Cảm Lạnh Mùa Hè - Chương 24

Tác giả: Vu Thiên Hâm

Tôi mở hai cái hộp, quả thực là bánh to hơn nhiều so với loại vẫn bày bán trong tủ kính. Tôi tham lam đưa tay bẻ một miếng bánh cho vào miệng, vị ngọt lịm.
“Hắc Tử có biết anh mua bánh cho tôi không?” Tôi đậy nắp hộp lại, nhìn sang Lăng Sở.
“Trí nhớ của em không được tốt cho lắm nhỉ?” Lăng Sở không giải thích, chăm chú lái xe.
Đột nhiên nhớ đến chuyện bốn chúng tôi đã cùng chơi bài, tôi hiểu ra. Tôi nhìn dòng người đứng phía trước hỏi: “Sao lại dừng?”
Lăng Sở đưa mắt quan sát bên ngoài rồi trả lời: “Đang đèn đỏ.”
Tôi ngẩng đầu nhìn theo ánh mắt của Lăng Sở, ánh nắng mặt trời rất chói mắt, giống như chiếc đèn pin khổng lồ rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi vừa ăn bánh ngọt vừa ngắm nhìn dòng người dừng đèn đỏ.
Tôi dùng nĩa xiên một miếng bánh ngọt đút cho Lăng Sở, anh ấy cười cười nói: “Không ngờ trên đời còn có loại bánh ngọt ngon như thế này.”
Tôi không biết Lăng Sở có tán thành với ý kiến của tôi không, chỉ biết đây là hương vị có một không hai mà tôi thích.
Cửa hàng bánh rất vắng vẻ, lúc xe chạy qua, tôi nhìn thấy Hắc Tử treo tấm biển: “Tạm nghỉ”. Con đường quen thuộc, cửa hàng quen thuộc, chỉ là rất lâu rồi tôi không tới đó.
“Y Thần à, lâu rồi không gặp.” Mẹ Hắc Tử chạy lại, tay trái xách làn rau, tay phải xách đủ loại gà, vịt, thịt, cá.
Tôi cười “hi hi”, nghĩ bụng chỉ là bác không nhìn thấy cháu, chứ cháu ngày nào cũng nhìn thấy bác.
Mẹ Hắc Tử có hàm răng khấp khểnh, bác cười rất tươi khoe với tôi: “Hắc Tử đã tìm được một cô bạn gái rất tốt rồi.” Tôi nhận ra trong giọng nói của bác ấy có chút run run vì xúc động.
Tôi đứng một bên, giả bộ lắng nghe. Mẹ Hắc Tử giữ chặt cái túi đựng con cá còn đang giãy giãy, hỏi tôi: “Y Thần, cháu có biết mổ cá không?” Dáng vẻ bác ấy lúc này hơi giống những đặc vụ của Thượng Hải trước đây, cà nhắc cà nhích đến gần tôi hỏi.
Còn chưa kịp suy nghĩ xem nên nói thế nào thì từ “biết ạ” đã nhanh chóng buột khỏi miệng tôi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi lại giống như mấy hôm trước, đeo tạp dề ngồi trên ghế cao ngoan ngoãn dùng con dao thái rau rất sắc đánh vảy cá, lúc tôi moi ruột cá, mẹ Hắc Tử ở trong bếp vui đến mức cười nói không ngớt, có lúc còn ngân nga mấy câu hát.
“Y Thần à, Hắc Tử và bạn gái nó sắp về rồi, cháu cũng ở lại cùng ăn cơm nhé.” Mẹ Hắc Tử vừa thái rau vừa liến thoắng mời tôi, nghe xong câu này, tôi cũng nhanh chóng mổ cá, moi ruột, móc mật, sau đó rửa sạch hai bàn tay dính đầy máu cá tanh ngòm, cởi tạp dề rồi ra khỏi bếp. Mẹ Hắc Tử cố giữ tôi lại, để tránh cảnh giằng co khó xử, tôi nhanh trí ấn nút cuộc gọi giả trên di động, điện thoại liền đổ chuông, tôi vội vã ấn nút nghe.
“Được, tớ về ngay đây.” Câu nói này cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh của nó là kết thúc cuộc giằng co.
Mẹ Hắc Tử dắt tay tôi, tay bác ấy dính đầy bột mì tiễn tôi lên lầu, lý do là tôi phải về nhà thay quần áo. Tôi tắm hơn ba mươi phút, dùng hết bột giặt đến xà phòng thơm, nước rửa bát… để khử hết mùi cá tanh dính trên tay. Đây là lần thứ hai tôi mổ cá. Người ta thường nói, sống trên đời, nếu làm điều gì sai ác, đến lúc ૮ɦếƭ đi sẽ bị giáng trả, phải nếm trải những chuyện đó. Tôi bán tín bán nghi, từ sau khi sát sinh đến nay, trong lòng cũng có chút sợ hãi.
Đúng lúc ấy có người dùng lực đẩy cửa, tôi giật mình, rửa sạch tay, chạy vội ra cửa.
“Dì à, mời dì vào nhà ạ!” Nói rồi, tôi đẩy cửa ra.
Người phụ nữ nhìn bề ngoài rất bình thường này là mẹ Mỹ Tuệ, thân hình mảnh mai, da dẻ mịn màng, đúng là người Thượng Hải điển hình. Hồi học đại học, tôi thường đến nhà dì ấy ăn chực mà không cần có lý do gì cả. Món khoai tây chao đường của dì ấy có ૮ɦếƭ tôi cũng không quên được. Tôi tìm một vòng quanh bếp mới thấy cái cốc uống nước để trên tủ bát.
“Mỹ Tuệ không có nhà, dì tìm cậu ấy có việc gì không ạ?” Tôi đưa trà mời dì ấy.
“Nha đầu đó từ khi chuyển đến đây, chưa về qua bên nhà lần nào, dì và chú cháu rất nhớ nó.” Dì ấy quay đầu nhìn khắp nhà một lượt.
Tôi cúi đầu lẩm nhẩm tính toán, Mỹ Tuệ chuyển đến đây cùng lắm cũng mới được mười mấy ngày, có lâu lắm đâu. Đúng thật là con gái R*ợ*u thì nhất định phải giữ chắc trong tay kẻo mất, ngậm chặt trong miệng kẻo tan. Tôi có chút đố kỵ, mẹ tôi lại chẳng quan tâm đến tôi như thế. Cũng là mẹ và con gái mà sao lại xa cách nhau như thế chứ?
Tôi gọi cho Mỹ Tuệ, nói nha đầu đó phải về nhà ngay.
“Y Thần, gần đây cháu thế nào? Sao lâu rồi không thấy cháu qua nhà dì chơi?” Dì ấy vỗ vỗ vai tôi, quan tâm hỏi han.
“Dì à, đi làm rồi mới biết bận thế nào, không giống như hồi còn đi học, muốn đi đâu là đi đấy. Đến bây giờ cháu mới hiểu được nỗi khổ này của con người.” Tôi càng nói càng diễn cảm, giống như đang đọc diễn cảm một đoạn tiểu thuyết ngôn tình vậy, lại như có ý nịnh hót, biện hộ.
Nói xong, tôi ngẩng lên đã nhìn thấy Mỹ Tuệ xuất quỷ nhập thần bước vào, sau khi chào hỏi, tôi liền kiếm cớ bận việc để lui vào phòng.
Hoàn cảnh này đột nhiên khiến tôi nhớ tới mẹ, cho dù là khoảng cách gần như thế vẫn cảm thấy nhớ, rất nhớ.
“Mẹ, mẹ đang làm gì thế?” Số điện thoại di động của mẹ tôi thực sự rất khó nhớ.
“Chấm bài thi. Nha đầu này, con không đi làm à?” Mẹ tôi luôn dùng giọng điệu răn dạy của bề trên để nói chuyện với tôi, đó là nỗi buồn của người thời nay.
Lúc trước tôi muốn nói chuyện với mẹ, bây giờ nghe bà nói chuyện công việc, cổ họng tôi như bị mắc xương, chẳng nói được gì nữa.
“Con tan làm rồi, không có chuyện gì đâu ạ, là nhớ mẹ thì gọi điện thôi.” Tôi hoang mang giải thích.
Giọng mẹ tôi hơi khàn, hình như bà bị cảm. Tôi luôn cảm thấy thiếu hơi ấm của mẹ, có thể từ nhỏ đến lớn đã luôn thấy như vậy. Người ta thường nói, con cái mắc nợ bố mẹ cả đời này, không biết câu nói đó đúng hay sai nữa. Nếu như là mắc nợ, vậy tại sao lại mắc nợ?
Mỹ Tuệ đi ăn tiệm cùng mẹ cô ấy, tôi đắn đo hồi lâu rồi mới lựa chọn ở nhà ăn mì.
Tôi không tránh khỏi cảm thấy cô đơn, không chịu nổi, bèn gọi điện cho Y Dương. Nhạc chờ điện thoại của Y Dương trước đây là Bà xã, bà xã, anh yêu em, bây giờ đã đổi thành bài hát Yêu một người là sai lầm. Tôi ngây người hồi lâu, sau đó từ từ tắt máy. Lẽ nào sau khi chia tay người ta sẽ hối hận vì đã yêu?
Sau đó, anh gọi lại, tôi lấy hết dũng khí nhấn nút nghe.
“Y Thần à, có chuyện gì không?” Giọng nói của Y Dương thay đổi rồi, giọng điệu cũng thay đổi, ngay cả câu nói này cũng mang âm sắc của giọng Bắc Kinh. Có lẽ thời gian lâu như vậy đủ giúp anh ấy thích nghi với cuộc sống ở nơi thành đô xa lạ đó.
Tôi do dự một lát, thật sự không biết mình phải nói gì nữa.
“Em đang làm gì vậy? Đã ăn cơm chưa?” Y Dương hỏi tiếp.
Đột nhiên, nước mắt tôi lại ứa ra, dù tôi không hề muốn khóc. Câu nói của Y Dương vẫn khiến tôi xúc động như vậy, bởi vì trong lòng tôi, vị trí của anh ấy mãi mãi không thay đổi.
Tôi dùng tay bịt chặt miệng, cố ngăn tiếng nấc nghẹn vọng vào điện thoại.
Lúc này tôi rất muốn nói với Y Dương, em gọi điện thoại cho anh vì em nhớ anh, việc duy nhất em đang làm lúc này là ngồi nhớ anh. Còn nữa, em ăn tối rồi, ăn mì ăn liền, em đang rất muốn ăn khoai tây chiên anh làm.
Muốn nói nhiều như vậy, nhưng kỳ thực nãy giờ tôi vẫn im lặng, nước mắt từng giọt từng giọt rơi xuống điện thoại đang cầm trên tay, nhỏ cả xuống bức ảnh chúng tôi chụp chung ngày trước. Có lẽ sau này, bức ảnh này sẽ trở nên nhàu nhĩ, giống như ký ức bị hong khô.
Khi nhớ tới Y Dương, tôi thường nhớ tới những kỷ niệm đẹp đẽ mà chúng tôi đã từng có, ấm áp, ngọt ngào…
Lúc Y Dương gọi điện, điện thoại của tôi đã sắp hết pin, không nhớ rõ chúng tôi đã nói những gì, chỉ thấy câu nói: “Nhớ bảo trọng” của Y Dương khiến tim tôi lại đau nhói.
Thời gian trôi đi rất nhanh, xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển. Tôi buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ, chợt thấy tôi vẫn còn kịp tận hưởng không khí dễ chịu của mùa thu thì đất trời đã chuyển sang những ngày đầu đông mất rồi.
Không biết từ lúc nào, bên ngoài khu nhà tôi ở đã mọc lên mấy tòa nhà cao ốc, dường như chỉ sau một đêm đã được xây xong, cứ như dùng cây đèn thần của Aladin để ước vậy, thật là thần tốc.
Xét cho cùng, mấy tháng gần đây, ngày nào cũng như ngày nào, tôi đi làm, ăn cơm, đi ngủ, và còn có cả nhớ Y Dương nữa.
Tại sao con người được coi là động vật cao cấp? Là vì con người có tình cảm, và chính thứ tình cảm này đã giày vò tôi đến mệt mỏi vô cùng.
Tôi ngồi trên sofa, không biết liêm sỉ mà gọi điện cho Lăng Sở. Giọng run run, giống như bị trúng gió, nói là vì thèm ăn dâu tây nên lạc cả giọng. Lăng Sở vội tắt điện thoại, mặc áo khoác dày, chạy ngay đến siêu thị gần nhất mua dâu tây tươi cho tôi. Còn tôi thì lười nhác nằm trên sofa, đắp một cái chăn rất dày, không hề động đậy.
Tôi rất thích ăn hoa quả trái vụ, ví dụ như mùa hè tôi hay thèm ăn quýt, mùa thu tôi lại thích ăn đào, mùa đông tôi lại thích ăn dâu tây. Tôi cảm thấy sở thích về hoa quả của mình thật không giống với người bình thường chút nào.
Có lần, tôi tìm mua ở rất nhiều nơi mà không mua được dâu tây tươi, bởi vì đã hết vụ. Sau đó lăng Sở gọi điện cho tôi, tôi lạnh lùng nói với anh ấy rằng cho dù có phải đến Mexico cũng phải đi. Quả nhiên sau đó anh ấy đi tìm thật.
Kỳ thực tôi nghĩ là không tìm được cũng không sao, nhưng tính khí ngang ngạnh, ương bướng đã khiến tôi cứ khăng khăng nói với Lăng Sở như vậy.
Tôi lo lắng nhìn điện thoại, đã một tiếng hai phút rồi. Bây giờ đã là bốn giờ chiều, điện thoại của anh ấy lại không gọi được, luôn trong tình trạng tắt máy. Tôi cũng không còn bụng dạ nào mà xem ti vi nữa, vội vàng mặc thêm áo rét, đi xuống dưới lầu ngóng anh ấy. Tình cảnh của tôi lúc đó giống như một người bị kẹt ở cửa, ra không được, vào cũng không xong, khổ sở vô cùng.
Lúc trời sẩm tối, từ xa tôi nhìn thấy dáng người đã khiến lòng tôi đang như có lửa đốt vì phải chờ lâu như vậy, sau đó giống như một đứa trẻ đáng thương bị lạc tìm mãi không thấy nhà, tôi muốn lao vào vòng tay của Lăng Sở.
Lăng Sở không nói gì, vui vẻ đưa dâu tây đến trước mặt tôi, giọng khàn khàn nói với tôi: “Dâu tây của em.” Tôi choàng tay qua vai anh ấy, dáng vẻ rất đáng thương. Hóa ra con người đều là những sinh linh mềm yếu. Cho dù tôi không biết người phải nổi giận trong trường hợp này là tôi hay anh ấy.
Lăng Sở không nói cho tôi biết anh ấy phải đi bao nhiêu nơi mới mua được chỗ dâu tây này. Tôi lo lắng lấy thuốc và nước ép anh ấy uống, còn bắt anh ấy cặp nhiệt độ nữa. Tôi đem dâu tây ép thành nước cho anh ấy uống. Lăng Sở giống như một sinh mệnh yếu đuối đợi người khác đến bảo vệ. Đúng thế, anh ấy vì tôi mà ốm một trận.
“Đó là gì vậy?” Lăng Sở chỉ cốc nước đỏ đỏ trên tay tôi, hỏi.
“Máu người.” Tôi trả lời
Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, hằng ngày có cơm ăn cũng là hạnh phúc rồi. Thời tiết rất lạnh, không khí trong khu nhà càng lạnh lẽo hơn. Hắc Tử xuất quỷ nhập thần xuất hiện sau lưng tôi, cái người gọi là Ngô Tiểu u ấy bây giờ chỉ là người đã từng đi qua đời tôi, cô ta nghỉ việc ở công ty, rồi “bắt cóc” Hắc Tử cùng về nhà cô ta. Hắc Tử nói với mẹ là ở đó buôn bán dễ hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, đợi bọn họ kiếm được nhiều tiền rồi sẽ kết hôn. Mẹ cậu ta tuy rất đau lòng nhưng cũng đành ở đây đợi con trai quay về.
Tôi cho rằng tiền kiếm biết bao nhiêu là đủ, càng kiếm càng thiếu, cho nên tôi không mấy tin vào những lời cậu ta nói.
Trước khi chuyển đi, Hắc Tử cũng không thèm tạm biệt tôi lấy một lời, chỉ nhờ mẹ cậu ta chuyển cho tôi hai cái hộp. Tôi mở ra, bên trong đều là bánh ngọt. Nghe nói cửa hàng bánh ngọt của Hắc Tử đã được bán lại cho người khác. Sau khi cậu ta chuyển đi, tôi đến nhiều cửa hàng bánh ngọt khác nhưng cũng không thể nào tìm được loại bánh sôcôla thanh dài như ở đây. Ông chủ những cửa hàng kia rất nhiệt tình giới thiệu cho tôi những loại bánh ngọt đặc biệt khác nhưng tôi đều không thích, sau đó lặng lẽ bỏ đi.
Người xưa nói rất đúng, người đi trà cũng nguội.
Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại cái người tên là Hắc Tử ấy trong khu nhà này nữa, cũng không nghe thấy tin tức gì liên quan đến cậu ta.
Tuổi trẻ yêu đương có ai mà không quấn quýt, cũng giống như chúng tôi đã từng kề vai sát cánh, cũng từng như hình với bóng, cũng từng tâm đầu ý hợp, chỉ là đôi bên còn chưa kịp nói lời chia tay thì những hồi ức đó đã bị bụi phủ lên từng lớp, từng lớp một.
Hóa ra chúng tôi luôn sống rất dũng cảm.
Tôi vẫn ở phòng 501 trên tầng năm. Mỹ Tuệ mới được thăng chức nên càng bận rộn. Cô ấy cả ngày vất vả như con bò già vẫn phải kéo xe. Mùa đông ở nơi đây chưa có tuyết rơi, tôi đã thấy rất thương cô ấy.
Tôi chui vào trong cái chăn dày, lười biếng cuộn mình trên sofa, không ngừng bấm điều khiển chuyển kênh. Vì một chương trình hài chẳng buồn cười chút nào mà cười nghiêng cười ngả.
Cuộc sống của tôi vẫn đều đều trôi qua, mùa đông năm nay có hiu quạnh hơn một chút.
Sáng sớm, mẹ tôi đã gọi điện bảo tôi về ăn cơm trưa, tôi lười biếng nhận lời rồi bò dậy khỏi sofa.
“Hứa Y Nam, anh đang ở đâu?” Tôi canh giờ Hứa Y Nam tan ca để gọi điện.
“Đang trên đường về nhà.” Anh ấy rõ ràng là đang rất cảnh giác.
“Qua đây đón em nhé, em đang ở nhà trọ.” Nói xong, tôi liền nhanh tay tắt máy.
Tôi chậm rãi gội đầu, không dùng máy sấy mà để cho gió tự nhiên thổi khô mái tóc. Hứa Y Nam ngồi trong chiếc xe Alto đợi tôi dưới lầu, đã mấy lần bấm còi ra hiệu mà không thấy tôi xuống nên cuối cùng cũng chẳng tiếc mấy nhân dân tệ mà gọi điện giục tôi, tôi không muốn lãng phí hai hào của anh ấy nên thay vì ấn nút nghe, tôi nhấn luôn phím tắt.
Tôi nói rồi, tôi không có khái niệm thời gian, thế nhưng trước khi mái tóc tôi khô hẳn, tôi không thể không đi xuống dưới. Hứa Y Nam dùng ánh mắt vô cùng tức giận nhìn tôi, còn lên giọng trách mắng tôi: “Hứa Y Thần, em đúng là đồ con heo, lãng phí thời gian, em sẽ ૮ɦếƭ sớm thôi.”
Tôi mặt dạn mày dày, chớp mắt cãi lại anh ấy: “Heo?” Heo chẳng phải rất sướng sao? Ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ. Anh chẳng phải là một ví dụ rất điển hình hay sao?”
Hứa Y Nam giận tím mặt, bỏ thanh kẹo cao su vào miệng rồi nhếch mép nói với tôi: “Anh đã từng gặp nhiều loại người trơ trẽn, nhưng chưa từng gặp ai trơ trẽn đến như em. Mong là đừng ai biết em là em gái anh.”
Tôi lè lưỡi trêu lại: “Ai thèm nhận là em gái anh?”
Vừa mới vào đến cổng khu nhà, đã thấy Hàn Cần Hiên từ trong chạy ra, sau đó quay lưng về phía xe, luôn miệng gọi: “Cún, cún… mau tới đây.”
Tôi nghe thấy câu này, lập tức run rẩy. Chó à? Ở đây có chó sao?
Hứa Y Nam đang dựa bên xe, vội vàng chạy đến đó. Tôi ngồi im trên xe, không dám xuống, chỉ sợ vừa thò chân qua cửa xe sẽ bị con chó đó cắn ngay một miếng. Hàn Cần Hiên giống như đứa trẻ bị mất đồ, cứ vạch vạch tìm tìm mấy khóm hoa trong bồn. Tôi ở phía sau quan sát chị ấy hồi lâu, bà chị dâu này quả thật gần đây béo lên khá nhanh, khuôn mặt tròn trịa, dáng người đẫy đà. Lẽ nào đúng như người ta thường nói, phụ nữ sau khi kết hôn giống như được bay lên thiên đường.
Tôi đang vò đầu suy nghĩ xem có nên thử kết hôn không thì Hứa Y Nam gõ gõ vào cửa xe, tôi hạ kính xuống hỏi: “Có chuyện gì?”
Hứa Y Nam cốc cốc lên đầu tôi, nói: “Còn ngồi đấy làm gì, mau xuống tìm giúp đi.”
Tôi trợn mắt lườm anh ấy: “Liên quan gì đến em, nó có phải con em đâu.” Sau đó tôi kéo kính xe, làm mặt hề trêu anh ấy.
Hứa Y Nam vô cùng tức giận, quay về phía tôi, “hừm” một tiếng rồi lại quay người đi về phía vườn hoa tìm con chó.
Sau này tôi mới biết, con chó đó không phải là một con chó bình thường, hoặc chí ít sau này nó cũng sẽ không bình thường. Hứa Y Nam muốn tìm một giống chó nổi tiếng để phối giống cho nó. Tôi nghĩ bụng, cho dù có sinh ra chó con thì nó cũng chỉ là một con chó không thuần chủng thôi. Thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện, tôi không nói, cũng chẳng quan tâm thêm nữa.
Trong bữa ăn, mẹ tôi rất nhiệt tình gắp thức ăn cho tôi, cái gì mà sườn xào chua ngọt, cánh gà tẩm mật ong, nhiều đến mức tôi ăn đến phát ngán.
Tôi thấy có một câu nói rất đúng, con có mẹ như viên ngọc quý, con không có mẹ như gốc rạ gầy.
Mấy hôm sau, Mỹ Tuệ tuyên bố sẽ không dùng điện thoại mấy ngày. Nhưng tôi nghĩ điện thoại có rất nhiều tác dụng, không có nó không biết loài người sẽ phải sống như thế nào. Mỹ Tuệ ở nhà một mình, nha đầu mày đã mấy ngày rồi không lộ diện, mấy ngày nghỉ này, cô ấy đều trầm tư suy nghĩ, thật là khiến người khác khó mà hình dung nổi.
Tôi ngồi xổm trên nền nhà tắm giặt quần áo, nước rất lạnh, quần áo đã dày, lại không giặt máy được, thật là khổ sở.
“Mỹ Tuệ, cậu có biết đằng sau câu “bồ đề bản vô thụ” là câu gì không?” Tôi đột nhiên nghĩ đến câu hỏi của Lăng Sở đọc cho tôi nghe lần trước, không nhớ là thơ hay là cái gì nữa.
“Câu này…” Mỹ Tuệ quay người đi suy nghĩ hồi lâu.
“Là bài này: Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu trần ai? [5] ” Mỹ Tuệ đọc rất trôi chảy bốn câu kệ này. Nhưng đầu đất tôi chẳng thể nào nhớ được.
[5] Bài kệ này là bài kệ của thiền sư Huệ Năng họa lại bài kệ của Thần Tú. Bài kệ của Thần Tú viết rằng: “Thân thị Bồ đề thụ, tâm như minh kính đài, thời thời cần phất thức, mạc sử nhạ trần ai”. Nghĩa là, bản thân con người như cây Bồ đề, tấm lòng giống như chiếc đài gương, vì vậy cần phải thường xuyên lau chùi, để giữ cho tâm hồn trong sạch, không nhiễm bụi trần. Huệ Năng họa lại: “Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu trần ai?” Nghĩa rằng, Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng vốn cũng chẳng có đài, từ xưa tới nay vốn chẳng có vật gì, vậy thì làm sao mà có chuyện dính bụi được.
Hôm ấy, trên đường đi, Lăng Sở giảng giải về nó cho tôi đúng ba mươi phút nhưng tôi không thể nhớ nổi, xem chừng là trung khu thần kinh của tôi bị nghẽn mạch rồi. Thật là kém cỏi, học thuộc lòng cũng thấy khó khăn.
“Đúng, đúng, đúng.” Tôi gật như bổ củi, trí nhớ của Mỹ Tuệ thật là phi phàm.
Những câu thơ này có lẽ có ý nghĩa gì đấy, chỉ bởi vì đối với tôi, những gì Lăng Sở tiên sinh đó nói tôi quên sạch từ lâu rồi.
Giặt xong quần áo, tôi vội vàng chui vào trong chăn, đôi tay ngâm lâu trong nước lạnh nên hơi sưng. Tôi thực sự cho rằng lạnh như thế này, cho dù có là ai cũng không chịu nổi. Tôi nằm gọn trong chăn, thò tay ra ngoài mở di động chơi trò chơi, sau đó không biết ngủ quên từ lúc nào.
Mọi người thường nói, một phần ba cuộc đời mỗi người là dành để ngủ, nhưng xem ra, đối với tôi, thời gian ngủ phải lên tới gần hai phần ba cuộc đời.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc