon để đựng. Cháu nói: “Túi nhỏ thế rất nguy hiểm”. Cháu rất thích ăn cháo, ăn xong lại đòi rửa bát cho bà, rửa từng cái từng cái rất sạch. Có lúc, cháu cầm một cuốn sách, ngồi nghiêm túc trên ghế, miệng lẩm bẩm. Bố hỏi cháu: “Đình Nhi, cháu ngâm nga cái gì đấy?”. Cháu nói: “Cháu yêu mẹ, mẹ yêu cháu…”. Có lúc bố nói: “Đình Nhi, lại đây thơm ông một cái”. Cháu liền dẩu tròn môi, hướng về phía bố, hôn bố chùn chụt một cái, xong cười ha, ha, ha… Về nhà mới ba ngày mà vui gấp nghìn lần, 99% là do sự hồn nhiên của trẻ nhỏ mang lại.
Thú vị nhất là hôm ra đi, cháu muốn rửa chân giúp ông. Cháu mang một cái cốc nước đến: “Ông ơi! Rửa chân!”, bố đưa chân ra, cháu liền giúp bố cởi tất, sau đó dùng một tay đỡ chân, một tay dội nước vào, sau đó kỳ cọ bàn chân, ngón chân đến gót chân. Rửa xong còn dùng khăn lau khô, sau đó mang giày lại cho ông đi. Quá trình làm của cháu hết 10 phút, đến khi sạch sẽ mới thôi. Không ngờ một đứa trẻ mới hơn 2 tuổi mà đã làm được như vậy, khiến bà ngoại cũng phải cười khen.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay