Biệt Ly Ơi ! Chào Mi ! - Chương 6

Tác giả: Quỳnh Dao

Từ Sâm đồng ý:
- Đúng như vậy.
R*ợ*u mang ra, Duy Trâm nâng ly lên cụng với Từ Sâm. Có R*ợ*u, họ nói chuyện thật cởi mở. Khi Duy Trâm biết được Từ Sâm là con trai duy nhất của tỉ phú Ngô Trọng Nhàn thì mắt nàng như sáng hơn, long lanh hơn. Nàng cố nhìn Từ Sâm say đắm hơn:
- Tôi biết ngay mà. Vừa trông thấy anh là tôi biết ngay anh không phải là loại tầm thường. Từ cách ăn nói, cử chỉ, đến phong độ, tôi biết anh phải loại thượng lưu nhất xứ.
Câu chuyện đang vui. Hết ly này, lại tiếp vài ly khác. Từ Sâm như say khướt. Chỉ có mấy ly R*ợ*u mà chàng thấy trời đất như lăn quay. Nụ cười của Duy Trâm đẹp, đẹp mê hồn. Bảo Lâm ngồi đấy cũng nhận ra sức lôi cuốn của Duy Trâm. Mỗi cử chỉ của Trâm đều ngập đầy nữ tính. Trâm giống như một bó hoa viên mãn, một bó đuốc rực rỡ.
Bảo Lâm yên lặng ăn phần cơm của mình. Nàng thầm nghĩ, gã con trai hôm qua gây phiền hà tình cảm cho nàng, hôm nay có lẽ không còn là vấn đề Bảo Lâm phải bận tâm nữa. Nhưng không hiểu vì sao, cách được giải thoát phiền phức kia lại không làm Bảo Lâm vui. Trái lại, nó làm Bảo Lâm có cái cảm giác bức rứt khó chịu. Không phải nàng ghen, nhưng đàn bà ai lại không ích kỷ, dù biết nàng không thể yêu Từ Sâm được. Và Bảo Lâm cảm thấy vết thương ở tay như đau hơn. Nàng chỉ mong cho bữa ăn chóng qua để nàng sớm vào bệnh viện nhờ bác sĩ thay băng.
Suốt phần còn lại của ngày hôm ấy, Từ Sâm và Duy Trâm như dính liền nhau. Sau bữa cơm, họ đến bệnh viện để thay thuốc, thay băng cho Bảo Lâm. Vết thương diễn biến phức tạp. Nó có khuynh hướng nhiễm trùng nên bác sĩ phải chích thêm cho Bảo Lâm một mũi thuốc trụ sinh. Rời khỏi bệnh viện, Bảo Lâm phải trở ngay về trường cho các tiết học buổi chiều. Buổi tối, nàng còn phải đến nhà luật sư Thắng để ôn bài cho Trúc Vỹ, vì Bảo Lâm chưa thuyết phục được luật su, nghĩa là Bảo Lâm vẫn tiếp tục dạy cho Trúc Vỹ học. Nhiều lúc Bảo Lâm thấy ngạc nhiên vì sự mâu thuẫn của luật sư Thắng, một luật sư nổi tiếng của thành phố, một con người Âu hóa của thế kỷ hai mươi tỏ ra rất phóng khoáng trong mọi việc, lại rất cố chấp và cứng cỏi trong vấn đề giáo dục con cái.
Trên đường từ bệnh viện trở lại trước cổng trường của Bảo Lâm, Duy Trâm mới nhớ đến mục đích đi tìm Bảo Lâm của mình. Nàng kéo Bảo Lâm qua một bên.
- Chị có biết là luật sư Thắng có liên hệ chặt chẽ với hãng hàng không nào không?
Bảo Lâm chau mày:
- Thế à? Tôi không hề biết điều đó.
Duy Trâm nói:
- Ông ấy là một trong những người lãnh đạo. Hãng hàng không nào cũng vậy, cũng cần có một luật sư làm cố vấn về pháp lý. Ông Thắng không những là cố vấn mà ông ta còn phụ trách toàn bộ vấn đề có liên hệ đến pháp luật và chuyện ký hợp đồng mua bán máy bay của công ty này.
Bảo Lâm kinh ngạc:
- Cô có vẻ hiểu biết khá thành thạo về ông Thắng?
- Người ta cho tôi biết như vậy!
- Nhưng có chính xác không?
- Bảo đảm chính xác. Bạn tôi là Kiết Thụ cho tôi biết cơ mà! Thụ là nhân viên của hãng hàng không đó, anh ấy rất thân với Lynh. Lynh cho biết hết mọi việc.
- Lynh là ai?
- Chị dạy học ở nhà luật sư Thắng mà không biết Lynh là ai sao?
- Thật sự tôi không biết.
- Lynh là người phụ trách, đại diện của hãng hàng không ở nước ngoài. Cô ta cũng là...
Duy Trâm hạ thấp giọng nói:
- Người tình của luật sư Thắng. Không lẽ chị không gặp bà ấy ở nhà ông ta lần nào?
Bảo Lâm ngập ngừng:
- Vậy à? Ngay chính ông luật sư Thắng tôi thỉnh thoảng mới gặp. Còn Lynh, bà ấy là người nước ngoài ư?
Duy Trâm đáp:
- Vâng! Một người đàn bà lai dòng máu Anh, có thân hình rất Khêu g**, khoảng trên ba mươi tuổi, rất đẹp.
Bảo Lâm gật đầu như hiểu ra:
- Thôi được rồi. Biết ông Thắng là một trong những nhà lãnh đạo của công ty hàng không rồi cô định làm gì đây?
Duy Trâm vừa nhún vai vừa nói:
- Bây giờ thì tôi không muốn làm cái gì to tát nữa. Tôi muốn làm chiêu đãi viên hàng không bình thường thôi.
- Nghĩa là Trâm muốn tôi phải giới thiệu với ông ta?
Bảo Lâm thấy rắc rối:
- Nhưng nghe nói, muốn làm chiêu đãi viên hàng không phải qua cuộc thi tuyển khó khăn lắm cơ mà?
- Chị đúng là nhà quê chánh cống! Thi tuyển chỉ là đòn hỏa mù. Nếu không quen biết lớn, còn lâu mới vào làm được, dù chị là người đầy tài năng.
Bảo Lâm thở dài nói:
- Cô Trâm. Tôi nghĩ là tôi bất lực, tôi chỉ đóng vai trò cô giáo dạy kèm cho con gái ông ta. Đối với luật sư Thắng, tôi ít có cơ hội để tiếp xúc thẳng với ông ấy, mà nếu có thì chỉ đề cập đến chuyện dạy dỗ, chuyện học hành của con gái ông ta. Tôi thấy, nếu cô quen Lynh, sao không nhờ bà ấy giới thiệu?
- Nhưng tôi đâu có quen Lynh đâu?
- Thì cái ông chiêu đãi viên hàng không đó. Ông ấy giới thiệu qua cũng được.
Duy Trâm nhìn Bảo Lâm thật lâu như nhìn một con Pu'p bê trong tủ kiếng:
- Tôi thấy chị có vẻ khờ khạo làm sao. Sức mấy mà Kiết Thụ chịu giới thiệu tôi với Lynh. Lynh ghê lắm, có giới thiệu đi nữa bà ấy cũng không dùng tôi đâu, vì đàn bà đẹp bao giờ cũng ganh với đàn bà đẹp. Chị hiểu chứ?
Duy Trâm chần chừ một chút rồi tiếp:
- Thôi thì thế này nhé, tôi cũng không muốn làm chị khó xử. Chị chỉ cần cố gắng thu xếp cho tôi một dịp để gặp luật sư Thắng, còn công việc kế tiếp để một mình tôi lo liệu.
Tiếng chuông vào học reo vang. Từ Sâm đứng gần đấy đã có vẻ bực dọc. Anh chàng bước nhanh tới:
- Hai người nói gì lâu thế?
Bảo Lâm nhìn Duy Trâm:
- Chuyện đó để tôi nghĩ lại xem. Bây giờ đã đến giờ vào lớp rồi, tôi phải vào đây.
- Vậy tôi sẽ chờ điện thoại của chị nhé? Hẳn chị còn nhớ số dây nói ở nhà tôi mà.
Bảo Lâm gật đầu, rồi quay vào trường. Trên đường đi vào, Bảo Lâm còn nghe Từ Sâm với Duy Trâm nói chuyện với nhau. Lâm hỏi:
- Mấy người có chuyện gì giấu giếm mà nói sau lưng tôi vậy?
Duy Trâm nói giọng êm ru:
- Chúng tôi ư? Thì nói chuyện về ông anh tôi. Cái đó làm sao nói trước mặt chị được? Trong trường hợp này, mong chị hết sức thông cảm!
Bảo Lâm bực dọc lắc đầu bước nhanh vào lớp.
Tối hôm ấy, Bảo Lâm lại chuẩn bị đến nhà luật sư Thắng. Khoảng cách đến ngày thi vào đại học chỉ còn hơn tháng. Càng gần ngày thi, Bảo Lâm càng thấy không yên tâm, vì nàng hiểu rằng xác xuất thi đậu của Trúc Vỹ chỉ khoảng mười phần trăm thôi. Ngành thi của Trúc Vỹ là Đại học Văn Khoa mà đối với văn chương, thi phú... cái gì Trúc Vỹ cũng không biết thì sao đậu cho được. Có lần Bảo Lâm đã hỏi luật sư Thắng:
- Nếu lần này Trúc Vỹ lại thi rớt thì ông tính sao?
Luật sư Thắng nhìn Bảo Lâm, chậm rãi, giọng hơi buồn:
- Cháu Trúc Vỹ học sớm một năm, vì vậy, năm nay nếu rớt thì năm tới. Thi hoài, bao giờ đậu thì thôi!
Bảo Lâm không còn cách nào hơn, cứ để Trúc Vỹ thi rớt, ta sẽ có dịp kiếm tiền dài dài, nhưng ở đây phải tạo ra một phép thắng lợi tinh thần mới.
Mọi khi, Bảo Lâm dạy kèm cho Trúc Vỹ là ở trong phòng riêng của cô nàng. Nhưng hôm nay vừa bước vào vườn hoa là Bảo Lâm đã thấy Trúc Vỹ có mặt ở đấy. Trúc Vỹ đang lúi cúi bên một cây kiểng. Bên cạnh vẫn là anh chàng Tú Mẫn quen thuộc. Hình như họ đang nghiên cứu cây cỏ. Dưới ánh trăng, ánh đèn, nước da đen rắn chắc của Tú Mẫn và làn da trắng mịn màng của Trúc Vỹ như một sự đối lập, có điều cả hai đều đẹp.
Vừa nhìn thấy Bảo Lâm, Trúc Vỹ vội đứng lên với nụ cười:
- Cô giáo, cô đến đây xem nè.
Chuyện gì mà họ có vẻ thích thú như vậy? Bảo Lâm bước tới. Dưới ánh trăng, một loài cây dạng lá kim, dáng dấp giống loại phượng hoàng nhưng thân cây nhỏ hơn nhiều. Giữa đám lá xanh um, Bảo Lâm thấy có một đóa hoa màu đỏ tươi. Bảo Lâm ngạc nhiên, nàng nghĩ là chỉ có loài phượng hoàng ở phương nam mới nở hoa thôi. Chăm chú nhìn thì cánh hoa kia thuộc loại cánh đơn, nhụy hoa mang trên râu, thò ra ngoài. Chung quanh cánh hoa màu đỏ viền mép màu vàng. Mỗi lần gió thổi đến, cánh hoa đung đưa, trông rất đẹp.
Bảo Lâm không ngăn được, buột miệng:
- Xưa tới giờ, tôi không ngờ hoa phượng hoàng lại có thể đẹp như vầy.
Trúc Vỹ cười nói:
- Dạ, đây không phải là hoa phượng hoàng. Phượng hoàng nó cao to lắm, còn đây là cây "Bướm hồng". Không tin cô ngắm kỹ xem có phải nó giống một cánh bướm đang bay chập chờn không? Có cả cánh nè, thân nè và cả râu nữa!
Qua lời giải thích của Trúc Vỹ, Bảo Lâm nhìn kỹ, rõ ràng cánh hoa rất giống bướm. Một con bướm màu đỏ đang vươn cánh định bay lên. Rõ thiên nhiên là một điều kỳ dị.
Trúc Vỹ tiếp tục giải thích:
- Cây này em mới trồng năm ngoái thôi mà năm nay đã trổ hoa, thích thật!
Rồi Trúc Vỹ chỉ một cây khác có lá dài, có hoa màu hồng nói:
- Đây là loại lan hẹ. Đầu hè năm nay, tất cả loài hoa nở rộ, ngay cả loài mẫu đơn lá kim, loại hoa hạt châu, hoa cần đỏ, cỏ bá nhật, hoa phù dung. Loại nào cũng nở hết. Cô giáo, cô giáo có biết loài huệ trên không? Để em đem một chậu cho cô xem nhé!
Trúc Vỹ vội kéo tay Bảo Lâm đi về phía kệ để đầy các chậu hoa. Cô nàng lấy một chậu đưa cho Bảo Lâm. Đây là chậu có hoa màu tím nhạt, những cánh hoa hình đũa tủa về phía trước trông rất dễ thương. Trúc Vỹ bỏ chậu hoa đó xuống rồi bưng một chậu khác lên, tiếp tục giới thiệu:
- Đây là lan đuôi trĩ, đây là thủy tiên, đây là nở ngày, đây là... Ồ! Chắc chắn là cô phải yêu chậu hoa này thôi.
Trúc Vỹ nâng một chậu hoa khác lên. Toàn bộ lá dài màu đỏ thẫm, cái màu đỏ thật ngọt ngào.
- Đây không phải là hoa mà toàn là lá, nhưng đẹp quá phải không cô? Cái tên nó cũng tuyệt đẹp, người ta gọi nó là "Nhạn lai hồng". Cánh nhạn bay đến đỏ trời. Em không biết tại sao người ta lại đặt cho nó cái tên đó. Có lẽ mỗi năm khi có chim nhạn bay về thì nó đổi sang màu hồng chăng?
Bảo Lâm kinh ngạc nhìn Trúc Vỹ. Nàng không ngờ Trúc Vỹ lại có kiến thức về thực vật phong phú như vậy. Bảo Lâm quay sang Tú Mẫn hỏi:
- Có phải những cái này là do anh dạy cho Vỹ không?
Tú Mẫn vừa cười vừa nói:
- Không phải, mà ngược lại. Cô ấy dạy tôi nhiều thứ, có điều tôi không có khiếu về ngành nghề này nên cứ quên mãi, ví dụ như loài hoa sâu rọm màu đỏ kia...
Trúc Vỹ kêu lên:
- Trời ơi! Đó là loài thiếc kiến thảo cơ mà, nói sâu rọm nghe dễ sợ!
Tú Mẫn cười chữa thẹn:
- Thiếc kiến thảo à? Tôi cứ quên mãi!
Ánh mắt của anh chàng long lanh. Bảo Lâm ngước lên, Tú Mẫn có cái vẻ đẹp lai lai làm sao ấy.
- Ai dạy cho em những kiến thức này, Trúc Vỹ?
Trúc Vỹ ngây thơ trả lời:
- Không ai dạy em cả.
Bảo Lâm nghĩ đến khả năng tiếp thu bài vở của Trúc Vỹ, bèn hỏi:
- Không làm gì có chuyện đó! Chắc chắn phải có người dạy cho em biết tên các loài hoa đó chứ?
Tú Mẫn chen vào:
- Chuyện đó hở? Vỹ học của ông làm vườn đấy. Cô nhìn xem kìa, cả khu vườn này là một tay Vỹ trồng đấy, cô ấy bắt đầu trồng hoa từ năm mười hai, mười ba tuổi. Mỗi lần ông thợ làm vườn đến là Vỹ vây lấy hỏi đủ thứ, hỏi cả tiếng đồng hồ luôn. Vỹ yêu trồng hoa như mẹ yêu con. Hoa nào nên trồng trong tháng nào, lúc bao lớn thì bón phân, tháng nào ra hoa, ra hạt, Vỹ đều có thể nói vanh vách. Cô ta chỉ cần nhìn lá là phân biệt được loài...
Bảo Lâm kinh ngạc nhìn Trúc Vỹ:
- Thế ư? Có nghĩa là Vỹ có thể phân biệt và gọi tên hết tất cả các hoa trong vườn cây?
Trúc Vỹ cười hãnh diện:
- Vâng.
Bảo Lâm chau mày:
- Làm sao em nhớ được?
Trúc Vỹ nhẹ nhàng:
- Sao không nhớ? Mỗi loài hoa đều có cái dễ thương của nó cơ mà. Hơn nữa, ngó vậy chứ chúng có những điều khác nhau đấy.
Bảo Lâm chỉ một chậu hoa cúc nhỏ màu vàng, nói:
- Hoa cúc này tháng nào gieo hạt tốt nhất?
Trúc Vỹ giải thích:
- Đấy không phải là hoa cúc. Nó có cái tên nghe đẹp lắm, đó là "Kim trản hoa". Gieo hạt vào mùa xuân hay mùa thu cũng được. Loại hoa này đúng ra nẩy mầm vào mùa xuân và tàn vào mùa hạ, nhưng nếu ta biết, cứ cánh hoa nào vừa tàn là ta cắt ngay thì có thể có hoa nở tận cuối hạ luôn.
Bảo Lâm ngạc nhiên nhìn Trúc Vỹ. Nàng bắt đầu suy nghĩ.
Tú Mẫn nhìn Bảo Lâm rồi nhìn Trúc Vỹ. Anh chàng biết đã đến giờ học của Trúc Vỹ rồi nên nói:
- Trúc Vỹ, cô giáo đã tới, lo chuẩn bị bài vở đi. Trong kỳ thi tuyển đại học sắp tới, không ai hỏi han gì đến hoa kim trản của cô đâu. Cố gắng thi đậu đi cô bé, rồi ta còn nhiều dịp bàn luận về hoa mà.
Trúc Vỹ thở dài. Cô bé có vẻ thích thở dài, chậm chạp đặt chậu hoa vào vị trí cũ, rồi quay lại Bảo Lâm:
- Chúng ta lên lầu học chứ cô?
Bảo Lâm như bừng tỉnh, hỏi nhanh Trúc Vỹ:
- Hôm nay cha em có ở nhà không?
- Dạ có.
- Ở đâu?
- Dạ, trong thư phòng của người đấy.
Bảo Lâm vội nói:
- Tốt! Vậy em lên lầu trước chờ. Tôi có chuyện cần nói với cha em, sau đấy tôi sẽ lên dạy sau.
Theo dõi page để cập nhật truyện hay

Thử đọc