Cũng Chỉ Là Hạt Bụi - Chương 22

Tác giả: Mộc Phù Sinh

“Nếu anh nói yêu em thì em sẽ thế nào?”
“Thì sẽ giống như thắp một ngọn nến mập mờ trong căn phòng sáng rực.”
Về đến nhà, Tăng Lý mở tivi, kênh nào đó đang chiếu hồi kí điện ảnh, đúng lúc nhắc đến đạo diễn Michelangelo Antonio, hai câu thoại kia chính là do ông viết ra lúc sinh thời.
Tăng Lý bưng cốc nước, đứng ngây người trước màn hình tivi rất lâu.
Câu đối thoại này cô đã được nghe trong một bộ phim điện ảnh từ lúc mới trưởng thành. Một buổi chiều của kì nghỉ hè năm học lớp tám, Tăng Lý và mấy cô bạn thân hẹn nhau ở nhà một bạn học, lấy cớ là học nhóm nhưng thực ra là tranh thủ lúc vắng phụ huynh mà lén lút xem phim. Ban đầu, các cô xem phim kinh dị, sau đó để làm dịu bầu không khí bèn xemBeyond the cluods.
Đối với những cô học sinh chen chúc nhau ngồi trên sofa thuở ấy mà nói, nội dung phim là cái gì đều không hiểu, điều thu hút nhất chỉ là những cảnh nhạy cảm trên màn hình.
Tăng Lý ngồi thu lu trong góc, dù khiếp đảm, dù không giải thích được, nhưng vẫn phải bắt chước mọi người ‘chỉ là chuyện nhỏ’.
Ngày hôm sau, bố Tăng về nhà nói với Tăng Lý là sẽ tìm gia sư cho cô, sắp lên lớp chín, việc học cần phải tăng cường.
“Nam hay nữ?”, mẹ Tăng hỏi, “Đừng có người nào cũng tùy tiện đưa về nhà.”
“Cháu trai của bà thím họ. Bà cũng từng gặp rồi đấy thôi, thằng bé đó đang học đại học ở Bắc Kinh đấy.” Bố Tăng nói.
“Thím nào của ông cơ?”
“Anh họ của mẹ tôi, nhà cậu tư đó.”
“Mấy anh em bên nhà mẹ ông ấy à, chẳng có lấy một ai tử tế.” Mẹ Tăng hễ mở miệng chê bai gia đình chồng là sẽ liên miên không dứt, hai người lập tức cãi cọ.
Tăng Lý giả vờ đi WC. Cô trốn trong đó, nghe bố mẹ cãi nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện của bậc bề trên đến chuyện trước khi hai người kết hôn, cuối cùng đến chuyện về cô. Tăng Lý cứ tưởng mình đã tập mãi thành thói quen, thế nhưng vẫn không kìm được nước mắt rơi.
Từ lúc cô bắt đầu có khả năng ghi nhớ sự việc, chuyện như thế này này không biết đã xảy ra bao nhiêu lần rồi.
Nhiều khi, tới nhà bạn học chơi, thấy gia đình nhà người ta hòa thuận vui vẻ, trong lòng Tăng Lý có một cảm giác rất kì lạ. Cô thầm nhủ, có lẽ sau khi cô về rồi, nhà học cũng sẽ cãi cọ đá thúng ***ng nia. Cô chỉ có thể nghĩ như vậy để tự an ủi bản thân.
Thế nhưng, ngay cả việc che giấu ấy mà bộ mẹ cô cũng không làm nổi, thậm chí còn chẳng thèm kiêng dè trước mặt bạn bè của cô. Vì thế mà dần dà, Tăng Lý càng ít mời bạn bè tới nhà chơi.
Vốn tưởng rằng chuyện gia sư sẽ bị hủy bỏ nhưng cuối tuần ấy, bố Tăng vẫn đưa một người về nhà. Đó không phải là lần đầu tiên Tăng Lý gặp Vu Dịch.
Hai nhà này tuy rằng chỉ là bà con xa, nhưng có một lần trong tiết thanh minh mọi người về quê tụ họp nên từng gặp nhau. Bữa cơm gia đình ngày đó có hơn chục người, Tăng Lý chẳng có ấn tượng với ai ngoài Vu Dịch, vì lúc ấy bà nội cầm tay cô, bảo cô gọi anh một tiếng: “Chú họ.”
Thế nên hôm gặp lại vu dịch ở nhà mình, Tăng Lý bắt đầu lúng túng. Cô đã không còn biết nghe lời như khi còn nhỏ nữa, không phải người lớn nói gì cũng ngoan ngoãn làm theo. Người thanh niên kia cùng lắm hơn cô vài tuổi, bảo cô mở miệng gọi anh ta một tiếng ‘chú họ’ thật là quá khó.
Bố Tăng nói: “Tiểu Lý, sao không chào chú đi?”
Vu Dịch nở nụ cười: “Gọi tên là được rồi.”
Tăng Lý không có phòng riêng, cô ngủ ở chiếc giường kê ngoài phòng khách, lúc học bài sẽ vào trong phòng ngủ của bố mẹ. Vì vậy, Vu Dịch cũng ở trong đó dạy cô học bài.
Bảy tuổi, Vu Dịch mới nhập hộ khẩu gia đình. Ngay cả bản thân bố mẹ anh cũng không ngờ rằng con trai mình lại cực kì thông minh, học giỏi nổi danh khắp thị trấn. Năm ngoái anh thi đỗ đại học, trường học còn treo cả biểu ngữ đỏ chót ngoài cửa lớn, cứ như sợ người khác không biết.
Vu Dịch về nhà nghỉ hè, rất nhiều người tới mời anh làm gia sư cho con họ, đến lúc bố Tăng có lời nhờ vả, anh khó khăn lắm mới thu xếp được thời gian, dành ra ba buổi sáng Ba, Năm, Bảy để bổ túc Tiếng Anh, Toán và Hóa cho Tăng Lý. Ngoài thứ Bảy ra, những hôm khác chỉ có hai người họ ở nhà. Vu Dịch là người thân thích nên mẹ Tăng không lo lắng nhiều, hơn nữa Tăng Lý bản chất trong sáng, vốn không có tơ tưởng gì khác.
Năm học lớp tám kết thúc, Tăng Lý vẫn chưa bước vào tuổi dậy thì. Không biết có phải vì nguyên nhân này mà so với các bạn nữ cùng tuổi, cô khá mù mờ về chuyện nam nữ hay không?
Thứ Bảy của tuần tiếp theo, bố mẹ Tăng Lý lại cãi nhau. Tăng Lý ngồi bên cạnh Vu Dịch, đang nghe anh giảng bài thì bỗng nghe thấy tiếng cãi vã từ bên ngoài truyền vào. Cây Pu't trên tay Vu Dịch dừng lại, âm thanh ồn ào áp đảo tiếng nói của anh. Không biết phải đợi đến khi nào nên Vu Dịch đứng dậy ra đóng cửa phòng.
Tăng Lý xấu hổ nhìn anh, cho rằng anh đang cảm thấy ngán ngẩm, không ngờ Vu Dịch lại cười và nói với cô: “Đừng để ý tới bố mẹ em. Chúng ta tranh thủ nghỉ ngơi chút đã, anh kể chuyện cười cho em nghe nhé.”
Vu Dịch là một người cởi mở, có tài ăn nói, lại hiểu biết nhiều, anh kể chuyện rất sống động, khiến Tăng Lý nghe chăm chú đến nỗi không dời mắt đi chỗ khác được. Hai người đang cười nói vui vẻ, bỗng nhiên mẹ Tăng đẩy cửa xông vào, Tăng Lý giật nảy người, ngay cả Vu Dịch đang kể chuyện cũng im bặt.
“Tăng Lý, con nói mau, nếu bố mẹ li hôn, con sẽ theo ai?” Mẹ Tăng lớn tiếng hỏi.
Tăng Lý sững sờ. Vấn đề này, cô đã bị hỏi vô số lần, nhưng có nhất thiết phải hỏi trước mặt người ngoài thế không?
Không đợi Tăng Lý trả lời, bố Tăng đã lao vào, quát lớn: “Li hôn thì li hôn, ai sợ ai. Tôi thấy rõ cô đã tìm được một thằng khác có tiền để dựa giẫm rồi.”
Lời qua tiếng lại, hai người tiếp tục giằng co, phớt lờ Tăng Lý và Vu Dịch. Cuối cùng, bố Tăng giận dữ mở cửa bỏ đi.
Mẹ Tăng vẫn không quên đuổi theo nói với theo một câu: “Cứ cãi nhau là lại cầm tiền của bà đây ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt. Con gái không mang họ tôi, sao tôi phải lo?”, dứt lời, mẹ Tăng cũng tháo tạp dề ném đi, rồi cầm túi ra khỏi nhà.
Thoáng cái, trận ồn ào lắng xuống.
Vu Dịch bấy giờ mới hỏi: “Bình thường đều cãi nhau như thế hả?”
Tăng Lý hoảng loạn nói: “Không phải. Không phải như vậy. Thực sự không có.” Sau đó, cô mím chặt môi.
“Đừng có dùng răng cửa cắn môi như thế, sẽ thành răng thỏ đấy.” Vu Dịch bỗng nói.
Nghe anh nói vậy, Tăng Lý càng hoảng, vội vàng nhả môi ra.
Vu Dịch bắt chước cô cắn môi, giả vờ làm hàm răng thỏ để trêu Tăng Lý nhưng cô vẫn mặt mày ủ rũ không cười nổi.
Vu Dịch lại nói: “Răng thỏ mới có lợi, biết không?”
“Sao cơ?”
“Lúc gặm dưa hấu sẽ rất tiện, không sợ bẩn mặt.” Vừa nói, anh vừa làm động tác minh họa.
Tăng Lý lần đầu tiên nghe được một điều có ích hay ho đến thế, cô bật cười.
Vu Dịch nhìn khuôn mặt tươi cười của cô rồi nói: “Cô bé ngoan”, sau đó anh xoa đầu cô.
Cuối tháng tám, kì nghỉ hè kết thúc, Vu Dịch quay về trường học.
Mùa đông, đang trong một giờ thể dục, Tăng Lý chợt cảm thấy cở thể có gì đó là lạ, vội vàng chạy đi WC kiểm tra. Thấy quần mình có dính máu đỏ, cô lạp tức hiểu ra chuyện gì.
Tăng Lý không hoảng loạn, cũng không xấu hổ. Ở lớp, cô là nữ sinh bước vào dậy thì muộn nhất, từ lâu đã được nghe các bạn học nói rất nhiều về vấn đề này rồi. Cô bình tĩnh lót một lớp giấy vệ sinh, rồi cầm tiền ra cửa hàng mua băng vệ sinh.
Về nhà, cô nói với mẹ. Mẹ Tăng bình tĩnh nói: “Cái gì cần biết cũng đều biết rồi phải không.”
Vẻn vẹn chỉ một câu nói như vậy.
Có lẽ vì bố mẹ tính tình quá bộc trực, Tăng Lý từ nhỏ đã trầm tĩnh và nhát gan. Gia đình cô ở trong một căn hộ chung cư ngoại thành. Dưới chân tòa nhà có một sân nhỏ, vốn dĩ là nơi để xe nhưng lại bị cho thuê để tổ chức tang lễ.
Theo tập tục địa phương, khi có người qua đời phải làm lễ viếng ba ngày rồi mới được đưa đi hỏa táng. Bình thường người ta đều kiêng kị không muốn để trong nhà, trong thành phố lại chẳng mấy nơi có dịch vụ này, vì thế quanh năm suốt tháng khoảng sân trước cửa chung cư của Tăng Lý đều bận rộn hết tang lễ này đến tang lễ khác. Thậm chí gia đình nào mê tín còn mời cả thầy cúng, lập đàn lễ bái cả đêm lẫn ngày. Hàng xóm không phải không có ý kiến, họ từng cãi nhau về chuyện này nhưng vẫn không có kết quả.
Nỗi phiền não của Tăng Lý cũng chính là những thi thể được đưa về đây.
Hơn mười năm trước vẫn chưa có kiểu quan tài ướp đá như bây giờ, thi thể được quấn vải trắng và đặt lên một tấm ván gỗ kê trên hai băng ghế dài. Không biết vì sao người ta lại thắp một ngọn đèn dầu phía dưới thi thể.
Sau này nghe hàng xóm nói, Tăng Lý mới biết, ngọn đèn chính là linh hồn, trong vòng ba ngày không được tắt đèn, nếu không sẽ không tốt. Cụ thể không tốt ở điểm gì cô không dám tiếp tục tìm hiểu.
Hằng ngày đi đi về về, Tăng Lý đều phải đi qua sân. Mới đứng từ đằng xa, hai mắt cô đã nhìn chằm chằm về phía tấm vải trắng và ngọn đèn dầu, đến gần rồi thì ba chân bốn cẳng chạy thẳng lên nhà.
Lớp chín, học sinh không phải ở lại trường tự học buổi tối những giáo viên thỉnh thoảng sẽ bắt học thêm. Tan học, Tăng Lý đều một mình về nhà, phần vì nhà gần trường, phần vì bố mẹ bận rộn, hơn nữa an ninh khu này không đến nỗi tệ. Thường thì chín giờ tối cô về đến nhà. Đây cũng là lúc dưới sân vô cùng náo nhiệt, những người túc trực bên linh cữu đang ngồi đánh bài, cắn hạt dưa, nói chuyện phiếm, tạo nên một bầu không khí khá vui vẻ!
Thế nhưng, thời điểm Tăng Lý sợ nhất không phải buổi tối, mà là lúc sáng sớm.
Mỗi ngàu sáu rưỡi cô đã phải dậy, bảy giờ sẽ ra khỏi nhà. Trời mùa đông, bảy giờ còn chưa sáng, mà những người túc trực bên linh cữu cả đêm đã về nhà ngủ, người khác còn chưa tới thay ca, vì thế nhiều hôm ở sân chẳng có lấy một ai, chỉ có thi thể nằm đó bất động và ngọn đèn dầu run rẩy.
Những lúc như thế, hễ xung quanh có một chút động tĩnh nhỏ, Tăng Lý sợ đến mức thét lên chói tai. Về sau, không chịu được nữa, cô tâm sự với mẹ, không ngờ bố mẹ liền kéo cô đi tìm ông chủ nhà: “Mấy người làm ăn buôn bán kiểu gì mà khiến con gái chúng tôi sợ hãi ra nông nỗi này? Tính bồi thường thế nào hả?”
Tiếp đó, hàng xóm xung quanh cũng vây lại cãi nhau, mỗi lúc một ầm ĩ.
Chẳng mấy chốc kì nghỉ đông đã tới, Vu Dịch lại trở về.
Ngày đó, mọi người lại tập trung ở nhà bác cả ăn cơm đoàn viên, có tất cả bốn bàn ăn. Có thể là do tuổi cao, sức khỏe yếu, cảm thấy không còn sống được bao lâu nên bà nội rất thích trong nhà náo nhiệt. Thế nên Tết năm nay, bác cả mời toàn bộ họ hàng thân thích của bà nội đến ăn cơm.
Tăng Lý ngồi bên cạnh nghe bà nội nói chuyện qua chuyện lại, giữa rất nhiều khách khứa, cô trông thấy Vu Dịch. Không kìm được lòng, cô gọi anh.
Vu Dịch đi tới bên cạnh chào bà nội Tăng Lý.
“Ôi dào, bà còn tưởng Tăng Lý gọi ai. Bà dạy cháu thế nào hả? Sao lại thiếu lễ phép như thế?” Bà nội trách yêu cô.
Tăng Lý xấu hổ vừa định nói lại thôi, cuối cùng mở miệng kêu một tiếng: “Chú họ.”
Vu Dịch vừa gật đầu, vừa nháy mắt cười hì hì với cô.
Đứa em họ của Tăng Lý cũng tiến lại gần, cô gái này chỉ sinh sau Tăng Lý mấy tháng nhưng chẳng hiểu tại sao lại có thể vô tư mà gọi Vu Dịch là “Chú họ.”
Cô gái không ngượng ngùng như Tăng Lý, nhanh mồm nhanh miệng nói: “Chú họ! Cháu chúc chú năm mới phát tài! Chú lì xì cho cháu đi ạ.”
Vu Dịch thuận tay cầm quả cam trên bàn đưa cho cô gái: “Cho cháu.”
“Đây là cam nhà cháu, sao tính là lì xì được.” Cô gái nhất quyết không chịu nghe.
Sau đó, một đám trẻ con choai choai lao đến náo loạn.
Tăng Lý lẳng lặng ngồi một bên quan sát Vu Dịch. Chẳng hiểu sao cô lại cảm thấy có chút mất mát, hóa ra anh chẳng phải ‘chú họ’ của một mình cô.
Mãi đến khi ăn cơm, mẹ Tăng vẫn chưa xuất hiện, bố Tăng cáu kỉnh nói: “Chắc mẹ Tăng Lý có việc bận, cả nhà ăn cơm thôi.”
Mọi người đưa mắt nhìn nhau.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc