Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi - Chương 25

Tác giả: Andrew Matthews

TRÁNH CÃI CỌ
“Đừng bao giờ đi đánh lộn với heo - bạn bị bẩn mà nó thì thích thú”.
General Abrams
Cãi nhau không tốt cũng không xấu - chỉ mất thời gian vì bạn càng muốn thay đổi suy nghĩ của ai bao nhiêu thì càng ít có khả năng họ thay đổi bấy nhiêu!
Tại sao người ta cãi nhau?
Người ta cãi nhau vì ba lý do chính sau:
1) Họ thật sự muốn tìm cách thay đổi tình hình (Họ là những nhà cải cách)
2) Họ muốn được nổi bật. (NGƯỜI THÍCH ĐƯỢC CHÚ Ý)
3) Họ cảm thấy khó chịu và muốn cãi nhau. (NGƯỜI THÍCH GÂY SỰ)
Nếu bạn gặp người muốn thay đổi cái gì đó bằng cách cãi nhau (nhà cải cách) thì tốt nhất nên lắng nghe họ và sử dụng nhưng kỹ thuật ghi trong chương vừa rồi. Tuy nhiên, nếu bạn gặp người thích được chú ý thì nên biết cái gì đang xảy ra và hãy quyết định không tham gia trò chơi.
NGƯỜI THÍCH ĐƯỢC CHÚ Ý.Chỉ cãi nhau vì muốn được người khác chú ý. Họ biết là nếu họ bất đồng với người nào đó một cách mạnh mẽ thì người khác sẽ chú ý đến họ. Những người khôn ngoan sẽ chọn tình yêu thương chứ không chọn mâu thuẫn lời qua tiếng lại nhưng đôi khi chúng ta vẫn cãi vã và giận dữ đôi chút để thu hút sự quan tâm.
Cũng có người thích được chú ý bằng cách khác. Bạn biết loại người này. Bạn mời 6 người đến dự tiệc tại nhà. Khi món chính đang được dọn ra, món gà rôti, người phụ nữ đối diện nói rằng đó không phải là món gà rôti mà là vịt rim. Bạn biết đó là món gà vì chính bạn là người nấu nó. Vậy tại sao phải cãi nhau với chị ta. Bạn nên gật đầu, mỉm cười và nói lảng sang chuyện khác.
Sẽ luôn có những người cứ khăng khăng cái gì đó “cũ” khi nó là mới, là “nóng” khi nó nguội, v.v…rằng người đang hát trên đài là Bing Crosby trong khi bạn biết đó là Micheal Jackson. Hãy thư giãn và cứ để họ thích nghĩ những gì họ nghĩ. Bạn không cần phải dạy cho họ biết khi họ không chịu biết. Hãy để cho họ làm điều họ muốn và đừng có can dự vào.
NGƯỜI THÍCH GÂY SỰ thường người muốn cãi nhau vì họ bực bội chuyện gì đó chẳng liên quan đến bạn. Bạn đừng dính vào. Thật dễ để tập cho người khác tế nhị với bạn: bạn chỉ cần không quan tâm đến họ khi họ bực bội hay la hét.
Nếu nhà bạn trở thành một chiến trường thì hãy ra ngoài đi dạo, khi trở về, bạn sẽ nói chuyện bình tĩnh hơn. Không có quy luật nào quy định: “Nếu ai đó muốn phá hỏng buổi chiều của bạn thì bạn phải tham gia cùng với họ”. Bạn nên dạy người ta cách đối xử với bạn bằng cách vẽ một ranh giới… “tôi không thích nghe la hét. Tôi sẽ không nói gì cho đến khi anh không đập phá đồ đạc nữa”. Và rồi bạn bỏ đi.
Chúng ta không cần phải đồng ý
Có những trường hợp mà ở nhà hay ở chỗ làm mà mọi người cần phải thống nhất với nhau hay tuân theo một mệnh lệnh nào đó. Nhưng vô số trường hợp không cần phải thống nhất, không cần biết ai đó có đồng ý với bạn hay không – không cần biết ai đúng ai sai.
Những lúc đó mọi sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta VUI VẺ ĐỂ CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG ĐỒNG Ý
Bạn có thể nghĩ: “lý thuyết không cãi nhau nghe hay thật nhưng làm sao bạn không thể cãi nhau với người cứ phản đối với bạn kịch liệt? H ÃY VUI VẺ CHO PHÉP NGƯỜI TA CÓ QUAN ĐIỂM
KHÁC VỚI BẠN! BẠN NÊN QUYẾT ĐỊNH KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN ĐIỀU HỌ NGHĨ.
Từ lúc mới sinh ra, chúng ta đã khao khát sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Chúng ta hãy áp dụng công thức: “Nếu anh không đồng ý với tôi thì tôi sẽ la hét, giận dữ, bực bội, hờn giân và mất ngủ!”
Nếu không xem lại chiết lý cá nhân vào tuổi đã trưởng thành thì bạn có thể cứ theo hoài chương trình cũ mèm này trong 25 năm tiếp theo. “Nếu anh không đồng ý với tôi về niềm tin của tôi, quan điểm chính trị và tôn giáo v.v… của tôi thì tôi sẽ không sống hạnh phúc và bình an được!”
Khi người khác không cùng quan điểm với bạn thì sự bất an của bạn nổi lên rồi bạn sẽ phản ứng lại. Nhưng nếu thoát ra được căn bệnh bắt mọi người phải suy nghĩ giống mình thì bạn sẽ không cần phải cãi nhau làm gì.
Hãy tưởng tượng bạn vừa bán chiếc xe hơi mà tôi cho là rất rẻ, tôi nói với bạn: “Sao anh ngốc vậy, đi bán cái xe với giá thật bèo!”
Bạn nói: “Anh thì biết cái gì?”
Tôi nói: “Tôi biết về xe còn nhiêu hơn anh!”
Bạn nói: “Anh cái gì cũng biết hết”.
Tôi nói: “Tôi biết là anh vừa mất 5000 đô”.
Bạn nói: “Sao anh không lo chuyện của anh kìa!”
Tôi nói: “Anh quả là…”
Chúng ta nhanh chóng rơi vào một cái bẫy, ai cũng nóng lên, huyết áp tăng lên. Cứ thử tượng tượng anh để cho tôi có quan điểm của tôi và anh giữ lấy quan điểm của anh. Kết quả cuộc nói chuyện có thể như sau:
“Sao anh ngốc vậy, đi bán cái xe hơi với giá thật bèo!”
“Anh cho là tôi ngốc à?”
“Dĩ nhiên rồi”.
“Ồ, nếu anh nghĩ vậy thì tôi tiếc không thể đồng ý với anh nhưng anh có quyền giữ quan điểm của mình”.
Trong đa số trường hợp cứ để cho người khác có ý kiến của họ thì bạn sẽ tránh được xung đột. Chừng nào chúng ta không áp đặt ý kiến của mình đối với họ thì họ cũng không áp đặt ý kiến của họ với chúng ta. Ai đó có thể nói: “Nếu người khác tấn công bạn và bạn biết là mình đúng, bạn không thể cứ ngồi đó mà chấp nhận. Hãy tự vệ!” Tại sao phải tự vệ? Bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn có thể làm những việc tốt hơn việc thuyết phục người khác thay đổi ý kiến của họ. Cứ để họ tin điều họ muốn tin.
ĐÚC KẾT: Những người thích được chú ý và thích xung đột luôn nghe theo triết lý: “Nếu ai đó không đồng ý với tôi thì tôi phải tìm cách thay đổi anh ta”. Hãy nên làm theo lời khuyên này: “Nếu ai đó không đồng ý với tôi thì tôi sẽ để cho anh ta làm vậy”. Như thế cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
CHỚ NÓI VỚI AI ĐÓ: “ANH NHẦM RỒI”.
“Hãy khôn ngoan hơn người khác nếu bạn có thể nhưng đừng có nói với họ như vậy”.
Lord Chesterfield
Một trong những cách chắc chắn nhất để bị tấn công, nhiếc móc, khinh bỉ, xỉ vả bởi người khác là nói với họ: “ANH NHẦM RỒI !” Họ ghét điều đó, có nghĩa là họ ghét bạn! Mọi người đều muốn mình đúng. Nếu họ bảo bạn: “ANH NHẦM RỒI !, Tức là họ hiểu bạn như sau: “Anh sai rồi vì thế anh nên nghe tôi”. Nếu cần phải cho người khác hiểu được quan điểm của bạn hay nghe theo hướng dẫn của bạn, hãy tìm cách khác, chẳng hạn nói:
“Tôi tôn trọng ý kiến của bạn – nhưng ý kiến của tôi thì khác”.
“Kinh nghiệm của tôi không giống anh…”
“Tôi rất tôn trọng ý kiến của anh nhưng tôi không đồng ý với  anh điểm này…”
“Tôi biết điều này đúng với anh – nhưng với tôi thì cái đúng là…”
Đàn ông đấu kiếm, tham gia chiến tranh, đầu tư tiền bạc, Gi*t người để chứng minh là họ đúng! Việc tỏ ra mình đúng hay không là một chuyện hệ trọng. Nếu bạn muốn có được một sự êm thắm thì hãy nói đến “những ý kiến”, “những ý tưởng’, “những kinh nghiệm khác nhau” hơn là “cái đúng” và “cái sai”.
Thừa nhận mình sai
Chúng ta thường sợ khẳng định mình sai thì sẽ không được tôn trọng dù ngược lại, ta được tôn trọng nhiều hơn. Bất cứ khi nào chúng ta sẵn sàng thừa nhận là mình sai thì người ta sẽ ngưỡng mộ sự can đảm của chúng ta và thông cảm với chúng ta hơn…
Không phải tôi có thành tích nổi bật về việc thừa nhận mình sai nhưng tôi cũng đang cố gắng để làm được như vậy. Tôi hy vọng là việc viết ra chương này sẽ khích lệ tôi làm như thế nhiều hơn. Tôi đã khám phá ra là tôi sai, và tôi thừa nhận điều này thì tôi được thư giãn vô cùng. Tôi đã thấy rằng thế giới không sụp đổ, và người khác cũng không cười tôi như khi tôi khăng khăng là mình đúng.
Thật hợp lý là nếu tất cả mọi người muốn đúng và đôi khi bạn nên để cho họ đúng, người khác sẽ biết ơn bạn vì chuyện đó.
ĐÚC KẾT: Nói với người khác rằng họ sai là cách dễ nhất để tạo ra nhiều kẻ thù. Thừa nhận rằng bạn sai là cách hay nhất để khởi đầu một tình bạn.
CHỚ LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC
Khi người khác làm bạn thất vọng, bạn phải chọn lựa giữa phê bình, làm nhục, làm người khác bối rối, hoặc cố gắng giải quyết vấn đề.
Hiếm khi bạn có thể làm cả hai việc trên cùng một lúc. Làm điều thứ nhất, bạn sẽ khiến cho người khác trở thành kẻ thù… “Bạn thật thiếu chín chắn, vô tích sự, trễ nải và ngu ngốc…” Rồi đề nghị người khác giúp đỡ… “Và bây giờ sau khi tôi đã xỉ vả bạn, hãy đưa tiền lại cho tôi, sửa xe hơi giúp tôi và yêu thương tôi như bạn vẫn từng yêu thương!”
Đó là cách gian nan để có được kết quả! Không cần biết bạn buồn bực như thế nào, bạn phải nhớ là tấn công người khác sẽ làm hỏng cơ hội để họ giúp chúng ta. Khi bạn bắt đầu tấn công người khác thì họ ngay lập tức cho là bạn thô lỗ. Tức thì họ muốn bạn gánh chịu hậu quả và nếu bạn lệ thuộc vào họ trong sự hợp tác giữa hai bên, bạn sẽ nhanh chóng thấy là mình phải chịu hậu quả.
Hãy tưởng tượng là xe hơi của bạn đậu trên đường. Bạn quay về xe và phát hiện ra một chiếc Volkswagen đỗ ngay sau xe bạn. Một ống chữa lửa nằm sát cái chống va trước của xe bạn. Bạn không thể lái xe đi được.
Bạn thấy người chủ chiếc Volkswagen đang ở văn phòng bên cạnh. Nếu bạn đi vào đó và nói: “Tôi đang tìm người đã chèn xe tôi vào chỗ ống chữa lửa!” Bạn sẽ được cái gì? Có thể là anh ta sẽ vui vẻ rời xe anh ta đi. Có thể anh ta sẽ giấu chiếc cặp đi và nói là anh ta đã làm mất chìa khóa, hay anh ta nói chuyện trên điện thoại nửa tiếng để chọc tức bạn. Để có được kết quả tốt nhất BẠN NÊN CHO NGƯỜI KHÁC CƠ HỘI SỬA CHỮA.
Ngay cả với một người chẳng ra gì, bạn hãy tôn trọng họ và cẩn thận khi đối xử với họ.
Giả sử bạn mua một hệ thống hi-fi trong một cửa hàng. Bạn mang về nhà và phắt hiện ra họ bán cho bạn cái có giá rẻ hơn số tiền bạn trả. Bạn nghi rằng họ là quân bịp bợm và đã cố tình gạt bạn.
Bạn đã phát hiện ra là họ có tội, vì thế họ nghĩ: “Nếu ông gọi tôi là tội phạm, thì tôi sẽ là tội phạm!” Tuy nhiên nếu bạn cho họ cơ hội sửa sai bằng cách nói: “Tôi biết là các anh sẽ bối rối khi phát hiện ra là các anh đã đưa lộn tôi cái máy”, họ sẽ nhiệt tình cùng bạn điều chỉnh ngay. Bạn nên tranh thủ cái tốt ở họ để họ có thể thấy được cái tốt ở họ.
(Tương tự nếu bạn chửi họ là đồ dối trá và họ không cố tình làm như vậy thì họ sẽ không hài lòng. Hơn nữa, nhiều khi bạn phải trả giá vì xúc phạm người khác.)
ĐÚC KẾT: Người khác thường vui vẻ đáp ứng mong đợi của bạn nếu họ được tôn trọng và đối xử tốt. Nếu bạn muốn hợp tác thì tốt nhất nên tôn trọng đối tác. Như thế họ sẽ giúp bạn thoát ra khỏi khó khăn.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc